Nhìn lại một năm công tác tổ chức xây dựng đảng các tỉnh, thành phố trên toàn quốc thấy bên cạnh những thuận lợi, nhiều thách thức mới nảy sinh. Nhưng có thể nói chúng ta đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ, cơ sở đảng, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ, in dấu bước tiến trên chặng đường 5 năm của nhiệm kỳ 2010-2015. Đón xuân Giáp Ngọ 2014, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng có cuộc trao đổi cùng các đồng chí vụ trưởng Vụ I (miền Bắc), Vụ II (miền Trung - Tây Nguyên), Vụ III (miền Nam) của Ban Tổ chức Trung ương để chia sẻ một số nét nổi bật, hướng đi trong năm mới và tâm huyết của những người làm công tác tổ chức, cán bộ.
Xin các đồng chí cho biết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) tác động thế nào đối với cán bộ, đảng viên, nhân dân trên cả 3 miền của đất nước? Những cách làm mới của các địa phương trong khu vực?
Đồng chí Đỗ Ngọc An (Vụ trưởng Vụ Địa phương I, gọi tắt là Vụ I): Việc thực hiện Nghị quyết chặt chẽ, đúng quy trình nên đã tạo tinh thần phấn khởi, tạo chuyển biến, kết quả. Chẳng hạn, Hà Nội với tinh thần gương mẫu, đi đầu, luôn sáng tạo, là Đảng bộ đầu tiên trong cả nước thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với Ban Thường vụ Thành ủy, các đồng chí phó chủ tịch HĐND, UBND thành phố và cán bộ chủ chốt ở 7 sở, ngành. Sau kiểm điểm và lấy phiếu tín nhiệm, cán bộ tự điều chỉnh để nâng cao chất lượng công việc. Nhiều tỉnh như Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình... khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của các cấp uỷ trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tập trung lãnh đạo giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Ví như Vĩnh Phúc, Lào Cai, TP. Hà Nội năm 2013 các đảng bộ tỉnh lãnh đạo thu ngân sách vượt mức đề ra trong khi nhiều nơi giảm thu...
Đồng chí Nguyễn Văn Quy (Vụ trưởng Vụ Địa phương II, gọi tắt là Vụ II): Cấp ủy và ban tổ chức cấp ủy các cấp thực hiện Nghị quyết gắn với học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời chỉ đạo khắc phục những khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình. Có tỉnh đã chỉ đạo, xử lý những tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm tạo chuyển biến bước đầu về công tác tổ chức xây dựng đảng. Phú Yên, Đăk Nông, Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi... là những tỉnh có các chương trình, lộ trình cụ thể, tập trung chỉ đạo, thực hiện khá tốt công tác tổ chức, cán bộ. Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định và TP. Đà Nẵng chỉ đạo công tác cơ sở đảng, đảng viên và sinh hoạt đảng bằng nhiều biện pháp thích hợp, đạt được kết quả tích cực. Những kết quả này đã góp phần từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo được niềm tin trong nhân dân.
Đồng chí Trần Trung Trực (Vụ trưởng Vụ Địa phương III, gọi tắt là Vụ III): Trọng tâm thực hiện Nghị quyết là khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình. Ít có nghị quyết nào mà sau một năm thực hiện, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp chỉ đạo sơ kết ráo riết từ cơ sở đến Trung ương như vậy. Một số địa phương có những cách làm mới đem lại hiệu quả thiết thực như: TP. Hồ Chí Minh đề ra 6 nhóm giải pháp với 52 đầu việc cụ thể khắc phục hạn chế, khuyết điểm; Thành ủy TP. Hồ Chí Minh bỏ phiếu kín đánh giá việc kiểm điểm đạt hay không đạt yêu cầu. Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Kiên Giang... chú trọng sửa đổi phong cách, lề lối làm việc, ra chỉ thị của ban thường vụ về “cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc”, kiểm tra đột xuất việc thực hiện chỉ thị và công bố công khai vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. TP. Cần Thơ lần đầu tiên thực hiện chất vấn trong Đảng bộ. Bình Phước, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau... tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề tồn đọng, bức xúc trong dư luận; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ lãnh đạo sai phạm. Bà Rịa - Vũng Tàu sửa đổi, bổ sung Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ, thực hiện thi tuyển cán bộ, công chức theo phương châm “làm gì, thi đó”. Ninh Thuận, Bạc Liêu... điều chuyển công tác đối với một số cán bộ ở một vị trí trong thời gian quá lâu và có nhiều dư luận không tốt. Đồng Nai công khai kết quả đánh giá chất lượng TCCSĐ, đảng viên để nhân dân giám sát. Bình Thuận, Tây Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang và TP. Cần Thơ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm trong ban thường vụ cấp ủy...
Theo các đồng chí, phải chăng nét nổi bật trong công tác cán bộ từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái của năm 2013 là tính chủ động?
Đồng chí Đỗ Ngọc An: Đúng thế. Chủ động, tích cực, có trách nhiệm và đổi mới đồng bộ các khâu của công tác cán bộ là nét mới và nổi bật trong năm 2013. Các tỉnh, thành phía Bắc đã chủ động thực hiện đồng bộ công tác cán bộ đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành phố làm sớm quy hoạch. Đội ngũ cán bộ được quy hoạch đảm bảo 3 độ tuổi, cơ cấu trẻ, nữ. Nổi bật làm tốt công tác quy hoạch là TP. Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hoá... Sau quy hoạch, các tỉnh, thành phố đã chú ý đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch và dự nguồn. Các tỉnh đã chủ động đào tạo, bồi dưỡng, không như mọi năm là chờ xin ý kiến của Trung ương và cử cán bộ đi học tại các học viện hoặc mở lớp học phù hợp với đặc thù địa phương. Hà Nội đã chủ động mở 3 lớp cán bộ nguồn và đã đưa cán bộ về cơ sở thâm nhập thực tiễn. Cao Bằng, Bắc Kạn mở lớp đào tạo cán bộ nguồn cho cơ sở. Luân chuyển cán bộ được thực hiện đa chiều: từ tỉnh xuống huyện, huyện sang huyện, huyện xuống xã và xã sang xã. Tiêu biểu làm tốt công tác này là Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Ninh Bình... Thời gian qua, Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Giang đã tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý, thí điểm thi, xét các nhân sự trước khi bổ nhiệm. Có đơn vị khi cần bổ nhiệm một người đã giới thiệu hai nhân sự để đảm bảo khách quan, dân chủ. Các địa phương trong khu vực thực hiện bổ nhiệm trên 60% bí thư cấp ủy hoặc chủ tịch UBND không phải người địa phương. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và đề bạt cán bộ được thực hiện đồng bộ, nhiều đổi mới và có kết quả góp phần nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ.
Đồng chí Trần Trung Trực: Các tỉnh, thành phía Nam tập trung, chủ động rà soát, quy hoạch cán bộ làm cơ sở để Trung ương quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Nét mới trong quy hoạch cán bộ lần này là bảo đảm yêu cầu về 3 độ tuổi trong mỗi chức danh. Nhiều địa phương thực hiện nguyên tắc “4 không”: không quy hoạch chức danh đương nhiệm; không quy hoạch 1 người vào 1 chức danh; không quy hoạch 1 người vào quá 3 chức danh và không quy hoạch 1 chức danh quá 4 người. Khác quy hoạch của nhiệm kỳ trước là Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê duyệt ban thường vụ, các chức danh chủ chốt và cả danh sách ban chấp hành. Long An, Cà Mau, Lâm Đồng... thực hiện công khai đề án quy hoạch đã được phê duyệt đến BCH, riêng TP. Cần Thơ công khai đến cán bộ chủ chốt và thực hiện ngay kế hoạch đào tạo, luân chuyển một số chức danh cán bộ nữ, trẻ có triển vọng.
Đồng chí Nguyễn Văn Quy: Khu vực miền Trung - Tây Nguyên tập trung thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ, chủ động tạo nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ban tổ chức các tỉnh, thành uỷ kịp thời quán triệt các kết luận, hướng dẫn của Trung ương, tham mưu cho ban thường vụ ban hành kế hoạch, hướng dẫn và triển khai thực hiện theo sát với tình hình đội ngũ cán bộ của địa phương. Cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ trẻ và cán bộ là người dân tộc được các địa phương coi trọng. 3 độ tuổi trong quy hoạch các chức danh, phương châm “động” và “mở” được nhận thức và thực hiện tốt hơn so với trước. Kết quả cho thấy số lượng, chất lượng cán bộ được quy hoạch cao hơn nhiệm kỳ trước, đảm bảo hệ số dư, tỉ lệ nữ, trẻ theo quy định. Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Khánh Hòa, Kon Tum... thực hiện khá tốt công tác này, tạo cơ sở thực hiện các khâu khác chủ động và tích cực hơn. Toàn khu vực đã quy hoạch 1.240 đồng chí vào BCH đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, đạt hệ số 1,7 lần so với số lượng BCH đương nhiệm. Trong đó tỉ lệ trẻ (dưới 40 tuổi) chiếm 25,4%, nữ 20,4%, dân tộc thiểu số 10,6%. Đối với các tỉnh Tây Nguyên, cán bộ người dân tộc thiểu số được quy hoạch có tỉ lệ cao.
Ban thường vụ các tỉnh, thành uỷ đã chủ động lấy phiếu tín nhiệm cán bộ theo các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Đến nay, 13/13 tỉnh, thành phố trong khu vực đã lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn; có 4/13 tỉnh (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Phú Yên) đã lấy phiếu tín nhiệm đối với ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy và có 4/13 tỉnh (Quảng Nam, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum) đã lấy phiếu tín nhiệm ở cấp sở, ngành, huyện, xã. Đối với cán bộ diện Trung ương quản lý, hầu hết đều có tỉ lệ phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm trên 80%; nhiều đồng chí không có phiếu tín nhiệm thấp, kể cả lấy phiếu tín nhiệm trong hội nghị tỉnh ủy và trong kỳ họp HĐND. Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện đúng nguyên tắc, đối tượng, quy trình, đảm bảo dân chủ, minh bạch, công khai.
Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hoà tích cực thực hiện các giải pháp tạo nguồn cán bộ, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, đào tạo rồi bố trí công tác ở cấp xã. TP. Đà Nẵng tuyển chọn, cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài, tiếp nhận và phân công nhiệm vụ để rèn luyện, thử thách, chủ động tạo nguồn cán bộ chất lượng cao. Quảng Nam, Đăk Nông ban hành Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ và đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh...
Các đồng chí có thể cho biết những trọng tâm công tác tổ chức xây dựng đảng trên 3 miền đất nước trong năm 2014?
Đồng chí Trần Trung Trực: Theo tôi, trong năm 2014 cần chú trọng một số nội dung sau: 1) Rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ đã được phê duyệt, chú trọng phát hiện, lựa chọn cán bộ nữ, trẻ, cán bộ có triển vọng bổ sung vào quy hoạch, đồng thời thực hiện luân chuyển, bố trí vào vị trí tiếp cận với chức danh quy hoạch. Đánh giá, bố trí, sắp xếp cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt gắn với luân chuyển cán bộ, gắn với thí điểm một số chức danh không là người địa phương, tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị nhân sự đại hội. 2) Tổng kết thi hành Điều lệ Đảng, hướng dẫn thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng. 3) Tổng kết thực hiện Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị (khóa X); Hướng dẫn công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp: số lượng, cơ cấu, độ tuổi tham gia cấp ủy... 4) Làm tốt tự phê bình và phê bình, đánh giá, phân tích chất lượng tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý và đảng viên vào cuối năm 2014.
Đồng chí Nguyễn Văn Quy: Quán triệt và thực hiện các chủ trương, quy định, hướng dẫn của Trung ương, trong đó trọng tâm là tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về công tác tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã xác định, gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực và có hiệu quả. Thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 của BCH Trung ương (khóa XI) “Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”. Tích cực, chủ động chuẩn bị phục vụ tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới, nhất là công tác nhân sự đại hội một cách chặt chẽ, đúng nguyên tắc và có chất lượng. Thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên về tổ chức, cán bộ, xây dựng TCCSĐ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; “xóa” thôn, buôn chưa có tổ chức đảng và đảng viên. Luôn chú trọng, quan tâm xây dựng Ngành Tổ chức xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, nhất là củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu quả, cải tiến phương pháp làm việc; nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng các cấp nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Đỗ Ngọc An: Vụ I tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Ban Tổ chức Trung ương giao, trọng tâm là công tác tổ chức và cán bộ, góp phần xây dựng hệ thống văn bản phục vụ Đại hội XII. Tham mưu sắp xếp để ban nội chính các tỉnh, thành đi vào hoạt động. Thực hiện nghị quyết của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan tham mưu giúp việc tỉnh, thành uỷ. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị, tham mưu tổng kết mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, mô hình chi bộ cơ quan. Khắc phục tình trạng “trắng” TCCSĐ ở vùng khó khăn, biên giới, vùng sâu, xa. Phối hợp các tỉnh, thành ủy để chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp. Tham mưu cho lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương về công tác cán bộ, tập trung vào bố trí, bổ nhiệm, chuẩn bị nhân sự đại hội. Tham mưu đổi mới thực hiện quy trình đánh giá cán bộ có hiệu quả hơn. Đồng thời, tham mưu tổng kết 30 năm đổi mới gắn với công tác tổ chức xây dựng đảng.
Những thành quả đạt được và những nhiệm vụ sắp tới về công tác tổ chức xây dựng đảng hẳn có sự đóng góp không nhỏ của những người làm công tác tổ chức, cán bộ?
Đồng chí Trần Trung Trực: Vụ III và các đồng chí ở địa phương đóng góp bằng cả nghị lực, trí tuệ, tinh thần, được thể hiện rõ nhất trên những mặt sau: Chủ động và quyết liệt hơn trong tham mưu, đề xuất, cụ thể hóa. Tham mưu trúng, đúng và kịp thời là yếu tố quan trọng tạo niềm tin và động lực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Năm 2013, các ban tổ chức tỉnh, thành ủy đã tích cực, chủ động phối hợp với các ban đảng tham mưu giúp ban thường vụ cấp ủy tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng đảng, góp phần vào thành công của các hội nghị Trung ương khóa XI. Đặc biệt, chủ động và mạnh dạn, quyết liệt hơn trong tham mưu cơ cấu lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, mở rộng dân chủ, hướng mạnh về cơ sở. Thí dụ, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đề xuất tổ chức bộ máy và bố trí nhân sự theo mô hình chính quyền đô thị; Đồng Nai tham mưu ban hành 14 văn bản cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn của Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; Bà Rịa - Vũng Tàu tham mưu thành lập “chi bộ cơ động” làm nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong khu công nghiệp, khu chế xuất; An Giang tham mưu điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới một số chính sách phụ cấp, sinh hoạt phí, nghỉ hưu, nghỉ việc đối với cán bộ không chuyên trách cấp cơ sở... Ban tổ chức cấp ủy các cấp đã cụ thể hóa các nghị quyết, chủ trương của Trung ương thành những nội dung công việc cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương, mô tả được công việc phải làm, xác định được người chủ trì và người phối hợp thực hiện. Trung thành, trung thực với Đảng, tận tụy, trách nhiệm với cán bộ, đảng viên và nhân dân khi thực thi nhiệm vụ, làm việc khách quan với cái tâm trong sáng, gương mẫu trong đạo đức, lối sống của những người làm công tác tổ chức xây dựng đảng là yếu tố cực kỳ quan trọng tạo nên kết quả chung.
Đồng chí Nguyễn Văn Quy: Theo tôi là sự chủ động nghiên cứu và kịp thời tham mưu, tổ chức thực hiện tích cực của ban tổ chức cấp ủy các cấp. Tập thể và từng cá nhân cần luôn cố gắng, nghiên cứu kỹ các văn bản mới, đầu tư suy nghĩ, chủ động và nêu cao trách nhiệm, kịp thời tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực hoàn thành khối lượng lớn công việc với yêu cầu cao về chất lượng và thời gian. Cụ thể là theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, tham mưu và thực hiện các nhiệm vụ tổ chức xây dựng đảng đồng bộ, kịp thời, có chất lượng. Thường xuyên bám sát địa bàn, phản ánh và tham mưu, đề xuất đúng, thể hiện được chính kiến, bản lĩnh, trách nhiệm, sự công tâm, khách quan của mình, nhất là trong công tác tổ chức, cán bộ.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Vụ II đã tăng cường trách nhiệm, bám sát quá trình thực hiện của địa phương để tham gia ý kiến, hướng dẫn việc thực hiện; chủ động thẩm định, tham mưu, đề xuất lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương. Khi triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên ở khu vực, Vụ II tích cực bám sát địa bàn để đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn, góp ý và cùng với địa phương triển khai thực hiện; trao đổi, giới thiệu về những kinh nghiệm, cách làm hay của mỗi địa phương để có sự nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, phù hợp với thực tế từng địa phương.
Đồng chí Đỗ Ngọc An: Năm nay, các cấp uỷ chú ý lĩnh vực TCCSĐ, đi sâu những nội dung mới trong bổ nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm, đề bạt, thi tuyển, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, chuẩn bị một bước chho công tác nhân sự của đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng... Vụ I tích cực và chủ động xây dựng đề án đánh giá cán bộ tỉnh, thành phố diện Trung ương quản lý. Vụ chủ động phối hợp các vụ chuyên đề của Ban Tổ chức Trung ương gợi ý cho các tỉnh, thành uỷ thực hiện tốt công tác tổ chức xây dựng đảng, đặc biệt chú trọng công tác cán bộ. Phối hợp với các vụ, địa phương để tiếp tục thực hiện công việc ngày càng có hiệu quả, chất lượng.
Trân trọng cảm ơn các đồng chí. Năm mới, kính chúc các đồng chí sức khỏe, đạt nhiều kết quả mới, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đỗ Ngọc An, Nguyễn Văn Quy, Trần Trung Trực