Lãnh đạo công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

Trong quá trình lãnh đạo, các cấp ủy đảng ở Tây Nguyên luôn xác định công tác vận động đồng bào DTTS là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, do đó đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, về phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, nâng cao đời sống nhân dân trong cộng đồng DTTS. Nhiều cấp ủy viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ dân vận ở cơ sở. Trên cơ sở đó, công tác dân vận đã đạt được những kết quả quan trọng, đời sống của nhân dân các DTTS ngày càng được nâng lên.             

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2013, các tỉnh đã có nhiều biện pháp hỗ trợ về chăn nuôi, tạo việc làm, phát triển ngành nghề nông thôn, tháo gỡ những vướng mắc về đất đai trong các dự án nông lâm nghiệp nhằm tạo điều kiện cho đồng bào DTTS có đất sản xuất; đã đào tạo nghề cho 36.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 37,2%; giải quyết việc làm cho 51.000 lao động ở nông thôn; tùy theo dân tộc và trình độ đào tạo, nhiều địa phương có chính sách hỗ trợ cho con em đồng bào DTTS đi học nghề, tự tìm kiếm việc làm. Theo tiêu chí chung về xây dựng nông thôn mới, hiện nay toàn vùng có 2 xã đạt 19 tiêu chí, 17 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí, 76 xã đạt từ 9 đến 13 tiêu chí.            

Công tác bảo đảm an ninh nông thôn được tăng cường, các cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng đã phát động quần chúng ở hàng trăm buôn, làng gọi hỏi đấu tranh, răn đe nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động FULRO, “Tin lành Đêga”; quan tâm đến việc theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ các chi hội, điểm nhóm Tin lành hoạt động đúng pháp luật; công tác đấu tranh xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn” cơ bản đạt yêu cầu cả về nhận thức và biện pháp, hầu hết các đối tượng cầm đầu bị khống chế, số còn lại được răn đe, kiểm điểm công khai trước nhân dân và giao về địa phương quản lý, giáo dục.                  

Nhiều điểm nóng về khai thác gỗ trái phép bị xóa bỏ, nạn cháy rừng cơ bản được khống chế, các địa phương đã kiên quyết xử lý các doanh nghiệp để mất rừng. Tỉnh Đăk Nông đã khởi tố 7 vụ với 19 đối tượng mua bán đất rừng, xử lý 18 vụ với 43 đối tượng liên quan đến chặt phá rừng; tỉnh Lâm Đồng xem xét giải quyết kịp thời nhiều đơn thư khiếu kiện góp phần giải tỏa những bức xúc chính đáng của nhân dân.                     

Thực hiện phương châm hướng về cơ sở, các tỉnh đã bố trí cán bộ, cấp ủy viên cấp huyện về tham gia sinh hoạt thường xuyên với các chi bộ trực thuộc, tăng cường thông tin, tập trung chỉ đạo tổ chức đảng ở xã phường, buôn, làng tăng cường công tác dân vận, chủ động nắm tình hình trong cộng đồng DTTS. Công tác phát triển đảng viên nói chung, trong đồng bào DTTS nói riêng đạt kết quả khá tốt, sáu tháng đầu năm 2013 toàn vùng kết nạp được 3.933 đảng viên. Đến nay, số thôn buôn chưa có đảng viên chỉ còn 27 thôn buôn, chiếm 0,34%; số chưa có tổ chức đảng còn 207 chiếm 2,65%. Riêng tỉnh Gia Lai đã hoàn thành mục tiêu 100% thôn, buôn, tổ dân phố có đảng viên tại chỗ. Các tỉnh đã ưu tiên nguồn kinh phí, chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo mở nhiều lớp bồi dưỡng theo các chuyên đề về hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã, các kỹ năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo cho hơn 130.000 lượt cán bộ theo học; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đến nay cơ bản là người tại chỗ và tỷ lệ chuẩn hóa ngày càng cao…                    

Mặc dù vậy, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn thấp, chất lượng giảm nghèo thiếu bền vững. Tình hình thiếu đất sản xuất của đồng bào DTTS vẫn tiếp tục là vấn đề cần quan tâm ở Tây Nguyên. Tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, một số phần tử chống đối vẫn ngấm ngầm hoạt động. Tình trạng khiếu kiện về đất đai, đền bù giải tỏa ở các dự án thủy điện, nông trường, tranh chấp quyền lợi trong phân phối sản phẩm giữa người dân với một số doanh nghiệp vẫn xảy ra. Khoảng cách giàu nghèo, phân tầng xã hội tiếp tục rộng ra, cùng với tệ quan liêu, xa dân của một số cán bộ, đảng viên chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Không ít vụ việc tiêu cực chưa giải quyết dứt điểm, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, mặt trận, đoàn thể với các cơ quan chức năng. Có những vấn đề nhạy cảm, phức tạp cấp ủy, chính quyền phát hiện nhưng chậm đề ra chủ trương, cách thức giải quyết... Chất lượng hoạt động của các chi bộ buôn, làng thấp, vai trò gương mẫu của đảng viên chưa cao; hoạt động của lực lượng nòng cốt trong vùng đồng bào DTTS, vùng có đạo hạn chế; một bộ phận nhân dân DTTS còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Công tác dân vận trong đồng bào DTTS ở Tây Nguyên thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, hiện tượng không ít cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách cơ sở, sống trong dân nhưng chưa hiểu, nắm không rõ những hoạt động của đồng bào DTTS, nhất là đối tượng thanh niên...

Thực tế cho thấy, đời sống mọi mặt của đồng bào DTTS Tây Nguyên được nâng cao hay giảm sút, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội có được giữ vững hay không thuộc về trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các cấp ủy viên phụ trách công tác dân vận và cán bộ, đảng viên ở cơ sở.                   

Vì vậy, muốn tăng cường, đổi mới công tác dân vận, ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống trong cộng đồng DTTS ở Tây Nguyên, các cấp ủy đảng cần phải cụ thể hóa nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách thành quy chế, quy định để cấp ủy, cá nhân cấp ủy viên quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Đối với tập thể cấp ủy, cần căn cứ yêu cầu, tình hình cụ thể, xây dựng chủ trương, chương trình hành động hàng năm; định hướng nội dung hoạt động, tạo thuận lợi để mặt trận và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng chủ trương, nghị quyết về công tác dân vận trong đồng bào DTTS; lãnh đạo về tổ chức, nhân sự, bố trí, giới thiệu cán bộ, đảng viên có năng lực phụ trách công tác dân vận, “khắc phục tình trạng đưa cán bộ phẩm chất, năng lực yếu kém và không có uy tín về làm công tác dân vận”[1].                         

Định kỳ 3 tháng, 6 tháng, một năm và trong trường hợp cần thiết thường trực cấp ủy nghe ban dân vận, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các cơ quan, các tổ chức liên quan báo cáo tình hình công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS; chỉ đạo kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của cấp trên và cùng cấp về công tác dân vận trong đồng bào DTTS; phân công cấp ủy viên và đảng viên trực tiếp làm công tác dân vận tại nơi cư trú và nơi công tác.   

Đối với cá nhân phụ trách, phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cơ quan, đơn vị về công tác dân vận trên địa bàn phụ trách; chủ động xây dựng chương trình công tác, thực hiện chế độ sinh hoạt, lịch trình tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, đảng viên, nhân dân nơi được phân công phụ trách; thực sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”[2]; tự giác nghiên cứu, cập nhật kiến thức về công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo; bắt buộc phải sắp xếp thời gian tham dự các lớp tập huấn về công tác dân vận do ban dân vận cấp ủy cấp trên tổ chức; tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở; định kỳ hàng tháng báo cáo trung thực với cấp ủy về tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của đồng bào các DTTS nơi được phân công phụ trách.                 

Mỗi cấp ủy viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải trên cơ sở nghị quyết của cấp ủy và theo chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công đề cao trách nhiệm cá nhân, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ và phải chịu sự kiểm tra, giám sát, phê bình của tập thể cấp ủy. Kiên quyết đấu tranh và có biện pháp xử lý kịp thời, đúng đắn với các biểu hiện quan liêu, áp đặt, hạ thấp vai trò tập thể cấp ủy hoặc dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể cấp ủy, lẩn tránh trách nhiệm cá nhân. Quy hoạch, đào tạo, xây dựng tiêu chuẩn chức danh cấp ủy viên phụ trách công tác dân vận trong vùng DTTS để lựa chọn, bố trí cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về công tác dân vận trong tình hình mới.

...........................................................

[1], [2] Nghị quyết TƯ 7, khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất