Ngày nay, sự bùng nổ thông tin làm cho các sự kiện, hiện tượng được lan truyền nhanh chóng. Nhiều thông tin trở thành dư luận xã hội tích cực nhưng cũng có không ít thông tin trở thành dư luận tiêu cực, đi ngược lại với lợi ích của tập thể, của cộng đồng xã hội. Dư luận là một hiện tượng tinh thần trong đời sống xã hội, là sự phán xét, đánh giá, biểu thị thái độ đối với các sự kiện, hiện tượng xảy ra có liên quan đến nhu cầu, lợi ích của các thành viên. Dư luận xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng các tổ chức đảng, vậy, vai trò của cán bộ, đảng viên trong định hướng dư luận có ý nghĩa đặc biệt nhằm hướng dẫn, thúc đẩy dư luận tích cực, khắc phục dư luận tiêu cực.
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) trong Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đã nhấn mạnh: “Chấn chỉnh hoạt động thông tin, tuyên truyền; quản lý có hiệu quả hoạt động báo chí theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước... Tập trung chấn chỉnh, quản lý thông tin trên mạng Internet, các mạng xã hội và blog cá nhân”. Để định hướng dư luận xã hội, các tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một là, thường xuyên nâng cao phẩm chất chính trị cho cán bộ, đảng viên
Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu, là cơ sở để cán bộ, đảng viên phân biệt đúng sai, đánh giá khách quan, chính xác các sự kiện, hiện tượng, từ đó nhanh chóng thống nhất nhận thức, tư tưởng, hình thành dư luận tích cực từ mỗi cán bộ, đảng viên. Phẩm chất chính trị của cán bộ, đảng viên chính là sự hiểu biết sâu sắc lý luận với thực tiễn, trung thành tuyệt đối với lý tưởng, mục tiêu của Đảng, với nhân dân, Tổ quốc, không hoang mang dao động, tin vào sự nghiệp đổi mới đất nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy bén, luôn nêu cao cảnh giác, có thái độ đúng đắn trước những sự kiện, hiện tượng về kinh tế - xã hội, phân biệt rõ đối tượng, đối tác...Muốn nâng cao phẩm chất chính trị, mỗi cán bộ đảng viên trước hết phải tăng cường hàm lượng trí tuệ, như Đảng ta đã xác định: “Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị”[i]. Có trí tuệ mới có thể nhận thức chính xác và mau lẹ các sự kiện, hiện tượng xảy ra. Đồng thời, người cán bộ, đảng viên cần phải tôn trọng và lắng nghe ý kiến của quần chúng, luôn xuất phát từ lợi ích của tập thể, của xã hội, vì quyền lợi chung để có sự lựa chọn kịp thời, chính xác đối với các sự kiện, hiện tượng. Nếu sự kiện, hiện tượng đó có lợi cho tập thể thì cần tích cực tuyên truyền, ngược lại thì phải dập tắt, ngăn ngừa, tránh để dư luận tiêu cực lây lan. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự giáo dục, tự rèn luyên đạo đức cách mạng. Phải ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng, củng cố lập trường, bản lĩnh, nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát huy truyền thống cách mạng tốt đẹp của dân tộc, Đảng ta. Theo dõi, bám sát tình hình thế giới, khu vực, trong nước để nhận định, đánh giá, phán xét. Đó sẽ chính là liều thuốc có thể đề kháng tốt với những tác động xấu, hình thành dư luận tích cực.
Hai là, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời
Dư luận xã hội được lan truyền theo hướng tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào việc cung cấp thông tin. Đó cũng chính là quá trình người cán bộ, đảng viên với vai trò là chủ thể dư luận xã hội biết chọn lọc thông tin làm cho thông tin đó dễ hiểu, dễ tiếp thu đối với mọi cá nhân, nhất là trong quần chúng nhân dân. Do đó, cán bộ, đảng viên tránh tiếp nhận những thông tin một chiều, phiến diện dẫn đến phản ánh sai lệch làm ảnh hưởng đến nhận thức của tập thể. Các thông tin đó phải phản ánh trung thực, khách quan, chính xác, nhất là những thông tin liên quan quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, lãnh thổ để mọi người thống nhất quan điểm trên cơ sở lợi ích dân tộc, khoa học và luật pháp quốc tế, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên nhất là những người chủ trì cần phải bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, định hướng cho quần chúng nhân dân theo các quan điểm của Đảng và Nhà nước, tích cực ngăn ngừa những tin đồn thất thiệt và hướng dẫn mọi người tăng cường khả năng đề kháng, miễn dịch trước các thông tin xuyên tạc sự thật.
Ba là, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, lực lượng nòng cốt trong định hướng và điều khiển dư luận
Cán bộ, đảng viên là những chủ thể định hướng, điều khiển dư luận nên phải là những người thực sự có uy tín cao, mẫu mực trong tập thể, được mọi người tín nhiệm, phải biết cách dẫn dắt, lôi kéo, biết cách tác động theo đúng phương thức tâm lý xã hội như hướng dẫn, thuyết phục, nêu gương để hình thành dư luận tích cực. Khi xuất hiện tin đồn thất thiệt cần phải nhanh chóng tìm nguồn phát, gặp gỡ những người đưa tin sai lệch cũng như giải thích, thuyết phục họ về những thông tin sai lệch làm thay đổi nhận thức và thái độ của họ đối với tập thể. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên, lực lượng nòng cốt cần phải tăng cường các biện pháp cụ thể như giải thích, chứng minhđể mọi người tin tưởng.
Bốn là, phấn đấu xây dựng chi bộ, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, loại trừ tham nhũng, loại trừ lợi dụng chức quyền vun vén cá nhân, không để xảy ra tiêu cực khiến kẻ xấu lợi dụng phát tán, thổi phồng tin đồn, tạo dư luận xấu.
Tóm lại, định hướng dư luận xã hội là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Đó không chỉ là nội dung mà còn là phương thức để tạo sự thống nhất trong Đảng, đoàn kết nội bộ, đồng thời cũng là phương thuốc đề kháng với những thông tin sai lệch, thất thiệt.
[i] Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, Tr.257.
TS. Nguyễn Dân Quốc,Th.s Nguyễn Văn Công,Ths Nguyễn Thanh Hải
Đại học Nguyễn Huệ- Bộ Quốc Phòng.