Mùa xuân và những bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam

Từ ngàn đời nay, trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt, mùa Xuân tượng trưng cho sức mạnh, sự trẻ trung và những gì tốt đẹp nhất đến với con người. “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân”. Như có sự hẹn hò giữa thời gian và sự kiện, giữa thiên nhiên, trời đất và con người. Những bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam thường gắn với mùa xuân trong suốt chiều dài lịch sử từ chống giặc ngoại xâm đến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mùa xuân năm 1077 diễn ra trận quyết chiến chiến lược Như Nguyệt (18-1 đến 2-1077) của quân dân Đại Việt do Lý Thường Kiệt chỉ huy nhằm tiêu diệt quân Tống xâm lược trên phòng tuyến sông Cầu (Bắc Ninh) đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Tống lần thứ II (1075 - 1077).


Mùa xuân năm 1258 diễn ra cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ I, trong đó quân và dân ta dưới thời nhà Trần tổ chức phản công bằng trận Đông Bộ Đầu (ngày 29-1-1258), đập tan âm mưu xâm lược Đại Việt của quân Nguyên - Mông. Mùa xuân năm 1285 diễn ra trận phòng ngự ở Vạn Kiếp (2-1285) do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy, đánh thắng quân Nguyên - Mông trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ II. Mùa xuân năm 1288 ghi lại trận phục kích đường sông của quân dân nhà Trần (Đại Việt) trên sông Bạch Đằng (9-4-1288) do Trần Quốc Tuấn chỉ huy nhằm tiêu diệt quân Nguyên - Mông trên đường rút chạy, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần III (1287 - 1288).


Mùa xuân năm 1785 chứng kiến trận Rạch Gầm - Xoài Mút (20-1-1785) do Nguyễn Huệ chỉ huy, đập tan âm mưu can thiệp của phong kiến Xiêm, đánh đổ các tập đoàn phong kiến của chúa Nguyễn ở Đàng trong.


Mùa xuân năm 1789, chỉ trong vòng 5 ngày đêm (từ ngày 30-12 đến 5-1 năm Kỷ Dậu - 1789), dân tộc ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Quang Trung - Nguyễn Huệ đã quét sạch 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi, giải phóng kinh thành Thăng Long, giải phóng Tổ quốc. Đây là một trong những chiến công vĩ đại và hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Từ khi có Đảng, sự gắn kết giữa Đảng - Bác Hồ - mùa xuân càng thêm rõ nét. Mùa xuân năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cách mạng Việt Nam có cương lĩnh đúng đắn do Bác Hồ khởi thảo, đời sống chính trị, tinh thần, khí thế đấu tranh cách mạng của toàn dân ta đã chuyển qua một giai đoạn mới. Dân tộc Việt Nam vững tin trên con đường đấu tranh cách mạng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.

Mùa xuân năm 1941, sau gần ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về Cao Bằng (28-1-1941) - mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài và vô cùng gian khổ của dân tộc ta đã có biết bao chiến công hiển hách được ghi dấu ấn lịch sử từ những mùa xuân. Mở đầu cho những chiến công to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc Đồng khởi của quân và dân Bến Tre mùa xuân năm 1960, tạo một bước phát triển mới quan trọng của cách mạng miền Nam. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 tạo tiếng vang lớn làm đau đầu cả Lầu Năm Góc, báo hiệu sự sụp đổ không thể nào tránh khỏi của quân xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai. Cuộc tiến công chiến lược xuân - hè năm 1972, đặc biệt là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm đó đã làm sụp đổ hoàn toàn uy lực của không lực Hoa Kỳ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pa-ri rút quân về nước. Và cuối cùng là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang ba mươi năm chiến tranh giải phóng giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong mùa xuân năm 1975 như một điểm hẹn lịch sử, là sự kết tinh của đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn, theo tư tưởng Hồ Chí Minh “không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Đảng, Bác Hồ kính yêu là mùa xuân của dân tộc ta. Đường lối đổi mới do Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra cũng vào mùa xuân mới làm thay đổi một bước cơ bản diện mạo của dân tộc. Nghị quyết Đại hội VII, Đại hội VIII, Đại hội IX, Đại hội X, XI của Đảng tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là sự lựa chọn duy nhất đúng, đã tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phấn đấu thực hiện cho kỳ được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đã chứng minh tính đúng đắn của cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ của Đảng đồng thời giúp chúng ta nhận thức ngày càng rõ hơn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Bước sang mùa xuân mới, mùa xuân thứ 84 từ khi Đảng ta ra đời, con thuyền cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đang căng buồm, rẽ sóng ra biển lớn. Kế thừa và phát huy thành quả đã đạt được trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, bằng niềm tin và sức mạnh mới, tạo những bước đột phá trong quá trình phát triển của đất nước. Đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia, xây dựng một nhà nước với nền hành chính dân chủ, minh bạch và chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và giám sát của nhân dân, đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn phân hoá giàu nghèo, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị- xã hội và không ngừng nỗ lực để nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Phát huy năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, cán bộ lãnh đạo và quản lý trong sạch, thực sự là công bộc của dân.

Với vị thế mới, niềm tin và sức mạnh mới, cả dân tộc phát huy trí sáng tạo, đồng tâm nhất trí xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.  

Thượng tá Nguyễn Tuấn Sơn
Đại học Nguyễn Huệ

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất