Người về mang tới ngày vui

Tuyên ngôn Độc lập - kết quả 15 năm đấu tranh kiên cường bất khuất của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là kết quả của cuộc hành trình hơn 30 năm tìm kiếm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: “Người về đem tới ngày vui/ Mùa thu nắng tỏa Ba Đình/ Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời/ Người về đem tới xuân đời/ Từ đất nước cằn, từ bùn lầy/ Cả cuộc đời bừng lên…”.

Đứng trước các cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước của các lãnh tụ yêu nước tiền bối lần lượt bị thất bại, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã nhận trọng trách lịch sử giao phó, quyết tâm ra đi tìm chân lý cứu nước, cứu dân. Ngày 5-6-1911, trên tàu Đô đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vi-lơ, Người ra đi từ Bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn đến Mác-xây, Pháp.

Từ năm 1911, khi rời Tổ quốc đến năm 1941, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đi qua 3 đại dương, 4 châu lục, 29 quốc gia. Trong cuộc hành trình vĩ đại, dài vạn dặm ấy, Nguyễn Ái Quốc đã đến được với chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, tìm ra được con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Ba mươi năm ấy, Người đã mất mười năm tìm chân lý (1911-1920) để trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên; mười năm chuẩn bị lý luận, tổ chức định hướng cho cách mạng Việt Nam, chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3 - 2 - 1930 - Đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam và mười năm vượt qua thử thách, kiên trì con đường cách mạng Việt Nam (1930 - 1940).

Thời gian hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc luôn theo sát từng bước phát triển của cách mạng Việt Nam, tìm mọi cách đề nghị với Quốc tế cộng sản bố trí công tác, phù hợp để tham gia trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Được sự nhất trí của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc rời Mátxcơva với nhiệm vụ “đến Trung Quốc để công tác trong Đảng Cộng sản Đông Dương”. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng, thời điểm khảo sát, tiếp cận và chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho cuộc “đột nội”, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Ngày 28 - 1 - 1941, Nguyễn Ái Quốc về tới cột mốc 108, biên giới Việt - Trung thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Người đứng lặng hồi lâu bồi hồi, xúc động trào dâng “Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ, hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình”… Người quyết định chọn Cao Bằng là điểm đặt chân đầu tiên và làm trung tâm “cơ quan đầu não” chỉ đạo cách mạng Việt Nam sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước. Vì, Cao Bằng là địa bàn quy tụ đầy đủ yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” - Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được.

Sau khi khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tình hình, ngày 19-5-1941, tại Khuổi Nậm - Pác Bó - Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Trên cơ sở đường lối chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng trong Hội nghị Trung ương 6 và 7, Hội nghị Trung ương 8 phát triển và hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ chống đế quốc giải phóng dân tộc lên hàng đầu, nhiệm vụ chống phong kiến và các nhiệm vụ dân chủ khác phải rải ra thực hiện từng bước. Người chỉ rõ:“Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”[1]. Vì vậy, “bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”[2]. Hội nghị Trung ương 8 của Đảng là sự gặp gỡ giữa tư tưởng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc với tư tưởng giải phóng dân tộc của Trung ương Đảng. Cũng từ đây, Mặt trận Việt Minh ra đời - một chủ trương mang tính chiến lược, sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhằm đoàn kết hết thảy các lực lượng yêu nước không phân biệt dân tộc, giai cấp, đảng phái, giai cấp, là người Việt Nam đoàn kết trong một mặt trận để cứu nước, giải phóng dân tộc. Thể hiện rõ chính sách “dân tộc tự quyết”, hợp với nguyện vọng của toàn thể nhân dân, giai cấp, các dân tộc Đông Dương, hợp với cuộc đấu tranh chung của toàn thế giới chống phát xít xâm lược, bảo đảm cho cách mạng Đông Dương thành công.

Ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội. Hà Nội giành được chính quyền, tin thắng lợi nhanh chóng được báo lên Tân Trào. Trong không khí rợp trời cờ đỏ sao vàng, giữa trung tâm của Thăng Long, Hà Nội - nơi lắng hồn thiêng sông núi Việt Nam, ngày 23-8-1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh rời thị xã Thái Nguyên về xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội). Sáng 25-8-1945, đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh từ nội thành ra báo cáo tình hình và đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. Tại đây, Người đã viết Tuyên ngôn Độc lập, báo cáo với các vị tiền bối rằng, Người đã trở về nơi đất thiêng, rằng dân tộc Việt Nam sẽ bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc.

Như vậy, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng tại Cao Bằng. Từ đây, con đường về Thăng Long - Hà Nội đã gần hơn, nhưng phải mất gần 5 năm sau Người mới đi tiếp được chặng đường 300km từ biên giới phía Bắc về Hà Nội. Tại đây, ý nguyện cao cả và thiêng liêng của Người khi tìm thấy con đường cứu nước “trở về nước đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập” đã trở thành hiện thực. Và, kết quả của quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của dân tộc Việt Nam sẽ được Người trịnh trọng công bố với thế giới và quốc dân đồng bào mình bằng bản Tuyên ngôn độc lập.

Suốt 3 ngày, với tâm lực, trí tuệ và bản lĩnh của một vị lãnh tụ cách mạng luôn canh cánh nỗi lòng vì độc lập cho dân tộc, vì hạnh phúc ấm no cho nhân dân; từng trải nghiệm hoạt động cách mạng từ Đông sang Tây, với chiếc máy đánh chữ đã sử dụng ở căn cứ địa Việt Bắc, Người đã viết xong bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 30 - 8 - ngày mà vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị trước đông đảo nhân dân tại Ngọ Môn kinh đô Huế và nộp ấn kiếm cho Chính phủ cách mạng lâm thời - Chế độ phong kiến Việt Nam hoàn toàn sụp đổ. Thời gian này, Thường vụ Trung ương Đảng họp dưới sự chủ toạ của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, thông qua bản Dự thảo Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa hoàn thành đêm trước. Không gian nơi đây đầy nghiêm trang, lịch sử như đang chậm lại để chứng kiến giây phút thiêng liêng, giây phút giao thừa của toàn dân tộc, chuyển từ kỷ nguyên nô lệ sang kỷ nguyên tự do. Không khí ấy làm cho Mùa thu Hà Nội tháng Tám năm 1945 trở nên hào tráng. Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 thật là kiêu hãnh, tự hào. Đúng như tác giả Trần Dân Tiên đã viết: “... Đối với Hà Nội, ngày 2-9 không những là ngày vẻ vang của Độc lập, mà còn là một ngày đáng nhớ... Nhân dân Hà Nội, các thành phố và các làng lân cận làm thành một dòng người vô tận chảy vào vườn hoa Ba Đình, tràn ngập đường phố chung quanh. Người ta tính đến non một triệu người. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam người ta thấy một cuộc mít tinh vĩ đại như thế. Dưới ánh nắng tươi sáng mùa Thu, một khung trời trong xanh, cờ đỏ sao vàng hiên ngang phấp phới và thổi vào lòng người một luồng gió xuân... Một khung trời hùng vĩ, một diễn đàn cao và trang nghiêm, quân đội anh dũng, hàng rào danh dự chỉnh tề, một rừng cờ... Một cảnh tượng xứng đáng khánh thành chính quyền Dân chủ nhân dân”[3]Đó là ngày Vui - Ngày Tết độc lập cũng là Ngày hồi sinh của dân tộc Việt Nam. 

Ngày Chủ nhật 2-9-1945, thực sự là một ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam, sau gần 100 năm nô lệ. 12 giờ trưa, từng đoàn người đã cuồn cuộn đổ về Quảng trường Ba Đình. Đúng 14 giờ, Bác Hồ dẫn đầu phái đoàn Chính phủ bước lên lễ đài và buổi lễ bắt đầu. Lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ từ từ được kéo lên trên nền bài hát “Tiến quân ca” hùng tráng.

Trên lễ đài, Bác Hồ và các thành viên Chính phủ giơ nắm tay chào Quốc kỳ, phía dưới biển người một rừng cánh tay cùng giơ lên. Một giọng nói đậm đà âm sắc xứ Nghệ vang lên: “Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng…”. Cả biển người như kết thành một khối im phăng phắc, lắng nghe từng lời như thấm vào tận trái tim… “Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam được quyền hưởng Tự do, Độc lập, và sự thật đã trở thành một nước Tự do - Độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền Tự do độc lập ấy”.

Từng câu, từng chữ trong Tuyên ngôn độc lập chứa đựng hồn thiêng non sông đất Việt; là cả tình cảm, tình yêu nước và nỗi khát khao suốt 35 năm của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Bản Tuyên ngôn độc lập là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng của những người Việt Nam yêu nước đã anh dũng hy sinh trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường. Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam; là kết quả của những bản yêu cầu gửi cho hội nghị Véc-xây mà Bác Hồ đã viết năm 1919 và chương trình Việt Minh Bác viết năm 1941; là kết quả của những bản tuyên ngôn khác và tinh hoa của tiền bối yêu nước đã ngã xuống: Thủ Khoa Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu ... ; là của bao nhiêu sách báo truyền đơn bí mật viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước từ hơn 80 năm trước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem đến ngày vui - Ngày hồi sinh của dân tộc Việt Nam. Ngày vui đó không chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam mà còn là sự cổ vũ, là chân lý của tất cả các dân tộc trên thế giới. Vì vậy, Bản Tuyên ngôn vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính quốc tế, vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có ý nghĩa thời đại. Tính thời đại không chỉ thể hiện rất rõ ở chỗ “không có gì quý hơn độc lập tự do”, mà còn ý nghĩa lịch sử thể hiện ở chỗ “chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế, mở ra chế độ cộng hoà”.


Bảy mươi hai năm đã qua, Quốc khánh 2 - 9 là dịp để mỗi người dân Việt Nam tưởng nhớ đến thời khắc thiêng liêng của dân tộc, thời khắc mà không khí đất trời và lòng người như hòa quyện vào nhau để hướng về một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam - vị lãnh tụ Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập công bố toàn thế giới biết về một đất nước nhỏ bé đã đánh thắng đế quốc thực dân để giành độc lập cho dân tộc. Không khí ấy, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết về một ngày mùa thu đáng nhớ: Hôm nay sáng mùng hai tháng Chín/ Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình/ Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín/ Bỗng vang lên tiếng hát ân tình/ Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh… Người đứng trên đài lặng phút giây/ Trông đàn con đó vẫy hai tay/ Cao cao vầng trán ngời đôi mắt/ Độc lập bây giờ mới thấy đây. Lịch sử càng lùi xa nhưng ngày mà lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội viết Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ mãi mãi là mốc son chói lọi đánh dấu kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc.


Phạm Thị Nhung
Trường sĩ quan Lục quân 1



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H.2000, tr.55;

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H.2000, tr. 536.

[3] Trần Dân Tiên. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Nxb Sự thật, Hà Nội 1975, tr.118-119.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất