Những chỉ dẫn cho chúng ta hôm nay

Đảng ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI - một nghị quyết tạo ra không khí chính trị mới, trong đó đề cập một giải pháp rất quan trọng là tự phê bình và phê bình. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cách đây 90 năm (3-1922), cũng vào mùa xuân, tại Đại hội XI Đảng Cộng sản (b) Nga, V.I.Lê-nin đã đọc Báo cáo chính trị, trong đó nêu rõ sự cấp bách có tính sống còn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản (b) Nga khi thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP) với tinh thần tự phê bình, phê bình thẳng thắn, sáng suốt của người cộng sản chân chính.

Sự khắc nghiệt của quy luật thép trong quá trình chuyển từ một xã hội dựa trên nền sản xuất nhỏ, thủ công, lạc hậu, manh mún mà đại bộ phận dân cư là những người tiểu nông - một giai cấp anh em của giai cấp vô sản, một liên minh chiến đấu mà nếu không có họ thì bài ca chiến đấu của những người cộng sản dù ở bất cứ thời kỳ nào cũng chỉ trở thành ai điếu - lên một xã hội hiện đại dựa trên nền sản xuất lớn, những người cộng sản phải giải quyết nhiều vấn đề khó khăn: Đảng lãnh đạo nhà nước, văn hóa lãnh đạo… Đặc biệt là, vấn đề đối xử với giai cấp nông dân như thế nào để họ vui lòng tiến lên sản xuất CNH, HĐH XHCN mà không bị rơi vào cảnh bần cùng hóa như quá trình công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa. Sau một năm Đảng Cộng sản (b) Nga khắc phục sai lầm về chủ trương muốn tiến thẳng, nhanh chóng lên chủ nghĩa cộng sản bằng cách đề ra và thực thi NEP phù hợp với quy luật quan hệ sản xuất phải tương ứng với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, V.I.Lê-nin đã rút ra một số bài học quý giá.

1. Đảng Cộng sản cùng với giai cấp nông dân xây dựng nền kinh tế XHCN. Đảng phải nhiều lần chấn chỉnh và tổ chức nền kinh tế ấy như thế nào để kiến lập được sự lãnh đạo của Đảng trong hiện đại hóa công nghiệp và nông nghiệp với công việc hằng ngày của người nông dân. Đó là vấn đề phải suy nghĩ nghiêm chỉnh “chứ không nói chuyện viển vông”. V.I.Lê-nin đặt ra một câu hỏi cho những nhà hoạch định chính sách: “Làm sao mà nói chuyện viển vông được, khi mà họ phải tự cứu vớt lấy mình, mà họ phải lo thoát khỏi nguy cơ trước mắt là chết đói cực kỳ khủng khiếp?”(1). Theo V.I.Lê-nin, những người cộng sản phải liên minh với người nông dân lao động bình thường một cách thận trọng, chắc chắn, không được nôn nóng “phải tiến cực kỳ chậm, vô cùng chậm” hơn mức mà ta mơ tưởng, phải có chính sách để “làm sao tất cả quần chúng nông dân đều thật sự tiến lên cùng với chúng ta”(2).

Về vấn đề này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chủ trương, nghị quyết đúng nhưng trên thực tế lại mở tràn lan những khu công nghiệp, quy hoạch treo để lãng phí đất đai, tiền của. Việc các tỉnh đua nhau làm sân gôn, việc cho người nước ngoài thuê đất rừng, đất ven biển một cách tự phát ở một số địa phương… đã làm cho vấn đề đất đai, việc làm và đời sống của người nông dân đang là những vấn đề nóng, nhức nhối và là mầm mống của sự bất ổn. Đại bộ phận những vụ khiếu kiện của nông dân thuộc về đất đai, đền bù, tái định cư, điều kiện sinh sống khó khăn sau giải tỏa… Phần thiệt thòi, thậm chí đau khổ thuộc về người nông dân. Vụ cưỡng chế đất trái pháp luật ở Tiên Lãng, Hải Phòng vừa qua thức tỉnh chúng ta về vấn đề liên minh với nông dân trong thời kỳ mới, là chỉ báo cấp bách cần chấn chỉnh từ trong nội bộ Đảng và cơ quan nhà nước. Có phải đã có không ít “chuyện viển vông” trong những công trình, dự án không có sự tính toán thấu đáo, nếu không muốn nói là vô trách nhiệm, vô cảm trước đau khổ, vất vả của người nông dân, những đồng bào của mình đã vì ruộng đất, yêu Tổ quốc, đi theo Đảng giành độc lập, tự do?

2. Trong cách đối xử với nông dân, theo V.I.Lê-nin, khi tiến hành chính sách kinh tế mới, Đảng Cộng sản phải biết kiểm tra trên quan điểm lợi ích của nền kinh tế quốc dân, phải bằng biện pháp thi đua giữa những xí nghiệp quốc doanh và những xí nghiệp tư bản (công ty nước ngoài, công ty tư nhân, công ty liên doanh…) để so sánh giữa phương thức TBCN với phương thức XHCN xem phương thức nào đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. V.I.Lê-nin yêu cầu: “Các đồng chí hãy so sánh một cách thực tiễn, phải là sự kiểm tra trên quan điểm của kinh tế quảng đại quần chúng”(3). Theo V.I.Lê-nin, các doanh nghiệp tư bản trong quan hệ kinh tế với nông dân, họ đã biết cung cấp cho dân chúng, nhưng đó là sự cung cấp theo lối ăn cướp, hoạt động theo lối ăn cướp và phá hoại môi trường sống của người nông dân để thu được nhiều lời. Nhưng dù sao thì họ cũng đã biết cung cấp, biết cách làm, còn doanh nghiệp nhà nước - những doanh nghiệp do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý thì lại không biết làm như vậy một cách có lợi cho nông dân. Người dẫn lời người dân nói rằng: Lý tưởng của các anh thì tuyệt diệu, các anh nói như đang ở trên thiên đường, nhưng trong thực tế, các anh không biết cách làm việc! Người chỉ rõ: “Phải kiểm tra, kiểm tra thật sự, chứ không phải theo kiểu của Ban Kiểm tra Trung ương là tiến hành một cuộc điều tra và quyết định một sự khiển trách nào đó và cũng không phải theo kiểu của Ban Chấp hành Trung ương các xô-viết toàn Nga là định ra một sự trừng phạt. Không phải thế, phải có kiểm tra thật sự, đứng trên quan điểm nền kinh tế quốc dân mà kiểm tra”(4).

Phải chăng đã đến lúc Đảng ta cần phải trở lại một cách trung thành với quan điểm của V.I.Lê-nin để chấn chỉnh và thay đổi ngay quan niệm về kết quả và hiệu quả của công tác kiểm tra, thanh tra của Đảng và Nhà nước ta hiện nay đối với các doanh nghiệp nhà nước để xem những người đã nhân danh “chủ nghĩa xã hội” để hưởng đặc quyền, được quyền thua lỗ, thất thoát nhiều tỉ đồng, lãng phí đất đai… mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, có chăng chỉ là “kiểm điểm sâu sắc và nghiêm khắc rút kinh nghiệm” - một hình thức chế tài chưa từng có trong hệ thống thuật ngữ luật học. Hãy lưu ý tới lời khuyên sau đây của V.I.Lê-nin - cha đẻ của đổi mới, canh tân trong lịch sử của CNXH: “Bây giờ các đồng chí phải chứng tỏ rằng trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, các đồng chí biết giúp đỡ một cách thực tế cho kinh tế của công nhân và của người mu-gich, để cho họ thấy được là các đồng chí đã thắng trong cuộc thi đua”(5).

Trong công tác tổ chức cán bộ, chúng ta cần nghiêm túc kiểm lại các cán bộ đảng được chỉ định phụ trách các doanh nghiệp nhà nước hoặc cử sang làm việc trong các liên doanh với nước ngoài, có phải họ đều là những người cộng sản thành thục về quản lý kinh tế không (ở đây giả định tất cả họ đều là những người trong sáng về đạo đức). Hãy lưu ý tới chỉ dẫn sâu sắc sau đây: “Chúng ta không nên yên trí mà cho rằng, trong các tờ-rớt nhà nước và trong những công ty hợp doanh đều là những người cộng sản rất tốt phụ trách; điều đó không có nghĩa lý gì vì những người cộng sản ấy chưa biết cách làm ăn đâu, và về mặt đó, họ còn tồi hơn một người bán hàng tầm thường của nhà tư bản, là kẻ từng được rèn luyện qua các nhà máy lớn và các tiệm buôn lớn”(6).

3. Khi thực hiện NEP đã bộc lộ sự bất cập của Đảng trong lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Theo V.I.Lê-nin, cần phải nghiêm khắc nhìn thẳng vào sự thật xem nhà nước là do Đảng Cộng sản nắm trong tay nhưng về mặt thực hiện chính sách kinh tế thì nhà nước có hoạt động đúng như mong muốn của Đảng và nhân dân không? V.I.Lê-nin đã thẳng thắn trả lời rằng: “Không!”. Thật là trung thực và nghiêm túc mẫu mực tự phê bình chưa từng có, khi chính V.I.Lê-nin là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thừa nhận: “Chúng ta không muốn thú nhận điều này: Nhà nước đã không hoạt động được như chúng ta mong muốn”(7). Người đã miêu tả chính xác sự mập mờ sáng tối thực trạng của tình hình và đã tìm ra đúng nguyên nhân của nó. Người cho rằng Nhà nước Xô-viết như một cỗ xe, rõ ràng về mặt pháp lý là có người lái - do Đảng chọn lựa - đang điều khiển cỗ xe, nhưng xe lại đang chạy không theo hướng đã định mà theo hướng thúc đẩy của kẻ khác, một kẻ bí mật, bất hợp pháp, một kẻ mà người ta không biết từ đâu đến, của bọn đầu cơ hoặc của tư bản tư nhân, hoặc có thể là của cả hai loại đó và do đó, cỗ xe đã chạy hoàn toàn không theo ý của người lái. V.I.Lê-nin cho rằng đó là điểm chủ yếu mà chúng ta cần nhớ khi thực hiện NEP.

Phải chăng hiện tượng “lợi ích nhóm” ở nước ta đã được báo động trong dư luận xã hội và cả trên diễn đàn chính trị cũng là vấn đề làm cho cỗ xe của Nhà nước có nguy cơ đi chệch mục tiêu mà nghị quyết của Đảng đã đề ra? Đã đến lúc những câu hỏi mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra trong Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua cần phải được trả lời sáng rõ, trong đó có vấn đề: Nhóm ở đâu? ở lĩnh vực nào? Địa phương, ngành cấp nào? Nhóm là những ai? Nếu không trả lời công khai, minh bạch những câu hỏi ấy thì nguy cơ tồn vong của Đảng và chế độ không chỉ dừng lại ở sự dự báo, cảnh báo.

V.I.Lê-nin đã kể một câu chuyện nhân dân Nga chế giễu những người cộng sản khi lãnh đạo chính quyền thực hiện chính sách kinh tế rằng: năm 1917 một tư lệnh trong chính phủ lâm thời đã thuyết phục binh lính làm theo ý muốn của đế quốc ngoại bang thì có “tư lệnh thuyết phục”; còn ngày nay chính quyền Xô-viết có những nhà quản lý kêu gào, chạy ngược chạy xuôi, năng động nhưng không hiệu quả thậm chí thất thoát, thua lỗ thì đáng gọi họ là “tư lệnh ba hoa”(8). Câu chuyện ấy liệu có gợi cho chúng ta suy nghĩ nghiêm túc khi tiến hành tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4?

4. V.I.Lê-nin với đức tính trung thực và tác phong nhìn thẳng vào sự thật, tự phê bình nghiêm túc, Người đã nói trước Đại hội XI Đảng Cộng sản Nga (b) rằng: Vì quan hệ chức vụ của tôi, thường được nghe nhiều lời “dối trá cộng sản chủ nghĩa” đường mật. Hiện tượng ấy đã bị một số báo nói thẳng: “Các anh đang lăn mình vào vũng bùn tư sản tầm thường, trên đó những lá cờ cộng sản nhỏ xíu sẽ phấp phới với đủ thứ những lời nói hay ho… Tôi tán thành chính quyền Xô-viết ở Nga… vì chính quyền đó đã đi vào một con đường đưa nó đến chính quyền tư sản thông thường”(9). V.I.Lê-nin không những không bực mình mà còn khen những tờ báo ấy nói thẳng, rất bổ ích vì nó không lặp lại những lời dối trá vẫn từng nghe, vì nó nói trắng ra sự thật một cách công khai và thẳng thừng đến thế. Người nói: “Đó là một lời nói rất có ích và theo tôi, cần phải chú trọng đến câu nói ấy… (họ) nói như thế đối với chúng ta còn tốt hơn nhiều so với một số trong bọn họ giả dạng gần như là những người cộng sản…”(10). Sự dối trá đã làm cho Đảng không đủ sáng suốt, dũng cảm, không dám nói ra, không nhận biết được một sự thật đau đớn rằng, những người cộng sản có đủ mọi thứ nhưng đã không có quyền lực thực sự mà cứ nhìn về quá khứ, tự ru ngủ một cách tuyệt vọng. Khi chỉ ra sự “dối trá cộng sản” là “nguy cơ thật sự” hiện tại của chế độ Xô-viết: “Hiện không có ai trực tiếp tấn công chúng ta cả, người ta không đến bóp họng chúng ta. Chúng ta còn chờ xem mai đây sẽ ra sao, nhưng hiện nay người ta không cầm vũ khí để tấn công chúng ta; tuy nhiên cuộc đấu tranh… đã trở nên ác liệt và nguy hiểm hơn gấp trăm lần, vì không phải lúc nào chúng ta cũng thấy được rõ đâu là kẻ thù đang đánh lại ta…”(11), đó là dự báo thiên tài về một nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô 50 năm sau.

Nguy cơ diễn biến hòa bình và “tự diễn biến” mà Đại hội XI của Đảng đã chỉ ra và Nghị quyết Trung ương 4 mới đây nhấn mạnh cho thấy những người cộng sản Việt Nam hiện nay, nếu ai còn trung thành với lý tưởng cao đẹp của Đảng, với chế độ và lợi ích của dân tộc mà mình đã tuyên thệ khi xin gia nhập Đảng, thì cần coi dự báo nói trên của V.I.Lê-nin như là lời cảnh báo, là chỉ dẫn thiết thực, cấp bách cho chính mình.

5. Theo V.I.Lê-nin, nguy cơ chủ yếu không phải là lực lượng kinh tế của đất nước yếu kém mà: “Rõ ràng, cái còn thiếu chính là trình độ văn hóa của những người cộng sản lãnh đạo…”(12), hãy lấy một số đông đảng viên cộng sản đang phụ trách đối chiếu với bộ máy quan liêu thì thật ra không phải là những người cộng sản lãnh đạo mà chính họ bị lãnh đạo… Người chỉ rõ: “Những người cộng sản đứng đầu các công sở đôi khi bị những kẻ phá hoại ngầm đẩy họ lên địa vị đó một cách khôn khéo có dụng ý, để làm một cái chiêu bài cho chúng. Những người cộng sản đó thường bị người ta đánh lừa. Thú nhận điều đó thật rất khó chịu… Nhưng theo tôi, thì phải thú nhận như thế, vì hiện nay, đó là mấu chốt của vấn đề”(13).

Trên diễn đàn của Đại hội XI Đảng Cộng sản (b) Nga, V.I.Lê-nin đã nêu một câu hỏi, có lẽ không mấy ai đang giữ cương vị lãnh đạo các cấp dám dũng cảm thừa nhận: “Những người cộng sản phụ trách của nước Cộng hòa liên bang XHCN Xô-viết Nga của Đảng Cộng sản Nga có nhận thức được rằng chính họ là những người chưa biết lãnh đạo không? Họ cứ tưởng là mình lãnh đạo người khác, nhưng thật ra, họ có biết chính họ bị người khác lãnh đạo không? Nếu họ hiểu được điều đó, thì chắc chắn họ sẽ học lãnh đạo được, vì có thể học lãnh đạo được. Nhưng muốn thế, phải học tập, mà ở nước ta, người ta lại không chịu học tập. Người ta cứ liên tiếp tung ra những chỉ thị và sắc lệnh, và kết quả lại hoàn toàn không được như ý mình mong muốn”(14). Người đã nhấn mạnh đó là cuộc đấu tranh, cuộc đấu tranh này chưa kết thúc và thẳng thắn thừa nhận: “Ngay cả những cơ quan trung ương ở Mát-xcơ-va, đứng về mặt văn hóa mà xét, cuộc đấu tranh này vẫn chưa được giải quyết”(15). ít có người đứng đầu đảng và nhà nước trong các nước XHCN dám tự phê bình thẳng thắn và quyết liệt như thế.

Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng cho hành động của mình. Do đó, những tư tưởng trên của V.I.Lê-nin là những chỉ dẫn thiết thực soi sáng cho việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 hiện nay.

PGS. Trần Đình Huỳnh

---------------

(1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15) V.I.Lênin toàn tập, NXB Tiến Bộ, M.1978, tập 45, tr.91, tr.94, tr.95, tr.95-96, tr.97, tr.98, tr.103, tr.109, tr.112, tr.112, tr.113, tr.114, tr.115, tr.115, tr.115.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất