Phật giáo Việt Nam phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Hòa thượng, TS. Thích Bảo Nghiêm Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027.

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027. Nguồn: qdnd.vn.

Sự hòa quyện giữa dân tộc và Phật giáo

Từ khi hình thành, dân tộc Việt Nam luôn phải đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Hiếm có dân tộc nào trên thế giới lại phải dành nhiều thời gian, ý chí và công sức đến thế cho công cuộc giữ nước, nhưng vẫn giữ được những truyền thống tốt đẹp như yêu nước, hòa hiếu, đoàn kết, nhân nghĩa, chung thủy… Dường như càng trải qua chiến tranh, chết chóc thì người Việt Nam lại càng yêu quý, trân trọng hòa bình và nhân nghĩa. Chủ nghĩa nhân đạo của dân tộc Việt Nam dường như tỏa sáng hơn. Trên nền tảng tốt đẹp ấy, dân tộc Việt Nam đã tiếp nhận giáo lý Phật giáo và tạo dựng nên Phật giáo Việt Nam. Trên con đường dặm dài lịch sử ấy, Phật giáo luôn gắn bó với đất nước và con người Việt Nam.

Hiếm có một tôn giáo nào lại gắn bó mật thiết với người Việt, đất Việt như Phật giáo. Những lúc thịnh suy của quốc gia luôn có sự chung vai gánh vác của Phật giáo và vì thế, khi so sánh lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo Việt Nam ta thấy có một sự trùng lặp. Khi nước nhà độc lập, hòa bình thì Phật giáo hưng thịnh, khi Tổ quốc lâm nguy thì Phật giáo cùng chịu chung cảnh ngộ.

Lịch sử cho thấy, dân tộc và Phật giáo đã hòa quyện với nhau thành một khối thống nhất, không thể tách rời: Thời chiến, vua là bậc dũng tướng, nhưng khi đất nước thanh bình, vua có thể bình thản từ bỏ ngai vàng để đến với chốn thiền môn và sáng lập ra một tông phái Phật giáo của riêng người Việt, đó là Trúc Lâm Yên Tử - một dòng thiền hòa quyện giữa đời sống thế nhân với đời sống tâm linh sâu sắc, nhưng lại thể hiện rõ tinh thần “nhập thế” của Phật giáo.

Dù đất nước trong thời bình hay thời chiến, Phật giáo vẫn luôn sát cánh cùng nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh các nhà sư “cởi cà sa, khoác chiến bào” là hình ảnh thường gặp trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, hay những ngôi chùa trở thành cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cộng sản đã trở thành biểu tượng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đến khi đất nước hòa bình, các tăng ni Phật giáo lại cùng chung sức với đồng bào cả nước phát triển kinh tế, góp phần ổn định xã hội.

Từ sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thành lập (7-11-1981), tăng ni các tỉnh, thành phố trong cả nước không ngừng phấn đấu theo tôn chỉ mới mà Giáo hội đã đề ra để phù hợp với sự phát triển của đất nước trong một giai đoạn mới. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa sự phát triển của Phật giáo với lợi ích của dân tộc, chung tay góp sức cùng nhân dân cả nước xây dựng nước Việt Nam XHCN. Với ý thức trách nhiệm đó nên các hoạt động Phật sự ngày càng đi vào nền nếp và hiệu quả hơn.

Để tiếp nối những thành công mà các bậc tiền nhân đã đạt được và phấn đấu vươn lên một tầm cao mới, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập, tư tưởng và quan điểm chỉ đạo của GHPGVN là tăng cường tiếp xúc, mở rộng quan hệ và tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, tích cực tham gia đóng góp vào phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, vận động quần chúng cùng tham gia các hoạt động xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động từ thiện khác.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và phát triển kinh tế thị trường, chúng ta phải đối mặt và giải quyết những vấn nạn từ mặt trái của quá trình này như sự xuống cấp về đạo đức và lối sống tha hóa của một bộ phận không nhỏ của các thành phần trong xã hội… Bằng tinh thần “hộ quốc an dân” và triết lý “nhập thế” tích cực, Phật giáo Việt Nam chú trọng xây dựng con người thông qua những nguyên tắc đạo đức căn bản như từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối… nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước bền vững.

Với những chuẩn mực đạo đức và giá trị văn hóa, Phật giáo Việt Nam đã và đang bền bỉ với nhiệm vụ xây dựng các giá trị đạo đức của con người, góp phần định hướng tư duy và điều chỉnh hành vi của cộng đồng, xã hội. Từ Trung ương Giáo hội đến giáo hội các tỉnh, thành phố, các chùa, tự viện, thiền viện… đã tổ chức nhiều khóa tu, trại hè, các hoạt động Phật pháp… dành cho thanh, thiếu niên; thông qua đó giáo dục thế hệ trẻ hiểu được lễ nghi, phải trái, hiếu thuận, nhân quả, tội phúc, sự biết ơn, đền ơn, báo ân, báo hiếu cha mẹ, thầy cô, có nếp sống lành mạnh, văn minh và có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ an ninh trật tự xã hội, thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Hoạt động nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội của Giáo hội tiếp tục được phát triển và mở rộng, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chăm lo cho người nghèo, người có công với đất nước, trẻ em mồ côi dưới các hình thức như xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; mở các phòng khám từ thiện miễn phí; cứu trợ và giúp đỡ đồng bào vùng bị thiên tai, bão lũ... Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành, Giáo hội và đông đảo tăng ni, phật tử đã có nhiều hoạt động chung tay cùng các cấp chính quyền và nhân dân trợ giúp kịp thời tới cộng đồng với những hành động thiết thực, hiệu quả để chăm lo, chia sẻ, giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn, người khuyết tật, neo đơn, người nghèo, lao động bị ảnh hưởng của đại dịch và thiên tai bão lũ tại miền Trung.

Hòa nhập xã hội và giữ gìn các giá trị văn hóa

Theo dòng lịch sử, tinh thần “nhập thế” của Phật giáo ngày càng đậm nét, thực tiễn hơn và hòa nhập vào xã hội Việt Nam như một phần không thể thiếu của văn hóa dân tộc. Tư tưởng “nhập thế” đã góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức con người chân - thiện - mỹ. Trong lịch sử phát triển của mình, Phật giáo đã góp thêm nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc, với những đặc trưng khiêm cung, giản dị, hài hòa, cân đối, vừa phù hợp với không gian tâm linh, vừa gắn bó hữu cơ với cảnh quan chung vào kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc.

Với tư cách là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân, GHPGVN cùng tăng ni, phật tử luôn gắn bó với dân tộc trong mọi hoạt động xã hội. Các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành phố trong toàn quốc thường xuyên động viên tăng ni, phật tử địa phương hoàn thành tốt các phong trào bảo vệ Tổ quốc, ích nước lợi dân, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn, tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, các hoạt động xã hội, vì lợi ích của đất nước và dân tộc, như: Tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND, mặt trận Tổ quốc các cấp từ Trung ương đến địa phương. Nhiều chức sắc tu hành được người dân tin tưởng bầu làm đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đã thể hiện được vai trò đặc biệt trong việc vận động quần chúng xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội ở địa bàn dân cư; đẩy mạnh việc truyền bá đạo pháp tại vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo để tinh thần Phật giáo tiếp tục được lan tỏa nơi phên dậu của Tổ quốc. 

Phật giáo Việt Nam đã hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng để khẳng định và phát huy các giá trị đạo đức, văn hóa, nguồn lực Phật giáo như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của mình, Phật giáo không ngừng phát triển, khẳng định, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của phật tử và nhân dân. Những giá trị nhân văn sâu sắc cùng giá trị văn hóa Phật giáo đã ảnh hưởng tích cực đến quan niệm, tư tưởng, đạo đức, lối sống của nhân dân. Sự đa dạng của các hệ phái Phật giáo với các đường hướng hành đạo đặc thù cũng là yếu tố đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của phật tử và nhân dân.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của mình, Phật giáo không ngừng phát triển, khẳng định, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của phật tử và nhân dân.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của mình, Phật giáo không ngừng phát triển, khẳng định, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của phật tử và nhân dân. 

Cùng với các hoạt động trong nước, Phật giáo Việt Nam cố gắng mở rộng hoạt động giao lưu quốc tế trên tinh thần hòa bình, hữu nghị và đoàn kết với các tổ chức Phật giáo ở nhiều quốc gia và nhiều tôn giáo khác. Các hoạt động quốc tế ngày càng được mở rộng và phát triển đã góp phần giúp tăng cường trao đổi thông tin, hiểu biết lẫn nhau, mở rộng giao lưu, thể hiện tình đồng đạo của những người cùng chung đức tin và tinh thần yêu hòa bình, thiện chí hợp tác hữu nghị vì lợi ích và sự phát triển của đất nước và Phật giáo. Đã có nhiều đoàn Giáo phẩm của GHPGVN tham dự hội thảo, hội nghị ở nước ngoài và GHPGVN cũng đã đón nhiều đoàn Phật giáo các nước đến thăm và làm việc tại Việt Nam, góp phần làm cho bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế, văn hóa, pháp luật của Việt Nam về tôn giáo, đồng thời bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thiếu thiện chí với Việt Nam.

Có thể khẳng định, những kết quả đạt được của Phật giáo Việt Nam thời gian qua đã góp phần ổn định xã hội, hướng một bộ phận nhân dân có định hướng đúng trong đời sống tinh thần và xây dựng được chuẩn mực đạo đức xã hội và đạo đức cá nhân.

Duy trì kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đoàn kết, phát triển

Trước hết, việc duy trì nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong tổ chức Giáo hội là tất yếu. Kỷ cương là những phép tắc, quy định nhằm tạo ổn định và thăng tiến của Giáo hội. Kỷ cương là cái gốc của giáo dục. Kỷ cương hành chính của Giáo hội không ngoài mục đích đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo điều hành và tinh thần trách nhiệm của tăng ni trong thực thi nhiệm vụ Phật sự. Tạo dựng và giữ kỷ cương, kỷ luật bắt đầu từ nhận thức “Đoàn kết, hòa hợp - trưởng dưỡng đạo tâm - trang nghiêm Giáo hội” để “Phụng vụ chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”. Từ đó, vững kỷ cương, nghiêm kỷ luật là yêu cầu sống còn của tổ chức được thể hiện bằng tinh thần đoàn kết, hòa hợp đầy trách nhiệm của cả tập thể.

Do đó, để nâng cao vị thế của Phật giáo nước nhà trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, trước hết, Phật giáo Việt Nam tiếp tục định hướng, phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh. Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp giáo dục, hoằng dương chính pháp; định hướng pháp môn tu tập phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội và xiển dương đạo đức học Phật giáo, góp phần xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội.

Thứ hai, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam bảo đảm có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp và truyền tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của tăng ni, phật tử, của tổ chức GHPGVN các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thứ ba, cần nêu bật vai trò của Phật giáo Việt Nam trong việc tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện với những việc làm thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, để Phật giáo Việt Nam đóng góp tốt hơn nữa trong việc tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện cần có các giải pháp tích cực, đồng bộ giữa các ngành chức năng của Nhà nước, các cấp Giáo hội và các cơ sở, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia thực hiện.

Cuối cùng, phát huy tinh thần hoằng pháp, giáo dục Phật giáo trong sứ mệnh nêu cao giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống trong định hướng phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí và vai trò của giáo dục, đạo đức và văn hóa tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Động lực chính của sự phát triển đất nước là giá trị văn hóa dân tộc và giá trị con người Việt Nam. Vì vậy, Phật giáo Việt Nam cần thông qua những buổi sinh hoạt, thuyết giảng để góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các giá trị văn hóa, con người Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước, khơi dậy tinh thần đoàn kết, nhân ái của nhân dân cả nước, bảo đảm an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 vừa thành công tốt đẹp. Bước vào giai đoạn phát triển mới, Phật giáo Việt Nam, GHPGVN sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ IX đã đề ra, có thêm nhiều kết quả, thành tựu, đóng góp tích cực vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, làm sáng tỏ giáo lý của Đức Phật trong cuộc sống.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất