Phát huy vai trò các tổ chức quần chúng trong kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên ở Thành phố Hồ Chí Minh
Đoàn Kiểm tra, giám sát của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm việc tại Quận 9.

Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ luật Đảng và xác định đó là một chức năng lãnh đạo của Đảng, là khâu quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, “lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”. Công tác kiểm tra, giám sát góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng; đóng góp tích cực vào việc xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị và tổ chức.

Nắm vững nguyên tắc và Điều lệ Đảng, trong những năm qua, Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh luôn coi trọng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát ở tất cả các khâu trong quá trình lãnh đạo. Uỷ ban kiểm tra các cấp đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng quy định và thường xuyên tham mưu cho cấp uỷ các kế hoạch kiểm tra, giám sát tại địa phương, đơn vị, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng và nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng (2007 - 2010), Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh đã lập 11 đoàn kiểm tra, phúc tra tại 28 đơn vị; các quận ủy và tương đương lập 138 đoàn, tổ thực hiện kiểm tra, phúc tra 384 cơ quan, đơn vị; ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra 456 tổ chức đảng và 1.445 đảng viên. Nội dung chủ yếu là kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản; sử dụng tài chính, tài sản công; quản lý tiền quyên góp khắc phục hậu quả thiên tai, các hoạt động xã hội; cải cách hành chính; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; công tác cán bộ... Chính sự đồng lòng của toàn Đảng bộ, quyết tâm của cấp uỷ, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, cũng như sự nỗ lực, phấn đấu không ngại khó của đội ngũ cán bộ UBKT các cấp đã góp phần trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ vi phạm tại cơ sở. Hằng năm số lượng đảng viên và tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật đều giảm, năm 2008 kỷ luật 523 đảng viên và 13 tổ chức đảng, đến năm 2010 giảm xuống còn 397 đảng viên và 4 tổ chức đảng; đơn thư khiếu nại kỷ luật đảng ngày càng ít.

Thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành Quy định số 115-QĐ/TW ngày 7 tháng 12 năm 2007 của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm, trong 3 năm, từ năm 2008 đến năm 2010, TP. HCM đã phát hiện 1.591 trường hợp đảng viên vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và đã tiến hành xử lý kỷ luật 1.289 đảng viên... Cấp ủy viên bị thi hành kỷ luật trong 3 năm là 354 đồng chí (27,46%) gồm quận ủy viên, huyện ủy viên và tương đương 26 đồng chí, đảng ủy viên 147 đồng chí, chi ủy viên 181 đồng chí. Phân tích số đảng viên bị thi hành kỷ luật trong 3 năm công tác ở các lĩnh vực: Đảng 86 (6,63%); chính quyền 423 (32,81%); đoàn thể 71 (5,52%); lực lượng vũ trang 353 (27,37); sản xuất, kinh doanh, dịch vụ 158 (12,22%); khác 198 (15,36%).

Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cùng với thực hiện tốt chức năng của UBKT các cấp thì một trong những giải pháp quan trọng là phát huy tốt vai trò của tổ chức quần chúng và nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát tại địa phương, đơn vị. Với những nội dung sau:

Một là, tăng cường nhận thức của các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở địa phương, đơn vị về vị trí, vai trò các tổ chức quần chúng và  nhân dân trong xây dựng Đảng.

Hơn 82 năm lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, Đảng ta luôn “lấy dân làm gốc”, dựa vào dân, phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác xây dựng đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: “… so với nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết. Vì vậy, ta cần phải hợp tác với những người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ, chê bai họ. Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”[1]. Do vậy, để giúp cán bộ, đảng viên gương mẫu thì phải phát huy vai trò của người dân trong công tác kiểm tra, giám sát. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”[2].

Hiện một số địa phương vẫn còn tình trạng xem nhẹ vai trò của quần chúng nhân dân, một số cán bộ, đảng viên xem thường và thậm chí không tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, do đó cần thực hiện tốt việc: “cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân”[3] như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI đã nêu.

Hai là, thực hiện nghiêm việc định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng thông qua mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng.

Giải pháp thứ bảy trong nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI đã nêu rõ: “Định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”[4]. Trước khi có Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, việc nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng thông qua mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng đã được thực hiện dưới nhiều hình thức như: hai năm một lần mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các cán bộ chủ chốt tại địa phương theo quy định của Pháp lệnh thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị quyết liên tịch số 05/2006/NQLT ngày 2-4-2006 của Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về mặt trận Tổ quốc các cấp giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư… Nhưng trong thực tế, việc tổ chức có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, làm qua loa chiếu lệ, những ý kiến đóng góp thiếu thẩm tra, xác minh và không được phản hồi về kết quả.

Ba là, nâng cao ý thức của các tổ chức quần chúng và nhân dân, tạo mọi điều kiện để họ tham gia góp ý xây dựng Đảng.

Khắc phục tâm lý e ngại, “dĩ hoà vi quý”, thậm chí “sợ” khi góp ý xây dựng cho Đảng nói chung và cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng trong nhân dân. Giúp họ hiểu được quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng. Cấp uỷ các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân về vai trò, trách nhiệm của họ đối với công tác xây dựng Ðảng, công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của mình. Người đứng đầu cấp ủy, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp cần thực hiện tốt việc tiếp dân; lắng nghe những góp ý của nhân dân.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ của các tổ chức quần chúng có đủ trình độ, có tâm, tầm. Khắc phục tình trạng bố trí cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất về công tác tại các cơ quan dân vận, mặt trận và các đoàn thể theo kiểu “giải quyết chế độ” chờ đến tuổi về hưu...

Bốn là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định 79/CP ngày 7-7-2003 của Chính phủ về Quy chế thực hiện dân chủ ở xã.

Theo đó, có 14 việc phải cung cấp cho “dân biết”, có 5 việc “dân bàn và quyết định trực tiếp”, có 9 việc “dân bàn, tham gia ý kiến" trước khi chính quyền xã quyết định và 11 việc “dân giám sát, kiểm tra”. Nhưng thực tế thì việc thực hiện những nội dung trên chưa đồng bộ, không đủ nội dung theo quy định. Về phương pháp thông tin cho dân biết thực tế chưa đảm bảo theo Nghị định 79 đề ra. Đa số mới chỉ dừng lại ở việc niêm yết tại trụ sở uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, thiếu hình thức thông tin đến với đại đa số người dân trên địa bàn. Những đơn vị làm chưa tốt hoặc làm mang tính đối phó khi bị phát hiện thì cũng chỉ dừng lại ở mức phê bình, nhắc nhở nội bộ, gần như chưa có tập thể, cá nhân nào bị xử lý đúng theo tinh thần của Nghị định đề ra: Những nơi không tổ chức triển khai thực hiện Quy chế hoặc triển khai hình thức, kém hiệu quả thì chủ tịch uỷ ban nhân dân xã phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ sai phạm.

Tai mắt của quần chúng nhân dân góp phần phòng ngừa hiệu quả, vì “Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”, do vậy, việc phát huy vai trò của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác kiểm tra, giám sát là công việc thường xuyên, quan trọng của các ấp ủy đảng, nhằm góp phần ngăn chặn các nguy cơ vi phạm của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.


ThS. Phạm Ngọc Lợi  
Trường Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.278.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.270.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.37.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.33.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất