Tây Phong là xã nội đồng nằm phía Nam của huyện Tiền Hải, với tổng diện tích 458 ha, được chia thành 4 thôn, 1.218 hộ, 4.357 nhân khẩu. Đảng bộ xã có 163 đảng viên sinh hoạt ở 7 chi bộ, nội bộ Đảng đoàn kết, đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực, nhiệt tình với công việc, có uy tín trong Đảng, trong nhân dân. Đội ngũ cán bộ, đảng viên thống nhất, ủng hộ chủ trương thí điểm mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã. Được Huyện uỷ Tiền Hải chọn làm điểm, sau 3 năm thực hiện mô hình này, Tây Phong đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; kinh tế của xã có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân bớt khó khăn hơn, các chính sách xã hội được đáp ứng kịp thời…
Những kết quả khả quan
Trong việc thực hiện thí điểm mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND, Đảng uỷ, UBND xã Tây Phong đã chủ động, thống nhất trong việc quyết định những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả. Trong nông nghiệp, chính sách đầu tư, hỗ trợ đối với các vùng sản xuất tập trung giống lúa chất lượng cao đã khuyến khích được các hộ dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo vùng, lúa chất lượng cao đạt 50% diện tích; bình quân thu nhập đầu người năm 2011 đạt 15 triệu đồng/người (tăng 72% so với năm 2008); số hộ nghèo năm 2008 là 17% thì đến năm 2011 còn 8,7%.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, khi bí thư đồng thời là chủ tịch cũng có nhiều thuận lợi. Với vai trò là chủ tài khoản, bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND chủ động, nắm chắc và cân đối được nguồn ngân sách khi tham mưu cho Ban Thường vụ và Đảng uỷ phù hợp với điều kiện thực tiễn, không xảy ra tình trạng có chủ trương mà không có nguồn kinh phí thực hiện. Việc quyết định chi phí đầu tư cho hoạt động của các ngành, các lĩnh vực luôn chủ động, kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ chuyên môn không phải báo cáo nhiều cấp, nhiều người hoặc chờ đợi xin ý kiến kéo dài. Việc một người "giữ hai vai" đã phát huy được tính chủ động trong trong công tác điều hành cả hệ thống chính trị từ ban thường vụ, đảng uỷ đến mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là điều hành công việc của các thôn một cách toàn diện.
Về công tác đảng, bí thư đồng thời là chủ tịch UBND đã chủ động trong việc lãnh đạo đề ra các chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ sát đúng và phù hợp với thực tiễn, các nghị quyết sau khi ban hành đều được tổ chức triển khai một cách nghiêm túc. 3 năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ xã ban hành 7 nghị quyết về những chủ trương nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, những chính sách liên quan đến đất đai... Tất cả các nghị quyết đều được triển khai một cách đồng bộ, đạt hiệu quả cao.
Để giúp đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã hoàn thành nhiệm vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ đã chủ động xây dựng quy chế làm việc, trong đó thống nhất điều chỉnh bổ sung thẩm quyền, nhiệm vụ cho đồng chí phó bí thư và đồng chí phó chủ tịch UBND xã trong công tác đảng và công tác chính quyền. Ví dụ như đồng chí phó bí thư đảng bộ được giao thêm nhiệm vụ chịu trách nhiệm công tác xây dựng đảng, được quyền chỉ đạo và quyết chi các lĩnh vực của công tác đảng theo quy chế, sau đó báo cáo với đồng chí bí thư. Đồng chí phó chủ tịch UBND xã được giao nhiệm vụ cùng với đồng chí chủ tịch phụ trách khối nội chính, tiếp và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, được chỉ đạo và quyết chi từ ngân sách các nội dung trong dự toán và lĩnh vực phụ trách theo quy định của luật ngân sách, sau đó báo cáo với đồng chí chủ tịch chuẩn chi. Do có sự đoàn kết của cấp uỷ, đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ, nhất là vai trò, trách nhiệm của các đồng chí cấp phó cao nên các công việc diễn ra thuận lợi.
Với mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã, việc điều hành các hội nghị, các cuộc họp ở Tây Phong đạt hiệu quả. Nhiều nội dung đề xuất, kiến nghị được giải quyết kịp thời, nhất là các cuộc họp ban thường vụ, ban chấp hành, cuộc họp của uỷ viên uỷ ban xã, hằng năm giảm được 50% cuộc họp, hội ý. Thực tế cho thấy nghị quyết về những chủ trương, nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, những chính sách liên quan đến đất đai... đều được triển khai một cách đồng bộ đạt hiệu quả.
Từ mô hình ở Tây Phong cho thấy đây là bước đột phá trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thí điểm thấy rõ những thuận lợi, khó khăn sau:
Thuận lợi, khi bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã vừa cùng cấp ủy ban hành hoặc quán triệt nghị quyết của cấp trên vừa tổ chức thực hiện, công việc sẽ nhanh, kịp thời, hiệu lực hơn, không qua nhiều cấp, mất thời gian. Nếu có vấn đề nảy sinh, bí thư đồng thời là chủ tịch quyết định xử lý và chịu trách nhiệm. Trường hợp đặc biệt có thể họp Đảng ủy đột xuất để xin chủ trương. Như vậy, Đảng ủy lãnh đạo bằng nghị quyết, cá nhân bí thư đồng thời là chủ tịch, các đảng ủy viên triển khai thực hiện theo chức trách được phân công làm cho sự điều hành, quản lý luôn nhanh chóng, thuận lợi. Một người “đóng hai vai” nắm vững công việc, tình hình của Đảng bộ, UBND, trực tiếp lãnh đạo, điều hành, quyết đoán nhanh, xử lý tình huống kịp thời.
Ở các cuộc giao ban, hội nghị quán triệt nghị quyết của Đảng, bí thư đồng thời là chủ tịch trực tiếp trình bày chương trình, kế hoạch, phân công nhiệm vụ tới từng khối, ngành vừa giảm được thời gian họp, vừa tránh được tình trạng đùn đẩy, chồng lấn hoặc không rõ trách nhiệm, phát huy tốt hơn tính tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ cơ sở, đề cao và gắn trách nhiệm, quyền hạn cá nhân với kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Mô hình đã tạo điều kiện thực hiện tốt hơn nguyên tắc tập trung dân chủ nhờ cấp ủy viên, đảng viên được cung cấp thông tin kịp thời, được góp ý, chất vấn trực tiếp người đứng đầu chính quyền trong việc thực hiện các công việc ở cơ sở. Đồng thời cũng đặt ra yêu cầu bức thiết là xây dựng, thực hiện hệ thống quy chế làm việc giữa cấp uỷ với bí thư đồng thời là chủ tịch, bí thư đồng thời là chủ tịch với phó bí thư, phó chủ tịch; giữa bí thư đồng thời là chủ tịch với bộ máy tham mưu, với mặt trận, các đoàn thể quần chúng... Đây là điểm đổi mới rõ nhất khi thực hiện thí điểm. Nhờ có quy chế này, việc chỉ đạo, điều hành của bí thư đồng thời là chủ tịch và các chức danh khác thuận lợi hơn, phát huy dân chủ, huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong hệ thống chính trị cơ sở.
Mô hình này đã tạo sự thống nhất, liên thông trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giữa tổ chức đảng, UBND, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, khắc phục tình trạng cấp ủy lấn sân, bao biện làm thay chính quyền hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo.
Khó khăn, áp lực công việc lớn đối với một đồng chí một lúc đảm nhiệm hai nhiệm vụ chủ chốt dẫn đến có lúc chức năng bí thư cấp uỷ trong công tác cán bộ bị hạn chế, chức năng quản lý điều hành của chủ tịch bị chi phối, nhất là việc đi sâu, đi sát, nắm bắt tình hình cơ sở.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, việc mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể có lúc bị hạn chế, bởi khi đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch nêu các chủ trương, định hướng nội dung công tác thì việc bàn bạc tham gia đóng góp, chất vấn ít hơn, thậm chí không có ý kiến rất dễ dẫn đến lãnh đạo một chiều.
Sự không đồng bộ về tổ chức bộ máy, quy chế hoạt động giữa cấp huyện và cấp cơ sở, chưa có sự liên thông giữa trên và dưới, chưa có hướng dẫn cụ thể để xây dựng quy chế làm việc dẫn đến họp nhiều. Nhiều cuộc họp do huyện uỷ và UBND huyện triệu tập đích danh, các phó bí thư, phó chủ tịch không được triệu tập họp thay, bí thư đồng thời là chủ tịch phải đi họp cả hai nơi mất nhiều thời gian. Chế độ, chính sách đối với chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã cũng như với đội ngũ cán bộ chưa phù hợp...
Một số đề nghị
Từ thực tế và kinh nghiệm ở Tây Phong để khắc phục được những vấn đề còn vướng mắc khi thí điểm, đề nghị:
1. Với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, cần tiếp tục nghiên cứu và có các văn bản hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền khi họ giữ “hai vai”.
2. Tiếp tục làm thí điểm ở nhiều địa phương, ở nhiều quy mô, nhiều cơ sở có điều kiện hoàn cảnh khác nhau để rút kinh nghiệm, đồng thời phải xây dựng các cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát cụ thể.
3. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở; phải kiểm tra, khảo sát trình độ, năng lực trước khi đề bạt người đảm nhiệm chức danh này, tăng thêm thẩm quyền đối với chức danh phó bí thư và phó chủ tịch UBND để giúp đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch điều hành công việc của Đảng cũng như công việc của chính quyền.
4. Có chế độ lương, phụ cấp đáp ứng được nhu cầu công việc của bí thư đồng thời là chủ tịch cũng như các phó bí thư, phó chủ tịch để các đồng chí có điều kiện, yên tâm công tác.
Trần Văn Kim
Cao học K17
Học viện Báo chí và Tuyên truyền