1. ASXH là một trong những chính sách xã hội cơ bản của Đảng và Nhà nước, hướng vào mục tiêu phát triển con người, thúc đẩy công bằng và tiến bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xét đến cùng là để góp phần xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Với 5 trụ cột cơ bản: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cứu trợ xã hội và trợ giúp, ưu đãi xã hội, hệ thống ASXH đang thực hiện 3 chức năng chiến lược là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định mục tiêu: “Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” và cụ thể hoá bằng nhiệm vụ: “Quản lý tốt sự phát triển xã hội; bảo đảm ASXH, nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chính sách với người có công; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của nhân dân; thực hiện tốt chính sách lao động, việc làm, thu nhập; xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh, an toàn”. Để thực hiện, Đảng và Nhà nước phải cụ thể hoá bằng hệ thống chính sách ASXH và huy động lực lượng toàn xã hội, trong đó có mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cùng thực hiện.
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII đánh giá: Nhiệm kỳ qua, mặt trận và các tổ chức thành viên đã nỗ lực, chung tay, đổi mới phương thức hoạt động, vừa trực tiếp vận động, giúp đỡ, vừa hướng dẫn, kết nối các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm thực hiện các chương trình giúp đỡ các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, chăm sóc người khuyết tật, người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, trẻ em mồ côi. Đã có trên 19.703 tỷ đồng do mặt trận và các đoàn thể vận động góp vào các chương trình ASXH trên cả nước... Kết quả đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước từ 8,2% năm 2014 (theo chuẩn nghèo cũ) còn khoảng 5,2 - 5,7% năm 2018 (theo chuẩn nghèo đa chiều).
2. Dải đất hình chữ S chúng ta từng chịu nhiều tàn phá của chiến tranh, nay hằng năm còn liên tiếp gồng mình bởi thiên tai, bão lũ, hạn hán. Chiến tranh để lại bao gia đình thương binh, liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam, bom mìn… Thiên tai thường xuyên đe doạ, có thể quét sạch trong phút chốc những nỗ lực đầu tư, chắt chiu gầy dựng của cả một cộng đồng, làng quê. Tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số dù đã giảm rất nhiều, song vẫn còn rất cao so với tỷ lệ chung cả nước… Điều đó lý giải vì sao chính sách ASXH luôn cần thiết để giúp người dân bớt đi khó khăn, có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Nhiều năm qua, trên cơ sở đường lối, chính sách ASXH của Đảng và Nhà nước, cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều mục tiêu ASXH hiệu quả. Trong đó, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã thực sự thể hiện vai trò nòng cốt của mình. Thông qua hệ thống tổ chức và lực lượng thành viên, hội viên của mặt trận và các đoàn thể về tận thôn, làng, tổ dân phố, các chính sách ASXH của Đảng và Nhà nước nhanh chóng đến được với mọi người dân. Thông qua phương thức phối hợp hoạt động với chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đưa các chương trình ASXH về cơ sở. Bằng khả năng tập hợp và tổ chức các phong trào quần chúng, mặt trận và các đoàn thể cùng cộng đồng dân cư phát huy vai trò tương thân, tương ái, huy động tinh thần và lực lượng mọi tầng lớp dân cư để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ASXH đối với từng nhóm đối tượng cụ thể. Mặt trận, đoàn thể đã huy động tiền, của, công sức từ cộng đồng để chăm lo cho nhiều đối tượng cần giúp đỡ. Đặc biệt, mặt trận và các đoàn thể thực hiện chức năng phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách và giám sát việc thực hiện chính sách, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần hạn chế những thiếu sót, khuyết điểm nảy sinh từ trong xây dựng đến tổ chức thực hiện chính sách ASXH trên từng địa bàn. Có thể thấy, khi mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội vào cuộc một cách thực chất, thì chính sách an sinh xã hội không chỉ được thực hiện mà còn được đẩy mạnh, đi vào đời sống từng gia đình, mỗi cộng đồng. Qua công tác của mình, mặt trận và các đoàn thể cũng phát hiện được không ít vướng mắc, hạn chế, khuyết điểm của các cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách ASXH nhưng không làm tròn, để kiến nghị sửa đổi, khắc phục, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền trong công tác nhân đạo này.
3. “Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm ASXH và giảm nghèo bền vững...”(1) là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII đề ra, qua 4 năm triển khai đã thu được nhiều kết quả tích cực. Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm đưa mục tiêu ASXH (giai đoạn 2015-2020) sớm về đích, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về công tác dân vận để nâng cao nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của các cấp chủ thể trong thực hiện mục tiêu ASXH: “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”(2). Đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững chính sách ASXH của Đảng và Nhà nước, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của mặt trận và đoàn thể trong góp phần bảo đảm chính sách ASXH được thực thi hiệu quả. Đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ và nhân rộng các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những tấm lòng thiện nguyện trên lĩnh vực ASXH, nhất là việc giải quyết tốt các chính sách đối với người nghèo, người khuyết tật và các chính sách phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Hai là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội để tập hợp trí tuệ và phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, đáp ứng yêu cầu mục tiêu ASXH trong tình hình mới. Mặt trận và các đoàn thể chú trọng thực hiện tốt trách nhiệm người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và mọi tầng lớp nhân dân. Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ ASXH để xây dựng chương trình hành động, một mặt động viên những người dân đang gặp khó khăn nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống, một mặt kêu gọi toàn xã hội chung tay giúp đỡ các đối tượng chính sách, hỗ trợ người dân vùng thiên tai bão lũ, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học tập. Tăng cường nắm bắt dư luận xã hội, phát huy dân chủ, năng lực trí tuệ, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền gắn với mục tiêu ASXH. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội với các hội quần chúng, với chính quyền, lực lượng vũ trang trong công tác bảo đảm ASXH trên từng địa bàn. Trước mắt, cụ thể hóa trách nhiệm của mặt trận và các đoàn thể để xây dựng các kế hoạch và tổ chức thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng các chương trình, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, các đề án nhân sự của cấp ủy đảng tại đại hội đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhiệm kỳ 2020-2025 và đề án nhân sự bầu cử đại biểu HĐND 3 cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026. Qua đó, nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của đảng từ cấp cơ sở đến toàn quốc phải đề ra và hướng được đến tinh thần nhân văn, vì sự phát triển của cộng đồng, của đất nước, thực sự mang lại thành quả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước thật sự được nhân dân tín nhiệm, qua công tác chứng tỏ bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, phong cách gần dân, tôn trọng dân, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, liêm chính, chí công vô tư; không lãng phí, “lợi ích nhóm”; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, vi phạm lợi ích của nhân dân, của dân tộc.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ mặt trận và đoàn thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trên cơ sở sắp xếp tổ chức bộ máy và đổi mới công tác cán bộ của hệ thống chính trị các cấp theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII, tiến hành đánh giá, phân loại, rà soát quy hoạch, thực hiện luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đủ về số lượng và nâng cao hơn về chất lượng. Chú trọng phát hiện, tạo nguồn cán bộ trẻ, có năng lực, trình độ, có uy tín và kinh nghiệm để chuẩn bị từ xa, có tính định hướng lâu dài cho chất lượng cán bộ ủy ban mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Khắc phục tình trạng đưa cán bộ phẩm chất, năng lực yếu kém và không có uy tín về làm công tác mặt trận, đoàn thể. Đặc biệt, tuyệt đối không giới thiệu cán bộ đảng, chính quyền vi phạm kỷ luật về các cơ quan thường trực của Ủy ban Mặt trận và các đoàn thể, làm hạ thấp vị trí, vai trò của chính các cơ quan lãnh đạo này. Đổi mới cơ chế, chính sách đối với cấp xã, áp dụng chế độ kiêm nhiệm để tăng thu nhập, tạo động lực cho cán bộ yên tâm công tác. Quan tâm hơn đến chính sách phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, bởi đây chính là lực lượng gần dân, sát dân, hiểu và có thể làm được nhiều việc cho dân, trực tiếp và hiệu quả. Trước mắt, căn cứ vào Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4-8-2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để đổi mới công tác nhân sự tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024.
Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng để phát huy vai trò của mặt trận và đoàn thể. Tập trung lãnh đạo chính quyền, mặt trận và đoàn thể cùng cấp xây dựng kế hoạch công tác, triển khai phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến ASXH. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và tăng cường công tác kỷ luật đảng, đồng thời, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo mặt trận và các đoàn thể xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội đối với tổ chức đảng, cơ quan chính quyền và các cá nhân là cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các bộ phận trực tiếp chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án ASXH để đánh giá đúng hiệu lực, hiệu quả của chương trình, đề án, đồng thời phòng, chống kịp thời các hành vi gây thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước và xã hội... Quan tâm nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, dựa vào dân để đánh giá, nhận thức đúng và giải đáp kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra, từ đó tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, chính sách ASXH của Đảng, Nhà nước phù hợp với thực tế, thực tiễn của địa phương. Phát huy các kết quả đạt được từ sự nỗ lực thực hiện mục tiêu ASXH của cả nước nói chung, sự đóng góp của mặt trận và các đoàn thể nói riêng, để khẳng định, xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ dân chủ XHCN của dân, do dân và vì dân.
----------------------
(1). ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb Chính trị Quốc qia, Hà Nội, 2016, tr.433, 434.
(2). ĐCSVN, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 BCH Trung ương về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
TS. Trương Thị Bạch Yến