Phú Tân: Sau 4 năm thực hiện việc đổi mới, kiện toàn tổ chức
Huyện Phú Tân là một trong những huyện nông thôn ven biển nằm phía Tây của tỉnh Cà Mau. Đảng bộ huyện hiện có 53 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy với 2.044 đảng viên, sinh hoạt ở 207 chi bộ (trong đó có 40 chi bộ trực thuộc Huyện ủy và 167 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở). 12 cơ quan chuyên môn, 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, có 122 biên chế và 215 cán bộ, công chức, chuyên trách của các xã, thị trấn, mặt trận Tổ quốc và 5 đoàn thể chính trị - xã hội, có 74 biên chế. Cán bộ công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở phần lớn là con, em gia đình có truyền thống cách mạng, đoàn kết, hăng say nhiệt tình trong công tác cũng như trong lao động sản xuất và trong thi đua thực hiện các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, đơn vị.  
Từ khi có Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 9-2-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy Nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội”, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Tân xây dựng kế hoạch nhằm cụ thể hóa Nghị quyết sát hợp với tình hình thực tế của địa phương và đề ra các giải pháp chủ yếu để tổ chức thực hiện trong toàn huyện.
Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII) về thực hiện đổi mới và kiện toàn bộ máy của hệ thống chính trị và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X), Huyện ủy bố trí 5 cơ quan tham mưu và 1 đơn vị sự nghiệp của Đảng (bao gồm Ban Tổ chức Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy, Văn phòng Huyện ủy, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện); mặt trận Tổ quốc và 5 đoàn thể chính trị - xã hội (bao gồm Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh) biên chế ổn định từ năm 2005 đến nay là 74 biên chế (trong đó khối Đảng 39, cán bộ tăng cường 6 và khối đoàn thể là 29 biên chế). Đối với các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, trước năm 2007 thực hiện theo Nghị định 172/2004 của Chính phủ sắp xếp 10 cơ quan quản lý Nhà nước có 70 biên chế và 5 đơn vị sự nghiệp với 19 biên chế; thực hiện Nghị định 14/2008/NĐ-CP của Chính phủ, huyện đã sắp xếp thành 12 cơ quan chuyên môn với biên chế 103 người, tăng 2 phòng, ban và 33 biên chế so với trước và ổn định 5 đơn vị sự nghiệp với 19 biên chế hiệu quả hoạt động tốt hơn.
Nhìn chung từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X), việc sắp xếp các cơ quan và bố trí cán bộ được điều chỉnh, bổ sung từ huyện đến cơ sở kịp thời, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp và đúng biên chế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong toàn bộ máy hệ thống chính trị của huyện. Thường xuyên quan tâm chỉ đạo sắp xếp bộ máy tổ chức và cán bộ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thay đổi bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ trưởng, phó phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện 131 đồng chí, trong đó đã bố trí sắp xếp 121 cán bộ chủ chốt cấp huyện (các cơ quan đảng 6, các phòng, ban trực thuộc ủy ban nhân dân huyện 109 và mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể 6 đồng chí). Đối với mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện mỗi ngành bố trí 1 trưởng, 2 phó, phân công đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, trưởng các đoàn thể là huyện ủy viên. Luôn quan tâm công tác đào tạo chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, theo đó từ năm 2007 đến năm 2010 huyện đã đưa đào tạo 735 đồng chí, bao gồm đào tạo về chuyên môn 225 (đại học 76, trung cấp 149); về lý luận chính trị 510 (cao cấp 50, trung cấp 135, sơ cấp 325). Giải quyết cho nghỉ hưu trước tuổi 27 cán bộ và 35 cán bộ thôi việc do sức khỏe kém, năng lực hạn chế, trình độ chưa đạt chuẩn nhưng không có điều kiện đào tạo.
Có thể khắng định qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) ở Đảng bộ huyện Phú Tân đã tạo sự nhận thức tốt, tư tưởng, hành động được đổi mới trong cấp ủy Đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên, quan tâm kiện toàn củng cố tổ chức bộ máy và cán bộ trong các cơ quan Đảng, bộ máy Nhà nước, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở; đã tổ chức bộ máy tinh gọn, đội ngũ cán bộ được đào tạo tăng lên về số lượng và chất lượng, cả về chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng, hiệu quả hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn những khó khăn, vướng mắc đó là: Việc sắp xếp bộ máy tổ chức và cán bộ bị sự ràng buộc các quy định, quy chế của cấp trên và biên chế cán bộ được cấp trên giao không đảm bảo yêu cầu. Kinh phí và chế độ chính sách chưa đáp ứng với đào tạo cán bộ, giải quyết chính sách cho cán bộ không đủ chuẩn về trình độ và năng lực công tác khi cho thôi việc và đào tạo cán bộ dự nguồn để thay thế.
Qua quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) ở Đảng bộ huyện Phú Tân, rút ra kinh nghiệm sau:
Một là: Từng cấp ủy làm tốt vai trò lãnh đạo trong việc triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết, xây dựng kế hoạch phù hợp, sát với tình hình thực tế của từng đảng bộ, chi bộ, cơ quan, đơn vị thì nơi đó kiện toàn tổ chức bộ máy tốt, hoạt động có hiệu quả.
Hai là: Kiện toàn tổ chức bộ máy cần có kế hoạch cụ thể, phù hợp triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, trong chỉ đạo có chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm nhưng phải đảm bảo tính đồng bộ, dân chủ và thống nhất trong đơn vị, cơ quan và của ngành chức năng cấp trên.
Ba là: Đổi mới tổ chức bộ máy gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ và thực hiện tốt chính sách cán bộ, kết hợp với việc kiểm tra xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kịp thời.
Bốn là: Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với đổi mới cải cách hành chính và đổi mới nhận thức về vai trò lãnh đạo, nâng cao năng lực, phương thức lãnh đạo của Đảng, cấp ủy trong hệ thống chính trị, đồng bộ chặt chẽ giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.  
                                                               

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất