Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên từ chi bộ

Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã nhấn mạnh: “Các tổ chức đảng phải thường xuyên giáo dục, quản lý, kiểm tra cán bộ, đảng viên về đạo đức, lối sống cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, gương mẫu, giữ gìn phẩm chất người chiến sĩ cộng sản”(1). Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện đã có nhiều vấn đề nảy sinh, thách thức mới, có khi rất gay gắt. Nhìn nhận, đánh giá tình hình theo tinh thần tự phê bình thì vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên còn nhiều bất cập.

Hiện nay, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đang chịu sự tác động, chi phối của nhiều yếu tố. Trong đó đáng chú ý là: diễn biến chính trị rất phức tạp trên thế giới và trong nước; nền kinh tế mở cửa, nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường; sự du nhập của văn hoá, lối sống nước ngoài; các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị; sự chống phá của kẻ thù cùng với sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân, v.v. Những tác động đó đang làm thay đổi quan niệm về thang giá trị đạo đức xã hội; đã và đang làm xuất hiện những vấn đề mới mà nhận thức, tư tưởng và hành động của nhiều cán bộ, đảng viên không theo kịp; hoặc làm xuất hiện những cơ sở, điều kiện xã hội cho sự nảy sinh và phát triển những tư tưởng, động cơ cá nhân không đúng dẫn đến các hiện tượng tiêu cực. Mặc dù những thành tựu của công cuộc đổi mới là yếu tố rất cơ bản tác động tích cực đến đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, song mặt trái của cơ chế thị trường và các mặt tác động tiêu cực khác đang làm xói mòn đạo đức, lối sống, đe doạ nghiêm trọng sự trong sạch, vững mạnh của Đảng ta.

Trước những tác động nêu trên, bên cạnh những mặt mạnh cơ bản thì một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống. Biểu hiện rõ nhất là: chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, cục bộ, ích kỷ, vụ lợi phát triển nhanh; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bòn rút của công, làm giàu bất chính ngày càng nghiêm trọng; lối sống xa hoa, hưởng lạc, kèn cựa, địa vị, mất đoàn kết, báo cáo thiếu trung thực, móc ngoặc, chạy chức, chạy quyền diễn ra phức tạp, tinh vi; nhất là trong một bộ phận cán bộ có chức, có quyền; tệ buôn lậu ở nhiều nơi đã có hiện tượng móc nối từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới... Tính chất nguy hại của các hiện tượng trên phần lớn phản ánh sự lợi dụng chức quyền để thực hiện tham vọng cá nhân với những động cơ trái với đạo đức cộng sản. Có nhiều người bất chấp cả đạo lý và nguyên tắc tìm mọi cách để có quyền lực. Khi đã có chức, có quyền thì chỉ lo củng cố quyền và lợi cho cá nhân và gia đình mình mà không hề lo cho lợi ích của Đảng, của dân, thậm chí nhẫn tâm hy sinh lợi ích của Đảng, của dân vì lợi ích của cá nhân mình. Có người vì tham vọng quyền lực và lợi lộc mà bất chấp cả đạo đức và nhân tính, sống thủ đoạn, tàn ác với cả đồng chí, đồng đội của mình... Tất cả các hiện tượng đó là sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, thực sự đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội, làm giảm sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh và uy tín của Đảng, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.

Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, chủ yếu do chủ nghĩa cá nhân, do tác động của mặt trái của cơ chế thị trường, cơ chế chính sách có nhiều sơ hở. Trong đó, nguyên nhân quan trọng là nhận thức lệch lạc trong tiếp thu giá trị đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và việc quan tâm bồi dưỡng về đạo đức, lối sống trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên ở chi bộ.

Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, lối sống, bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn diễn ra nghiêm trọng….”(2).

Để khắc phục tình trạng trên góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 30 tháng 3 năm 2007 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cần phải tiếp tục tăng cường các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên ở chi bộ trong tình hình hiện nay, theo chúng tôi cần tập trung vào một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, thường xuyên quan tâm, giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên một cách toàn diện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Theo Chủ Tịch Hồ Chí Minh thì “Đạo đức cách mạng không phải ở trên trời rơi xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Do vậy, công tác giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng và lối sống trong sạch, lành mạnh phải được các cấp ủy đảng quan tâm đúng mức, trở thành nhiệm vụ thường xuyên. Cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, giúp cán bộ, đảng viên phân biệt rõ đúng sai, những việc cần làm và những việc cần tránh. Thông qua giáo dục giúp cán bộ, đảng viên nhận thức và rèn luyện theo những chuẩn mực cần có để hoàn thiện nhân cách của mình trong quá trình hoạt động thực tiễn. Nội dung giáo dục đảng viên ở chi bộ, đảng bộ trước hết phải đặt lên hàng đầu việc giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì đây là nền tảng của nhận thức, giúp cán bộ, đảng viên nâng cao hiểu biết, là cơ sở của việc củng cố, nâng cao đạo đức, lối sống cách mạng, giữ vững lập trường giai cấp.

Chú trọng giáo dục những vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà trực tiếp là những nhiệm vụ chính trị của chi bộ nơi đảng viên công tác, làm việc. Nội dung giáo dục phải gắn với nhiệm vụ của người đảng viên và những yêu cầu, tiêu chuẩn cán bộ mà Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước đã xác định. Đặc biệt coi trọng giáo dục và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà cốt lõi là tư tưởng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho mọi cán bộ, đảng viên của chi bộ. Bên cạnh đó cũng cần giáo dục truyền thống yêu nước, cần cù, nhân ái, ham học, cầu tiến bộ để từng cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần tự giác, phấn đấu rèn luyện, loại bỏ tư tưởng cũ, nhất là tư tưởng thực dụng, vụ lợi cá nhân, địa vị, ích kỷ….


Thứ hai, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh với đấu tranh khắc phục các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục với xây dựng các biện pháp thực hiện. Cấp ủy, chi bộ cần thường xuyên đưa nội dung giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống của đảng viên vào nghị quyết của chi bộ, đảng bộ. Nghị quyết cần cụ thể hóa các tiêu chuẩn đạo đức, lối sống để nhận xét, đánh giá khi phân tích chất lượng đảng viên, làm cơ sở đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Tổ chức quán triệt, học tập tới mọi đảng viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Luật thực hành tiết kiệm, Luật phòng chống tham nhũng, lãng phí và các quy định về những điều đảng viên không được làm. Phổ biến để cán bộ, đảng viên hiểu rõ, nắm chắc các quy định, chế độ, tiêu chuẩn được hưởng của từng đối tượng. Thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức quần chúng giám sát các hoạt động của cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm nguyên tắc, chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng. Theo chế độ định kỳ (6 tháng, 1 năm), lấy ý kiến đóng góp của quần chúng ở cơ quan, đơn vị, tổ chức quần chúng nơi cư trú góp ý cho cán bộ, đảng viên. Cấp ủy trực tiếp tổng hợp các ý kiến phê bình, đóng góp của quần chúng thông báo tới từng cán bộ, đảng viên, yêu cầu từng người phải giải trình rõ sự việc (nếu có sai phạm), có kế hoạch và biện pháp tiếp tục phát huy ư điểm, khắc phục triệt để các thiếu sót, khuyết điểm.

Khen thưởng kịp thời những cán bộ, đảng viên gương mẫu, xử phạt nghiêm minh, kiên quyết những cán bộ, đảng viên vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống theo phương châm đúng người, đúng tội. Tuy nhiên cũng cần phải thống nhất về nhận thức trong xử phạt cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức, lối sống. Xử phạt nghiêm, kịp thời cũng chính là biện pháp giúp cán bộ, đảng viên phấn đấu, sửa chữa, rèn luyện đạo đức, lối sống cách mạng.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên quan tâm đến lợi ích chính đáng của cán bộ, đảng viên.

Công tác kiểm tra, giám sát cần tiến hành trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, nhất là đối với những cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ trong những lĩnh vực quản lý tài chính, vật tư, nhà đất; những cán bộ, đảng viên công tác lưu động dài ngày, xa sự quản lý trực tiếp của cấp ủy, chi bộ. Qua đó đề cao trách nhiệm cá nhân, nghiêm túc với bản thân mình, tự giác học tập và rèn luyện phấn đấu trở thành cán bộ, đảng viên tiêu biểu trong chi bộ.

Quan tâm giải quyết thỏa đáng lợi ích vật chất và tinh thần cho cán bộ, đảng viên là một việc làm thiết thực, qua đó giáo dục, giữ gìn đạo đức cách mạng và lối sống trong sáng, lành mạnh cho cán bộ, đảng viên. Từng bước xây dựng các chế độ, tiêu chuẩn, nhất là chế dộ lương, thưởng thống nhất tương xứng với trách nhiệm và công việc được giao. Khắc phục tình trạng chênh lệch bất hợp lý giữa các vùng, miền, các lĩnh vực công tác, các đối tượng cán bộ… Trên cơ sở chính sách chung, cấp ủy, chi bộ cần lãnh đạo xây dựng những quy chế, quy định bảo đảm lợi ích, quyền lợi của đảng viên. Quy chế phải được xây dựng dân chủ, khoa học, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên học tập, công tác, rèn luyện, vừa có tác dụng phòng ngừa, giúp tránh được những sai lầm, khuyết điểm.


Thứ tư, phát huy vai trò, hiệu quả thực hiện Cuộc vận động“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên trong chi bộ.

Cấp ủy, người chỉ huy cần đề cao sự gương mẫu trong thực hiện Cuộc vận động, cần ghép nội dung học tập Cuộc vận động với hưởng ứng các phong trào thi đua của chi bộ, cơ quan, đơn vị. Nhất là tự phê bình và phê bình trong Đảng, việc thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, công khai các khoản thu, chi trong cơ quan, đơn vị…

…………………………………………………….

(1)      ĐCSVN. Văn kiện hội nghị lần thứ sáu BCHTW (lần 2) khóa VIII, Nxb CTQG, Hà Nội. 1999, tr 28.

(2)      ĐCSVN. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr 48.

Phản hồi (1)

Ngô Quang Hoà 11/05/2011

"Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chỉ rõ:"..."(2)(bài) Chú thích "(2) ĐCSVN. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr 48." Đại hội X hay XI? Lạm dụng dấu chấm phẩy (;) (khổ 2). Nên cos cách diến đạt trong sáng hơn. "phát huy ư điểm" (đáng lẽ ƯU ĐIỂM). Nội dung bài không có gì mới. Đọc thấy mệt.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất