Đôi nét về C.Mác trong cuộc sống đời thường
C.Mác và Gien-ni
C.Mác là nhà tư tưởng, lý luận vĩ đại, là thiên tài, là vĩ nhân nhưng ông cũng là một  người bình thường như mọi con người bình thường trên trái đất này. Ông cũng có tình yêu nam nữ mãnh liệt, đắm say; cũng là một người chồng với những lo toan về nghĩa vụ làm “bờ vai” cho người đàn bà của riêng mình trong cuộc sống thường nhật, cơm áo, gạo tiền... của một gia đình. Ông cũng làm nghĩa vụ của một người cha không chỉ với nghĩa là đấng sinh thành mà còn là người thầy, một nhà giáo dục nâng bước, dẫn dắt các con bước vào đường đời mà không có một người thầy nào có thể thay thế được. Ông từng nói: Cái gì thuộc về con người đều không xa lạ với tôi.

Cũng giống như những thanh niên ở mọi thời đại, C.Mác là một thanh niên mạnh mẽ và lãng mạn trong tình yêu lứa đôi. Bất chấp những định kiến của người đời,  C.Mác đã yêu mãnh liệt cô thiếu nữ Gien-ni hơn mình 4 tuổi, xinh đẹp. Gien-ni đã vượt ra khỏi tầm suy nghĩ và nếp sống của một gia đình quyền quý, giàu sang để đến với người đàn ông mà cô yêu thích, ngưỡng mộ. Gien-ni đã yêu C.Mác vì ý hợp tâm đầu trong cảm nhận  trong sáng về một sự tiến bộ xã hội, về những mơ ước tốt đẹp mà tuổi trẻ thường hướng tới. Hai người yêu nhau và đi tới kết hôn bằng cách đấu tranh để vượt ra khỏi sự ràng buộc và toan tính của gia đình Gien-ni về một đấng hôn phu giàu có trong hàng ngũ quý tộc cho cô con gái xinh đẹp của mình. Họ đi suốt cuộc đời với nhau trong tình yêu, niềm đam mê sáng tạo khoa học và khát khao đối với một xã hội mà con người được giải phóng khỏi chế độ chuyên chế, bất công, vô nhân tính do tầng lớp quý tộc gây ra mà chính họ là những trí thức xuất thân từ đó. Tình yêu của Gien-ni đã giúp C.Mác làm nên sự nghiệp lớn bất chấp sự nghèo khó về vật chất và sự o ép về tinh thần của nhà cầm quyền đương thời. “Không có Gien-ni Phôn-vét-pha-len thì Mác không bao giờ được như thế” - Đó là nhận xét của Ê-lê-o-nô-rơ-mác A-rư-linh, cô con gái yêu của C.Mác. Đánh giá công lao của Gien-ni đối với sự hình thành học thuyết khoa học mà ngày nay chúng ta gọi là Chủ nghĩa Mác, Ph.Ăngghen từng nói: Gien-ni không những đã cùng chia sẻ số phận, công việc và cuộc đấu tranh của chồng mà còn dự phần vào đấy với một trí minh mẫn phi thường và một trái tim nồng cháy. Gien-ni là người thư ký, người ghi chép và biên tập các văn bản của C.Mác. Ông không cho công bố bất cứ tài liệu nào của mình nếu như chưa được Gien-ni xem qua. Gien-ni là người đại diện cho C.Mác trong việc giao dịch với các nhà xuất bản về việc ấn hành các công trình khoa học của ông.

Cuộc sống đời thường của một cặp vợ chồng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp và hạnh phúc của riêng họ mà trong chừng mực nhất định, ở từng hoàn cảnh và điều kiện, nó còn ảnh hưởng đến xã hội ở những mức độ khác nhau, tuỳ theo cương vị mà mỗi người đảm nhiệm. Chúng ta có câu nói rất hay về sự hoà hợp trong quan hệ vợ chồng: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”.

Trong mấy cuộc kháng chiến chống kẻ thù hung bạo nhất loài người để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc ở thế kỷ XX, người ta đã cắt nghĩa nguyên nhân làm nên chiến thắng của dân tộc Việt Nam bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau. Chúng ta cũng có thể nói nguyên nhân là do sức mạnh của tình yêu - tình yêu lứa đôi và tình yêu Tổ quốc - đan xen vào nhau, cuốn hút và thôi thúc nhau đã làm nên sức mạnh của mọi chiến công dẫn đến sự toàn thắng. Những người yêu, những người vợ đã giỏi việc nước, đảm việc nhà, giữ vững hậu phương và bằng tình yêu của mình đã nhân đôi sức mạnh của những người lính xông pha nơi trận mạc, nhằm thẳng quân thù mà tiến công, mà chiến đấu và chiến thắng. Và cũng bằng sự hy sinh và chiến công của những người lính đã nhân đôi sức mạnh cho người ở hậu phương để cho ngọn lửa của mọi gia đình Việt Nam không bao giờ tắt và nó luôn làm ấm lòng những người chiến sỹ nơi tiền phương. Một cuộc thi đua của hàng triệu triệu thanh niên nam nữ để xứng đáng với nhau, tiếp sức cho nhau, nâng đỡ nhau trong cuộc trường chinh đi tìm hạnh phúc cho mình và cho toàn dân tộc. Chúng ta có thể tự hào mà nói rằng tình yêu và sự nghiệp của những chàng trai, cô gái Việt Nam ở thế kỷ XX có thể hoà đồng với lời thơ rực lửa yêu đương của chàng thanh niên C.Mác gửi Gien-ni ở thế kỷ XIX:

“Yêu em, yêu trọn tháng ngày

Đời anh vui hát trọn đầy tình em

Bao nhiêu kỷ niệm êm đềm

Thành bao nốt nhạc rung trên đất này”


(Trích lịch niên giám thế kỷ, NXBTT, H.2000)

Tình yêu của Gien-ni và C.Mác đã làm cho tư tưởng khoa học về giải phóng con người rung động hàng triệu triệu trái tim của những người bị áp bức trên toàn thế giới qua nhiều thế kỷ. Tình yêu lứa đôi của hàng triệu thanh niên nam nữ Việt Nam cũng đã làm cho bản đồ thống trị thế giới của chủ nghĩa thực dân phải vẽ lại vào những thập niên cuối của thế kỷ XX.

Thế kỷ XXI với những lo toan của cuộc sống thời kinh tế thị trường, mở cửa và hoà nhập quốc tế, quan niệm về tình yêu và hôn nhân đã có nhiều biến thái, nhưng những gì là nhân tính, là nhân văn, là sự sắt son, chung thuỷ cộng hưởng làm nên nghiệp lớn thì vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục sáng lấp lánh trong tình yêu của những lớp thanh niên Việt Nam thời hiện đại, mang trong mình dòng máu của ông bà, tổ tiên họ - những người đã vì tình yêu mà sản sinh, nuôi dưỡng, dạy dỗ họ. Lẽ tự nhiên, tất yếu sẽ phải là như vậy!

Cũng giống như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tin tưởng, ngày nay dân tộc ta  vẫn vững lòng tin rằng thanh niên ta sẽ xứng đáng với cha ông, tổ tiên ta ngày trước.

Có một đặc điểm của xã hội ta hiện nay là thế hệ đang đảm trách công việc quốc gia của hệ thống chính trị, hầu hết không phải là lớp người đã phải nằm gai nếm mật, phải đấu tranh sinh tử trong hai cuộc kháng chiến chống quân thù xâm lược; nhiều lắm thì họ cũng chỉ phải đội mũ rơm cắp sách đến trường và chịu thiếu thốn trong thời hậu chiến; rồi lần lượt được ngồi trong các giảng đường đại học trong hoặc ngoài nước. Họ có học thức, có tình yêu lứa đôi trong khung cảnh đất nước hoà bình, không phải trải qua tình yêu ở thời đánh giặc “Anh hôn em hôn cả khẩu súng trường” như một nhà thơ - chiến sĩ đã viết trong thời đánh Mỹ. Cơ hội, thời thế đã tạo cho họ được học hành, có tình yêu, hạnh phúc trong hoà bình, có danh vọng và được xã hội đãi ngộ xứng đáng. Những năm 80 của thế kỷ trước, lớp người “khai quốc” và “kháng chiến” sớm nhận ra sai lầm của thời tập trung, quan liêu bao cấp đã quyết định đổi mới để đưa đất nước tiếp tục tiến lên. Thế là thế hệ trước lại một lần nữa mở một con đường đúng đắn cho thế hệ sau kế tục trước khi lần lượt nghỉ hưu, lui về phía sau để trao cho họ đảm trách các chức quyền quan trọng của quốc gia với hy vọng họ sẽ là lớp người viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc trong thời kỳ mới. Quá khứ vinh quang và kiêu hãnh của lớp người “khai quốc” và “kháng chiến” đã tạo nền tảng vững chắc cho thế hệ lãnh đạo đất nước hôm nay về uy tín, quyền lực, chủ quyền quốc gia, tài nguyên, đất trời, rừng biển và một nhân dân cần cù, dũng cảm, giàu lòng tin vào Đảng.

Kể từ ngày thống nhất đất nước tới nay thời gian đã dài hơn hai cuộc chiến tranh trường kỳ gian khổ, chúng ta đã chứng kiến những đổi thay lớn lao, tự hào có, mà buồn lòng cũng có. Thành tích thì chính chúng ta hôm nay đã tự nói ra hầu như tất cả, hầu như mọi người đều biết và ít nhiều ai cũng được thụ hưởng thành quả của thời kỳ đổi mới. Nhưng nỗi ưu tư vẫn ngày đêm nhức nhối, dằn vặt tâm can lớp người đi trước và có cả sự ngơ ngác của lớp trẻ hôm nay trước bao vấn nạn cuộc đời.

Không phải không có một số gia đình có chồng (hoặc vợ) là cán bộ có chức quyền đã lạm dụng để làm những việc bất chính như tham ô, lãng phí, xa hoa, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp và cả chạy án đến nỗi rơi vào tội lỗi, vào vòng lao lý. Chính những người đó đã làm cho tình yêu, hôn nhân, gia đình của họ lủng củng, tan vỡ, làm băng hoại gia phong và truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, làm ảnh hưởng xấu đến tâm hồn, tư tưởng, đạo đức của lớp trẻ. Si mê và khao khát  tiền bạc, danh vọng, sa đoạ, hưởng lạc... đã làm vẩn đục tình yêu lứa đôi, tình yêu gia đình và tình yêu Tổ quốc, làm cho cuộc sống của một số người rơi xuống hàng ti tiện, thấp hèn, thậm chí vô nhân tính. Lòng tự trọng của người đảng viên, cán bộ mất đi, sự huyễn hoặc, hợm hĩnh về những gì mình đang có (danh vọng, bổng lộc, giàu sang...) đã làm cho người ta không còn biết xấu hổ, không còn nghĩ đến uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước và dân tộc.

Tình yêu, hôn nhân, cuộc sống đời thường của mỗi cán bộ, đảng viên có quan hệ mật thiết đến uy tín, danh dự của Đảng, của chế độ. Không thể lấy “vải thưa che mắt thánh”, không thể dùng lời lẽ khoa trương, màu mè, mị dân mà che giấu được tội lỗi trước nhân dân. Bác Hồ đã từng nói dân chúng rất sáng suốt, không có gì có thể lừa dối mãi được nhân dân. Thực tế cho thấy vẫn có một số cán bộ, đảng viên, đời tư và sự nghiệp có nhiều khuất tất nhưng vẫn “hạ cánh an toàn”, song danh dự, phẩm giá và lương tâm họ khi nghỉ hưu và cho đến lúc chết không thể bình yên. Sự xa lánh và khinh bỉ của nhân dân đối với những người ấy là điều không tránh khỏi. Có nhiều cái trong xã hội chưa thể công bằng nhưng danh dự, uy tín và phẩm giá thì tuyệt đối công bằng trước dân chúng, không tiền bạc và quyền uy nào mua được.

C.Mác và Gien-ni nghèo về tiền bạc, không có chức quyền gì, họ chỉ có tình yêu và trí tuệ nhưng danh dự và phẩm giá của hai người mãi mãi là tấm gương sáng cho nhân loại, trước hết là cho những người cộng sản cùng soi.

Con cái là kết quả của tình yêu và hôn nhân. Nuôi dạy con cái thành một người chân chính là trách nhiệm trong cuộc sống đời thường nhưng không phải là “điều nhỏ” đối với trách nhiệm người làm cha mẹ. Mỗi người phải bằng trí tuệ, nhất là lối sống và hành vi của mình để giải đáp cho con cái những câu hỏi, những băn khoăn, vướng mắc khi chúng mới chập chững làm người.

C.Mác đã là người cha tuyệt vời, mẫu mực, không phải người làm cha nào (và cả người làm mẹ nữa) cũng đã ý thức được đầy đủ về tình yêu và cách giáo dục con gái được như ông. Ông vui đùa với con gái khi còn thơ dại, nhưng khi đã là một thiếu nữ, mới chập chững bước vào ngưỡng cửa trường đại học, một mình phải đối mặt với mọi tình huống khó xử thì C.Mác đã xuất hiện bên con như là một người bạn, một người thày và một cố vấn mà không có bất cứ ai thay thế được. Trong một bức thư gửi con gái khi lần đầu tiên cô xa nhà, C.Mác đã viết về những điều kín đáo, tế nhị nhất cho con gái: Ba chắc chắn con sẽ ngượng... nhưng ba muốn nói với con những điều nghiêm trọng khác thường, khác với sự nô đùa thân mật hằng ngày của ba. Bằng sự từng trải, lịch lãm ông đã nói với cô con gái 20 tuổi những điều “chứa đựng cái nhìn của phái nam đối với phái nữ”, khuyên con nên có bạn trai trong thời buổi mới. Nhưng có bạn trai không có nghĩa là buông tuồng. Với họ, có những câu đùa, suồng sã của họ con nên tiếp với vẻ mặt lạnh nhạt để kẻ đối thoại biết rằng phải tôn trọng phẩm giá của người con gái. Nhưng không phải vì vậy mà con trình diện với một bộ mặt đăm đăm, một bộ mặt “kín cổng cao tường”, làm tắt hết mọi nguồn cảm hứng, làm xa cách tất cả bạn trai của con, xa cách cái may mắn tình duyên tốt đẹp. Một nữ giáo sư nào đó đã nói rằng “người con gái là một bông hồng”. Đúng vậy con ạ! Nhưng hãy là cái gai đâm vào bàn tay kẻ tàn bạo. C.Mác đã nói với con rằng cuộc đời biến thiên vô cùng di động, ba mẹ không thể cho con mọi lời khuyên như cái cẩm nang cố định; nhưng với sự trải nghiệm của mình, ba mẹ sẵn sàng chia sẻ cho con và mong con thành đạt. Ba mẹ sẵn sàng tha thứ cho con dù con có mắc bất cứ lỗi lầm gì. Đừng che giấu vì sự che giấu là đầu dây cho mọi tội lỗi... Con hãy yêu vì tình yêu không phải là tội lỗi, nhưng con phải biết giữ phẩm giá của mình, phải khước từ những tặng phẩm được đánh giá là ẩn nấp một sự mua chuộc; đừng để cho mình mềm yếu và lầm lẫn trước những sự hấp dẫn về những món quà; đừng đi với bạn trai đến một khúc sông vắng, một đoạn đường khuya, một công viên vắng người, những nơi có đèn mờ ảo, có nhạc ru êm,... Cần tránh xa những khung cảnh đặt con vào sự yếu mềm. Con phải tỉnh táo mà nhận biết bạn trai yêu con vì lẽ gì. Nếu con để kẻ nào đặt cái hôn ranh mãnh lên môi con thì trước khi hôn họ đã khinh con, khi hôn họ cũng khinh và sau khi hôn họ càng khinh hơn.

Bằng chính tấm gương về tình yêu của mình với Gien-ni mà C.Mác có thể viết cho con những lời giản dị, đầy tình yêu thương, rằng: Tình yêu lứa đôi là một quy luật chứ không phải là một trò chơi, nhưng tình yêu có luật của nó. Luật tình yêu đòi hỏi phải lịch sự và tế nhị, có say đắm nhưng cần tỉnh táo. Không phải địa vị, tiền bạc là tiêu chuẩn vì địa vị không mang lại hạnh phúc cho con người mà chỉ có ai có khả năng lao động và biết lao động chân thành mới thoả lòng người chân chính... Con hãy yêu đi và hãy tự hỏi: Người yêu con có chung thuỷ với con không? Cái thứ mà tình yêu đem ra mặc cả như một món hàng ngoài chợ thì không phải là tình yêu nữa. Khi đã yêu con đừng tính toán. Nếu người yêu con là người nghèo khó thì con hãy cùng họ lao động để tô thắm tình yêu; nếu người con yêu là một người cụt chân thì con sẽ là cái nạng vững chắc cho đời họ. Người nào biết sống vì con, vui khi con vui, buồn khi con buồn, người đó nhất định sẽ là chồng con, con hãy nhận bó hoa tươi của người ấy tặng và đặt nó dưới chân tượng đài tình ái. Hãy yêu đi con, yêu tha thiết như mẹ đã từng yêu ba vậy.

Chỉ có những người cha người mẹ mẫu mực mới có thể viết cho con những lời như thế!

Dạy con gái biết yêu, C.Mác đồng thời chú ý dạy cho con biết sống làm người. Chắc nhiều người còn nhớ ông đã trả lời những câu hỏi của cô con gái yêu quý về hạnh phúc là biết đấu tranh, đấu tranh với bản thân để vượt lên trên mọi gian khó và mọi sự cám dỗ thấp hèn, là dũng cảm chống lại cuộc sống mất nhân tính. Còn sự đau khổ thì lại chính là ở sự khuất phục, là cam chịu, là không dám đấu tranh cho chân lý và cái đẹp, là hèn hạ, không có can đảm làm một người tử tế. Tính xấu mà con người chân chính cần phải căm ghét là nô lệ, ti tiện, tầm thường, nhỏ nhen. Ở đời không có gì là tuyệt đối, nhận thức của loài người là đấu tranh không biết mệt mỏi để nhận thức chân lý, phải biết hoài nghi - một sự hoài nghi khoa học - để biết vượt cao hơn những cái gì mình đã biết. Cuộc sống là vận động và biến đổi không ngừng, vì vậy đổi mới và cách mạng mới làm nên nghiệp lớn.

C.Mác là một nhân cách lớn, là ánh sáng không bao giờ tắt, là tấm gương cho hậu thế soi chung về lẽ sống và lối sống làm người.

Chính vì thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những lời vàng ở Trường Đảng cao cấp, khuyên những người cộng sản hãy biết làm người, vì chỉ có biết làm một người tử tế thì mới biết làm một người cán bộ cách mạng để phục vụ Tổ quốc và nhân dân.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất