Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
Vào tháng 6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết định ra nước ngoài với mục đích ban đầu là “… muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ Tự do - Bình đẳng - Bác ái” và “… phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi.”(2). Đây là những suy nghĩ sâu sắc và hết sức thực tế của Người khi mà các phong trào yêu nước Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ XX đang rơi vào tình trạng bế tắc về đường lối lãnh đạo.
Từ Sài Gòn, con tàu Đô đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vin đưa chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đến nước Pháp. Từ đó anh tới nhiều châu lục và nhiều quốc gia trên thế giới. Ở đâu anh cũng thấy áp bức và bất công, đói rách và nghèo khổ, ngay cả trên đất Pháp vốn được xem là đỉnh cao tự do, dân chủ. Sau nhiều chuyến đi, anh đúc kết “… những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo… Đối với bọn thực dân, tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen đều không đáng một xu…”(3); và  anh rút ra kết luận: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”(4).

Năm 1917, tiếng vang thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã hướng Nguyễn Tất Thành nghiên cứu về Cách mạng vô sản. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, ngày 18 và 19-6-1919, các nước đế quốc thắng trận họp nhau ở Véc-xây (cung điện của một thị trấn gần thủ đô Pa-ri) để phân chia lại thị trường thế giới. Nhân cơ hội này, Nguyễn Tất Thành lấy bút danh Nguyễn Ái Quốc, thay mặt những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gởi đến hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam, đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận quyền tự do dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam… “Lần đầu tiên, người ta nghe dân tộc Việt Nam cất cao tiếng nói. Đó là tiếng nói của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, người Việt Nam đầu tiên và cũng là người Việt Nam duy nhất lúc đó anh dũng đứng lên ngay giữa Pa-ri đòi quyền lợi dân tộc trước mắt bọn cá mập thực dân…”(5). Nguyễn Ái Quốc viết bài tố cáo chính sách thuộc địa hà khắc của các nước thực dân, đế quốc ở thuộc địa, phản ánh khát vọng tự do của nhân dân Việt Nam và các dân tộc thuộc địa trên các báo Nhân đạo, Tia sáng, Đời sống thợ thuyền… và kiêm chủ bút tờ báo“Người cùng khổ”.

Tại
Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp (thành phố Tua, 12-1920), Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế 3 và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu sự phát triển về chất trong nhận thức của Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản.
------------

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.314.
2. Bảo tàng Hồ Chí Minh (2008), Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.19-20.
3. Bác Hồ kính yêu, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2007, tr.14.
4. Bảo tàng Hồ Chí Minh (2008), Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.34.
5. Tạp chí Cộng sản, số 781, tháng 11-2007, tr.26.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất