Triết lý giáo dục con người phát triển toàn diện

1. Ph.Ăng-ghen đã cách xa chúng ta 120 năm. Từ bấy đến nay thế giới đã có nhiều đổi thay kỳ diệu, không ít những sản phẩm tinh thần của thời đó nay đã bị lịch sử vượt qua. Tuy vậy có những tư tưởng lớn, trong đó tư tưởng về giáo dục của Ph.Ăng-ghen đã được thực tiễn kiểm nghiệm và đời sau kế thừa phát triển. C.Mác từng nói: thế hệ sau phải biết đứng trên vai thế hệ trước mà tiến lên. Trên tinh thần ấy, chúng ta trở lại với triết lý giáo dục mà Ph.Ăng-ghen khẳng định trong cuốn Chống Đuy-rinh: “… nền giáo dục ấy sẽ kết hợp lao động sản xuất với việc giảng dạy và thể dục; và như thế không chỉ với tư cách là một phương pháp để làm tăng thêm sản xuất xã hội mà còn là một phương pháp duy nhất để tạo ra những con người phát triển một cách toàn diện”(1). Tư tưởng này được C.Mác chỉ ra trong bộ Tư bản, Ph.Ăng-ghen không những là người đồng tình và phát triển mà chính bản thân ông trên con đường học tập, tự giáo dục và tự đào tạo, nghiên cứu và đấu tranh cách mạng đã để lại cho loài người một triết lý giáo dục sống động, trường tồn cùng với sự phát triển của nhân loại.

Chỉ là người có bằng tú tài, Ph.Ăng-ghen tự thâm nhập vào hai môi trường: phong trào công nhân và câu lạc bộ của các nhà bác học đương thời, kiên trì tự học và suy ngẫm. Theo sự phân công giữa ông và C.Mác, Ph.Ăng-ghen đảm nhiệm thường trực viết sách báo đấu tranh chống lại quan điểm đối lập. Đối tượng cần tranh luận của ông đều là những học giả, các triết gia, giáo sư và nhà báo... lừng danh của xã hội đương thời. Họ đã trình bày lập luận của mình một cách ngụy biện dựa trên hệ thống những tri thức khoa học tự nhiên và xã hội. Họ lại được ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của chính quyền nhà nước và của hầu hết các báo chí trong xã hội tư bản. Không thể phê phán họ bằng bất cứ quyền lực gì, ngoài quyền năng trí tuệ. Ph.Ăng-ghen nói rằng, bắt tay vào phê phán họ, như trường hợp chống Đuy-rinh chẳng hạn, là “ngoạm vào quả táo chua và rất to” nhưng không thể hồ đồ, tuỳ tiện, cắt xén, chụp mũ, “nói lấy được” mà “cần phải nghiên cứu một cách thấu đáo, toàn diện”. Tự thấy cần phải bổ sung những kiến thức khoa học tự nhiên, làm cơ sở vững chắc cho những lập luận khoa học của mình, ông đã dành phần lớn thời gian trong 8 năm để hoàn thiện, tới mức không ai có thể vạch ra được những lầm lỗi của ông về những kiến thức đương thời. Vì vậy, sau khi cuốn Chống Đuy-rinh của ông ra đời, Đuy-rinh đã lặng lẽ hạ bút, im lặng và cuốn sách đó đã trở thành một tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học. Thực tiễn chứng minh chân lý và là tiêu chuẩn duy nhất đúng để kiểm nghiệm chân lý. Chính hoạt động thực tiễn của Ph.Ăng-ghen đã minh chứng cho triết lý giáo dục mà C.Mác và ông đã nêu ra: học thấu đáo, thiết thực, không chạy theo hình thức, học vị, học toàn diện, học để hành, tự học là chính, học suốt đời, học để phụng sự cách mạng…

Triết lý giáo dục ấy, người Việt Nam đã noi theo và vận dụng thành công trong thế kỷ XX cùng với cuộc cách mạng xã hội vĩ đại của dân tộc mình. Triết lý giáo dục ấy đã gặp gỡ tư tưởng giáo dục hiện đại mà UNESCO nêu ra cho thế kỷ XXI. Trong đó, mục đích của giáo dục trước hết là đào tạo ra những con người biết làm việc. Làm việc, biết làm việc, biết tự tìm ra việc làm, cách làm là điều căn cốt nhất và là điều kiện duy nhất sống còn của loài người. Có lao động mới thành người; lao động là giá trị bất biến duy nhất - Ph.Ăng-ghen đã nói thế. Biết làm việc mới biết làm người - Hồ Chí Minh cũng khẳng định như vậy. Đơn giản thế nhưng lại là điều căn cốt nhất của giáo dục và đào tạo. Điều này là dòng chữ đầu tiên của Hồ Chí Minh ghi trong sổ vàng của Trường Đảng cao cấp Trung ương (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) từ tháng 9-1949: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ”(2). 

Không chỉ biết làm việc, mà còn phải biết phụng sự. Bản chất của loài người là có tính xã hội, tính cộng đồng, là phấn đấu cho tự do. Không ai có thể tự mình mà sống, mà phát triển được. Tất cả đều phải liên hệ và phụ thuộc vào nhau, trong đó “tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (C.Mác). Do đó, mục đích của nền giáo dục là đào tạo ra con người có lý tưởng, có hoài bão, biết phụng sự, biết mọi người vì mình nên mình phải biết sống vì mọi người: “Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”(3).

Biết tự sửa chữa, biết xấu hổ do đó họ biết tự giáo dục, tu dưỡng tư tưởng, đạo đức là mục đích thứ ba của giáo dục. Từ trong mỗi con người, do quá trình sinh tồn và phát triển, ai cũng có cái thiện và cái ác, cái xấu và cái tốt. Vì vậy giáo dục là để giúp cho mỗi con người, cái tốt đua nở như hoa mùa xuân và cái xấu, cái ác lụi tàn đi. Vì vậy, một nền giáo dục tốt là phải giúp cho con người biết thức ngộ: “Học để sửa chữa tư tưởng… Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng… Học để tin tưởng… Học để hành, “nói đi đôi với làm”(4).

Tóm lại, mục đích của giáo dục là sự nghiệp trồng người, vì lợi ích của cộng đồng hôm nay và mai sau: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(5).

Khi đã rõ mục đích giáo dục, cần khẳng định nội dung và phương pháp giáo dục tóm tắt là cung cấp kiến thức cơ bản và kỹ năng làm việc, không thể ôm đồm, tầm chương, trích cú mà phải làm cho người học có thói quen cần gì học nấy. Giáo dục phải biết dạy cái mà xã hội đang và sẽ cần chứ không phải chỉ biết dạy những cái mà mình đã có, phải biết gợi lòng ham muốn học tập, tạo thói quen tự học và học tập suốt đời. “Thời kỳ huấn luyện này chưa thể cung cấp cho anh em những kiến thức đầy đủ và sâu rộng... nó chỉ mới giúp được cho anh em những điều căn bản… định rõ cho anh em một phương hướng... và thêm nữa gợi lòng ham muốn nghiên cứu của anh em.

Sau đây ra nhận việc, các anh em sẽ phải vừa làm vừa học, nghiên cứu không những trong sách vở mà ngay trong những công tác của mình”(6).

Thực hiện được mục đích cần có Người thầy. Thầy giáo, về kiến thức phải là một nhà nghiên cứu, biết lắng nghe và tự giáo dục, về phương pháp phải là người hướng đạo, là người dẫn lối và tạo cảm hứng sáng tạo cho người học. Thầy là người giảng dạy chứ không phải người thợ giảng chỉ biết nói những điều có sẵn trong sách giáo khoa. Thầy giáo phải là một người mẫu mực về đạo đức. Thầy phải ra thầy như Bác từng căn dặn. Thầy giáo là nhà giáo dục nên họ cũng cần phải được giáo dục. Đó là điều C.Mác đã chỉ ra trong Luận cương về Phơ-bách mà Ph.Ăng-ghen bằng cả sự nghiệp khoa học của mình đã chứng minh và khẳng định.

2. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng khẳng định: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trên tinh thần ấy, Ngành Giáo dục và Đào tạo nước ta đã và đang nỗ lực khởi động tiến trình cải cách toàn diện. Như bất cứ sự khởi đầu nào, nhất là những khởi đầu mang tính cách mạng tuy đã có thành tựu nhưng không thể tránh khỏi sự bỡ ngỡ và sai lầm, thậm chí là sai lầm nghiêm trọng. Để cho cuộc cải cách giáo dục lần này không rơi vào vòng luẩn quẩn, chắp vá, hình thức, cần có sự lãnh đạo đúng của Đảng và sự chỉ đạo, quản lý, điều hành có hiệu lực và hiệu quả của Nhà nước pháp quyền. Cả hai, sự lãnh đạo và quản lý ấy, đều cần dựa trên cơ sở: Xuất phát từ thực tiễn của xã hội Việt Nam và nhận thức đúng về triết lý giáo dục của Việt Nam.

Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng đã nhận định: “Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất - kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất. Quản lý giáo dục và đào tạo có mặt còn yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu”. Nhận định này không chỉ hoàn toàn đúng với hệ thống giáo dục quốc dân đào tạo thế hệ trẻ mà phản ánh đúng cả thực trạng hệ thống giáo dục chính trị và hệ thống giáo dục hành chính quốc gia, có chăng chỉ là sự khác biệt về chi tiết và hình thức biểu hiện cụ thể. Hai vấn nạn tuy đã từng bị lên án nhưng tới nay vẫn chưa dừng lại: Một là, bệnh thành tích và tệ nạn thương mại hóa trong học đường. Hai là, chạy bằng cấp bằng cách thuê viết, mua bán hoặc đạo văn, sao chép, lặp lại nhau trong các luận văn, luận án tốt nghiệp một cách ngang nhiên.

Dự thảo Báo cáo Chính trị chỉ rõ: “Phấn đấu trong những năm tới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”. Theo nhận thức của tôi, về cơ bản, đó là sự vận dụng sáng tạo triết lý giáo dục của Ph.Ăng-ghen, C.Mác và Hồ Chí Minh.

Trần Xuân Đỉnh

-----

(1)  C.Mác và Ph.Ăng-ghen, tuyển tập, NXB Sự thật, 1980, t.5, tr.457. (2), (3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật, 1995, tập 5, tr.684. (4) Sđd, tập 6, tr.50. (5) Sđd, tập 9, tr.222. (6) Sđd, tập 4, tr.34.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất