Quyền lực và kiểm soát quyền lực

1 Quyền lực chính trị, một hình thái đặc biệt, quan trọng nhất của quyền lực xã hội. Nó xuất hiện sơ khai cùng với chế độ tư hữu và nhà nước. Loài người bắt đầu xuất hiện chế độ tư hữu thì đồng thời cũng bước đầu hình thành sự phân chia quyền lực và nhà nước xuất hiện. Khi xã hội phát triển, giai cấp tư sản bước lên vũ đài chính trị, tự xác lập quyền đại diện quốc gia bằng nhà nước thì cũng đồng thời xuất hiện các đảng chính trị, đại diện cho lợi ích của các giai cấp, tầng lớp khác nhau. Đảng chính trị nào cũng muốn giành lấy chính quyền nhà nước, dùng nhà nước để thể hiện sức mạnh và sử dụng nhà nước làm công cụ để thống trị xã hội. Quyền lực chính trị gắn liền với các đảng chính trị.

Các đảng chính trị của giai cấp vô sản, tiêu biểu là đảng cộng sản đã chỉ rõ mục đích của mình trong Tuyên ngôn làm rung động thế giới: “Mục đích trước mắt của những người cộng sản cũng là mục đích trước mắt của tất cả các đảng vô sản khác: Tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền” - Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (ĐCS).

2 V.I.Lê-nin đã lãnh đạo ĐCS(b) Nga dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, xây dựng Nhà nước Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết (Liên Xô). ĐCS(b) Nga vừa giữ vai trò độc quyền lãnh đạo xã hội, vừa là đảng cầm quyền. Quyền lực chính trị của ĐCS(b) Nga đồng thời cũng là quyền lực của Nhà nước Xô-viết. ĐCS Liên Xô không chấp nhận chế độ đa nguyên chính trị, trên thực tế không có các đảng đối lập. Sau Liên Xô là hệ thống các nước XHCN, trong đó có Việt Nam, đều được xây dựng theo mô hình Xô-viết. Quyền lực chính trị của ĐCS Liên Xô được thể hiện rõ ở chế độ chuyên chính vô sản. Sức mạnh của nó đã từng làm biến đổi thế giới trong gần suốt thế kỷ XX. Phe XHCN đứng đầu là Liên Xô đã tạo ra một sự tương đối cân bằng trong cán cân quyền lực với các nước tư  bản chủ nghĩa (đứng đầu là Hoa Kỳ) trên toàn thế giới.

Trong thời kỳ đầu của Nhà nước Xô-viết, với cương vị là người đứng đầu cơ quan lãnh đạo tối cao của ĐCS, đồng thời là người giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (cơ quan nắm quyền lực cao nhất của Nhà nước Liên Xô), V.I.Lê-nin đã sớm phát hiện những nguyên nhân làm tha hóa quyền lực trong hệ thống chuyên chính vô sản. Sau mấy năm đầu cầm quyền, do sai lầm về đường lối tiến ngay lên chủ nghĩa cộng sản bất chấp quy luật khách quan nên nội bộ Đảng đứng trước nguy cơ từng bước bị thoái hóa khi các cơ quan từ Trung ương đến cơ sở đều không thực hành nghiêm chế độ dân chủ, bè phái chia rẽ nặng nề, không giữ nghiêm tính thống nhất và kỷ luật của Đảng. Với tính hấp dẫn của một đảng chấp chính, bọn cơ hội đã tìm mọi cách chui vào Đảng, khiến trong Đảng không ít đảng viên quá kém đến mức V.I.Lê-nin chỉ rõ: “Phải thanh trừ ra khỏi Đảng chừng chín mươi chín phần trăm những người... tham gia Đảng sau năm 1918”(1).

Trong các cơ quan nhà nước, chủ nghĩa quan liêu, thói vô trách nhiệm, chủ nghĩa hình thức, hội họp quá nhiều: “So với tất cả các nước trên thế giới thì chúng ta chiếm kỷ lục về số lượng đại hội. Không một nước cộng hòa dân chủ nào lại họp nhiều đại hội như nước ta; vả lại họ cũng không cho phép họp nhiều như thế”(2). Nạn giấy tờ và tệ hối lộ phổ biến, không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu và dần dần trên thực tế đã mất khả năng kiểm soát. Quan hệ giữa Đảng và Nhà nước chưa có một cơ chế hợp lý (ngày nay chúng ta thường nói phương thức lãnh đạo của Đảng với Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế). Bộ máy của các cơ quan Xô-viết quá cồng kềnh, tiêu chuẩn chức danh không rõ ràng, đùn đẩy trách nhiệm. Hoạt động kinh tế kém hiệu quả do không có kiểm tra nên thực hành tùy tiện. Do vậy thất thoát, tham ô, lãng phí quá lớn, bọn cơ hội tha hồ “đục nước béo cò”. Công tác tổ chức - cán bộ kém, bộ máy cồng kềnh, trùng lắp, biên chế tăng vọt, không bố trí đúng người, đúng việc, nhiều vị bộ trưởng không xứng đáng: “Chúng ta có 18 bộ dân ủy thì 15 bộ quá kém; không thể tìm đâu ra các vị bộ trưởng dân ủy tốt”(3). Các ban của Đảng và của Hội đồng Bộ trưởng quá nhiều. Đã có 120 ban. Nhưng có bao nhiêu ban là cần thiết? 16 thôi, V.I.Lê-nin khẳng định. Quan liêu giấy tờ, nghị quyết nhiều, luật pháp không thiếu nhưng không làm sao chuyển biến được tình hình. Quyền lực chính trị bị tha hóa và không được kiểm soát. Nguyên nhân do đâu? Theo V.I.Lê-nin, vì những người cộng sản chưa nhận rõ sự nguy hiểm của ba kẻ thù ở ngay trong Đảng, trong mỗi đảng viên:

Một là, “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa... tưởng rằng chỉ bằng những pháp lệnh cộng sản là có thể giải quyết được tất cả mọi nhiệm vụ của mình”.

Hai là, thiếu văn hóa, nên chỉ nói những chuyện nhảm nhí chứ không phải chính trị.

Ba là, nạn hối lộ. “Nếu còn có một hiện tượng như nạn hối lộ, nếu còn có thể hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị được, vì mọi biện pháp đều sẽ lơ lửng trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại kết quả gì cả. Một đạo luật chỉ có thể đưa tới kết quả xấu hơn, nếu trên thực tiễn nó được đem áp dụng trong điều kiện nạn hối lộ còn được dung thứ và đang thịnh hành”(4).

Những chỉ dẫn của V.I.Lê-nin nói trên rõ ràng gợi cho chúng ta suy ngẫm nguyên nhân những yếu kém hiện nay của Đảng ta, mà trong phát biểu trước Hội nghị cán bộ quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Từ trước đến nay, Đảng ta luôn luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Đã có không ít các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng Đảng. Các Cương lĩnh, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc đều có đề cập đến công tác xây dựng Đảng; có đại hội có báo cáo riêng về xây dựng Đảng. Chỉ tính từ Đại hội VI đến nay, BCH Trung ương đã ban hành 8 nghị quyết, Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng. Ban Bí thư khoá VII đã chỉ đạo tiến hành tổng kết 20 năm xây dựng Đảng thời kỳ 1975-1995; Ban Bí thư khóa IX chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới (1986-2006), trong đó có phần về xây dựng Đảng...

Chúng ta đã tiến hành công tác xây dựng Đảng thường xuyên, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, với nhiều biện pháp, nhiều cuộc vận động, làm cho Đảng ta ngày càng tiến bộ, trưởng thành; song vẫn còn nhiều hạn chế. Các mặt khuyết điểm, yếu kém chưa khắc phục được bao nhiêu, có mặt còn phức tạp thêm, gây băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tác động tiêu cực vào sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo của Đảng”.

3 V.I.Lê-nin từng khẳng định, người thông minh không phải là người không mắc sai lầm, người thực sự thông minh là người biết nhận ra sai lầm và quyết tâm sửa chữa. Hồ Chí Minh chỉ rõ một đảng biết nhận ra khuyết điểm để cùng nhau sửa chữa là một đảng mạnh, là một đảng tiến bộ, chắc chắn sẽ được lòng dân. Người cũng đã từng nhắc “mở đại hội thì phải cùng nhau dân chủ nghị bàn, nghị rồi thì phải quyết, quyết tâm và tín tâm mà thi hành, nói thì phải làm, chứ đừng biến “khẩu hiệu cách mạng của Đảng mà hóa ra lá bùa thày cúng””(5).

V.I.Lê-nin đã tự phê bình để tình trạng đó kéo dài trong mấy năm liền, nhận ra sai lầm, thừa nhận đó là lỗi của bản thân và đã chỉ ra biện pháp tăng cường kiểm soát quyền lực trong Đảng. Người thừa nhận việc giải quyết công việc, quy trách nhiệm và kiểm soát quyền lực trong Đảng và cơ quan Xô-viết. “Trên hình thức, sửa chữa hiện tượng đó là việc rất khó, vì ở nước ta chỉ có một đảng cầm quyền duy nhất đang lãnh đạo”(6). Do đó, kiểm soát quyền lực trong nội bộ Đảng cũng đồng thời là việc kiểm soát quyền lực trong các cơ quan nhà nước, bởi hầu hết các quan chức trong bộ máy nhà nước đều là đảng viên cộng sản. Kiểm soát quyền lực của Đảng và của Nhà nước trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền cần phải có một hệ thống các giải pháp đồng bộ, phải thống nhất giữa Đảng và Nhà nước. V.I.Lê-nin đề xuất các giải pháp chủ yếu:

Một là, kiên quyết thanh đảng. “Cuộc thanh đảng tới đây sẽ nhằm vào những người cộng sản lên mặt quan cai trị. Tất cả những người chỉ biết có lập ra hết ban này đến ban nọ, chỉ biết có hội họp, bàn cãi suông, chứ một công việc đơn giản cũng không biết làm... Trong khi đó công tác mà họ phụ trách lại không được tiến hành”(7). Người chỉ đạo kiên quyết trừng phạt những kẻ quan liêu, hối lộ và dung túng hối lộ, đưa ra khỏi Đảng và phế truất họ khỏi bộ máy nhà nước, giao cho tòa án trừng phạt theo luật pháp. Biện pháp thanh đảng quan trọng nhất, quý báu nhất là dân chủ, dựa hẳn vào ý kiến chỉ dẫn của quần chúng công nông ngoài Đảng để tiến hành thanh đảng: “Nếu chúng ta có thể thực sự tiến hành thanh đảng như thế, từ cấp lãnh đạo tối cao đến tận cơ sở, mà không vì nể cá nhân, thì đó sẽ là một thành quả thật sự to lớn của cách mạng”(8).

Hai là, cần hợp nhất hai cơ quan đảng và cơ quan Xô-viết có chức năng, nhiệm vụ tương đồng do một Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách, “giữa hai cơ quan phải có mối liên hệ, vì thiếu mối liên hệ thì hai guồng máy chủ yếu ấy đôi khi sẽ quay vô tác dụng”(9). Đó là hợp nhất Ủy ban Kiểm tra của Đảng với Ban Thanh tra công nông và Ban Đối ngoại của Đảng với Bộ Ngoại giao. Theo V.I.Lê-nin, cần giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyền hạn lớn hơn, một cơ chế quyền lực khác. Cụ thể là, nó chịu trách nhiệm trước đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng chứ không chịu trách nhiệm trước BCH Trung ương. Cơ chế này xác định BCH Trung ương là cơ quan có quyền và chấp hành nhiệm vụ của đại hội Đảng, còn Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan có quyền giám sát và kiểm tra quyền lực của BCH do đại hội ủy nhiệm. Hai cơ quan này hoạt động độc lập, cùng chịu trách nhiệm và kiểm soát của cơ quan quyền lực tối cao của Đảng là đại hội đại biểu toàn quốc.

Ba là, kiên quyết tinh giản biên chế, tổ chức. Cụ thể là phải kiểm tra các quyết định về tinh giản biên chế, phải giảm bớt các ban của Đảng, của Hội đồng Bộ trưởng dân ủy, Hội đồng lao động và quốc phòng “để cho các hội đồng ấy nhận rõ và làm tròn nhiệm vụ của chính mình, chứ đừng phân tán sức lực của họ, với ý thức rằng chính mình là người chịu trách nhiệm thì người ta lại nấp sau các ban. Đến thánh cũng không biết đâu mà lần trong các ban đó, không làm thế nào mà tìm ra người chịu trách nhiệm; mọi cái đều rối tung và cuối cùng, người ta đưa ra một nghị quyết trong đó tất cả mọi người đều chịu trách nhiệm”(10).

Bốn là, kiểm soát việc giáo dục và học tập của đảng viên và cán bộ, công chức, đồng thời sử dụng cán bộ đúng với trình độ, năng lực thực tế của họ. Theo V.I.Lê-nin, những người cộng sản phải biết tổ chức công tác giáo dục một cách thực tế; giáo dục và học tập thực sự nghiêm túc, không phải dạy theo lối kinh viện và học theo lối hư danh. Phải hiểu “rằng mình chưa thông thạo công việc, rằng mình phải bắt đầu học tập từ a, b, c trở đi”. Đào tạo gắn liền với sử dụng, lấy thực tiễn để kiểm soát, đánh giá. Theo V.I.Lê-nin thì đảng cầm quyền “cần phải thừa nhận và không nên sợ phải thừa nhận rằng trong 100 trường hợp thì có đến 99 trường hợp là những người cộng sản phụ trách không được sử dụng đúng theo khả năng của họ. Họ không biết tiến hành công việc. Hiện nay điều họ phải làm chính là học tập”(11).

Di huấn của V.I.Lê-nin vẫn nóng bỏng tính thời sự giúp chúng ta khắc phục khuyết điểm, hạn chế mà Báo cáo công tác xây dựng Đảng của BCH Trung ương khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng đã viết: “ …công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong tình hình mới; chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều ở các cấp. Công tác kiểm tra ở một số nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng vẫn là khâu yếu; công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy chưa đi vào nền nếp. Công tác giám sát ở các cấp chưa thường xuyên, có nơi, có lúc chưa thực chất, phạm vi, đối tượng còn hẹp; hiệu quả phát hiện, cảnh báo, phòng ngừa vi phạm còn hạn chế. Việc thi hành kỷ luật đảng ở một số nơi chưa nghiêm, còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, có nơi còn né tránh”.

-----

 (1), (2), (4), (8) V.I.Lê-nin toàn tập, Mát-xcơ-va 1999, t.44, tr.153, tr.207, tr.217-218. (3), (6), (7), (9), (10), (11) Sđd, t.45, tr.138, tr.136, tr.19, tr.138, tr.138, tr.139. (5) Hồ Chí Minh toàn tập, H.2011, t.5, tr.344.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất