Để hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương

Điều 1 Luật tổ chức HĐND-UBND khẳng định: “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân”. Như vậy, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND được luật pháp ghi nhận rất lớn. Tuy nhiên, trong thực tế, giữa quy định của luật pháp và thực tế là một khoảng cách khá xa. Làm thế nào để hoạt động của HĐND không còn mang tính hình thức, quyền hạn của HĐND, đại biểu HĐND được phát huy và thể hiện rõ nét trong đời sống chính trị-xã hội?

1. Nghiên cứu Luật tổ chức HĐND và UBND, chúng ta sẽ thấy một bức tranh đẹp về HĐND nói chung, về đại biểu HĐND nói riêng. Theo Luật,  không cơ quan, cá nhân nào có quyền hạn lớn hơn cơ quan hội đồng và đại biểu dân cử. Theo đó, từ điều 11 đến điều 81 của Luật, có đến 85 từ “quyết định”: “Quyết định quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm về phát triển kinh tế-xã hội…”, “Quyết định dự toán ngân sách…”, “Quyết định biện pháp…”. Vậy mà trong thực tiễn, HĐND thường quyết định những vấn đề đã được quyết định trước, đưa ra HĐND chỉ là  bước thủ tục. Cùng một vấn đề nhưng cùng một lúc cả hai cơ quan thuộc một hệ thống chính trị quyết định dẫn đến sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn. Do đó, điều cốt lõi là đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, trong đó có HĐND. Đảng lãnh đạo trên cơ sở định hướng, đề ra nghị quyết, kiểm tra, giám sát thực hiện, thoát ly các chỉ tiêu cụ thể, chi tiết. Khi đó, các nghị quyết của HĐND không còn là bản sao nghị quyết của cấp uỷ.

2. Một vấn đề làm không đúng là khi tiến hành công tác nhân sự và bầu đại biểu HĐND thường nặng về cơ cấu mà chưa chú trọng đến chất lượng. Nghĩa là có tình trạng chọn người theo cơ cấu chứ không phải vì yêu cầu, tính chất công việc. Đại biểu HĐND các cấp nhìn chung đông về số lượng nhưng chất lượng không cao, trách nhiệm của đại biểu không được xác định một cách rõ ràng. Mặt khác, đại biểu HĐND phần lớn là trưởng, phó các ban xây dựng đảng, là trưởng phó các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND nên xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Trong quan hệ công tác ngại va chạm. Điều dễ nhận thấy nhất là khi họp cấp ủy bấy nhiêu người đó và cũng với những người đó (có thêm một số thành phần khác như tôn giáo, công thương..) cùng nhau đến họp HĐND. Nên chăng, đồng thời với việc tăng đại biểu chuyên trách thì đa số đại biểu phải là các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, pháp lý. Một vấn đề dễ thấy,  trên diễn đàn của Quốc hội, HĐND các cấp, các đại biểu làm khoa học thường thể hiện thái độ thẳng thắn, mạnh dạn hơn khi chất vấn. Bởi họ không bị chi phối bởi các quy định quản lý, điều hành, nhất là ràng buộc bởi cơ chế “xin-cho”.

Tuy không có quy định nhưng ở nhiều địa phương, có một “luật bất thành văn”, cứ chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cấp uỷ thì đồng thời là trưởng ban pháp chế HĐND. Thực hiện chế độ kiêm nhiệm như vậy cũng có phần hợp lý. Tuy nhiên, mong muốn về một trưởng ban pháp chế phải là một chuyên gia pháp lý hoặc chí ít cũng là người am hiểu lĩnh vực luật pháp là một yêu cầu thực tế đang khó đạt được. Tiêu chuẩn về chuyên môn trưởng ban pháp chế phải là cử nhân luật, các thành viên ban pháp chế phải là người am hiểu lĩnh vực pháp luật. Ai có tiêu chuẩn đó sẽ là ứng cử viên số 1 trưởng ban pháp chế. Nếu chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cấp uỷ đảng không đủ tiêu chuẩn chuyên môn của trưởng ban pháp chế thì trưởng ban pháp chế phải là một người hoạt động chuyên trách.

3. Lâu nay, hoạt động của HĐND thường mang tính chất mùa vụ, dàn trải về  nội dung. Tại sao cứ gần đến kỳ họp mới tổ chức các cuộc giám sát và nặng về yếu tố hành chính, chủ yếu chỉ nghe đơn vị được giám sát báo cáo nhiều nội dung, trong đó có những nội dung không thật sự cần thiết? Nhiều kiến nghị được đưa ra nhưng cuối cùng bị quên lãng theo thời gian làm không ít đại biểu dân cử chạnh lòng khi nhắc đến địa vị pháp lý của mình. Tại sao không tiến hành giám sát có trọng tâm, trọng điểm? Các kiến nghị không được thực hiện dẫn đến nản lòng, gây tâm tư đối với người làm công tác dân cử và người dân.

4. Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung về cơ chế thực thi quyền lực. Luật cần quy định theo hướng đơn giản hóa các điều kiện bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu. Theo đó, nên quy định cụ thể việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu là một thủ tục bắt buộc, là việc làm hằng năm chứ không phải đợi đến khi có đề nghị trên ½ số đại biểu hội đồng hay đề nghị của uỷ ban MTTQVN cùng cấp. Trong thực tế, việc đại biểu đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với một ai đó cũng chưa hề xảy ra. Đồng thời, Luật cũng nên mở rộng hình thức đánh giá, tín nhiệm của HĐND đối với những người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, chánh án và viện trưởng VKSND cùng cấp để làm cơ sở và cũng là một kênh thông tin để giúp cho cấp có thẩm quyền khi thực hiện việc bổ nhiệm lại. Trong thực tế, dưới góc nhìn của đại biểu dân cử thì vị chánh án này, viện trưởng kia không hoàn thành nhiệm vụ chính trị nhưng thủ tục đánh giá hằng năm để gửi lên ngành (kiểm sát, tòa án) cấp trên do ban tổ chức cấp ủy  tham mưu trình ban thường vụ cấp ủy quyết định. Cơ chế này chưa tạo điều kiện để các đại biểu dân cử tham gia công tác xây dựng chính quyền. Hoạt động của tòa án và viện kiểm sát độc lập nhưng chịu sự giám sát của HĐND thì hoạt động này phải đặt ở một vị trí độc lập tương đối chứ không nên đặt ở vị trí tuyệt đối dẫn đến không thể kiểm soát. Lâu nay, các kiến nghị đúng của HĐND không có chế tài thực hiện. Các cơ quan tư pháp viện cớ “hoạt động độc lập, chỉ tuân thủ luật pháp”dẫn đến không thực hiện kiến nghị. Trong khi đó, ban pháp chế và đại biểu dân cử không phải ai, lúc nào cũng có điều kiện đi sâu hơn vào lĩnh vực chuyên môn, có tính chất đặc thù này.

Việc bỏ phiếu tín nhiệm hay mở rộng hình thức đánh giá không phải nhằm cái đích “miễn nhiệm” hay “cách chức” ai nhưng là một hình thức để đại biểu dân cử thể hiện quyền của mình đối với người do mình bầu ra và trực tiếp giám sát. Đồng thời cũng là dịp để các đối tượng nói trên tự kiểm điểm, đánh giá lại mức độ tín nhiệm của mình trước tập thể (nhất là khi không tổ chức thực hiện các kiến nghị của HĐND liên quan đến phần việc phụ trách).

5. Ở cấp huyện thành lập mô hình văn phòng ghép: Văn phòng HĐND-UBND với cái lý là để góp phần cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách. Theo đó, chuyên viên giúp việc cho Thường trực HĐND do Văn phòng HĐND-UBND trực tiếp quản lý, chỉ đạo, điều hành. Một cơ quan vừa tham mưu trong việc chấp hành nghị quyết của HĐND lại vừa tham mưu giám sát việc thực hiện nghị quyết HĐND không khác gì vừa đá bóng, vừa thổi còi. Hơn thế, cơ quan có thẩm quyền phân bổ ngân sách lại làm tờ trình xin UBND bổ sung kinh phí hoạt động!

Để HĐND hoạt động có hiệu quả, tránh hình thức, thực chất là “cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương” thì Luật tổ chức HĐND và UBND phải được sửa đổi một cách căn bản, khắc phục những  hạn chế nêu trên.

Phản hồi (2)

Phạm Bình Minh 11/12/2010

Hay quá! Tôi đồng ý sửa luật. Chỗ tôi cũng có tình trạng tương tự như thế.

Hà Văn Thịnh 04/12/2010

Bài hay. Không biết các nhà tổ chức có đọc và có suy nghĩ để tiếp thu không?

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất