Ngày 15-10-1949, với bút danh X.Y.Z., Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật. Dù đã qua 70 năm, tình hình thời cuộc đã có nhiều biến đổi nhưng bài báo “Dân vận” vẫn còn nguyên giá trị, có tác dụng lớn trong thực tiễn hiện nay.
Chỉ hơn 900 chữ nhưng bài báo đã khái quát một cách sâu sắc, súc tích, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu những vấn đề liên quan đến công tác dân vận và cán bộ dân vận. Suốt 70 năm qua, những người làm công tác dân vận coi bài báo như cẩm nang trong công tác. Với góc độ báo chí, có thể coi bài báo như một kiệt tác – bởi những nội dung, vấn đề được nêu trong bài báo còn nguyên giá trị cho đến hôm nay, như “kim chỉ nam” xuyên suốt quá trình vận động quần chúng nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng của Đảng.
Trước hết, bài báo “Dân vận” đã khẳng định cơ sở lý luận, pháp lý của công tác dân vận. Bác viết: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (1). Như vậy, cơ sở lý luận, pháp lý ở đây là một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân làm chủ, mọi quyền hành, sức mạnh thuộc về nhân dân. Cơ sở lý luận, pháp lý này gắn bó chặt chẽ với chế độ xã hội mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta xác lập, theo đuổi và thực hiện. Công tác dân vận được xác định luôn gắn bó mật thiết với chế độ Nhà nước ta.
Tuy nhiên, từ trước đến nay ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, vẫn còn không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý được nhân dân trao cho quyền lực, nhưng lại lạm dụng, thao túng quyền lực để “vinh thân”, “phì gia”, làm lợi cho cá nhân, dòng tộc, phe cánh, thân hữu, phớt lờ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Như vậy là đi ngược lại dân chủ. Việc Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” là một bước tiến trong quyết tâm bảo vệ quyền lực của nhân dân. Tệ nạn lạm dụng quyền lực, chạy chức, chạy quyền - thực chất là hành động tham nhũng quyền lực đã manh nha từ nhiều năm về trước, nhưng đến nay, lần đầu tiên Đảng ta đã lượng hóa một cách cụ thể những biểu hiện của nó và thể chế hóa. Cùng với các quy định, quy chế, văn bản có tính pháp quy khác liên quan đến công tác cán bộ, Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị góp phần quan trọng cảnh báo, chặn đứng nạn lạm dụng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là cơ sở bền vững cho công tác dân vận của Đảng, Nhà nước ta, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Thứ hai, bài báo đã đưa ra định nghĩa “Dân vận”, đồng thời chỉ rõ những khâu và quy trình làm công tác dân vận một cách bài bản và hiệu quả. “Dân vận là vận động tất cả các lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho” (2). Quy trình dân vận là: “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng” (3). Một vấn đề nhất quán, xuyên suốt quá trình dân vận mà Bác căn dặn, đó là cán bộ, đảng viên không thể chỉ tay năm ngón, không chỉ dùng chỉ thị, mít tinh, khẩu hiệu, quảng bá, truyền đơn…, mà phải đến tận nơi đồng bào thực hiện công việc, phải thật thà nhúng tay vào việc.
Nội hàm dân vận, quy trình dân vận Bác Hồ đưa ra cách đây 70 năm vẫn rất phù hợp với việc triển khai các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, ở nhiều cấp, nhiều nơi, nhiều dự án, chương trình kinh tế - xã hội liên quan trực tiếp đến người dân, nhưng cán bộ lại “làm tắt”, thậm chí là “quên” - bỏ qua khâu rất quan trọng là bàn bàn bạc với dân. Cán bộ không giải thích cho người dân hiểu rõ, không học hỏi kinh nghiệm của dân để đặt ra kế hoạch phù hợp, đồng thời cũng thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện. Khi sự việc bức xúc xảy ra, người dân thắc mắc, khiếu kiện, cán bộ mới lo dân vận thì sự đã rồi, “một sự bất tín, vạn sự bất tin” – nhân dân mất niềm tin vào cán bộ.
Thứ ba, bài báo đã trả lời câu hỏi “Ai phụ trách dân vận?”. Bác Hồ đã khẳng định: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v...) đều phải phụ trách dân vận” (4). Như vậy có thể hiểu rằng, công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và thành viên, hội viên... của các tổ chức đó. Thực tế đã chứng minh, công tác dân vận của các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước, các cán bộ, công chức, viên chức là không thể thiếu và rất quan trọng. Bởi đó chính là nơi tham mưu các chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực thi chúng. Do đó, công tác dân vận phải bắt đầu ngay từ khi dự thảo, tham mưu các chính sách. Chính sách ấy có đúng đắn không? Có hợp lòng dân không? có được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ không… phụ thuộc vào kết quả của việc hiểu dân, nghe dân, hay chính là từ việc dân vận. Dân vận còn thể hiện ở tinh thần, thái độ, trách nhiệm và hiệu quả phục vụ người dân của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan chính quyền.
Hiện nay, Nhà nước ta đang hướng tới xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân. Chính phủ đã và đang đẩy mạnh công tác dân vận của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước, phát động “Năm dân vận chính quyền”… để mỗi cán bộ, công chức, viên chức thực sự làm tốt vai trò “người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Ngày 25-10-2018, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Quy định số số 08-QĐi/TW “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương”, nhằm nâng cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, góp phần làm tốt công tác dân vận hiện nay.
Trong thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không làm công tác dân vận, thậm chí còn hách dịch, hành dân. Nhiều cán bộ, đảng viên còn hiểu chưa đúng, cho rằng nhiệm vụ này không phải của mình, mà của các ban dân vận cấp ủy, của các cán bộ, đảng viên ban dân vận. Thực tế, ban dân vận cấp ủy đóng vai trò tham mưu cho công tác dân vận của Đảng. Trong bài báo, Bác Hồ còn chỉ ra “một khuyết điểm to ở nhiều nơi là coi khinh công tác dân vận”. Đó là tình trạng “cử ra một ban hoặc một vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”. Ngày nay “khuyết điểm to này” vẫn chưa hết, thậm chí ở chỗ này, chỗ khác, cấp này, cấp khác, người ta lại phân công những cán bộ có sai lầm, khuyết điểm, bị kỷ luật hoặc có mâu thuẫn nội bộ... làm cán bộ lãnh đạo ban dân vận cấp ủy hoặc ủy ban mặt trận Tổ quốc các cấp. Như vậy thì làm sao có thể dân vận được người dân?
Trong bài báo “Dân vận”, Bác Hồ đã đưa 6 ra tiêu chí của người làm công tác dân vận. Đó là “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không chỉ nói xuông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Cán bộ dân vận mà thực hành được 6 phong cách như vậy thì ở đâu, làm gì dân vận cũng thành công. Tất cả 6 giác quan trong công tác dân vận nói trên có mối quan hệ hữu cơ với nhau, tạo ra một thể thống nhất trong một cán bộ khi làm công tác dân vận. Cán bộ phải đáp ứng cả 6 tiêu chí, nhất là nói phải đi đôi với làm.
Kết thúc bài báo, Bác Hồ khẳng định: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” (5). Làm được những điều như Bác Hồ đã nêu trong bài báo tức là “dân vận khéo”. Để tiếp tục biến các nội dung trong kiệt tác “Dân vận” của Bác Hồ trở thành hiện thực trong đời sống xã hội hiện nay, cán bộ vẫn là nhân tố quyết định trong việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.
--
(1) (2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2011, tập 6, tr. 232.
(3) Sách đã dẫn (Sđd), tr. 232-233.
(4) Sđd, tr. 233.
(5) Sđd, tr. 234.
Vũ Lân