Nhà lãnh đạo tài năng, nhà tư tưởng, lý luận xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ viếng cố Tổng bí thư Hà Huy Tập
Đồng chí Hà Huy Tập, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và nhân dân ta, một nhà tư tưởng, lý luận mác-xít lê-nin-nít xuất sắc, một chiến sĩ quốc tế trong sáng, có cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vô cùng oanh liệt và vẻ vang.

Hà Huy Tập sinh ngày 24-4-1906 trong một gia đình nhà nho ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng.

Năm 1923, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học ở Trường Quốc học Huế, với tấm bằng hạng ưu, Hà Huy Tập được bổ nhiệm đi dạy học ở Trường tiểu học Pháp - Việt, thị trấn Nha Trang (Khánh Hòa). Tại đây, Hà Huy Tập còn là thành viên của Thư viện tỉnh. Trong một cuộc họp, Hà Huy Tập đề nghị thư viện mua một vài cuốn sách có tính chất "chống đối" và những tờ báo Annam (khuynh hướng dân chủ); Le Paria và Việt Nam hồn (những tờ báo cách mạng xuất bản ở Pa-ri). Thế là Hà Huy Tập bị viên Công sứ buộc tội là có tư tưởng chống Pháp. Từ đó, Hà Huy Tập trở thành đối tượng bị theo dõi và bị ngược đãi từ phía chính quyền thực dân.

Tháng 8-1926, Hà Huy Tập được chuyển về dạy ở Trường tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An). Tại đây, Hà Huy Tập gia nhập Hội Phục Việt, tham gia vào việc bí mật gửi những sinh viên sang Trung Quốc dự các lớp huấn luyện ở Quảng Châu, nơi mà những người Việt Nam xuất dương đã thiết lập một tổ chức cộng sản (Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội) và tổ chức này đã có những chi bộ ở trong nước. Hà Huy Tập còn tham gia các phong trào yêu nước khác như dạy chữ Quốc ngữ, làm đơn lấy chữ ký gửi Toàn quyền Đông Dương đòi thả Phan Bội Châu, tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh... Năm 1927, những hoạt động của Hà Huy Tập bị lộ. Hội Phục Việt (lúc này đã đổi tên thành Hưng Nam) cử anh vào hoạt động ở Sài Gòn. Tại đây, Hà Huy Tập ra sức xây dựng cơ sở tổ chức cách mạng.

Cuối năm 1928, Hà Huy Tập được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bàn việc hợp nhất hai tổ chức yêu nước là Tân Việt (tên mới của Hội Phục Việt) và Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, nhưng không thành. Từ dó, Hà Huy Tập đi Nam Kinh, Thượng Hải, rồi về Hồng Kông. Sau đó, Hà Huy Tập gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, được Người giới thiệu, Quốc tế Cộng sản, thông qua Lãnh sự Xô-Viết ở Đại Liên, cấp tiền và hộ chiếu đến Mát-xcơ-va ngày 19-7-1929. Và kể từ ngày 24-7-1929, Hà Huy Tập là sinh viên Trường đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, với số hiệu 4717. Tại đây, trong hai năm 1929-1930, Hà Huy Tập là Ủy viên Ban Biên tập báo Dân tộc (tiếng Việt), Ủy viên Ban dịch thuật và hiệu đính các sách tiếng Pháp sang tiếng Việt. Năm 1932, học xong, Hà Huy Tập lên đường trở về nước, qua Pháp, bị Pháp trục xuất, phải sang Bỉ rồi trở lại Liên Xô.

Vào khoảng năm 1933, tại Liên Xô, Hà Huy Tập viết cuốn: Sơ thảo phong trào cộng sản Đông Dương (bằng tiếng Pháp) với bút danh Hồng Thế Công, trong đó, tác giả đã đưa ra nhiều sự kiện góp phần lấy lại uy tín của Đảng, đập tan luận điệu tuyên truyền của bọn phản động sau cao trào 1930-1931. Năm 1934, Hà Huy Tập về Ma Cao, bắt liên lạc với Lê Hồng Phong, lập ra Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài và tham gia chỉ đạo phục hồi tổ chức Đảng trong nước. Sau khi đồng chí Lê Hồng Phong đi dự Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản, Hà Huy Tập chủ trì công việc Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài và tích cực chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất của Đảng.

Tháng 3-1935, tại Ma Cao, Hà Huy Tập chủ trì Đại hội lần thứ nhất của Đảng. Đại hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 đồng chí do Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư, là một sự kiện đánh dấu thắng lợi của cuộc đấu tranh khôi phục lại hệ thống tổ chức Đảng từ cơ sở đến Trung ương, sau những năm cách mạng gặp khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi.

Mùa hè năm 1936, BCH Trung ương Đảng họp tại Thượng Hải để nghe đồng chí Lê Hồng Phong, Ủy viên Quốc tế Cộng sản, truyền đạt Nghị quyết Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII và quyết định nhiệm vụ của Đảng trong giai đoạn mới. Sau Hội nghị này, cơ quan Trung ương Đảng và đồng chí Hà Huy Tập chuyển về Sài Gòn trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước.

Dưới sự lãnh đạo của BCH Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Hà Huy Tập, một thời kỳ đấu tranh mới bắt đầu diễn ra sôi nổi, đặc biệt ở Nam Bộ. Công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận được Đảng hết sức coi trọng. Những chủ trương mới của Đảng được phổ biến rộng rãi trong quần chúng, những luận điệu của bọn tơ-rốt-kit và bọn phản cách mạng, kể cả những nhận thức, tư tưởng sai lầm trong Đảng đều được phê phán, đấu tranh. Tạp chí Bôn-sê-vích do đồng chí Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo đã có nhiều bài xã luận, bình luận chính trị sắc sảo do chính đồng chí viết dưới các bút danh khác nhau. Tạp chí Bôn-sê-vích ngừng hoạt động để che mắt địch. Trung ương Đảng cho xuất bản các báo bằng tiếng Pháp như L' Avant garde (Tiên Phong), Le Peuple (Nhân Dân) do Hà Huy Tập làm Tổng Biên tập. Các bài viết trong các báo đó đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong nhân dân lao động và giới trí thức yêu nước.

Trước tình hình mới, đồng chí Hà Huy Tập đã tích cực chuẩn bị cho ra đời một tờ báo của Đảng bằng tiếng Việt để tuyên truyền được rộng rãi hơn.

Giữa năm 1938, đồng chí Hà Huy Tập bị giặc bắt. Sau mấy tháng giam cầm, tra hỏi, vì không có chứng cớ, địch phải thả đồng chí và trục xuất về nguyên quán.

Tháng 3-1940, thực dân Pháp lại bắt đồng chí Hà Huy Tập đưa về giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Ngày 22-10-1940, chúng kết án Hà Huy Tập 5 năm tù, trục xuất khỏi Nam kỳ sau khi mãn hạn.

Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra tháng 11-1940. Hà Huy Tập bị thực dân Pháp gán cho tội chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa này. Ngày 25-3-1941, Hà Huy Tập bị tuyên án tử hình. Ngày 28-8-1941, Hà Huy Tập cùng một số cán bộ cao cấp của Đảng bị kẻ thù đưa ra pháp trường. Hà Huy Tập ngã xuống ở tuổi 35 đang tràn đầy nhựa sống dâng hiến cho sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc. Đồng chí Hà Huy Tập ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã để lại cho cách mạng Việt Nam, nhân dân Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị về kinh nghiệm hoạt động của Đảng như Lịch sử của Tân Việt cách mệnh Đảng (1929); Hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương (1931); Đảng Cộng sản Đông Dương đứng trước chủ nghĩa cải lương quốc gia (1932); Thư gửi Ban Biên tập Tạp chí Bôn-sê-vích (1932); Kỷ niệm ba năm ngày Đảng Cộng sản Đông Dương thống nhất (1933); Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ờ Đông Dương (1933)… và những tác phẩm lý luận và chính trị như Vì một Mặt trận nhân dân Đông Dương; Vì sao cần ủng hộ Mặt trận bình dân bên Pháp; Thư ngỏ về Đại hội Đông Dương gửi Việt Nam Quốc dân Đảng, các Đảng cách mạng, Đảng lập hiến, các nhóm cải lương dân chủ, các Hội ái hữu, các tổ chức công, nông, binh, phụ nữ, sinh viên, người buôn bán, các báo chí, các tổ chức quần chúng và toàn thể nhân dân Đông Dương (tháng 8-1936); Thư ngỏ gửi Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp (tháng 10-1936) v.v.
                                                                                   

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất