Đội ngũ giảng viên trong các nhà trường quân đội là một bộ phận cán bộ của quân đội, của Đảng, là lực lượng nòng cốt có vai trò quan trọng trong giáo dục, có chức năng truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng trong quân đội, kiến thức khoa học xã hội và nhân văn, kiến thức quân sự, giúp người học hình thành thế giới quan khoa học, phương pháp luận Mác-xít, bồi dưỡng tư duy, năng lực thực hành. Đồng thời, họ cũng là lực lượng tiên phong trong đấu tranh tư tưởng, lý luận, góp phần bảo vệ trận địa chính trị, tư tưởng của Đảng.
Hiện nay các phương tiện dạy học hiện đại phát triển mạnh mẽ, cơ sở vật chất kỹ thuật được trang bị khá đầy đủ nhưng không thể thay thế được vai trò của người giảng viên, mà ngược lại càng khẳng định vai trò to lớn của họ đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Nhà giáo dục K.D.U-sin-xki đã nhấn mạnh: “Không một điều lệ, chương trình, không một cơ quan giáo dục nào dù có tạo ra được sức mạnh khôn khéo như thế nào cũng không thể thay thế được nhân cách của con người trong sự nghiệp giáo dục. Không một sách giáo khoa, một lời khuyên răn nào, một hình phạt, một khen thưởng nào có thể thay thế ảnh hưởng cá nhân người thầy giáo đối với học sinh”(1). Vì vậy, yêu cầu quan trọng với người giảng viên trong quân đội là phẩm chất trính trị, đạo đức, phương pháp, tác phong công tác, năng lực giáo dục, huấn luyện, chỉ huy bộ đội. Đội ngũ giảng viên phải có năng lực, trí tuệ cao, phương pháp sư phạm tốt, sắc bén về tư duy lí luận, vận dụng tốt phương pháp dạy học, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.
Kế thừa và phát triển tư tưởng của C.Mác, xuất phát từ luận điểm: Không có tri thức thì không có chủ nghĩa cộng sản, V.I. Lê-nin cho rằng đội ngũ nhà giáo có vai trò to lớn đối với nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Ông viết: “Trong bất kỳ một trường học nào, điều quan trọng nhất là phương hướng chính trị và tư tưởng của các giáo trình. Cái gì quyết định phương hướng đó? Hoàn toàn và chỉ là thành phần các giảng viên mà thôi”(2). V.I.Lê-nin cho rằng: Lịch sử đã ghi nhận để xây dựng Hồng quân thành một đội quân lớn mạnh thì phải đào tạo ra những đội ngũ mà theo V.I.Lê-nin là phải có giác ngộ chính trị cao, có kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng, có chuyên môn nghề nghiệp. Người cho rằng, mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực cần đòi hỏi những yêu cầu riêng. Trong xây dựng vững mạnh chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, Người chỉ rõ: “Đội quân giáo viên phải đề ra cho mình những nhiệm vụ giáo dục to lớn và trước hết phải trở thành đội quân chủ yếu trong sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa”(3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao giáo dục nói chung và vị trí, vai trò của người thầy giáo nói riêng. Người là thầy giáo cách mạng đầu tiên, trực tiếp mở trường đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ cách mạng. Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh đặt nhiệm vụ xây dựng nền giáo dục cách mạng ở hàng thứ hai trong ba nhiệm vụ lớn về kiến quốc: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Theo Người, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa. Trong xây dựng quân đội, Người cho rằng: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”(4). Giáo dục khéo ở đây chính là nhấn mạnh sự thành thạo, là nghệ thuật của người thầy, người cán bộ quân đội trong huấn luyện - giáo dục quân nhân, nhằm phát triển nhân tố con người trong hoạt động quân sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định việc huấn luyện như là một sự đòi hỏi cần thiết mà không phải ai cũng có thể thực hiện được. Theo Người: “Không phải ai cũng huấn luyện được. Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thành thạo nghề rèn, nghề nguội”(5). Trong huấn luyện tránh máy móc mà phải huy được tính sáng tạo ở mọi hoàn cảnh, Người viết: “Các chú cần mạnh dạn áp dụng những điều đã học, nhưng cần phải áp dụng một cách thiết thực, thích hợp với hoàn cảnh của ta, chớ giáo điều, chớ máy móc…”(6). Người luôn đặt ra yêu cầu toàn diện đối với người cán bộ, phải có cả tài lẫn đức, trong đó về phẩm chất là phải có đạo đức cách mạng và xem đó là gốc rễ. Người thầy không chỉ có đức mà còn phải có tài, đó là kiến thức toàn diện và kiến thức chuyên môn, phải thấm nhuần những tri thức của Chủ nghĩa Mác - Lênin, sự giác ngộ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ của cách mạng, đồng thời trên nền tảng tri thức mà hình thành sự thành thạo nghiệp vụ chuyên môn của mình. Về cách dạy của người thầy, Người nhấn mạnh là phải thạo nghề, sao cho học sinh mau hiểu, mau nhớ, lý luận phải đi đôi với thực hành. Người đặt ra yêu cầu phải huấn luyện sao cho “nhanh như chớp, biến hóa như thần, đó là bí quyết của phép dụng binh”(7). Đồng thời, huấn luyện cần phải theo những quy trình nhất định, Người nói “Đã nắm được quy luật thế giới, thì phải dùng nó vào thực hành cải tạo thế giới, thực hành tăng gia sản xuất, thực hành giai cấp đấu tranh, dân tộc đấu tranh, đó là quá trình liên tiếp của hiểu biết… thực hành, hiểu biết, lại thực hành, lại hiểu biết nữa”(8). Muốn vậy, con đường phát triển của người thầy là phải tích cực học tập, tu dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phải học tập không ngừng, học tập suốt đời, gắn lý luận với thực hành nhằm hoàn thiện nhân cách.
Vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng tiếp tục xác định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu… Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành”(9). Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta chủ trương: “Chăm lo nâng cao phẩm chất cách mạng, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang(10). Ngày 29 tháng 3 năm 2007, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 86 về công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới, cụ thể là: “Kiện toàn và phát triển đội ngũ nhà giáo quân đội, đảm bảo cả về số lượng và cơ cấu; trong đó chú trọng về nâng cao trình độ học vấn, năng lực và tay nghề sư phạm”(11) nhằm bảo đảm đủ số lượng, chất lượng đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Quốc phòng. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giảng viên và tổ chức đào tạo đội ngũ giảng viên tương lai ở các trường quân đội theo tiêu chuẩn, chức danh quy định. Bên cạnh đó, Nghị quyết 93, Nghị quyết 86 của Quân ủy Trung ương về công tác giáo dục và đào tạo trong quân đội cũng đã chỉ ra những hạn chế yếu kém, như: Chất lượng đào tạo hiện nay còn thấp, tư duy độc lập, sáng tạo của người học còn yếu, phương pháp còn giản đơn, nặng về truyền thụ lý thuyết. Cần nhanh chóng phát triển chất lượng đào tạo cán bộ, sĩ quan; tiếp tục cải tiến phương pháp giáo dục, nhất là ở bậc đại học, thực hiện tốt quan điểm: Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của người học; kết hợp bồi dưỡng kiến thức, năng lực tư duy với rèn luyện năng lực thực hành. Nghị quyết 86 của Quân ủy Trung ương đặt ra yêu cầu trong tình hình mới, đó là: “Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và bồi dưỡng năng lực tư duy, rèn luyện năng lực hoạt động thực tiễn cho người học… Gắn đào tạo tại trường với các hoạt động diễn tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”(12), qua đó rèn luyện và phát triển chuyên môn quân sự, kỹ năng nghề nghiệp cho người giảng viên nhà trường quân đội đáp ứng yêu cầu của xã hội và quân đội.
Trong tình hình hiện nay, kinh tế thị trường tác động không nhỏ đến xây dựng quân đội, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ giảng viên trong các nhà trường quân đội. Để thực hiện được vị trí, vai trò của mình, người giảng viên trong quân đội phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện đạo đức cách mạng, phương pháp, tác phong công tác, tích cực đấu tranh với những biểu hiện sai trái trong giáo dục. Họ phải vừa người thầy, nhà giáo dục nhưng đồng thời cũng là những người chiến sĩ cách mạng kiên cường trên các mặt trận, xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong giai đoạn hiện nay.
Ths. Nguyễn Văn Công
Đại học Nguyễn Huệ
------------------------------
(1). Lê Văn Hồng (chủ biên), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nxb ĐHQG, H, 1998, tr.131. (2). V.I.Lênin, Toàn tập, tập 47, Nxb Tiến Bộ Matxcơva, 1981, tr.248. ( (3) Sđd, tập 36, tr.523-524. (4) . Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2000, tập 6 tr.560. (5). Sđd, tập 6, tr.466. (6). Sđd, tập 9, tr.152. (7) Sđd, tập 4, tr.318. (8) Sđd, tập 6, tr.254. (9). Đảng Cộng sản Việt Nam 2011, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.130-131. (10). Sđd, tr.83. (11). Đảng uỷ Quân sự Trung ương (2007), Nghị quyết số 86/ ĐUQSTW về công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới, Nxb QĐND, Hà Nội, tr.9,12. (12). dẫn theo tr. 8.