Tác phẩm tiêu biểu này hàm chứa giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, trong việc kết hợp phong trào yêu nước với chủ nghĩa Mác, tạo lập các tiền đề tư tưởng, lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giá trị của tác phẩm còn có ý nghĩa to lớn trong thực tiễn công tác xây dựng Đảng hiện nay, trở thành cẩm nang giáo dục, bồi dưỡng lý luận và thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các cấp ủy đảng tại Đảng bộ TPHCM…
Đường Kách mệnh với cách mạng Việt Nam
Mặc dù không phải là một tác phẩm chuyên luận về vấn đề đạo đức cách mạng nhưng ở ngay trang đầu tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề đạo đức tư cách của người cán bộ cách mạng, bởi với nhãn quan chính trị của một nhà cách mạng chân chính, Người sớm nhận ra đây là cái gốc của mọi vấn đề. Người nêu lên 23 tiêu chuẩn, quy tụ trong 3 mối quan hệ cơ bản của một con người, thuộc tư cách một người cách mạng: Với mình, với người và với việc. Người đã nêu lên những vấn đề cơ bản của nền đạo đức mới, đạo đức của người Cộng sản; đó là sự kết hợp giữa đức và tài, trí và dũng, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa cá nhân với tổ chức, với đoàn thể. Muốn làm cách mạng, trước hết cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức tư cách người cách mạng, điều này bảo đảm cho người cách mạng giữ vững được chủ nghĩa mà mình đã giác ngộ, đã chấp nhận, đã đi theo. Đây cũng chính là “cái gốc” của người cán bộ.
Mục đích lớn lao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi và thực hiện là đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho đồng bào ta. Ở Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Vì theo đuổi mục đích lớn lao đó mà Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Và cũng từ đó, Người xác định: “Muốn đồng tâm hiệp lực, muốn bền gan thì trước ai ai cũng phải hiểu rõ vì sao mà phải làm, vì sao mà không làm không được, vì sao mà ai ai cũng phải gánh một vai, vì sao phải làm ngay không nên người này ngồi chờ người khác. Có như thế mục đích mới đồng; mục đích có đồng, chí mới đồng; chí có đồng, tâm mới đồng; tâm đã đồng, lại phải biết cách làm thì làm mới chóng”. Do đó, Người viết tác phẩm Đường Kách mệnh và nói rõ “Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh; vì sao cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. Ai là bạn ta? Ai là thù ta? Cách mệnh thì phải làm thế nào?”. Người coi việc giáo dục đạo đức cách mạng là một trong những nguyên tắc cơ bản, nhằm xây dựng những con người cách mạng chân chính, để tiến tới xây dựng một Đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân Việt Nam.
Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo. Thực tiễn lịch sử của nhân dân Việt Nam diễn ra từ sau ngày Đảng ra đời và tiếp diễn, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại, mở đầu là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam. Đảng ta được nhân dân tin cậy, thừa nhận là người lãnh đạo chân chính, duy nhất, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đường Kách mệnh còn nguyên giá trị với công tác xây dựng Đảng
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhấn mạnh tính chất nguy hiểm và hậu quả khôn lường của nó.
Cùng với việc cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng mà Đại hội XII đề ra, nghị quyết Trung ương 4 đã đưa ra các nhóm giải pháp để tập trung vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện xây dựng Đảng về đạo đức gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đối chiếu, soi rọi với nội dung công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay cho thấy các biểu hiện đều nằm trong những cảnh báo, nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, về cán bộ, đảng viên và Đảng ta, nhất là đối với những vấn đề tiêu cực có thể nảy sinh trong nội bộ Đảng, chính quyền và trong xã hội.
Từng cấp ủy đảng, từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng bộ thành phố; phát huy tính chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; có kế hoạch và tổ chức thực hiện, tiến hành đồng bộ nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; đấu tranh mạnh mẽ với chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, lợi ích nhóm, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X, đất nước ta đang đứng trước những thời cơ và những thách thức đan xen, hơn lúc nào hết, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố cần nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, tăng cường tính thống nhất, gắn bó chặt chẽ giữa nghiên cứu, học tập với vận dụng sáng tạo và hành động theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ gìn và rèn luyện “tư cách người cách mạng”, phát huy những giá trị lý luận vô giá của tác phẩm Đường Kách mệnh vào thực tiễn cuộc sống và công tác. Đó là một trong những biện pháp đúng đắn nhất để tham gia xây dựng Đảng bộ TP Hồ Chí Minh trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đã đề ra.
Nhận thức tốt, tư tưởng thông, quyết tâm lớn, phương pháp đúng
Tiếp tục phát huy những giá trị lý luận của tác phẩm Đường Kách mệnh trong giai đoạn hiện nay, thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng bộ TP Hồ Chí Minh trong sạch, vững mạnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, từng cấp ủy đảng, từng cán bộ, đảng viên cần kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với phương châm nhận thức phải tốt, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng. Đồng thời, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nghiêm túc, tự giác và có kế hoạch, biện pháp khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra trong thời gian qua của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và từng cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Thân Thị Thư
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh