Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong công tác kiểm toán nội bộ ngân hàng

Khác với các bộ, ngành khác, Ngân hàng Trung ương có vốn pháp định do Ngân sách Nhà nước cấp, bởi vậy kiểm soát, kiểm toán nội bộ Ngân hàng Trung ương là việc làm rất cần thiết nhằm phát hiện, ngăn ngừa những hiện tượng vi phạm pháp luật, không tôn trọng quy trình nghiệp vụ, có khả năng dẫn đến tham ô, lợi dụng, mất tài sản, mất tiền hoặc hiệu quả công tác thấp ở từng đơn vị cũng như toàn bộ hệ thống Ngân hàng Trung ương. Để giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm toán và kiểm soát nội bộ hoạt động của các đơn vị tham mưu giúp Thống đốc trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng một cách hiệu quả nhất, không ai khác đó là đội ngũ kiểm soát, kiểm toán nội bộ chuyên nghiệp của Ngân hàng Nhà nước.

Kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước là công việc mà các cá nhân hoặc cá nhân của tổ chức kiểm soát nội bộ chuyên trách tại đơn vị kiểm tra việc thực hiện công việc của từng cá nhân, đơn vị trong quá trình thực thi các quy chế, cơ chế, quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ có liên quan, nhằm đảm bảo an toàn tài sản, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra tại đơn vị. Kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước là hoạt động kiểm tra, đánh giá một cách độc lập, khách quan về tính đầy đủ, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ tại đơn vị, từ đó đưa ra các kiến nghị, tư vấn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, góp phần đảm bảo cho đơn vị hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.

Để triển khai nhiệm vụ của mình, trong thời gian qua, hoạt động kiểm soát, kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước đã vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo những tư tưởng, những lời dạy của Người vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Muốn vận dụng tư tưởng của Bác, trước hết chúng ta cùng tìm hiểu về những tư tưởng của Bác về công tác kiểm tra, giám sát được in trong Tập 5, Hồ Chí Minh toàn tập (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội phát hành năm 1995).

Trước hết, Bác nói: “Không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm”, đã thể hiện rõ mục đích và tần xuất trong công tác kiểm tra, giám sát. Nội dung này đã được vận dụng một cách toàn diện và được thể hiện rõ trong mục tiêu kiểm soát, kiểm toán nội bộ và được thể hiện qua bốn điểm: Thứ nhất, đảm bảo hoạt động của từng đơn vị được triển khai đúng định hướng, các biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ có hiệu lực và hiệu quả. Thứ hai, là phát hiện, ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động tại đơn vị. Quản lý, sử dụng tài sản và các nguồn lực tại đơn vị an toàn và hiệu quả. Thứ ba, là đảm bảo tuân thủ pháp luật và các quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ. Thứ tư, thông qua công tác kiểm soát, kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, quy chế nhằm tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn tài sản, tăng hiệu quả hoạt động.

Thực tiễn hiện nay, đối tượng kiểm tra, kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước rất rộng lớn bao gồm 25 đơn vị Vụ, Cục tại Ngân hàng Trung ương và 63 Chi nhánh tỉnh, thành phố trải rộng khắp cả nước. Do vậy, hoạt động kiểm toán nội bộ sẽ được thực hiện theo kế hoạch một cách thường xuyên hàng năm, trong đó sẽ dựa vào mục tiêu, chính sách, mức độ rủi ro và nguồn nhân lực hiện có để xây dựng một kế hoạch từ đầu năm làm căn cứ triển khai thực hiện, tránh lặp lại và trùng lắp như lời Bác nói “Không phải ngày nào cũng kiểm tra”.

Thứ hai, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Bác viết: “Muốn biết các Nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát”. Điều này được thể hiện qua đối tượng và phạm vi của kiểm toán nội bộ, đó là kiểm toán tất cả các hoạt động, các quy trình nghiệp vụ tại các đơn vị thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước và được đánh giá qua công tác quản lý và điều hành của lãnh đạo đơn vị cũng như của từng bộ phận tham mưu, tác nghiệp. Vai trò lãnh đạo, quản lý và điều hành của thủ trưởng, của các cấp ủy đảng đơn vị trong việc đưa nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Tư tưởng này của Bác đã được vận dụng để đưa vào nội dung của đề cương kiểm toán thông qua việc kiểm toán nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo, triển khai, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật của ngành đến từng phòng, ban cán bộ, công chức trong từng đơn vị và đến các tổ chức tín dụng trên từng địa bàn để đánh giá tính tuân thủ, đầy đủ, kịp thời và hiệu quả của việc triển khai thực hiện. Bên cạnh đó còn có sự phối hợp tổ chức thực hiện của các tổ chức chính trị trong đơn vị như công đoàn, đoàn thanh niên. Trong quá trình kiểm tra, kiểm toán, đã coi trọng việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện dân chủ trong hoạt động nội bộ của cơ quan, đơn vị; những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan quyết định; những việc cán bộ, công chức, viên chức giám sát, kiểm tra,… từ đó đánh giá toàn diện nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, minh bạch trong hoạt động ở đơn vị.

Thứ ba, Bác viết “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”. Bác chỉ rõ “Muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: Một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”. Bác còn chỉ rõ cách thức kiểm soát như thế nào, cố nhiên không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà chờ người ta báo cáo, mà phải đi tận nơi, xem tận chỗ. Những tư tưởng đó của Người muốn nói đến kiểm tra, giám sát phải thật sự chuyên nghiệp, mang tính khoa học và có tính hệ thống. Điều đó được thể hiện qua việc xây dựng một hệ thống kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước, bao gồm tổng thể các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ, cơ cấu tổ chức của đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước được thiết lập phù hợp với các quy định của pháp luật và được tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo các nguồn lực được quản lý và sử dụng đúng pháp luật, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; ngăn ngừa rủi ro, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi gian lận, sai sót; cung cấp thông tin trung thực, phục vụ kịp thời cho việc ra các quyết định quản lý; đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đã đề ra. Thực tiễn trong thời gian qua, hệ thống kiểm soát nội bộ của Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu từ năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ công chức được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước, bộ máy tổ chức được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, hệ thống văn bản pháp lý đầy đủ và đồng bộ, quan điểm chỉ đạo điều hành thống nhất từ trên xuống dưới. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã lồng ghép, kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp thực hiện kiểm toán, như chọn mẫu kiểm tra hồ sơ, tài liệu đang lưu giữ tại đơn vị; đối chiếu với cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ; phân tích, so sánh các chỉ số; kiểm kê thực tế tài sản, hiện vật; quan sát, lắng nghe, thu thập thông tin; trao đổi, phỏng vấn trực tiếp để từ đó phân tích nhằm đánh giá bản chất sự việc cũng như tình hình chấp hành các quy trình nghiệp vụ và mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Tính khoa học còn được thể hiện rõ trong việc ban hành và thực hiện đầy đủ và đúng quy trình, thủ tục từ khâu lập kế hoạch, triển khai thực hiện, hoàn thiện báo cáo, theo dõi kết quả khắc phục. Bên cạnh đó, còn kết hợp sử dụng nguyên tắc kiểm soát "bốn mắt" vào các nghiệp vụ cụ thể, nhằm phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra. Việc sử dụng các phương pháp này cũng là cả một nghệ thuật của người đi kiểm toán như lời Bác nói đó là “Khéo kiểm soát”.

Thứ tư, Bác còn chỉ rõ cho chúng ta biết kiểm soát có hai cách, một cách từ trên xuống, tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình. (Kiểm soát cấp độ II- Theo lý thuyết kiểm soát). Một cách nữa là từ dưới lên, tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cái này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên. Vận dụng điều này, hoạt động kiểm soát nội bộ của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện qua một hệ thống nối dài từ cơ sở được thiết kế ở tất cả các chi nhánh trong cả nước và đội ngũ chuyên môn độc lập từ trụ sở chính chuyên kiểm tra hoạt động từ trên xuống. Bên cạnh đó, cũng thiết kế theo ba hình thức kiểm toán, đó là hình thức kiểm toán trước được áp dụng trước khi việc thực hiện các dự án, chương trình, kế hoạch hoạt động của đơn vị. Hình thức kiểm toán đồng thời được thực hiện trong khi các dự án đang diễn ra. Hình thức kiểm toán sau là hình thức thực hiện sau khi các dự án, chương trình đã hoàn thành.

Thứ năm, nói về khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm, Bác đã nói: “Muốn họ thành tâm sửa chữa, phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông thấy, tự nhận rõ sự sai lầm đó, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi”. Vận dụng lời dạy của Người, trong yêu cầu của công tác kiểm toán nội bộ đã thể hiện rất rõ rằng “Thông qua kiểm toán, đánh giá những mặt được, những mặt còn tồn tại, phân tích nguyên nhân, đưa ra kiến nghị để các đơn vị được kiểm toán tìm biện pháp khắc phục, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở nhận biết và hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất”. Thực tiễn trong công tác kiểm tra, kiểm toán đều ít nhiều phát hiện những hạn chế, tồn tại ở các đơn vị được kiểm toán và đưa ra những kiến nghị chỉnh sửa phù hợp. Người cán bộ kiểm toán luôn tâm niệm những lời dạy bảo của Bác khi đưa ra nhận xét, tồn tại, khuyết điểm phải giải thích thật cụ thể, rõ ràng, mạch lạc, trên cơ sở những quy định hiện có của pháp luật, của ngành, để làm cho đối tượng được kiểm tra, kiểm toán tự nhận rõ sự sai lầm đó, làm cho họ tự vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi. Muốn có được điều đó, đòi hỏi thái độ và trách nhiệm của người cán bộ kiểm tra, kiểm toán. Thái độ đó được thể hiện qua sự chuyên nghiệp trong hoạt động nghiệp vụ của mình thông qua năng lực và trình độ phải đủ trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm công tác. Luôn đảm bảo tính thận trọng trong mọi nhận xét, vừa thấu tình và đạt lý, không đao to, búa lớn, thể hiện tính nội bộ trong hệ thống là sai sót phải được nhắc nhở, chỉnh sửa khắc phục nghiêm túc, không lặp lại. Thường xuyên trau dồi nâng cao năng lực, trình độ, kiến thức, kỹ năng và công nghệ mới để áp dụng vào thực tiễn khi chúng ta đang áp dụng những tiến bộ của khoa học và công nghệ thời đại công nghiệp 4.0. Về đạo đức, tác phong và lối sống người cán bộ kiểm tra, kiểm toán phải có thái độ chuẩn mực, từ lời ăn, tiếng nói, không gây sách nhiễu, khó khăn, phiền hà, không sống bê tha, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Nhìn nhận những cám dỗ của nghề nghiệp và những rình rập phía sau của những lợi ích đó để phòng, tránh và không tha hóa.

Quán triệt những tư tưởng của Người về tính nhân văn trong công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ, dưới sự điều hành và phụ trách trực tiếp của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, công tác kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã bám sát kế hoạch và triển khai thực hiện đúng chương trình được Thống đốc phê duyệt. Theo đó, hàng năm Vụ Kiểm toán nội bộ đã thành lập và triển khai trung bình 35 Đoàn kiểm toán tại các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước để thực hiện kiểm toán khoảng 60 lượt đối với 5 chuyên đề kiểm toán (Kiểm toán tuân thủ và hoạt động; Kiểm toán báo cáo tài chính; Kiểm toán dự án đầu tư; Kiểm toán hoạt động kho quỹ; Kiểm toán tin học và kiểm toán tại Ban quản lý dự án hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng (FSMIMS). Qua kiểm toán đã phát hiện những tồn tại, đưa ra kiến nghị để các đơn vị khắc phục và chỉnh sửa, góp phần đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động của ngành. Một trong những kiến nghị của Kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước thời gian gần đây đã được Quốc hội xem xét và thông qua tại Luật sửa đổi một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Việc điều hành hoạt động kiểm toán nội bộ theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước bảo đảm hoạt động an toàn, tuân thủ chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy trình nghiệp vụ. Đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật và quy chế, quy trình nghiệp vụ về công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước cơ bản đã được Vụ Kiểm toán nội bộ tham mưu cho Thống đốc ban hành đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo công tác quản lý, điều hành hoạt động kiểm soát, kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước đúng pháp luật, hiệu quả và chặt chẽ hơn. Song song với việc hoàn thiện các quy chế, quy trình, Vụ Kiểm toán nội bộ cũng đã và đang nghiên cứu xây dựng đề án đánh giá rủi ro hoạt động Ngân hàng Nhà nước tiến tới thực hiện kiểm toán trên cơ sở rủi ro theo xu hướng chung Ngân hàng Trung ương hiện đại của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trên tinh thần học tập và làm theo tư tưởng của Người về công tác kiểm tra, bám sát mục tiêu hoạt động của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi năng lực và kiện toàn một cách toàn diện về hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước để ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần xây dựng Ngân hàng Nhà nước, xây dựng Đảng, xây dựng đất nước vững mạnh trong xu thế thời đại mới.

Phản hồi (3)

Lê Anh Tuấn 10/11/2018

Bằng việc vận dụng sáng tạo những tư tưởng của Bác, bài viết đã góp phần không nhỏ vào việc làm sáng tỏ những luận điểm, phương pháp cũng như cách thức để tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát theo quan điểm của Bác. Bài viết còn phân tích chi tiết về những quy định hiện hành của pháp luật và của ngành Ngân hàng đối với hoạt động kiểm tra, giám sát gắn với việc triển khai thực tế của Ngân hàng Nhà nước.

Chu Hồng Đông 04/11/2018

Kinh nghiệm và thực tiễn rất hay. Việc học tập theo gương Bác trong công tác Kiểm tra, giám sát tại Ngân hàng Nhà nước cần nhân rộng trong toàn hệ thống ngân hàng, kho bạc nhà nước ... Sự vận dụng các tư tưởng của Bác trong việc giữ ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia.

Hoàng Thị Hiền 03/11/2018

Bài viết sâu sắc quá

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất