Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bản hùng ca thời đại, mãi mãi âm vang, đồng hành cùng dân tộc, cổ vũ, động viên toàn dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường đi tới tự do, hạnh phúc. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Thông qua Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt, Đảng ta khẳng định: "Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản" với nhiệm vụ đánh đổ đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, thành lập chính phủ công nông binh. Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ngọn cờ độc lập dân tộc luôn được Đảng ta nêu cao trong các cuộc tập dượt đầu tiên, nhất là khi điều kiện để giành độc lập đến gần, mục tiêu đó trở thành ngọn cờ tập hợp mọi lực lượng nhân dân trong cả nước đứng lên cứu nước, giải phóng dân tộc.
Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai đã bước vào giai đoạn kết thúc. Phát xít Đức đang bị các lực lượng đồng minh truy đuổi tới tận sào huyệt. Tại châu Á, phát xít Nhật liên tiếp thất bại trước quân Mỹ và các lực lượng kháng chiến của các quốc gia tại khu vực này. Ở Đông Dương, mâu thuẫn giữa Nhật và Pháp càng trở nên gay gắt. Và, đúng như dự đoán của Đảng ta, ngày 9-3-1945, Nhật nổ súng lật đổ Pháp. Quân Pháp ở Đông Dương chống cự yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng. Phát xít Nhật độc chiếm thống trị Đông Dương, "trao trả độc lập" cho Bảo Đại và dựng lên Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.
Trước tình hình đó, ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Chỉ thị đã xác định: "Đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể trước mắt - duy nhất của nhân dân Đông Dương". Ban Thường vụ quyết định thay đổi khẩu hiệu "Đánh đuổi Nhật - Pháp" bằng khẩu hiệu "Đánh đuổi phát xít Nhật" và đưa ra khẩu hiệu "Chính quyền cách mạng của nhân dân". Cũng tại Hội nghị này, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. "Phá kho thóc của Nhật, giải quyết nạn đói" - chủ trương đã đáp ứng đúng nguyện vọng bức thiết của nhân dân. Qua phong trào, quần chúng nhân dân đã nhận rõ rằng muốn giành quyền sống cho mình phải đoàn kết dưới ngọn cờ của Việt Minh đấu tranh đánh đổ ách thống trị của phát xít Nhật và bè lũ tay sai của chúng.
Ngày 11-8-1945, Chính phủ Nhật chấp nhận đầu hàng Đồng minh không điều kiện, và đúng như dự kiến của Đảng ta, cơ hội "ngàn năm có một" giành độc lập cho dân tộc đã đến. Ngày 13-8, nhận được tin Nhật đầu hàng, Trung ương Đảng đã thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc. Ngay trong đêm 13-8, Quân lệnh số I - Lệnh tổng khởi nghĩa đã được phát đi trong cả nước. Ngày 16-8- 1945, Đại hội Quốc dân Tân Trào đã quyết định tổng khởi nghĩa và kêu gọi nhân dân toàn quốc hãy đứng lên "giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập". Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam tức Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta", "dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".
Chỉ trong vòng gần hai tuần lễ, Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Cuộc cách mạng Tháng Tám là cuộc Tổng khởi nghĩa của toàn dân, của cả dân tộc Việt Nam vì mục tiêu độc lập dân tộc, trang sử chói lọi, chấm dứt gần một thế kỷ nô lệ dưới gót giày thực dân Pháp và ngàn năm phong kiến.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi oanh liệt và nhanh chóng trong cả nước do nhiều nguyên nhân, trong đó, đặc biệt, Đảng ta nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội lên hàng đầu. Từ chủ trương trên, Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ dân tộc, xác định đúng kẻ thù, có những chủ trương, chính sách đúng đắn, khẩu hiệu đấu tranh thích hợp, đáp ứng yêu cầu cách mạng, phù hợp với nguyện vọng và quyền lợi bức thiết của mọi tầng lớp nhân dân, cổ vũ toàn dân đứng lên, đem sức ta mà giải phóng cho ta, giành lại quyền làm chủ vận mệnh dân tộc mình.
Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, Đảng ta giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Trong kháng chiến chống Pháp, ngọn cờ dân tộc dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội. Trong kháng chiến chống Mỹ, với hai chiến lược cách mạng khác nhau - chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và chiến lược cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam, Đảng ta đồng thời giương cao hai ngọn cờ: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đất nước thống nhất, cả nước hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - ngọn cờ chiến đấu duy nhất của Đảng và nhân dân ta. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, với những nhiệm vụ và tên gọi khác nhau như: Cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa. Song, bản chất và mục tiêu nhất quán của cuộc cách mạng ấy là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, qua mỗi kỳ Đại hội, Đảng ta luôn tổng kết thực tiễn và rút ra những bài học kinh nghiệm. Bài học nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là bài học lớn đầu tiên Đảng ta đưa ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước, cũng là bài học - sợi chỉ đỏ xuyên suốt cách mạng Việt Nam. Kết quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành được đã và đang đồng hành cùng dân tộc.
Từ mốc son Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay đã chứng minh: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là ngọn cờ bách chiến bách thắng của cách mạng Việt Nam, là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Ðảng từ khi Ðảng ta ra đời cho đến nay, là “bệ đỡ” vững chắc để dân tộc ta hoàn thành thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Phạm Thị Nhung
Đại học Trần Quốc Tuấn, Hà Nội