Mô hình thí điểm trong cải cách hành chính công ở Quảng Ninh
Đồng chí Đỗ Hồng Thao (thứ 2 từ trái sang), Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh trao đổi với các nhà báo về hoạt động của Trung tâm.

Năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án Chính quyền điện tử Quảng Ninh giai đoạn 2012-2014 (theo Quyết định số 2449/QĐ-UBND ngày 28-9-2012). Với quyết tâm chính trị cao, ngay đầu năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng Chính quyền điện tử và Trung tâm hành chính công do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban. Đồng thời tỉnh đã quyết định thành lập và đưa mô hình các trung tâm hành chính công tỉnh và 5 trung tâm hành chính công huyện đi vào hoạt động thí điểm. Các trung tâm hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động đã thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong việc hướng tới một nền hành chính hiệu quả, thống nhất, tập trung, hiện đại, tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Từ khi đi vào hoạt động, các trung tâm hành chính đã tập trung rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền để đưa vào thực hiện tại các trung tâm hành chính công (TTHCC), đặc biệt là các thủ tục hành chính mang tính chất liên thông. Đến nay, 25 sở, ban, ngành (5 đơn vị ngành dọc) đã đưa 965 thủ tục hành chính (93%) vào thực hiện tại TTHCC tỉnh với 76 lĩnh vực hoạt động, đồng thời chuẩn hóa thủ tục hành chính theo quy định tiêu chuẩn ISO 9001:2008.

Các thủ tục hành chính khi đưa vào thực hiện tại các TTHCC  đã được rà soát cắt giảm 40% lượng thời gian giải quyết so với thời gian quy định của pháp luật. Cụ thể như sau: Thủ tục hành chính của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư giảm trung bình trên 70%,  thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực khám, chữa bệnh của Sở Y tế giảm trên 40%, Sở Giao thông vận tải giảm 40% , Sở Tài nguyên và Môi trường giảm 80% thời gian so với quy định. Thủ tục hành chính của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm từ 102 xuống còn 94.

Thực hiện quy trình khép kín theo nguyên tắc “thẩm định và phê duyệt tại trung tâm” đạt 96%. Trong đó 36% thủ tục hành chính được lãnh đạo các sở, ngành ủy quyền cho cán bộ là trưởng, phó phòng tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt tại trung tâm; 60% sử dụng hệ thống phần mềm công nghệ thông tin do cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại trung tâm thực hiện và phê duyệt bằng chữ ký số.

Tổ chức và cá nhân có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính thuộc bộ thủ tục hành chính đã được tỉnh phê duyệt đưa vào thực hiện tại các TTHCC trực tiếp liên hệ, nộp hồ sơ tại trung tâm hoặc gửi qua đường bưu điện. Công chức khi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, thẩm định hồ sơ. Đối với những thủ tục hành chính được thủ trưởng cơ quan, đơn vị ủy quyền cho cán bộ, công chức làm việc tại trung tâm thẩm định, phê duyệt thì ngay khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tiến hành thẩm định, phê duyệt theo quy định. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị được cập nhật vào phần mềm theo dõi, trả trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.

Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, đến nay TTHCC tỉnh giải quyết 945/1024 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành trên địa bàn tỉnh. Từ 1-1-2015 đến 20-8-2015, Trung tâm đã tiếp hơn 60.000 lượt công dân, tiếp nhận và giải quyết được 33.075 hồ sơ và 336 hồ sơ lũy kế thuộc các lĩnh vực, trong đó 33.186 (99,5%) hồ sơ đã giải quyết đúng hạn, 141 hồ sơ quá hạn, 161 hồ sơ đang chờ bổ sung, hồ sơ còn lại đang trong thời gian giải quyết. Từ 1-1-2015 đến 14-6-2015, các TTHCC địa phương tiếp hơn 160.000 lượt công dân, nhận 116.158 hồ sơ thuộc các lĩnh vực, trong đó 97,7% hồ sơ đã được giải quyết đúng hạn.

Có thể khẳng định, sau một thời gian vận hành, các trung tâm đã giải quyết cơ bản những yêu cầu của tổ chức, công dân, số hồ sơ được giải quyết đúng hạn tại trung tâm tỉnh đạt trên 99,4%, trung tâm địa phương đạt 97,7%. Các thủ tục hành chính tiếp nhận tại các trung tâm bảo đảm nguyên tắc thuận lợi, nhanh gọn và được giải quyết đúng hẹn. Để góp phần nâng cao hiệu quả làm việc và tính minh bạch, công khai trong hoạt động, Trung tâm đã tiến hành khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân. Bắt đầu từ 21-7-2014, TTHCC tỉnh đã chính thức đưa phần mềm Khảo sát trực tuyến kết quả thực hiện nhiệm vụ của các bộ phận, cán bộ, công chức, nhân viên Trung tâm vào hoạt động. Đến nay, đã có 867 lượt đánh giá, trong đó 861phiếu đánh giá hài lòng (98%), 6 phiếu chưa hài lòng (1,6%). Trung tâm cũng đánh giá bằng hình thức phiếu và hòm thư góp ý tại Trung tâm. Bộ phận kiểm tra, giám sát thu được 965 phiếu, trong đó có 957 phiếu (95% ) đánh giá hài lòng, 8 phiếu (4,8%) đánh giá không hài lòng. Ngoài ra Trung tâm còn đánh giá trên cơ sở kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các bộ phận hành chính công chuyên ngành tại Trung tâm. Việc theo dõi đường đi của hồ sơ một cách công khai sẽ giúp cho Trung tâm và các sở, ngành biết được tốc độ cũng như tinh thần làm việc của các cán bộ có nghiêm túc hay không. Những khó khăn của mỗi bộ hồ sơ cũng sẽ được xem xét, giải quyết giúp người dân không phải chờ đợi lâu.

Việc triển khai mô hình TTHCC là điều kiện thuận lợi để phát huy quyền dân chủ của người dân, tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức… Từ đó, giúp cơ quan Nhà nước điều chỉnh hoạt động, cải tiến cách thức làm việc, quy trình giải quyết công việc để nâng cao chất lượng phục người dân và các tổ chức. Sau một thời gian đi vào hoạt động đã tăng hiệu quả làm việc, tăng tính minh bạch của các cơ quan, đơn vị, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức của người dân và các tổ chức. Tuy nhiên, đây là mô hình mới, nên trong quá trình triển khai, Quảng Ninh còn gặp một số khó khăn: cơ sở pháp lý bảo đảm cho hoạt động của Trung tâm; việc quản lý cán bộ giữa Trung tâm và các cơ quan, đơn vị; nhiều nội dung, quy trình thủ tục hành chính chưa phù hợp nhưng do quy định của các văn bản quy phạm pháp luật nên trong rà soát để điều chỉnh, cắt giảm gặp hạn chế; hồ sơ giải quyết quá hạn tại Trung tâm chủ yếu do lỗi khách quan, các đơn vị phụ thuộc kết quả giải quyết của cấp có thẩm quyền (bộ, ngành trung ương) nên ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết thủ tục hành chính…

Mô hình thí điểm TTHCC là một trong ba khâu đột phá chiến lược của tỉnh Quảng Ninh. Với những kết quả tích cực từ việc thực hiện mô hình này, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Trung tâm tỉnh cùng các sở, ban, ngành đang cố gắng khắc phục mọi khó khăn, nghiên cứu thực hiện việc chuyển đổi từ mô hình TTHCC trở thành mô hình thí điểm đầu tiên trong cả nước thực hiện dịch vụ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước đối với tổ chức và người dân.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất