Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An
Tổ công tác Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) tuyên truyền pháp luật cho đồng bào khu vực biên giới, tháng 7-2021.

Nghị quyết 26-NQ/TW - động lực thúc đẩy Nghệ An phát triển toàn diện

Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và nhân dân cả nước. Với tấm lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ ai cũng mong muốn mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn của Bác Hồ có kinh tế phát triển vững mạnh, đời sống nhân dân Nghệ An được sung túc, an ninh - quốc phòng ổn định, bình an.

Ngày 30-7-2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Nghị quyết nêu rõ: Trên cơ sở vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, các nghị quyết của Trung ương gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh, Nghệ An cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy nội lực, tận dụng, thu hút mọi nguồn lực cả trong, ngoài tỉnh và nước ngoài, phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát trên, Bộ Chính trị yêu cầu tỉnh Nghệ An tập trung lãnh đạo thực hiện tốt 6 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, về công tác quốc phòng, an ninh, Nghệ An cần “tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong mọi tình huống; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết dân tộc, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ và xây dựng thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc; không để xảy ra điểm nóng, phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là ở vùng đặc thù”. Về công tác đối ngoại, Nghệ An tiếp tục “tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế. Củng cố quan hệ với các tỉnh của nước bạn Lào chung đường biên giới. Đổi mới hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh Việt Nam và tiềm năng của Nghệ An để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Chủ động ngăn ngừa tác động tiêu cực phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế”. Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp, Nghệ An “tiếp tục củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân…”.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW

BĐBP Nghệ An quản lý, bảo vệ 468,281km đường biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô-ly-khăm-xay và 82km bờ biển. Địa bàn quản lý gồm 61 xã, phường thuộc 11 huyện, thị xã biên giới, ven biển; dân số hơn 467 nghìn người với 5 dân tộc chính sinh sống (Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ). Địa bàn khu vực biên giới còn gặp rất nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của tỉnh; địa hình rừng núi hiểm trở, chia cắt, các tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ hoàn toàn; nhận thức của một số cán bộ và nhân dân còn hạn chế; cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiếu sự đồng bộ; hệ thống chính trị cơ sở, nhất là các thôn bản nhiều bất cập; đời sống nhân dân thiếu thốn nhiều mặt, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo... tìm cách mua chuộc, kích động, lôi kéo quần chúng nhân dân tập trung đông người gây rối an ninh trật tự, di cư trái phép, truyền đạo trái pháp luật, mua bán, tàng trữ, vận chuyển các chất ma túy; tình hình dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp... đã tác động, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của BĐBP tỉnh.

Trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, BĐBP tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần bảo đảm an ninh biên giới, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng biên giới. Đảng ủy BĐBP tỉnh đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 26-NQ/TW cho tất cả cán bộ, chiến sỹ, đảng viên; xác định việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW là một nội dung rất quan trọng trong các nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch công tác biên phòng và chương trình phối hợp với các huyện, thị xã biên giới hằng năm; đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết số 26-NQ/TW phù hợp với tình hình địa bàn, đơn vị.

BĐBP tỉnh phối hợp với chính quyền tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân khu vực biên giới chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản liên quan đến biên giới, chủ quyền và lãnh thổ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trên các địa bàn trọng điểm và các địa bàn có nguy cơ xảy ra tình trạng di, dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật. Vận động đồng bào định canh, định cư, ổn định cuộc sống; không nghe các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch; không tiếp tay cho các đối tượng xấu, buôn lậu, gian lận thương mại; không mua bán, tàng trữ, sử dụng các chất ma túy, tái trồng cây thuốc phiện; tích cực tham gia đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm đội ngũ cán bộ BĐBP tham gia cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương. Trong 10 năm qua, có 5 cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy ở 5 huyện biên giới; 27 đồng chí giữ chức danh bí thư, phó bí thư đảng ủy 27 xã biên giới đất liền; 80 đảng viên đồn Biên phòng sinh hoạt tạm thời tại chi bộ các thôn, bản ở địa bàn xung yếu, phức tạp và vùng giáo; phân công 593 đảng viên phụ trách gần 2.700 hộ gia đình khu vực biên giới tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị địa phương vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Trong công tác xây dựng Đảng, BĐBP tỉnh đã tham mưu với cấp ủy địa phương củng cố được 10 chi bộ yếu kém, 57 chi bộ từ xếp loại trung bình lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, 40 chi bộ từ hoàn thành tốt lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; củng cố, kiện toàn 315 chi bộ, 264 tổ chức chính trị - xã hội và tham mưu địa phương kết nạp 881 đảng viên, trong đó có 5 đảng viên là người có đạo. Thường xuyên quan tâm, tạo nguồn cán bộ cho các địa phương là người dân tộc thiểu số từ việc tuyển chọn, giáo dục, bồi dưỡng công dân nhập ngũ vào lực lượng BĐBP và từ thực hiện các chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng” (trong 10 năm qua, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã kết nạp được 109 đảng viên là người dân tộc thiểu số). Duy trì, thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP tỉnh với các huyện, thị ủy biên giới, ven biển; giữa đảng ủy các đồn Biên phòng với đảng ủy các xã, phường biên giới, ven biển; chương trình phối hợp giữa BĐBP tỉnh với các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

BĐBP tỉnh Nghệ An thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, với số vốn kêu gọi đầu tư gần 470 tỷ đồng; triển khai thực hiện có hiệu quả việc giúp đỡ 3 xã nghèo (Môn Sơn, Tam Hợp và Bắc Lý) phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo theo sự phân công của UBND tỉnh (giúp dân xây mới 35 căn nhà, sửa chữa 39 căn, tặng các hộ nghèo 270 con bò giống, 148 con dê giống, 424 con lợn giống, tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng; tặng quà nhân các ngày lễ, tết trị giá gần 2 tỷ đồng, gần 2 tấn gạo); phối hợp giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân xây dựng 57 mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, khai hoang, phục hóa 239ha ruộng lúa nước, 24.356 ngày công lao động... góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Xây dựng, nhân rộng và duy trì nhiều mô hình giúp dân có hiệu quả; phối hợp triển khai thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng, như: “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Tết vì người nghèo”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”... Tích cực tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách trên địa bàn (làm mới và tu sửa được 345km đường giao thông nông thôn, xây mới và tu sửa 152km kênh mương thủy lợi, đỡ đầu 107 cháu học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, nhận nuôi 19 cháu mô côi không nơi nương tựa; tặng sách, vở, dụng cụ học tập trị giá 930 triệu đồng; tu sửa 368 lớp tại 81 trường học; thăm hỏi, động viên, tặng quà các đối tượng chính sách hơn 1,5 tỷ đồng; tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho Nhân dân được 17.363 lượt người, trị giá gần 800 triệu đồng...). Vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, các cháu học sinh nghèo học giỏi trên địa bàn biên giới tỉnh Nghệ An với tổng trị giá quà và tiền mặt hơn 50 tỷ đồng.

BĐBP tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, đề án... các cấp về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ công tác biên phòng. Chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng tổ chức được 5.199 đợt với 41.067 lượt cán bộ, chiến sỹ tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới, vùng biển; xử lý tốt các vụ việc xẩy ra trên địa bàn, đảm bảo giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biên giới, vùng biển. Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng Nghệ An đã tham mưu với chính quyền các địa phương thành lập 88 tập thể tham gia tự quản đường biên, cột mốc, 916 hộ gia đình, 2.102 cá nhân tự quản 468,281km đường biên giới; 69 tập thể, 864 gia đình, 2.322 cá nhân tự quản 105 mốc quốc giới; 944 tổ với 17.810 cá nhân tự quản an ninh trật tự xóm, bản... Chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, quân sự và huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang và toàn dân đảm bảo an ninh trật tự và nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng thế trận an ninh, thế trận quốc phòng và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Trong công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống khắc phục thiên tai đạt, BĐBP tỉnh Nghệ An trong 10 năm qua đã điều động 7.720 lượt cán bộ cùng 264 lượt phương tiện khắc phục hậu quả do thiên tai, tai nạn trên biển, đã cứu được 104 phương tiện, 1.141 người, sửa chữa khắc phục được 928 nhà dân và 4 trường học bị thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn biên giới. Lãnh đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác nắm tình hình, điều tra, phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia (từ năm 2013 đến nay đã thu được 11.745 tin, phát hiện 16 vụ với 26 đối tượng tuyên truyền, tán phát trái phép tài liệu đạo Tin lành...).

Quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng, trong những năm qua công tác ngoại giao nhân dân, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng luôn được các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Tăng cường gặp gỡ, hội đàm, trao đổi để giải quyết các vấn đề về biên giới lãnh thổ sau phân giới cắm mốc, hợp tác kinh tế, du lịch, thương mại; triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các đề án “Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam - Lào đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, “Nâng cao hiệu quả hợp tác, giúp đỡ các đại đội Biên phòng Lào tiếp giáp với tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2022”. Chỉ đạo tổ chức các đoàn làm việc, thăm hỏi chúc mừng Bạn nhân các ngày lễ, tết; thực hiện tốt chế độ giao ban, thông báo, trao đổi tình hình hai bên. Tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng của Bạn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, đấu tranh với các loại tội phạm, giải quyết tốt các vấn đề xẩy ra trên biên giới, diễn tập liên hợp ngăn chặn di cư tự do và xuất nhập cảnh trái phép sang Lào; giúp đỡ huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ biên giới cho 25 cán bộ, chiến sỹ Tỉnh đội Xiêng Khoảng, vận động hỗ trợ trên 4,7 tỷ đồng xây dựng hạ tầng cơ sở và trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Triển khai có hiệu quả phong trào kết nghĩa giữa các cụm dân cư (21 cặp bản - bản) hai bên biên giới; chương trình kết nghĩa giữa các đồn biên phòng tuyến núi với các đơn vị bảo vệ biên giới 3 tỉnh tiếp giáp đối diện của nước Lào (8 cặp đồn - đại đội biên phòng của hai quốc gia); xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị đặc biệt hai bên biên giới. Thực hiện tốt công tác tham mưu, tổ chức thăm khám, chữa bệnh cho nhân dân các bản của Lào được hơn 1.800 lượt người, cấp phát thuốc miễn phí trị giá gần 100 triệu đồng; giúp Bạn xây dựng trạm xá hữu nghị quân - dân y trị giá hơn 14,9 tỷ đồng; trao tặng quà cho các cơ quan, chính quyền địa phương của nước bạn Lào; xây dựng 1 nhà văn hóa cộng đồng và 3 nhà hữu nghị cho các hộ nghèo của Lào trị giá gần 1,3 tỷ đồng...

Trong 10 năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Thông qua đó góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ An nỗ lực vượt khó, phấn đấu vươn lên với quyết tâm cao thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đạt nhiều kết quả toàn diện, nổi bật, từ đó củng cố, tăng cường niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng và chính quyền các cấp ở Nghệ An.                

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất