Một nghị quyết mang nhiều đổi mới


Xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng. Nguồn: Báo ảnh Việt Nam.

Bài 1: Nghị quyết “Ba nhiều” mở hướng thoát nghèo

Chúng tôi đi qua các bản Phja Chang, Lũng Sâu, Tình Đông… của xã Phúc Sen, đang dịp ngày mùa nên tiếng máy cày, bừa rộn ràng chân núi. Người lao động tấp nập trên những ruộng rau màu; chân núi xanh mướt nương ngô, dong riềng, chè chất lượng cao. Dọc theo các cung đường của xã là những lò rèn đỏ lửa, những cửa hàng quảng bá sản phẩm rèn, gian hàng nông sản Phúc Sen… Cuộc sống sôi động, sung túc ấm no này là ước mơ bao đời của người dân Phúc Sen từng quanh năm lam lũ, vất vả mà vẫn đói ăn, đói mặc.

Chuyện đói nghèo ấy giờ đã là câu chuyện cũ, cách đây hơn 20 năm khi Phúc Sen chỉ có ruộng khát, đất cằn. Vẫn bản làng dưới chân núi này nhưng xơ xác, đìu hiu, đói nghèo khiến nhiều người ngậm ngùi rời bỏ quê hương. Chỉ từ khi Đảng bộ xã Phúc Sen triển khai Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 3-3-2001 về “Ba nhiều”, vận động người dân thực hiện trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, làm nhiều nghề, thì Phúc Sen mới bắt đầu vươn dậy, đổi mới, không chỉ thoát nghèo mà ngày càng khấm khá hơn.


Chân núi xanh mướt nương ngô ở xã Phúc Sen, Quảng Hoà, Cao Bằng.

Thủ lĩnh đất “ba khó” khởi xướng làm “ba nhiều”…

Để hiểu về 20 năm bà con Phúc Sen hăng say thực hiện Nghị quyết “Ba nhiều”, chúng tôi được đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Đàm Đình Đạo dẫn đến bản Lũng Sâu, gặp gỡ đồng chí Linh Văn Phù, nguyên Bí thư Đảng ủy xã những năm 2000-2005. Bước ra từ ngôi nhà sàn vững chãi dưới chân núi, đồng chí Linh Văn Phù - người dân nơi đây vẫn gọi là ông Phù “ba nhiều”, thủ lĩnh “ba nhiều”… hồ hởi đón khách. Ông kể vui, bao năm cùng Đảng bộ, nhân dân thực hiện Nghị quyết “Ba nhiều” nên việc “làm nhiều” như ngấm vào máu thịt. Nghỉ hưu gần 10 năm nay, ông vẫn miệt mài cùng các con cháu “làm nhiều”, chăn nuôi lợn gà, trồng chè, dong giềng..., phát triển kinh tế hộ.

Kể lại những tháng ngày khởi xướng “ba nhiều”, ông Phù chậm rãi nói: Bà con Nùng An sinh sống bao đời ở Phúc Sen, ai cũng biết rõ xã gắn với ba cái khó: đất chật, người đông, núi đá trơ trọi thiếu nguồn nước tưới tiêu. Diện tích tự nhiên của xã 1.285ha nhưng lúc ấy chỉ có 270ha đất canh tác, mỗi người chỉ có hơn 130m2 đất sản xuất. Đất ít lại thiếu nước tưới tiêu nên nương rẫy khô hạn, trồng cây gì cũng khó. Bà con chăn nuôi lẻ tẻ, chưa có phương pháp kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, trâu bò thả rông phá hoại cây trồng, dịch bệnh làm vụ mùa thất thu… Bởi vậy mà bà con Phúc Sen làm lụng quanh năm vẫn không đủ ăn đủ mặc, nhiều gia đình dắt díu nhau di cư đi Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Tuyên Quang… Ông Phù lúc ấy là bộ đội biên phòng phục viên về quê, nhà 3 thế hệ với 8 miệng ăn cũng chỉ có 500m2 đất nương khô hạn, cái nghèo cái đói bủa vây gia đình làm ông trăn trở, day dứt lắm!

Thế rồi ông Phù quyết chí thoát nghèo. Ông tự nhủ, nhà nông vẫn phải bám đất, sống nhờ vào đất chứ không thể bỏ. Đất xấu thì cải tạo, đất ít thì phải làm nhiều vụ, phải từ bàn tay khối óc của mình mà vượt qua cái khó. Nghĩ là làm, dồn số tiền ít ỏi tiết kiệm được từ đồng lương bộ đội, ông Phù xây hàng loạt bể nước gần ruộng nhà mình. Có bể, ông tích trữ được nước vào mùa mưa để dành tưới cho mùa khô hạn, kết hợp làm chuồng trại chăn nuôi. Trên đất ruộng, ngoài trồng 1 vụ lúa, ngô/năm, gia đình ông trồng xen canh thêm khoai, đỗ, lạc, rau màu, vừa giữ ẩm đất, chống hạn vừa tạo màu. Cả gia đình tảo tần, chịu khó khắc phục đất khát, sau 1 năm, ruộng của nhà ông Phù đã cho thu hoạch mấy tấn thóc, ngô, đỗ, lạc, khoai…, còn chăn nuôi thêm lợn, gà, vịt. Cách làm mới đã giúp gia đình ông thoát đói, sau 4 năm thì thoát nghèo.

Cũng thời gian này, ông Phù được đảng viên, nhân dân trong xã tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đảng uỷ xã. Từ kinh nghiệm của gia đình, ông Phù tham mưu với Đảng uỷ xã ra chủ trương đổi mới cách làm kinh tế, giúp bà con dần dần giảm đói, giảm nghèo. Và thế là Nghị quyết “Ba nhiều” ra đời!


Nghề rèn ở xã Phúc Sen, Quảng Hoà, Cao Bằng có lịch sử hơn 300 năm. Ảnh: Công Hải.

Với phương châm “ba nhiều”: trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, làm nhiều nghề, tuỳ theo điều kiện gia đình, thôn bản để lựa chọn cho phù hợp, Phúc Sen bắt đầu sôi động không khí làm kinh tế mới theo Nghị quyết của Đảng. Hộ có ít đất thì trồng nhiều loại cây thâm canh, tăng vụ, kết hợp chăn nuôi nhiều con, làm nhiều nghề. Xã vốn có nghề thủ công truyền thống rèn, đan lát, dệt vải chàm, nhưng trước đây chỉ một vài hộ làm lẻ tẻ, phục vụ trao đổi mua bán trong bản, trong xã là chính. Nay được Đảng uỷ, chính quyền xã vận động, các hộ gia đình hăng hái làm thêm để có “nhiều cây, nhiều con, nhiều nghề”, xoá dần cái nghèo, cái đói. Cứ như vậy, đề xuất làm “ba nhiều” của đồng chí Phó Bí thư Đảng uỷ xã đã mở ra hướng mới trên vùng đất khó, trở thành vấn đề “nóng” được đưa ra thảo luận trong nhiều cuộc họp của Đảng ủy, chính quyền; là chủ đề của những câu chuyện bên nương rẫy mà bà con ai ai cũng nóng lòng trông đợi.

… Và nghị quyết “mở đường”  

Khởi xướng Nghị quyết “Ba nhiều” đúng dịp Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII, nhiệm kỳ 2000-2005, đồng chí Linh Văn Phù được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy. Với trách nhiệm của người khởi xướng “ba nhiều”, người đứng đầu cấp uỷ, ông càng trăn trở, tâm huyết với Nghị quyết này. Nhiều cuộc họp bàn, thảo luận của Đảng uỷ xã, cùng với các bí thư chi bộ, các tổ chức đoàn thể trong xã đã được đồng chí Bí thư Đảng uỷ tổ chức nhằm bàn cách tháo gỡ khó khăn, tuyên truyền, vận động bà con thực hiện Nghị quyết “Ba nhiều”, coi đây là nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương. Để bà con tin tưởng hơn vào hiệu quả của Nghị quyết, ông mời bà con đến tham quan mô hình “làm nhiều” của gia đình mình, phân tích rõ về “ba khó”, cách vượt khó từ “ba nhiều”, từ đó vận động bà con thay đổi tư duy sản xuất, dám “làm nhiều” để thay đổi cuộc sống.

Đồng chí Hoàng Văn Soòng, Bí thư Chi bộ xóm Tiến Minh nhớ lại: Ngày đó, chúng tôi được nghe Đảng ủy xã phân tích rõ thuận lợi, khó khăn của xã, rồi Đảng uỷ mở hướng cho người dân xoá đói, giảm nghèo từ triển khai Nghị quyết “Ba nhiều”. Khó khăn của xã lúc bấy giờ là 90% diện tích đất tự nhiên rừng núi đá, không thể phát triển kinh tế rừng, thiếu đất và nước sản xuất. Xã tuy có 1/3 hộ làm nghề truyền thống rèn, đan lát tre, dệt vải chàm, nhưng không thể huy động bà con bỏ ruộng làm nghề, bởi nếu không tìm được thị trường ổn định thì bấp bênh cả vốn đầu tư và đầu ra sản phẩm. Giải pháp gỡ khó chính là thực hiện “ba nhiều” - trồng nhiều cây, nuôi nhiều con và làm nhiều nghề, để bà con phát huy nội lực. Để giải quyết “đất khát” thiếu nước sản xuất, vụ mùa xuân - hè sẽ trồng 2 vụ ngô, lúa trồng vụ mùa. Ngoài ra, để giữ ẩm và tạo màu cho đất phải trồng thêm khoai, đỗ, lạc, rau màu xen canh tăng năng suất; trồng thêm rau màu vừa để bán vừa phát triển đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, duy trì và phát triển nghề rèn, dệt nhuộm vải chàm, đan lát, sản xuất vật liệu xây dựng và dịch vụ...

Giải pháp “nhà nhà đất ít thì phải làm nhiều”, mỗi hộ trồng trọt, chăn nuôi kết hợp làm nghề Đảng uỷ đề ra rất sát thực với tình hình địa phương. Bởi vậy mà Nghị quyết “Ba nhiều” rất được nhân dân đón nhận. Các chi bộ triển khai Nghị quyết đến người dân, cùng họp bàn, phân tích điều kiện thực tế, rồi chọn thế mạnh về nuôi, trồng cây, con và làm nghề phù hợp để đạt hiệu quả kinh tế. Các xóm xây dựng thực hiện quy ước không thả rông trâu bò phá hoại mùa màng, rủ nhau trồng thêm rau màu, làm nghề rèn, dệt vải, đan lát thủ công. Nhiều hộ dân đến tận nhà ông Phù tham quan mô hình “làm nhiều” để học hỏi.


Phát triển nghề rèn truyền thống đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Phúc Sen.

Nghị quyết “Ba nhiều” trúng lòng dân, ngay năm đầu đã có 80% hộ làm theo công thức “một hộ làm ba nhiều”, trở thành “đòn bẩy” cho mỗi gia đình tập trung sản xuất thâm canh tăng vụ “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”, đua nhau áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Vùng đất khó ngày nào nay đã bốn mùa xanh mướt, bội thu. Cả 10 xóm trong xã đều đã thực hiện nuôi, trồng nhiều cây, con phù hợp với lợi thế gia đình; 6 xóm làm nghề rèn, 4 xóm làm nghề đan lát, nhuộm vải chàm, hợp tác xã và dịch vụ... Chỉ sau một năm đầu cái đói, thiếu ăn đã được giải quyết. Những năm sau, bà con bám Nghị quyết vươn lên xóa hộ nghèo, tăng thu nhập, tự tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn, nâng cao dân trí.

Thành quả 20 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng đang hiển hiện rõ ràng ở nơi đây, trong từng âm thanh, hình ảnh của nhịp sống sôi động ven chân núi. Không chỉ đổi mới đời sống, nhân dân Phúc Sen còn đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm. Bà con làm nông nhưng là nông nghiệp 4.0, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ nông sản không chỉ qua giao thương truyền thống mà còn qua mạng in-tơ-nét; bán sản phẩm với uy tín thương hiệu, đạt chuẩn VietGAP, OCOP…

Câu chuyện về xã nghèo làm nên kỳ tích, đổi mới từ Nghị quyết “Ba nhiều” đã thực sự cuốn hút chúng tôi nán lại Phúc Sen. Trong những ngày cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19, bà con Phúc Sen bảo nhau: Cao Bằng đang là “vùng xanh” không có dịch Covid-19, nên càng phải hăng hái làm nhiều, cung ứng thực phẩm chống dịch cho mọi miền đất nước…

(Còn nữa)

Bài 2: Những người nông dân mang tư duy mới

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất