Một nghị quyết mang nhiều đổi mới (tiếp theo)



Bài 2: Những người nông dân mang tư duy mới

Qua mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ xã, Nghị quyết “Ba nhiều” được Đảng uỷ xã Phúc Sen rút kinh nghiệm, làm mới cách thức triển khai cho phù hợp với đời sống mới của nhân dân. Bởi vậy mà qua 4 nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ (từ năm 2000 đến nay), “Ba nhiều” vẫn là Nghị quyết trúng lòng dân, không chỉ mở hướng cho nhân dân Phúc Sen thoát nghèo mà còn là “đòn bẩy” cho nông thôn đổi mới.

"Làm nhiều" nông dân đổi mới tư duy

Xã Phúc Sen chuyển mình từ Nghị quyết “Ba nhiều” hiện ra trước mắt chúng tôi, không phải bằng báo cáo thành tích với những con số, mà từ nhịp sống vùng nông thôn “cận lộ” Quốc lộ 3 gắn với giao thương sôi động. Dọc theo con đường bê-tông to rộng uốn lượn ôm chân núi, nối trung tâm xã với các xóm bản, hàng trăm cửa hàng san sát bán các mặt hàng nông sản, sản phẩm rèn Phúc Sen. Những tấm biển “Bán hàng online mùa dịch Covid”, biển quảng cáo khu du lịch cộng đồng... cho chúng tôi thấy một xã nông thôn miền núi rất mới, năng động…

Ông Nông Văn Mèn, người dân bản Lũng Sâu kể: Hết nhiệm kỳ 2000-2005, hộ nghèo ở Phúc Sen giảm từ 40% xuống 30%, bà con rất tin vào Nghị quyết “Ba nhiều” của Đảng uỷ xã. Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2005-2010, đồng chí Linh Văn Phù tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng uỷ, sau đó làm Chủ tịch UBND xã, được nhân dân trong xã rất ủng hộ. Đồng chí Phù cùng các cán bộ lãnh đạo xã luôn quan tâm sát sao đến đời sống của bà con nhân dân, theo sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết “Ba nhiều” để có điều chỉnh kịp thời trong chỉ đạo, điều hành.


Nhiều du khách nước ngoài dừng chân tham quan cửa hàng, mua sản phẩm rèn truyền thống của xã Phúc Sen.

Ông Mèn còn nhớ, trong một cuộc họp của cán bộ lãnh đạo xã với bà con khi ấy, đồng chí Linh Văn Phù đã phân tích rõ: Ba đặc thù trọng yếu của xã Phúc Sen là thuần nông, gồm: trồng trọt, chăn nuôi gắn với làng nghề truyền thống. Nhiệm kỳ trước, ba vấn đề trọng yếu này mới hình thành, giải quyết được xóa đói, giảm nghèo cho bà con. Đến nhiệm kỳ này, bà con muốn nâng cao đời sống thì phải đổi mới tư duy làm nông nghiệp, làm nghề thủ công theo hướng sản xuất hàng hóa, vừa tạo việc làm, vừa tăng thu nhập… Đồng chí Phù cũng nói rõ về phương châm “một hộ làm ba nhiều” theo định hướng của Đảng uỷ, chính quyền để chuyển dịch cơ cấu cây, con phù hợp; đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp; làng nghề phát triển quy mô lớn hơn và hình thành hợp tác xã, gắn kết các hộ làm nghề có nhiều sản phẩm chất lượng, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu…

Cách làm mới của Nghị quyết “Ba nhiều” khiến bà con vừa mừng, vừa lo. Mừng bởi 5 năm qua Nghị quyết “Ba nhiều” đã giúp bà con hết đói, giảm nghèo, nay thực hiện Nghị quyết của Đảng để vươn lên khấm khá hơn. Lo bởi chưa biết làm sao để sản xuất hàng hoá quy mô lớn, rồi xây dựng sản phẩm, thương hiệu, thị trường… đều là những điều mới mẻ cả. Bà con băn khoăn hỏi nhau, liệu có làm theo được Nghị quyết của Đảng?!

Gỡ mối lo cho bà con, cán bộ lãnh đạo xã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn, trang bị kiến thức về khoa học - kỹ thuật và vận động nhân dân trong xã tham gia học tập. Đảng uỷ chỉ đạo các chi bộ, chính quyền, tổ chức đoàn thể tạo mọi điều kiện hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh, phát triển cây trồng, vật nuôi, làm nghề; hỗ trợ nhân dân đưa sản phẩm bán ra thị trường. Để cải thiện tình trạng thiếu nước cho sản xuất, xã huy động nhân dân xây dựng 25km kênh mương theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, không trông chờ, ỷ lại…

Với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", nhiều đoạn đường giao thông nông thôn, kênh mương ở xã Phúc Sen được làm mới.

Vậy là những khó khăn dần được tháo gỡ, nhân dân Phúc Sen từng bước bắt nhịp với cách làm mới của Nghị quyết “Ba nhiều”, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, làm nghề. Hơn 10 xóm, bản trong xã đã hình thành xóm, hộ vừa sản xuất nông nghiệp, trồng màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm vừa làm nghề rèn, đan lát, dệt vải chàm, làm gạch vồ, hương thơm… Giá trị sản xuất nông nghiệp của xã từ trồng cây lương thực xen canh rau màu, đậu, đỗ đã đạt trên 45 triệu đồng/ha. Xã phát triển hơn 200 hộ với 400 lao động làm nghề rèn, sản xuất vật liệu xây dựng, đan lát tre nứa, thành lập 5 hợp tác xã. Nhiều sản phẩm như rau màu, đậu đỗ, khoai lang, dao, vải chàm, hương thơm… đã mở rộng thị trường, bán ra TP. Cao Bằng.

Ông Nông Văn Mèn khoe: Từ năm 2014 đến nay, đáp ứng thị trường miến dong xã Nguyễn Huệ (huyện Hòa An), cả xóm ông đã trồng thêm cây dong riềng nguyên liệu, mỗi hộ thu nhập 15-30 triệu đồng/vụ, bà con rất phấn khởi. Hiện nay xóm đang trồng thêm cây chè chất lượng cao. Ông Nông Văn Lợi, xóm Pác Rằng cho biết: Từ khi Đảng ủy xã khởi xướng Nghị quyết “Ba nhiều”, khuyến khích bà con phát triển làm nghề truyền thống, kinh tế gia đình ông và nhiều hộ trong xóm đã thay đổi hẳn. Thời gian nông nhàn bà con làm thêm nghề rèn nông cụ sản xuất, sản phẩm bán được nên thu nhập gia đình tăng lên. Gia đình ông Lợi trước là hộ nghèo, ít đất, từ khi triển khai “một hộ làm ba nhiều” thu nhập tăng 40-60 triệu đồng/năm. Hiệu quả rõ rệt vậy nên trước kia chỉ mấy chục hộ làm rèn, nay đã có hàng trăm hộ. Được Đảng uỷ, chính quyền xã định hướng về chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, xây dựng thương hiệu, nên nghề rèn Phúc Sen đã có chỗ đứng trên thị trường với thương hiệu “Dao Phúc Sen” uy tín. Người dân được làm nhiều nghề nên bây giờ cũng năng động lắm, biết bán sản phẩm trên mạng in-tơ-nét, qua Website, mạng xã hội Facebook, Zalo... Cũng với tư duy của người nông dân nông thôn mới, bà con Pác Rằng đã kết hợp làm nông nghiệp, làm nghề với hoạt động du lịch cộng đồng, trở thành khu du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Cao Bằng.

Bán sản phẩm bằng thương hiệu

Nghị quyết “Ba nhiều” được làm mới, khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa kết nối với thị trường đã làm cho nông dân nơi đây thay đổi tư duy, năng động, sản xuất lượng hàng hoá lớn. Hằng năm, xã thu hoạch hàng nghìn tấn ngô, thóc; thâm canh cây trồng đạt hàng trăm tấn khoai lang, củ cải, đỗ, lạc… cùng với nhiều sản phẩm nghề thủ công.


Một gian hàng bán hương thơm ở xã Phúc Sen, Quảng Hoà, Cao Bằng.

Theo Bí thư Đảng uỷ xã Đàm Đình Đạo, hiện nay xã đẩy mạnh khuyến khích bà con nâng cao tiêu chí chất lượng sản phẩm, hướng tới đạt chuẩn nông sản địa phương theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Xã đang xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho sản phẩm “Dao Phúc Sen”, “Củ cải Phúc Sen”, sắp tới phấn đấu thêm sản phẩm khoai lang, gừng… Riêng với sản phẩm rèn, từ năm 2011 đến nay, sản phẩm rèn của Phúc Sen được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, chọn tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, phiên chợ hàng Việt tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sản phẩm “Dao Phúc Sen” được Hợp tác xã Long Chiến và Hợp tác xã Minh Tuấn không ngừng phát huy, cải tiến, cho ra nhiều sản phẩm chất lượng, phong phú về chủng loại. Hai hợp tác xã với trên 8 tổ sản xuất đã cho ra 25.000 sản phẩm/năm, bán ra thị trường cả nước.

Chúng tôi đến thăm Hợp tác xã Long Chiến ở bản Pác Rằng, ông Long Văn Chiến cho biết: Hợp tác xã có hơn 12 hộ tham gia làm nghề rèn, thu nhập 100 triệu đồng/năm. Các xưởng rèn thường xuyên cải tiến mẫu mã các loại dao, kéo, nông cụ và giới thiệu, bán sản phẩm trên Website, Facebook, Zalo, chợ thương mại điện tử Shopee, Sendo, Lazada… Bán hàng trên chợ online không còn xa lạ với bà con, có hộ còn livestream, quay video, clip đăng trên Youtube, áp dụng vận chuyển hàng, các chương trình giảm giá thu hút khách hàng… Người mua nhiều, có lúc làm không kịp bán!

Không chỉ tập trung vào phát triển nông sản, làng nghề, Đảng ủy xã Phúc Sen còn tuyên truyền bà con gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Nùng An, hướng tới xây dựng xã Phúc Sen thành Trung tâm văn hóa dân tộc Nùng An của tỉnh Cao Bằng. Người dân Phúc Sen ngày nay vẫn lưu truyền nhiều bản sắc văn hóa, người phụ nữ hằng ngày mặc trang phục Nùng An, dệt vải chàm, giữ nếp nhà sàn, làm nghề rèn, làm hương thơm, giấy dó, các lễ hội đặc sắc… Nhờ lưu giữ nét văn hóa bản địa đặc sắc, nơi đây đã hình thành nên các khu du lịch cộng đồng mang đặc trưng riêng như bản Pác Rằng, Dìa Trên, Phja Thắp,… thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm không gian văn hóa bản địa dân tộc Nùng An.

Đánh giá về hiệu quả của Nghị quyết “Ba nhiều” với phát triển kinh tế nông thôn ở Phúc Sen, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ, Tổng Biên tập Tạp chí nông thôn mới nhận định:


(Còn nữa)

Bài 1: Nghị quyết “Ba nhiều” mở hướng thoát nghèo

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất