BÀI 3. TẠO DỰNG THÀNH PHỐ THÔNG MINH
Khát vọng về một thành phố thông minh tiếp tục được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII và 10 chương trình hành động của Đảng bộ TP. Hà Nội với lộ trình rất rõ ràng: Đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực, cơ bản hoàn thành mục tiêu CNH, HĐH; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”. phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành CNH, HĐH Thủ đô. Đây là những tiền đề quan trọng, tạo động lực, niềm tin cho Hà Nội vươn mình trở thành thành phố thông minh trong tương lai rất gần.
Một mục tiêu thật lớn cho chặng đường 10 năm, đây cũng là hướng đi tất yếu mà Hà Nội phải vươn tới để xứng tầm với vị trí của Hà Nội trong lòng dân tộc: Thủ đô, trái tim, niềm tự hào của cả nước và với vị thế của Hà Nội trên thế giới hôm nay: Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo. cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ không chỉ là sự thúc giục Hà Nội nhanh chóng hòa nhịp cùng thế giới, mà còn là đòi hỏi cấp thiết đối với Hà Nội nếu muốn khơi lên, phát huy các nguồn lực mới cho chặng đường phía trước. Lựa chọn xây dựng thành phố thông minh, hiện đại, bảo đảm các yếu tố phát triển nhanh, bền vững, mang lại sự tiện ích, an toàn cho công dân dựa trên ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là chìa khóa bảo đảm cho Hà Nội hiện thực hóa thành công một mục tiêu nhân bản lớn lao hơn rất nhiều: Tất cả vì sự phát triển của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Với vị thế Thủ đô của đất nước gần 100 triệu dân, với tầm nhìn và khát vọng vươn xa đòi hỏi những xung lực mới. Sáng tạo chính là động lực lớn nhất để hiện thực “khát vọng hóa rồng”. Để hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội tỏa sáng, Hà Nội sẽ tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo, phát triển kinh tế số của cả nước. Vì vậy, chính quyền thành phố luôn có tinh thần khởi nghiệp; thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới với nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội. Chính quyền thành phố đang khẩn trương tạo điều kiện để có môi trường kinh doanh thông thoáng; thu hút và khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân yên tâm khởi nghiệp và đầu tư. Đây chính là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế tư nhân, huy động nhân lực, vật lực của toàn xã hội vào phát triển kinh tế của thành phố thông minh, hiện đại.
Hà Nội sẽ phát triển trong mối liên hệ liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển, cộng hưởng với những lợi thế sẵn có, phát huy và trở thành đầu tàu dẫn dắt sự phát triển cho cả vùng Thủ đô như quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hà Nội là một trong những thành phố đẹp nhất cả nước. Nhưng vẻ đẹp truyền thống có thể dần mất đi trong quá trình đô thị hóa ồ ạt, nếu không có giải pháp căn cơ. Để làm được việc này cần thực hiện rất nhiều việc. Đầu tiên là đổi mới việc làm quy hoạch, quản lý quy hoạch, dành tâm sức để quy hoạch khu vực hàng nghìn héc-ta đất ven sông Hồng. Quy hoạch của một thành phố, nhất là Hà Nội, không phải là bản vẽ kỹ thuật mà là tổng hòa các yếu tố kinh tế, môi trường, văn hóa để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Để có thành phố thông minh trước hết phải có quy hoạch thông minh, việc đổi mới cách làm quy hoạch cần sự tham gia ý kiến của các chuyên gia, các ngành có liên quan, của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, Hà Nội xác định giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển. Ðây chính là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô thành trung tâm đổi mới, sáng tạo, thông minh, hiện đại của cả nước, tiến tới là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực Ðông Nam Á và châu Á trên một số lĩnh vực.
Xây dựng thành phố thông minh là chiến lược phát triển lâu dài, vì vậy phải có kế hoạch, lộ trình cho từng giai đoạn, với những chính sách cụ thể về nguồn lực. Hà Nội đã xác định, để xây dựng thành phố thông minh, thành phố cần giải quyết 5 nhóm vấn đề. Một là, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông minh trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Hà Nội sẽ phát triển ứng dụng thông minh hỗ trợ ra quyết định trong công tác lập, thẩm định, công bố công khai quy hoạch đô thị. Phát triển hệ thống cung cấp thông tin quy hoạch và tiếp nhận các ý kiến góp ý, phản hồi của cộng đồng, giám sát việc thực hiện quy hoạch đô thị. Ðồng thời, đổi mới lý luận cũng như phương pháp lập quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, đây là nhóm vấn đề được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Hai là, phát triển hạ tầng đô thị thông minh, trong đó đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh và hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông. Ba là, phát triển các tiện ích, dịch vụ công cộng thông minh cho dân cư đô thị, đẩy mạnh triển khai ứng dụng thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, khuyến khích các mô hình giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe trực tuyến... Bốn là, tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ phục vụ công tác lập, triển khai quy hoạch theo hướng phát triển đô thị thông minh bền vững. Năm là, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về đô thị thông minh.
Như vậy, ba trụ cột chính, gồm công nghệ, con người và quản trị đã được TP. Hà Nội xác định rõ và đang tập trung huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện. Để định hình vóc dáng thành phố thông minh, Hà Nội đã hình thành cơ bản các nền tảng cốt lõi. Sở Thông tin và Truyền thông là Cơ quan Thường trực thực hiện nhiệm vụ xây dựng Hà Nội thành thành phố thông minh. Đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở cho biết: Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Đề án “Xây dựng TP. Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo Đề án, thành phố thông minh có thể được hình dung như một “hệ thống lớn”, không thể xây dựng trong một khoảng thời gian ngắn, do vậy, cần lấy việc “cấy gen thông minh” làm trọng tâm để xây dựng thành phố thông minh bền vững, đi từng bước nhỏ nhưng khả thi và mang lại hiệu quả nhanh. Trong giai đoạn 1 của tiến trình xây dựng thành phố thông minh (2018-2020), Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh. Thành phố tập trung xây dựng và phát triển nền tảng của chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; phát triển thương mại điện tử tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số trong tương lai. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng và phát triển hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn thành phố, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 4 (4G) và thứ 5 (5G).
Cũng theo đúng lộ trình, Hà Nội đã có bước đột phá căn bản về công nghệ thông tin, bảo đảm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung trên một hệ thống, gắn với mô hình chính quyền đô thị. Lần đầu tiên, thành phố triển khai thành công các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và phần mềm một cửa điện tử dùng chung trên phạm vi 3 cấp chính quyền, với 1.671 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 100%; hoàn thành tích hợp, kết nối 249/249 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực đã góp phần tạo ra một phương thức giao dịch hiện đại, minh bạch; tiết kiệm chi phí, thời gian trong việc thực hiện các thủ tục hành chính; tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; là công cụ, đòn bẩy quyết định thúc đẩy công tác cải cách hành chính của thành phố.
Cùng với đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, Hà Nội cũng tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, tạo nên các thành tố để xây dựng thành phố thông minh, trong đó dành ưu tiên cho xây dựng các hệ thống thông minh trong một số lĩnh vực “nóng” như giao thông, du lịch, y tế, môi trường…
Đặc biệt, sự thành công của Hà Nội trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 vừa qua có sự góp phần của nền tảng thông minh. Thành phố đã chủ động phát triển ứng dụng Cổng thông tin thành phố - Hà Nội Smart City. Ứng dụng này đã giúp người dân phản ánh, kiến nghị về y tế, góp phần tích cực, đem lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch.
Một dấu mốc đáng chú ý khác trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội là vào tháng 10-2019, dự án đô thị thông minh do liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư phát triển với tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD trên diện tích 272ha tại các xã: Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ (huyện Đông Anh) đã được động thổ. Dự án sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh với 6 yếu tố: Năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh và kinh tế thông minh. Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh và công nghệ năng lượng tái tạo cũng sẽ được ưu tiên áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn cung và lưu trữ năng lượng. Dự kiến, toàn bộ 5 giai đoạn của dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2028.
Với quyết tâm chính trị cao và bằng lộ trình rõ ràng, khoa học, bài bản cùng những bước đi thận trọng, chắc chắn, Hà Nội tự tin sẽ phát triển xứng tầm, góp phần cùng cả nước hoàn thành khát vọng Việt Nam hùng cường, vươn lên sánh vai với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
Ước mơ của người dân Thủ đô về một môi trường sống văn minh, thông minh, hiện đại, nhân văn được xây dựng từ Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố với 10 chương trinh hành động của Thành ủy đang được triển khai là nền móng vững chắc của hôm nay ngày mai.
Trần Công Huyền