Hà Nội tạo thế rồng bay trong cuộc cách mạng công nghệ mới (Tiếp theo)
Thành ủy Hà Nội ban hành 10 chương trình công tác nhiệm kỳ 2020-2025

Bài 2: TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ, HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT

1. Khẩn trương đưa việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đảng bộ TP. Hà Nội đề ra vào cuộc sống, ngay từ đầu năm 2021, nhiều nhiệm vụ đã được triển khai, trước hết là tạo chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đảng bộ TP. Hà Nội xác định Chương trình số 01-CTr/TU là “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025" với mục tiêu xây dựng các cấp uỷ và TCCSĐ thực sự trong sạch, vững mạnh, gương mẫu về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức, cấp uỷ đảng, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ; ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; đủ năng lực và bản lĩnh lãnh đạo địa phương, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Chương trình 01 đóng vai trò quan trọng quyết định đến chất lượng hoàn thành của 9 chương trình công tác khóa XVII còn lại. Nhiều ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã bày tỏ sự quyết tâm và tin tưởng khi triển khai thực hiện Chương trình sẽ tạo chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị Thủ đô trong thời gian tới.

Chương trình 01 có 14 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu và 34 chuyên đề, đề án, đề tài, kế hoạch tổ chức thực hiện. Đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên BTV Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết: Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đòi hỏi các ngành, các cấp, quận, huyện phải tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Đưa các chỉ tiêu của Chương trình vào chương trình hoạt đông của từng quận, huyện và từng ngành. Ban Tổ chức Thành ủy sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện trong cả nhiệm kỳ và bắt tay ngay vào triển khai nghiên cứu, xây dựng các đề tài, đề án, chuyên đề, chương trình công tác. Thành ủy đã giao Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì 5 đề án, đề tài như: Tham mưu xây dựng dự thảo nghị quyết nâng cao chất lượng công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; Đề án về rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng trong Đảng bộ thành phố...

Thành ủy cũng giao cho Ban Cán sự Đảng UBND thành phố triển khai 18 nội dung, trong đó có những nội dung có ý nghĩa thiết yếu đang được thực tiễn đặt ra đòi hỏi sớm được tháo gỡ như: Xây dựng nghị quyết điều chỉnh, bổ sung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; Đề án xây dựng trung tâm quản lý điều hành thành phố; Kế hoạch cải thiện, đo lường mức độ hài lòng của người dân về giải quyết thủ tục hành chính của thành phố giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch cải thiện nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính cấp thành phố giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô…

Đây đều là những nhiệm vụ quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ban Tổ chức Thành ủy cùng với các cơ quan sẽ nỗ lực nghiên cứu để tham mưu xây dựng các nội dung với chất lượng cao nhất bảo đảm chương trình sớm được thực hiện và đem lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Về việc triển khai tại các quận, huyện và các tổ chức đảng, theo Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến: UBND quận Tây Hồ đã tham mưu cho Quận ủy gắn Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy vào Chương trình số 06-CTr/QU của Quận ủy: Mục tiêu là nâng mức độ hài lòng của người dân đạt hơn 90%, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; phấn đấu đưa chỉ số cải cách hành chính cấp quận tăng 2 bậc so với đầu nhiệm kỳ. Cùng với đó, quận tiếp tục thực hiện kiểm tra việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, việc thực hiện các quy tắc ứng xử của thành phố tại các đơn vị; đồng thời thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị theo chỉ đạo của thành phố...

Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên, Nguyễn Thế Thạch cho biết: Triển khai Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy, Quận ủy Long Biên xây dựng Chương trình số 01-CTr/QU với trọng tâm: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng; củng cố kiện toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chuyên nghiệp từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2020-2025.

Với cấp phường, đồng chí Nguyễn Xuân Diệp, Bí thư Đảng ủy phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) cho biết: Đảng ủy phường cụ thể hóa nội dung đẩy mạnh cải cách hành chính trong Chương trình số 01-CTr/TU vào Chương trình số 02-CTr/ĐU của Đảng ủy phường, chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, giáo dục cán bộ, công chức, đảng viên của phường vững mạnh về tư tưởng chính trị, có tinh thần, thái độ tận tình phục vụ nhân dân; đồng thời, thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính và lãnh đạo có hiệu quả các nội dung xây dựng chính quyền đô thị. Trong đó, trọng tâm xây dựng tập thể BCH, BTV Đảng ủy phường, dân chủ, đoàn kết, vững mạnh; 100% chi bộ được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có chi bộ yếu kém...

Ở phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), đồng chí Phạm Thị Thu Hường, Bí thư Đảng ủy phường khẳng định: Chúng tôi đã bám sát Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy và Chương trình công tác toàn khóa của Quận ủy Ba Đình, Đảng ủy phường Vĩnh Phúc xây dựng kế hoạch triển khai toàn diên, đồng bộ, trong đó phường tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật. Đảng ủy phường sẽ chú trọng giám sát chuyên đề, giám sát công tác thực hiện quy chế hoạt động của các cấp ủy, chi bộ và đảng viên, mục tiêu tiếp tục giữ vững là đơn vị đứng đầu của quận Ba Đình về chất lượng kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng đối với đảng viên. Qua đó xây dựng Đảng bộ phường thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, các chi bộ, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền.

2. Trong 9 chương trình còn lại, mỗi chương trình đều xác định mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ cụ thể, phân công tổ chức thực hiện, kiểm tra bảo đảm công việc diễn ra thiết thực và hiệu quả, trên cơ sở chức năng của từng cơ quan, ban, ngành, và thế mạnh của từng quận, huyện, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển.

Theo đồng chí Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, để thực hiện mục tiêu Chương trình số 02-CTr/TU về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025", Đảng ủy sở tập trung triển khai có hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển của Hà Nội. Chú trọng thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế; lấp đầy các khu công nghiệp, tạo bước đột phá về phát triển công nghiệp, hình thành tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao, bảo vệ môi trường, gia tăng sức cạnh tranh cho kinh tế thủ đô.

Từ vị trí là một quận trung tâm Hà Nội, Phó Bí thư, Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, những năm tới quận Hoàn Kiếm tiếp tục hoàn thiện hạ tầng du lịch, phát triển các dịch vụ mới, đặc biệt khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng cùng hợp tác phát triển kinh tế đô thị.

Đối với kinh tế nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ xác định kết hợp những nội dung của Chương trình 02 và Chương trình 04, tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng then chốt, cùng với các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Thực hiện mục tiêu của hai chương trình, nông nghiệp Thủ đô sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng. Tập trung xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Thúc đẩy chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với phát triển các làng nghề, nghề truyền thống; nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và nông nghiệp, ưu tiên các loại hình dịch vụ mới hiệu quả cao; gắn nông nghiệp, ngành nghề nông thôn với du lịch, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tư nhân; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực ngông nghiệp. Cùng quan điểm trên, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh nhấn mạnh đến phát triển kinh tế làng nghề xanh, thân thiện môi trường. Huyện Thường Tín có quần thể di tích lịch sử văn hóa đồ sộ với 450 di tích, trong đó 108 di tích đã được xếp hạng và là vùng đất khoa bảng, có tới 126 làng nghề, 49 làng được công nhận làng nghề truyền thống nên huyện sẽ nỗ lực phát triển nền kinh tế làng nghề, thân thiện với môi trường, qua đó khai thác hiệu quả du lịch làng nghề gắn với văn hóa đất khoa bảng.

Phát triển kinh tế đô thị, chỉnh trang đô thị, kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đều hướng tới nâng cao chất lương cuộc sống người dân vì vậy Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025" đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa 60-62%; phát triển bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại… Thực hiện chương trình này, theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết: Sở đang đẩy mạnh tiến độ lập và phê duyệt quy hoạch, với mục tiêu bảo đảm quy hoạch đi trước một bước, làm cơ sở định hướng cho quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch cùng với 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử; tập trung tối đa nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, quy hoạch phân khu thuộc các đô thị vệ tinh… Trong quy hoạch phân vùng cấp huyện, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh khẳng định: Sóc Sơn sẽ phát huy một số thế mạnh như hàng không, tiềm năng của rừng gắn với đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, hình thành các khu công nghiệp sạch, trung tâm y tế, khu đại học xanh. Đặc biệt huyện sẽ khai thác tiềm năng hành lang kinh tế xuyên Á. Phấn đấu đưa huyện xứng tầm là đầu mối giao thương quan trọng của quốc gia, vùng và Thủ đô Hà Nội. Cùng chung ý tưởng nâng cao đời sống người dân, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong khẳng định: Chúng tôi đang tập trung hoàn thành kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng nhà ở xã hội, đồng thời triển khai cải tạo chỉnh trang đô thị phát triển hạ tầng kỹ thuật nâng cao đời sống của người dân. Còn Phó Bí thư, Chủ tịch UBND quân Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết: Quận đang tập trung xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, tổ chức thiết kế đô thị các tuyến đường mới mở và một số tuyến đường quan trọng, hoàn thành quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn, chú trọng phát triển công trình tiện ích nâng cao đời sống nhân dân. Với một huyện đang xây dựng trở thành quận, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Xuân Đại cho biết: Song song với quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, huyện tập trung thực hiện khâu đột phá: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, tập trung là hệ thống giao thông, cấp thoát nước, xử lý môi trường, tiến tới xây dựng huyện trở thành quận, theo định hướng phát triển nhanh bền vững về một đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

3. Để việc triển khai chương trình hành động của Thành ủy đúng hướng đạt yêu cầu, hiệu quả. Bí thư Thành ủy cùng với các đồng chí trong BTV đã có nhiều hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra ở các cơ sở.

Với Huyện ủy Gia Lâm, Thành ủy yêu cầu quá trình đô thị hóa phải gắn với công nghiệp hóa, phát triển kinh tế đô thị, tính toán quy hoạch để phát triển dịch vụ, thương mại như tổ chức chợ đêm, trung tâm thương mại, áp dụng công nghệ 4.0. Đồng thời, huyện phải đưa văn hóa trở thành động lực phát triển; đi sâu vào các ngành nghề như du lịch; quan tâm phát triển các thiết chế về hạ tầng sản xuất; phải tập trung quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch để khi xã đã thành phường thì cái "ruột" không thể là kinh tế nông thôn nữa.

Với Huyện ủy Thanh Trì, trong quá trình triển khai 10 chương trình công tác của Thành ủy huyện cần điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch, đề án công tác cho thống nhất, phù hợp. Huyện phải rà soát lại quy hoạch để bảo đảm tầm nhìn xa, xác định đi lên quận dựa vào nội lực là chính; hình thành phong trào khởi nghiệp, thi đua sản xuất, kinh doanh rộng khắp, tập trung phát triển đội ngũ doanh nghiệp và các hợp tác xã kiểu mới; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Với Thị ủy Sơn Tây, Thành ủy chỉ đạo thị xã phải quán triệt, làm sâu sắc hơn nhận thức của toàn Đảng bộ và nhân dân về vị trí chiến lược quốc phòng, tiềm năng giàu có về văn hóa, lịch sử, di tích lịch sử, cảnh quan tự nhiên; phải khơi dậy trong toàn Đảng bộ ý chí khát vọng làm giàu, làm đẹp cho Sơn Tây; coi giá trị văn hóa, con người là nguồn động lực nội sinh quan trọng bậc nhất để phát triển nhanh và bền vững của Sơn Tây, xứng danh là vùng đất hai vua, địa linh nhân kiệt.

Còn với quận Cầu Giấy, Thành ủy yêu cầu cần tập trung làm tốt hơn công tác chỉnh trang đô thị; rà soát các dự án chậm triển khai để báo cáo thành phố xử lý; chủ động kết nối sự tham gia của các chuyên gia, học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học cùng các doanh nghiệp trên địa bàn để thành lập mạng lưới sáng kiến quận Cầu Giấy. Từ đó, khai thác chất xám giúp Cầu Giấy quản trị, điều hành thông minh, hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển dịch vụ viễn thông, kinh tế số.

Với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trước mắt và quan trọng nhất là tập trung xây dựng văn hóa, thương hiệu nhà trường, coi đây là động lực để cán bộ, giảng viên gắn bó, cống hiến xây dựng nhà trường. Làm thế nào để xây dựng nhà trường thành mái nhà chung, vun đắp bằng được tinh thần đoàn kết vì sự phát triển chung. Nhà trường phải tập trung nguồn lực rà soát lại các ngành học, môn học, các hình thức đào tạo; xây dựng các chương trình đào tạo, các loại hình đào tạo; trước hết phải chuẩn bị ngay chương trình đào tạo cán bộ dự nguồn các cấp thành phố. Trong quá trình đó, cần đặc biệt coi trọng chất liệu thực tiễn; cán bộ, giảng viên nhà trường phải thật sự đắm mình, hòa mình vào đời sống thực tiễn đất nước, Thủ đô.

(Còn nữa)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất