Bài 1: MỤC TIÊU BAO TRÙM, TẦM NHÌN HƯỚNG TỚI 50 NĂM
1. Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII đã biểu quyết, thông qua nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa to lớn, dựa trên các giá trị cốt lõi: Văn hiến, Anh hùng, Hòa bình, Hữu nghị, Sáng tạo. Đây chính là động lực lớn nhất để hiện thực “khát vọng hóa rồng” trên hành trình vươn mình, tỏa sáng hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, khi tròn 100 năm thành lập nước, cũng là tròn 100 năm xác lập vị thế trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế thời đại Hồ Chí Minh. Nối dài dòng chảy hơn 1.000 năm của đất Kinh kỳ, Hà Nội sẽ có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.
Hà Nội chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra cho mỗi chương trình đối với Hà Nội cũng không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn, sâu hơn, mạnh hơn. Vì Hà Nội là Thủ đô của cả nước, bộ mặt của quốc gia, nơi hội tụ của khí phách cha ông, hồn thiêng dân tộc, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, tụ khí tinh hoa, địa linh nhân kiệt, có truyền thống đấu tranh cách mạng rất kiên cường, tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam. Hà Nội vinh dự đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu "Thủ đô Anh hùng", ba lần được tặng thưởng "Huân chương Sao vàng", được các tổ chức quốc tế vinh danh là "Thành phố vì hòa bình", "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"... Do đó, Hà Nội phải vừa phát huy bề dày truyền thống vẻ vang và những thành tựu đã đạt được, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa những thời cơ, vận hội, huy động được nguồn lực tổng hợp và nhất là niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí của cán bộ, đảng viên và nhân dân để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Cho nên sự hình thành những chủ đề, mục tiêu của mỗi chương trình hành động là sự kết tinh trí tuệ, ý chí của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, đồng thời là kỳ vọng của Đảng và Nhà nước; niềm tin, khát vọng của đồng bào cả nước, của bạn bè yêu mến Hà Nội.
2. Nhận thức sâu sắc, đầy đủ vị trí, vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô, Đảng bộ TP. Hà Nội xác định 10 chương trình hành động với tầm nhìn không chỉ cho một vài năm hay một nhiệm kỳ trước mắt, mà nhìn xa hơn, với những cách làm, bước đi phù hợp cho mỗi giai đoạn cụ thể; phù hợp với tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới, được thể hiện:
Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025".
Chương trình số 02-CTr/TU về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025".
Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025".
Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".
Chương trình số 05-CTr/TU về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025".
Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025".
Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025".
Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025".
Chương trình số 09-CTr/TU về “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025".
Chương trình số 10-CTr/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025".
Theo Chương trình hành động này, Hà Nội xác định đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt từ 8.300 USD đến 8.500 USD.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt từ 12.000 USD đến 13.000 USD.
Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Thành ủy Hà Nội xác định chỉ tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021-2025 từ 7,5% đến 8,0%; trong đó: Dịch vụ: từ 8,0% đến 8,5%; Công nghiệp và xây dựng từ 8,5% đến 9,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản: từ 2,5% đến 3,0%. Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ từ 65,0% đến 65,5%; Công nghiệp và xây dựng từ 22,5% đến 23,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4% đến 1,6%; GRDP bình quân/người: từ 8.300 USD đến 8.500 USD.
3. Để đạt được những mục tiêu trên, trong 5 nhiệm vụ trọng tâm, TP. Hà Nội xác định tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tạo cho được chuyển biến căn bản đối với các vấn đề dân sinh cấp bách về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông...
Ba khâu đột phá cũng được xác định là: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, xây dựng và phát triên hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá trên, 14 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được thành phố đặt ra trong giai đoạn 2020-2025 gồm: Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh; tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp thành phố, triển khai mạnh mẽ nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của nhân dân Thủ đô; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô hỉện đại, văn minh; tiếp tục phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô; đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô trong mọi tình huống; tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
BTV Thành ủy Hà Nội yêu cầu Đảng đoàn HĐND thành phố có trách nhiệm chỉ đạo HĐND thành phố cụ thể hóa nội dung của Chương trình vào các nghị quyết của HĐND thành phố; bố trí nguồn lực, bổ sung xây dựng cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện Chương trình; chỉ đạo tăng cường giám sát hoạt động của các cấp chính quyền và các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố căn cứ nội dung Chương trình hành động của Thành ủy, xây dựng các đề án, kế hoạch triển khai thực hiện; chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; từng chương trình, kế hoạch phải đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đồng bộ, phù hợp với thực tế, phân công rõ tập thể và cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện, xác định rõ lộ trình và thời gian hoàn thành.
Các đảng bộ trực thuộc tổ chức nghiên cứu, quán triệt nội dung Chương trình tới các chi bộ, đảng bộ cơ sở, cán bộ, đảng viên; phổ biến, tuyên truyền nội dung cơ bản đến công chức, viên chức, người lao động và nhân dân; xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị; thường xuyên theo dõi, đánh giá, rút kinh nghiệm, báo cáo kết quả với BTV Thành ủy.
Phát huy hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng; kế thừa xứng đáng truyền thống cách mạng của Thủ đô, phát huy sự đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ; vượt qua khó khăn, thách thức, nêu cao tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, chung sức, đồng lòng, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố đề ra, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần xứng đáng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
(Còn nữa)
Trần Công Huyền