Một nghị quyết mang nhiều đổi mới (tiếp theo và hết)



Bài 3: “Ba nhiều, ba cùng” và khát vọng Phúc Sen

Thành tựu từ 20 năm thực hiện Nghị quyết “Ba nhiều” đã và đang tiếp lửa cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ thế hệ 8X của Đảng bộ xã Phúc Sen. Nhiệm kỳ này, Nghị quyết “Ba nhiều” tiếp tục được Đảng uỷ xã làm mới, nâng tầm với Nghị quyết “Ba nhiều, ba cùng”, tiếp tục lãnh đạo nhân dân trong xã phát triển kinh tế nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết “Ba nhiều, ba cùng” mang theo khát vọng của Đảng bộ, nhân dân Phúc Sen về mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu, trung tâm văn hóa dân tộc Nùng của tỉnh Cao Bằng, điểm đến hấp dẫn trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Nền tảng để cán đích nông thôn mới

Thực hiện Nghị quyết “Ba nhiều” đã tạo nền tảng kinh tế vững chắc cho nông thôn Phúc Sen, cùng với những người nông dân mang tư duy mới, xã Phúc Sen trở thành điểm sáng xây dựng NTM của huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng.

Bí thư Đảng ủy xã Đàm Đình Đạo cho chúng tôi xem bảng biểu chấm điểm tiêu chí NTM của xã năm 2016 và 2020. Đánh giá thực trạng 19 tiêu chí NTM, xã Phúc Sen cơ bản đạt 80-100%, đặc biệt nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất nông thôn đạt 100%. Theo đồng chí Bí thư Đảng uỷ, chính hướng đi mới của Nghị quyết “Ba nhiều” đã đưa nhóm tiêu chí kinh tế nông thôn xã luôn đạt cao, phù hợp với nhóm tiêu chí kinh tế trong xây dựng NTM.

Phương châm “một hộ làm ba nhiều” đã góp phần tạo việc làm tại chỗ với thu nhập ổn định cho lực lượng lao động ở xã. Gần 90% tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm, trong đó 60% thanh niên học xong THPT trở thành lao động chính trong kinh tế hộ và các hợp tác xã (HTX). Thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm là con số khiêm tốn. Xã không có lao động dôi dư, thất nghiệp nên nhiều năm qua trở thành xã điển hình về môi trường văn hóa lành mạnh, không tệ nạn xã hội.


Những thợ rèn lành nghề ở xã Phúc Sen, Quảng Hoà, Cao Bằng.

Từ nguồn lực kinh tế nông thôn vững mạnh, đa số hộ dân đều có khả năng đóng góp ủng hộ tiền, vật chất, ngày công để xây dựng NTM. Từ năm 2011 đến 2021, xã phát động phong trào “Cán bộ, nhân dân xã Phúc Sen chung tay, góp sức xây dựng NTM”, được 100% hộ dân hưởng ứng, tự nguyện hiến đất, góp tiền, ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng. Tổng nguồn lực huy động trên 80 tỷ đồng, trong đó nhân dân Phúc Sen đóng góp hơn 1/3, đồng thời hiến trên 10.000m2 đất, hàng trăm nghìn công lao động. Riêng năm 2020, ngân sách nhà nước đầu tư cho xã xây dựng NTM trên 5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 1 tỷ đồng và 2.650m2 đất, gần 14.000 công lao động, trên 200m3 vật liệu xây dựng… Xã làm mới trên 80km giao thông nông thôn từ các xóm, bản đến trung tâm xã và trên 20km đường giao thông nội đồng, 30km kênh mương. 100% xóm có nhà văn hóa. Kinh tế nông thôn ổn định nên đời sống tinh thần và dân trí ngày càng nâng cao, bởi vậy mà tiêu chí về văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự… của Phúc Sen cũng sớm cán đích NTM.

Bí thư Chi bộ xóm Phja Chang Trên vui vẻ cho biết: Bà con trong xóm ai cũng hiểu chung sức xây dựng NTM là phục vụ cho dân bản mình hưởng. Xóm tôi bà con đóng góp hàng nghìn công lao động, hàng trăm triệu đồng làm đường nội đồng, kênh mương, nhà văn hóa. Di rời chuồng trại gia súc, xã hỗ trợ 2-3 triệu/hộ, bà con tự bỏ thêm 10-20 triệu đồng/chuồng trại để đảm bảo tiêu chí môi trường.

Cuối năm 2020, thực hiện chủ trương sáp nhập địa giới hành chính, xã Phúc Sen sáp nhập với xã Quốc Dân là xã chưa đạt chuẩn NTM, nên Phúc Sen một lần nữa lại phấn đấu xây dựng NTM. Sau sáp nhập, diện tích xã tăng lên 765ha với 1.000 hộ, 4.72 nhân khẩu, trên 97% là dân tộc Nùng An. Chỉ hơn 1 năm sau sáp nhập, xã phấn đấu đạt 16 tiêu chí; còn 4 tiêu chí xây dựng nhà văn hóa, trường học, thủy lợi, thông tin dự kiến cán đích cuối năm 2021.

Đồng chí Đàm Đình Đạo cho biết, để thực hiện mục tiêu này, Đảng ủy xã vận động bà con tiếp tục thực hiện Nghị quyết “Ba nhiều” gắn với sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm làm cơ sở phát triển kinh tế nông thôn. Vì xã Quốc Dân mới sáp nhập cũng là xã thuần nông có nghề làm giấy bản, hương thơm và nhiều xóm, bản còn lưu truyền văn hóa dân tộc Nùng An, nên cũng có tiềm năng phát triển làng nghề thủ công kết hợp du lịch cộng đồng. Phúc Sen đang hướng tới xây dựng nền kinh tế nông thôn xanh bền vững mang thương hiệu NTM kiểu mẫu đặc trưng văn hóa dân tộc Nùng An.

Khát vọng này của nhân dân Phúc Sen không phải là không có cơ sở. Vừa qua, Đảng uỷ xã tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết “Ba nhiều”, thành tựu đưa nghị quyết vào cuộc sống đã tạo ra nền kinh tế nông thôn ổn định, phát triển, là động lực để Đảng bộ, nhân dân Phúc Sen mong muốn phấn đấu vươn lên tầm cao hơn.

Vươn tầm cao mới

Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, Đại hội Đảng bộ xã Phúc Sen lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết “Ba nhiều, ba cùng”, tiếp nối những thành tựu của Nghị quyết “Ba nhiều” suốt 20 năm. Với mục tiêu mới, “ba nhiều”: nhiều lượng - nhiều chất - nhiều giá trị; “ba cùng”: cùng lượng - cùng chất - cùng làm, Phúc Sen tiếp tục xây dựng các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm nghề truyền thống có thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm và ổn định đầu ra trên thị trường; gắn thành tựu “ba nhiều” với văn hóa truyền thống đặc sắc dân tộc Nùng An, xây dựng NTM kiểu mẫu. Đồng thời, phấn đấu đưa Phúc Sen trở thành trung tâm văn hóa dân tộc Nùng An, trở thành điểm hấp dẫn du lịch cộng đồng trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Định hướng mới của Nghị quyết “Ba nhiều, ba cùng” đã bắt nhịp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn xanh bền vững, giàu bản sắc dân tộc.


Một góc trung tâm xã Phúc Sen, Quảng Hoà, Cao Bằng. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Để Nghị quyết đi vào đời sống cụ thể, thiết thực, Đảng ủy xã đã xây dựng và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể cho từng chi bộ, các tổ chức đoàn thể. Nhiệm vụ trước mắt là chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, phát triển mạnh HTX kiểu mẫu để người nông dân sản xuất cây trồng, vật nuôi chất lượng cao theo nhu cầu thị trường, tự kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Theo mục tiêu xây dựng thương hiệu “kinh tế xanh”, trên 70% hộ dân sản xuất cây trồng, vật nuôi theo hướng hữu cơ. Do đó, hàng nghìn tấn lương thực, nông sản rau màu bốn mùa của xã như củ quả, rau màu, khoai lang, củ cải, đậu đỗ được thị trường tin dùng, lựa chọn để xây dựng thương hiệu nông sản đặc hữu. Tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ trên địa bàn đạt 32 tỷ đồng. Các năm 2019-2021, xã có trên 50.000 lượt người đến trải nghiệm du lịch cộng đồng. Xã có 2 sản phẩm đạt thương hiệu OCOP, gồm: Sản phầm nghề rèn thủ công “Dao Minh Tuấn” đạt “3 sao” cấp tỉnh; sản phẩm “Homestay Mr. Kim” đạt  “2 sao” cấp huyện về du lịch cộng đồng; đang xây dựng thương hiệu chung sản phẩm “Dao Phúc Sen”, “Củ cải Phúc Sen”. Tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề, nông sản khoai, củ cải, gừng, ngô ngọt… gắn với các điểm du lịch cộng đồng làm giấy dó Rìa Trên, hương thơm Phja Thắp, làng rèn bản Pác Rằng… Đặc biệt, Đảng ủy xã chỉ đạo xây dựng cung đường Trekking trên lưng ngựa, lấy Lũng Sâu làm điểm kết chuỗi 4 điểm du lịch cộng đồng trải nghiệm những bản làng đặc sắc dân tộc Nùng An…

Để chúng tôi được tận mắt chứng kiến khát vọng xây dựng NTM kiểu mẫu, thương hiệu “kinh tế xanh” của bà con Nùng An, Bí thư Đàm Đình Đạo và Phó Bí thư Sạch Văng Long đưa chúng tôi về bản Lũng Sâu. Leo bộ lên núi Lũng Sâu cao hơn 700m, chúng tôi tận mắt thấy mấy chục héc-ta chè chất lượng cao, các loại cây ăn quả phủ kín sườn núi. Bà con Lũng Sâu phấn khởi cho biết, Đảng ủy xã định hướng Lũng Sâu sẽ trở thành cung đường thiên nhiên đẹp để làm du lịch. Vậy nên đầu năm 2021, khi được xã cấp cây giống, bà con hăng hái bắt tay vào trồng đồi chè, mơ, mận, cây ăn quả, vừa để tăng thu nhập vừa tạo cảnh đẹp bốn mùa phục vụ du lịch. 15km đường núi Lũng Sâu kết nối 4 điểm du lịch cộng đồng: bản làm hương Phja Thắp, bản núi chè và rừng cây ăn quả Lũng Sâu, bản rèn Pắc Rằng, bản làm giấy dó Rìa Trên của xã Phúc Sen là cung đường lý tưởng khi du lịch trải nghiệm Trekking ở Cao Bằng.

Bí thư Đàm Đình Đạo tự tin khẳng định: Xã có cảnh quan thiên nhiên đẹp, bà con Nùng An giữ gìn bản sắc từ nếp sống, không gian kiến trúc, làng nghề, sắc áo chàm thường nhật, lại chăm chỉ, năng động, nên tôi đặt niềm tin về thành công của Nghị quyết “Ba nhiều, ba cùng”.

Đảng vì Dân nên Nhân dân tin Đảng, bà con Phúc Sen đặt trọn niềm tin vào Nghị quyết của Đảng uỷ. Anh Linh Văn Hải, Bí thư Đoàn thanh niên xã, con trai của nguyên Bí thư Đảng uỷ Linh Văn Phù chia sẻ: “Người dân tộc Nùng An vốn chăm chỉ, năng động, thanh niên chúng tôi luôn cố gắng tiếp nối truyền thống đó. Chúng tôi tin tưởng vào hướng đi mới của Đảng ủy xã, động viên nhau tích cực sản xuất nông nghiệp hữu cơ giá trị kinh tế cao, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên gắn với gìn giữ đặc sắc văn hóa người Nùng An… Với sức trẻ, nhiệt huyết, sáng tạo, tôi tin thế hệ thanh niên Phúc Sen sẽ là lực lượng nòng cốt đưa Phúc Sen cán đích NTM kiểu mẫu, thương hiệu “kinh tế xanh” mang đặc trưng dân tộc Nùng An”.

Với nghị quyết trúng lòng dân, với tâm huyết, khát vọng, sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân Phúc Sen, không xa nữa, vượt qua những khó khăn bởi đại dịch Covid-19, Phúc Sen sẽ vươn tới NTM kiểu mẫu với thương hiệu “kinh tế xanh” đậm đà sắc văn hóa dân tộc Nùng An, trở thành trung tâm văn hóa đặc trưng dân tộc Nùng An của tỉnh, điểm đến hấp dẫn trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương nhận định: Nghị quyết “Ba nhiều” với chủ trương đúng đắn, sáng tạo đã làm nên thành tựu, đưa vùng quê nghèo trước đây nay chuyển mình vươn lên vững chắc, cán đích xã NTM bền vững, làm cơ sở để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, với Nghị quyết “Ba nhiều, ba cùng” của nhiệm kỳ này, Đảng bộ xã Phúc Sen tiếp tục lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mà xuất phát là từ tư duy mới. Định hướng này đã bám sát với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông thôn văn minh”.

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới, Nghị quyết “Ba nhiều, ba cùng” kế thừa từ Nghị quyết “Ba nhiều” đã thể hiện tư duy mới của đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã Phúc Sen. Nghị quyết “Ba nhiều, ba cùng” đã coi trọng 3 trụ cột: 1) Tổ chức lại sản xuất thông qua tổ hợp tác, HTX; 2) Cơ cấu lại kinh tế nông thôn bằng phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch thương mại trên thế mạnh của xã; 3) Xây dựng NTM, nâng cao mức hưởng thụ của nhân dân. Trong đó: phát triển kinh tế là nền tảng, động lực cho phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội; nỗ lực tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân trên tinh thần liên kết, hợp tác sản xuất, nâng cao giá trị sinh lời/sản phẩm là hoàn toàn đúng với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Cũng theo ông Hoàng Trọng Thuỷ, để Nghị quyết “Ba nhiều, ba cùng” tiếp tục đi vào đời sống, phát huy hiệu quả, cấp uỷ, chính quyền địa phương cần có những giải pháp tạo động lực cho nhân dân chung sức, đồng lòng. Trước hết là xây dựng các đề án đối với từng loại sản phẩm cho cây trồng, vật nuôi, du lịch, đúc rèn, dệt thổ cẩm... Từng đề án phải rõ đối tượng sản xuất, thị trường, hạch toán lỗ lãi để thuận lợi trong kêu gọi đầu tư, vay vốn, đồng thời để người dân hiểu rõ, đồng thuận thực hiện. UBND xã cần có chính sách hỗ trợ các HTX, người dân, thợ lành nghề về vốn, đất đai và quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, cần xây dựng định chế tiêu chuẩn với từng loại sản phẩm. Tiêu chuẩn đó phải là tiêu chuẩn Quốc gia (có mã số, mã vạch...) để thích ứng với nền kinh tế hội nhập và tiêu thụ được ở thị trường có giá trị sinh lời cao.

Cùng với các giải pháp trên thì chính sách khuyến nông, khuyến công ở địa phương cũng đóng vai trò quan trọng. Trong đó cần chú trọng chuyển từ “một khâu” sang “tròn khâu”, từ sản xuất đến tận bán hàng; từ một hộ sang nhóm hộ, HTX; từ đơn lẻ sang hệ thống theo chuỗi giá trị. Trong khuyến nông, khuyến công cần chú ý đến sản phẩm OCOP, sản phẩm có khả năng phát triển, có thị trường là chủ yếu. Xây dựng website cho mỗi loại sản phẩm để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và kết nối tiêu thụ sản phẩm, sẵn sàng đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đối với người nông dân, cần mở rộng đào tạo, tập huấn cho nông dân nông thôn về các nội dung như Luật HTX; liên kết ngang, dọc trong sản xuất; sản xuất nông nghiệp an toàn, sạch; về chuỗi giá trị, kế hoạch kinh doanh và phát triển thị trường...

Cấp uỷ, chính quyền cần có hình thức khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tại địa phương, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp trong, ngoài huyện, tỉnh. Có cơ chế, chính sách để khích lệ nông dân, thanh niên phụ nữ địa phương mạnh dạn khởi nghiệp. Các tổ chức đoàn thể ở địa phương cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhất là năng lực tập hợp, đoàn kết nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

"Xã Phúc Sen có thể thí nghiệm trồng, chế biến cây dược liệu phục vụ cho khách du lịch, ngành nghề du lịch mở theo như Nghị quyết của Đảng uỷ xã đã đề cập. Đây vừa là sản phẩm OCOP, vừa có thị trường rộng mở hơn các sản phẩm như dao kéo, trái cây, thổ cẩm…” - chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ nhận định. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất