Đồng Nai đang triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 gồm 7 địa phương, trong đó có thành phố Biên Hòa. Theo quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp thành phố Biên Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, thành phố Biên Hòa phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị với các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít đất, sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo giá trị gia tăng cao.
|
Thành phố Biên Hòa hôm nay.
|
Phát triển nông nghiệp đô thị, tạo giá trị gia tăng cao
Thành phố Biên Hòa đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) trong năm 2019 với 5 xã tham gia thực hiện gồm: Hiệp Hòa, Tân Hạnh, An Hòa, Tam Phước, Phước Tân. Để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, chính quyền và nhân dân thành phố Biên Hòa đã tiếp tục huy động cao nhất các nguồn lực với nhiều hình thức, huy động đóng góp từ các tổ chức cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài tỉnh gắn với việc sử dụng hiệu quả nguồn lực; xây dựng thành phố Biên Hòa trở thành đô thị văn minh, năng động về kinh tế, là trung tâm công nghiệp, văn hóa, thương mại dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo.
Là một đô thị lớn nhưng diện tích đất nông nghiệp khá hạn chế (chỉ chiếm hơn 30% diện tích đất thành phố). Thực tế này không cho phép Biên Hòa phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, hình thành các vùng sản xuất lớn. Do đó, thành phố đã chọn hướng phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao với mục tiêu sử dụng ít đất nhưng tạo ra giá trị sản xuất cao. Đặc biệt ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp phục vụ đô thị; tập trung chăm lo phát triển nguồn nhân lực toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Theo đó, Biên Hòa đã tập trung phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao để làm ra sản phẩm an toàn, giá trị lớn.
Chia sẻ về việc phát triển sản xuất nông nghiệp ngay tại trung tâm đô thị lớn, ông Nguyễn Hoàng Vĩnh, Giám đốc Hợp tác xã cá rô đồng Vĩnh Hưng (xã Tân Hạnh) nhận xét, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nguồn quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nhiều thành viên trong hợp tác xã đã chuyển đổi sang các lĩnh vực kinh doanh khác. “Từ nuôi cá lóc, cá rô, hợp tác xã đã mạnh dạn chuyển sang sản xuất con giống và nuôi cá thịt giống đặc sản cá chép giòn hiện đang được thị trường ưa chuộng. Nhờ sản phẩm bán được với giá cao, thị trường tiêu thụ cũng không ngừng được mở rộng nên dù diện tích ao nuôi ít hơn trước nhưng các xã viên vẫn đạt thu nhập ổn định”.
|
Nhiều loại cá đặc sản được nuôi phục vụ du khách tại Khu du lịch sinh thái Làng Bè.
|
Trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất rau an toàn, rau thủy canh, hoa kiểng... thu hút nông dân đầu tư. Nhiều nông dân ở Biên Hòa còn mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa, trồng rau để tăng giá trị sản xuất cho từng tấc đất. Trong đó, trồng rau mầm là một trong những mô hình cho lợi nhuận tốt.
Bà Hồ Thị Xuân Thi, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên trồng rau sạch Xuân Anh (phường An Bình) chia sẻ: “Từ trồng rau sạch cho gia đình ăn, tôi lập cơ sở sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm rau chủ yếu cung cấp cho một số quán ăn, nhà hàng tại thành phố Biên Hòa. Tôi đã mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng chủng loại rau để cung cấp vào hệ thống siêu thị và ra cả chợ đầu mối. Ngoài ra, chúng tôi còn sản xuất thêm dòng sản phẩm giá sạch vì nhận thấy nhu cầu về sản phẩm rau, giá sạch rất giàu tiềm năng”.
Thành phố cũng đã lập các dự án xây dựng các vùng sản xuất rau truyền thống Tân Mai, Trảng Dài, Tân Phong, Hố Nai sang các vùng chuyên canh rau sạch. Trong đó, khuyến khích nhân rộng các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: trồng rau mầm, trồng rau trong nhà kính... Ngoài ra, thành phố còn đang triển khai dự án trồng cây dược liệu trong chậu hoặc tận dụng đất vườn vì chỉ với diện tích đất nhỏ nhưng vẫn cho lợi nhuận cao.
Phát triển nông thôn hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần người dân không ngừng nâng cao
Theo đồng chí Đỗ Khôi Nguyên - Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa, Thành phố luôn xác định cốt lõi của chương trình xây dựng NTM là phải giúp người dân nhận thức được vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình. Qua đó, đạt mục tiêu xây dựng một nông thôn hiện đại có đời sống vật chất, tinh thần cao; thúc đẩy cho công nghiệp và đô thị phát triển theo hướng bền vững, mang lại sự hài hòa trong đời sống và lao động của người dân thành phố.
Chính vì vậy, Biên Hòa đã huy động tốt được các nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng dân cư và từ các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đóng góp cho NTM. Nguồn lực này được tập trung phát triển hạ tầng của Thành phố. Theo đó, Thành phố không chỉ hoàn thành tốt các tiêu chí đầu tư về điện, đường, trường học, y tế... mà việc xây dựng và phát triển văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của người dân cũng được chú trọng. Các trung tâm văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng tại nhiều xã đã tổ chức đa dạng các hoạt động như: câu lạc bộ võ thuật karatedo, taekwondo, võ cổ truyền, các câu lạc bộ văn nghệ, dưỡng sinh người cao tuổi, đờn ca tài tử... thu hút đông đảo người dân đến tham gia vui chơi, sinh hoạt. Các thiết chế văn hóa, các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn cũng được bảo đảm, chất lượng đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao.
Để đảm bảo người lao động yên tâm làm việc, nhiều chính sách về nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp được chính quyền chỉ đạo các ban, ngành quan tâm thực hiện. Song song đó, nhiều khu đô thị mới cũng được đầu tư xây dựng, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, gia tăng sức hút đầu tư của thành phố.
Là đô thị trung tâm của tỉnh Đồng Nai, những năm qua, thành phố Biên Hòa đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông góp phần làm “thay da đổi thịt” diện mạo đô thị thành phố cũng như của tỉnh, đáp ứng hiệu quả yêu cầu và tốc độ tăng trưởng kinh tế.
|
Một trang trại trồng hoa lan cho thu nhập cao tại xã Hiệp Hòa.
|
Thành phố đã tập trung khởi công các dự án, công trình chỉnh trang đô thị trọng tâm, mang tính đột phá; đặc biệt là các dự án giao thông huyết mạch phục vụ cho việc giải quyết ùn tắc giao thông cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đầu tư xây dựng bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, trường học, trung tâm hành chính - văn hóa; cải tạo, xây dựng trụ sở làm việc, trung tâm sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động và nhà văn hóa thiếu nhi, di tích lịch sử, khu dân cư, khu tái định cư, khu nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp. Ngoài ra, Thành phố cũng nghiên cứu, phát triển các dự án về không gian đô thị và kêu gọi đầu tư các dự án phát triển đô thị theo hướng quy hoạch phân khu đã được duyệt về phía Nam: An Hòa, Phước Tân, Tam Phước; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thoát nước; thực hiện chỉnh trang các công viên, hoa viên cây xanh, tạo diện mạo đô thị mới khang trang, hiện đại.
Với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại sẽ là tiền đề quan trọng, là nền tảng vững chắc để Biên Hòa vươn lên trở thành đô thị loại I vững mạnh và xa hơn nữa là thành phố trực thuộc Trung ương, một cực phát triển quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Minh Lê