Năm 2015 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” (Nghị quyết 39), Nghị quyết yêu cầu: Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021) với mục tiêu tối thiểu đến năm 2021 phải giảm 10% biên chế.
Mạnh dạn thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế
Triển khai Nghị quyết 39, từ năm 2015 tỉnh Quảng Ninh đã rất quyết liệt trong triển khai tinh giản bộ máy, biên chế thông qua việc xây dựng và thực hiện Đề án 25 về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Theo đề án này tỉnh đặt mục tiêu giảm được trên 20.500 người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách, số giảm này sẽ giúp cho giảm chi thường xuyên cho bộ máy khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm (bằng 11,5% tổng quỹ lương của tỉnh và bằng tổng số thu ngân sách nội địa của 6 huyện Hải Hà, Vân Đồn, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà). Với phương châm “một người làm nhiều việc, nhiều việc một người có thể làm”, tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đều xây dựng phương án tinh giản theo hướng là cán bộ xã, phường sẽ kiêm nhiệm thêm các công việc ở thôn, khu phố, những người không chuyên trách cấp thôn, khu được hưởng phụ cấp sẽ kiêm nhiệm thêm các chức danh khác ở địa bàn.
Quảng Ninh đã mạnh dạn thí điểm và tạo bước đột phá trong đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng không nhất thiết ở cấp trên có tổ chức nào thì cấp dưới có tổ chức đó. Các vấn đề thực tiễn đòi hỏi, phù hợp với quy định thì kiên quyết thực hiện, những vấn đề còn chưa rõ thì khẩn trương nghiên cứu, làm thí điểm và tổng kết thực tiễn để làm rõ, có bước đi thích hợp, không nóng vội, chủ quan, duy ý chí; những chủ trương đã thực hiện nhưng thực tiễn khẳng định là không phù hợp thì điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc thay đổi ngay để phù hợp với điều kiện cụ thể.
Với quyết tâm cao, cách làm quyết liệt nên tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã cắt giảm 686 biên chế công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, xã so với số được giao, trong đó: 123 công chức khối đảng, đoàn thể, 11 công chức khối chính quyền, 174 viên chức cấp tỉnh, 6 viên chức cấp huyện và 423 công chức cấp xã. Riêng cấp xã giảm 372 biên chế cán bộ công chức so với số lượng tỉnh giao.
Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã định mức trung ương giao là 3.930 người, tỉnh giao là 2.442 người và sau khi rà soát thực hiện tinh giản toàn tỉnh còn 2.009 người, giảm 1.921 người so với số lượng theo quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP và giảm 433 người so với số lượng của tỉnh. Đặc biệt trong sắp xếp tinh giản biên chế ở 2 ngành có số lượng viên chức lớn là giáo dục và y tế, tỉnh đã bố trí một nhân viên kế toán làm chung cho nhiều trường, do vậy đã giảm được 44 nhân viên kế toán ở 44 trường, ký hợp đồng với trạm y tế cấp xã để thực hiện chức năng y tế học đường, giảm nhân viên y tế ở 71 trường, bố trí kiêm nhiệm 158 vị trí nhân viên phục vụ gồm: Kế toán kiêm văn thư, y tế trường học kiêm thủ quỹ, thư viện kiêm thiết bị thí nghiệm.
Thống nhất quản lý biên chế
Theo lộ trình tỉnh Quảng Ninh dự kiến trong 7 năm (2015-2021) sẽ tinh giản biên chế ở các cơ quan, đơn vị là 1.605 người. Để thực hiện mục tiêu này tỉnh đã có chỉ đạo rất cụ thể, cấp uỷ đảng thống nhất quản lý biên chế, theo hướng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tham mưu quản lý thống nhất biên chế toàn tỉnh, Sở Nội vụ tham mưu về công tác tuyển dụng công chức, viên chức toàn tỉnh và cơ chế chính sách.
Cùng với việc kiên quyết không tăng biên chế, điều chuyển, điều chỉnh biên chế từ chỗ thừa sang chỗ thiếu, tỉnh sẽ không tuyển dụng mới ở những nơi đang có dự kiến sắp xếp và có lộ trình phù hợp để cơ cấu lại đội ngũ dôi dư sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tiếp tục khoán kinh phí đối với những người không chuyên trách cấp xã, cấp thôn. Thực hiện việc tuyển dụng và ký hợp đồng có thời hạn đối với các vị trí viên chức theo nguyên tắc đảm bảo tiền lương, phụ cấp theo lương và chế độ bảo hiểm xã hội. Giảm dần số lượng viên chức không làm nhiệm vụ giảng dạy tại các cơ sở giáo dục - đào tạo (y tế, kế toán, thư viện...) theo hướng tăng cường kiêm nhiệm.
Đồng thời quyết liệt thực hiện việc sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn hơn, như: Thực hiện mô hình bộ phận tài vụ, phục vụ... dùng chung đối với các ban Đảng, Văn phòng Tỉnh uỷ và Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh; sáp nhập Phòng Dân tộc vào Văn phòng HĐND-UBND, Trung tâm văn hoá thông tin với đài phát thanh, truyền hình ở các địa phương. Đối với từng ngành có những chỉ đạo thực hiện cụ thể, như: Ngành Giáo dục sắp xếp lại hệ thống trường lớp, ngành Y tế sáp nhập trung tâm y tế với bệnh viện đa khoa trên địa bàn, rà soát, điều chỉnh quy mô trạm y tế cấp xã, tiếp nhận nhiệm vụ y tế học đường. Ngành NN&PTNT thành lập trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp, cơ chế tự chủ về biên chế, tài chính...
Để thống nhất trong quản lý biên chế trong toàn hệ thống chính trị, Quảng Ninh xem xét và quyết định tổng biên chế công chức, số lượng người làm việc (biên chế viên chức) và hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trong các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc hệ thống chính trị của tỉnh năm 2017. Theo đó, dự kiến tổng biên chế công chức toàn tỉnh sẽ là 4.055 người, trong đó khối Đảng, đoàn thể là 1.233 người, khối chính quyền là 2.822 người; tổng số lượng người làm việc (biên chế viên chức) là 25.907 người; hợp đồng theo Nghị định 68 là 513 người; số lượng định biên giao cho các hội đặc thù là 79 người. Như vậy, đảm bảo mục tiêu giảm biên chế theo đúng lộ trình Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Ngọc Lan