Ka Đủ thuộc xã Phước Lộc nằm về phía Tây Bắc của huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng có 31 hộ với hơn 132 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Bhnoong sinh sống. Đa số bà con ở đây vẫn quen với tập quán canh tác nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông nên hiệu quả kinh tế thấp, đời sống nhiều khó khăn. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền huyện Phước Sơn, xã Phước Lộc đã thực hiện nhiều giải để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con Làng Ka Đủ.
Nhằm xây dựng cuộc sống ổn định cho đồng bào các dân tộc thiểu số và từng bước phát triển nâng cao đời sống kinh tế, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhiều chương trình, dự án đầu tư cho đồng bào được triển khai thực hiện và đã phát huy được tác dụng, đem lại hiệu quả thiết thực. Các công trình trường học, trạm y tế không ngừng được nâng cấp và từng bước phát huy hiệu quả. Người dân đã có ý thức trong việc chăm lo sức khỏe, công tác vệ sinh môi trường ngày càng được nâng cao. Việc triển khai các chương trình quốc gia về y tế cộng đồng như phòng chống sốt rét, suy dinh dưỡng, tiêm phòng văc-xin, kế hoạch hóa gia đình... được nhân dân trong làng hưởng ứng tích cực. Nhiều chương trình, dự án dành cho thôn, bản được thực hiện đúng mục đích và đến từng đối tượng sử dụng. Mặc dù thôn chưa có điện lưới quốc gia nhưng bà con đã biết ngăn dòng nước từ các suối khe làm thủy điện nhỏ và đến nay đã có 100% số hộ đã sử dụng điện thắp sáng. Nhờ sự phối kết hợp giữa các chương trình, dự án, đến nay Ka Đủ đã có hàng chục hec-ta rừng cho thu hoạch. Diện tích phủ xanh đất trống, đồi trọc ngày càng tăng. Bản làng Ka Đủ hôm nay đã khang trang hơn với những ngôi nhà được xây kiên cố.
Cuộc sống của đồng bào đã được cải thiện, các ứng dụng khoa học đời sống đã đến thôn, bản nhưng nhận thức của đồng bào vẫn còn chưa đồng đều, do tập quán sinh hoạt, sản xuất cũ đã ăn sâu trong nếp nghĩ, cách làm của người dân. Vì vậy, cấp ủy đảng, chính quyền xã Phước Sơn bên cạnh việc quan tâm phát triển kinh tế, đồng thời quan tâm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Từ năm 1999, Ka Đủ đã tích cực tham gia phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa và đến năm 2004, Ka Đủ được công nhận là “Thôn văn hóa” cấp huyện và luôn giữ vững danh hiệu này đến nay. Có được kết quả đó là do sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền xã đến tận các khu dân cư, hộ gia đình trong vận động người dân thực hiện tốt nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh...
Sau hơn 10 năm phát động xây dựng đời sống văn hóa, bộ mặt nông thôn ở Ka Đủ đã có những nét chuyển biến khá tích cực. Nếu như những năm 2004-2005, tỉ lệ đói nghèo chiếm trên 70% thì đến nay giảm còn 30% hộ nghèo (theo tiêu chí mới), hộ đói cơ bản đã được đẩy lùi. Trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, 100% con em trong độ tuổi đều được đi học, trường học được xây dựng khang trang. 100% hộ gia đình có phương tiện nghe nhìn. Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa xã, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên xã thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua và lồng ghép, tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện nếp sống văn hóa. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên và tổ chức vào dịp các ngày lễ lớn. Ka Đủ đã xây dựng được đội văn nghệ, đội bóng đá, đội bóng chuyền thường xuyên hoạt động và thi đấu giao lưu với các thôn, xã bạn... Bà con nhân dân đã xây dựng được nhà văn hóa thôn để sinh hoạt, vào những dịp lễ hội hay mừng mùa lúa mới, tiêng cồng chiêng lại vang lên giòn giã. Đời sống văn hóa tinh thần ngày một nâng lên đã làm thay đổi nhận thức của bà con, những hủ tục lạc hậu như thách cưới, tảo hôn... không còn xảy ra. 100% số cặp vợ chồng thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, 100% số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và đã có 90% số hộ được công nhận đạt gia đình văn hóa.
Đến thăm Ka Đủ hôm nay sẽ thấy màu xanh ngút ngàn ở những vùng đồi bỏ hoang năm nào, những ngôi nhà khang trang, kiên cố ngày càng nhiều hơn, nông thôn mới đang dần hiện hữu, người dân Bhnoong nơi đây đang từng ngày no ấm, hạnh phúc hơn.
Trần Cao Anh
Học viện Chính trị khu vực III