Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương có tính chiến lược của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế, các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.
Lãnh đạo xã Ngọc Phụng đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Xã Ngọc Phụng (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) hiện có gần 1.940 hộ với 7.980 khẩu, gồm 3 dân tộc: dân tộc Kinh chiếm 76,5%; dân tộc Mường chiếm 11,5%; dân tộc Thái chiếm 12 %. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là Nông - Lâm - Thủy sản, chiếm 65%. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy và chính quyền xã đã xây dựng Đề án, thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới gồm 35 thành viên do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm trưởng ban. Các thành viên còn lại được cơ cấu từ Thường trực HĐND và UBND, trưởng các nghành, đoàn thể, bí thư các chi bộ. Các thôn trong xã thành lập ban phát triển do đồng chí bí thư chi bộ làm trưởng ban, còn lại là các thành viên như trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, các đoàn thể và đại diện nhân dân.
Bám sát mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của các cấp, các ngành, Đảng ủy xã đã ra Nghị quyết số 06-NQ/ĐU, ngày 10-8-2012 về việc lãnh đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2015. Nghị quyết thể hiện rõ và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình tổ chức và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của xã. Ngoài ra, Đảng ủy xã còn ban hành kế hoạch số 06-KH/ĐU, ngày 24-8-2015 về đợt ra quân hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới năm 2015. Những nghị quyết, kế hoạch của Đảng ủy là cơ sở, nền tảng để UBND và Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả, đồng thời tạo được sự đồng thuận cao từ phía nhân dân. Đến ngày 30-9-2015, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới và là xã đầu tiên thuộc huyện 30a của tỉnh Thanh Hóa về đích. Đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Hạ tầng kinh tế, xã hội được củng cố, môi trường được đảm bảo. Đảng bộ, chính quyền xã Ngọc Phụng không để nợ đọng xây dựng cơ bản khi thực hiện chương trình nông thôn mới. Hiện xã đang nhận đỡ đầu về xây dựng nông thôn mới cho thôn Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân với tinh thần “Đơn vị đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ đơn vị chưa hoàn thành”. Đây là một trong những điểm mới, đang được Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Thường Xuân đánh giá cao và xem xét để nhân rộng.
Một số kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng nông thôn mới ở xã Ngọc Phụng:
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng để toàn bộ đảng viên, cán bộ và nhân dân nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi mà chương trình nông thôn mới mang lại, theo phương châm “Lấy sức dân để lo cho dân”.
Thứ hai, nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là vai trò của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, bí thư các chi bộ, đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Tổ chức sơ kết, tổng kết, biểu dương và rút kinh nghiệm kịp thời, các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thứ ba, thực hiện xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”, nội dung nào phục vụ thiết thực cho đời sống nhân dân thì làm trước, khai thác tối đa nội lực, lồng ghép các công trình dự án một cách có hiệu quả, tranh thủ và kêu gọi sự ủng hộ giúp đỡ từ ngoại lực để xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Quy hoạch chỉnh trang đồng ruộng, trồng và nuôi những cây, con có chất lượng và năng suất, hiệu quả kinh tế cao, phát triển kinh tế rừng, kinh tế trang trại, mở mang ngành nghề kinh doanh, dịch vụ thương mại.
Đình Đông - Đình Trang