Về Quảng Lập, đường đi giữa các thôn trong xã đều được bê tông hóa, uốn lượn qua những vườn rau, ruộng hoa xanh ngát, cCuộc sống sung túc của nhân dân một xã thuần nông - xã anh hùng đang hiển hiện dưới sắc trời Tây Nguyên…
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Quảng Lập.
Tự hào xã nông thôn mới
Xã Quảng Lập nằm ở vị trí trung tâm trong nhóm các xã phía Nam sông Đa Nhim (gồm Ka Đô, Quảng Lập, Ka Đơn, Tu Tra, Proh) và cách trung tâm huyện Đơn Dương 3 km. Xã hiện có 5 thôn, diện tích đất tự nhiên có 968 ha (trong đó đất sản xuất nông nghiệp 854 ha); toàn xã có 1.118 hộ với hơn 5.130 nhân khẩu, chủ yếu là dân di cư các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên về đây sinh sống, lập nghiệp (100% dân số là người Kinh). Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài chung lưng đấu cật, đoàn kết giúp nhau sản xuất lập nghiệp, nhân dân Quảng Lập đã dồn tất cả sức người, sức của cho kháng chiến, vừa trực tiếp tham gia đánh giặc, vừa nuôi giấu cán bộ hoạt động, giúp đỡ bộ đội, tiếp lương tải đạn, tiêu thổ kháng chiến… Ngày 20-10-1998, xã Quảng Lập vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tự hào xã anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã quyết tâm từng bước khắc phục khó khăn của một xã thuần nông có điểm xuất phát thấp, chỉ dựa vào sản xuất rau, hoa là chính, trong khi giá cả thường xuyên bấp bênh. Một trong những yếu tố quan trọng đã giúp cho sự vươn lên của xã Quảng Lập là sự đồng thuận cao của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc “hợp sức” thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Bài học “lấy dân làm gốc”, “dựa vào sức dân” được các thế hệ cán bộ lãnh đạo xã vận dụng một cách linh hoạt và hiệu quả. Ngay từ những năm đầu thực hiện “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng Quảng Lập đã mạnh dạn đăng ký và vận động nhân dân quyết tâm thực hiện. Chính sự nỗ lực lớn này đã làm “thay da đổi thịt” ở xã anh hùng này.
Năm 2011, xã Quảng Lập được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận xã đạt chuẩn văn hóa. Toàn xã không còn hộ nghèo; 100% hộ có điện thắp sáng; 100% đường giao thông thôn, xóm được trải nhựa và bê-tông hóa; 90% gia đình xây dựng được nhà mới khang trang; 100% hộ có phương tiện đi lại và nghe nhìn; toàn xã có 3 trường học đều đạt chuẩn quốc gia; trạm y tế xã đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Y tế; thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm… Năm 2013, Quảng Lập là xã đầu tiên của huyện Đơn Dương được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đáng kể để huyện Đơn Dương là huyện đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng, cũng là huyện đầu tiên của khu vục các tỉnh Tây Nguyên được công nhận huyện nông thôn mới (tháng 9-2015).
Đặc biệt, chợ mới Quảng Lập trở thành trung tâm mua sắm của nhân dân cụm các xã phía Nam sông Đa Nhim, quy mô chợ loại II với 228 gian hàng và 170 hộ kinh doanh. Các thiết chế văn hóa của xã được đầu tư khá đồng bộ: nhà văn hóa xã được trang bị đầy đủ các vật dụng sinh hoạt; cả 5 thôn đều có nhà sinh hoạt cộng đồng. Toàn xã có 2 sân bóng đá nhân tạo và 5 sân bóng chuyền; hầu hết các con đường đi lại giữa các thôn, xóm đều có hệ thống đèn chiếu sáng.
Khi ý Đảng hợp lòng dân
Nhân dân vừa là chủ thể, đồng thời là người được hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Khi đời sống vật chất được cải thiện, nhận thức của người dân nâng lên; đây là điều kiện thuận lợi để chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân trong việc tham gia cùng địa phương thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Nguyễn Bình Trị, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Quảng Lập cho biết, phần lớn các công trình, dự án xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, các thiết chế văn hóa, thể thao của xã đều được nhân dân tích cực và tự nguyện “góp sức”. Riêng trong 2 năm (2011 và 2012), nhân dân đã đóng góp hơn 12 tỷ đồng. Cụ thể, để xây chợ Quảng Lập, chính quyền xã xây dựng dự án hoán đổi đất lấy mặt bằng (tổng diện tích 15.066 m2) được nhân dân đồng thuận hưởng ứng. Tổng kinh phí xây dựng chợ là 11 tỷ đồng (trong đó, nhân dân đóng góp hơn 9 tỷ đồng); xây dựng Nhà văn hóa xã và khu Liên hợp thể thao rộng gần 2 ha, kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng (nhân dân đóng góp 500 triệu đồng); xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, Nhà nước hỗ trợ từ Chương trình xây dựng nông thôn mới 3,7 tỷ đồng, nhân dân tham gia “đối ứng” 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân xã Quảng Lập còn đóng góp gần 500 triệu đồng, hàng chục ha đất, công lao động để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn; nhân dân cũng đã tự nguyện đóng góp 520 triệu đồng để xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm trên các đường thôn, xóm thuận lợi việc đi lại và đảm bảo an ninh, trật tự (do dân tự trả tiền). Đây là kết quả của sự đồng thuận cao trong nhân dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ở Quảng Lập.
Những năm gần đây, nhân dân xã Quảng Lập chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mạnh dạn đầu tư sản xuất rau, hoa áp dụng công nghệ cao đã nâng năng suất và cho thu nhập khá cao, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở xã anh hùng ngày một đẹp giàu.
Nguyễn Thanh Hồng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng