Hệ lụy vì tin theo luận điệu xuyên tạc
Các tổ chức phản động như “Phát triển quốc gia Mông”; “Mặt trận giải phóng thống nhất người Mông”; “Hội đồng nhân quyền Lào”; “Trung tâm văn hóa Mông” (Mỹ); hay bọn phản động người Mông lưu vong ở Lào cấu kết với bọn phản động người Mông trong nước lập các tổ chức chính trị phản động như “Mặt trận đoàn kết người Mông”, “Đảng Vương quốc Mèo tự trị”, “Đảng Châu Phạ”, “Đảng Apolo”, “Cựu chiến binh Long Chẹng”... luôn tìm cách lợi vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, sự đói nghèo lạc hậu tiến hành các hoạt động tuyên truyền kích động, lôi kéo, tuyên truyền tư tưởng ly khai, tự trị trong đồng bào Mông gây phức tạp tình hình.
Vụ việc ở Mường Nhé, tỉnh Điện Biên vào năm 2011 là một trong những vụ việc điển hình mà các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng gây nên nhiều hệ lụy. Một nhóm đối tượng do Vàng A Ía, trú tại bản Nậm Mỳ, Mường Toong, huyện Mường Nhé có sự hà hơi, tiếp sức của các đối tượng lưu vong, phản động bên ngoài đã lợi dụng mê tín dị đoan, thần quyền giáo lý và điện thoại di động để tuyên truyền lừa bịp, lôi kéo đồng bào Mông từ khắp nơi kéo về tụ tập tại bản Huổi Khon (Nậm Kè, Mường Nhé) để “Xưng vua - lập Vương quốc Mông”. Vàng A Ía và đồng bọn lừa phỉnh bà con rằng: Cứ yên tâm đến Huổi Khon, sẽ có thế lực siêu nhiên xuất hiện, dùng đám mây bốc tất cả đến một nơi ấm no, hạnh phúc, một miền đất hứa. Chúng còn hù dọa bà con là cả thế giới sẽ chìm ngập trong trận đại hồng thủy trừ vùng đất hứa của chúng.
Tin và nghe theo lời chúng, đã có khoảng 7.000 người Mông từ các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Đắk Lắk, Đắk Nông… bỏ bê gia đình, vợ con, bỏ lao động sản xuất, bán tài sản, tích trữ lương thực, vật dụng di cư vào Mường Nhé chờ đón sự xuất hiện của vua Mông đưa mọi người đến ngôi nhà riêng. Và sự việc diễn ra như thế nào chúng ta đều đã biết, chẳng có vua Mông nào xuất hiện và cũng không có trận đại hồng thủy nào như Vàng A Ía đã nói! Thay vào đó là hàng nghìn gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, gia đình ly tán, con cái không được học hành; hàng trăm người tin theo lời lừa phỉnh mà vi phạm pháp luật phải chịu hình phạt tù...
Ở Thanh Hóa, đồng bào dân tộc Mông hiện có gần 3.600 hộ, với gần 19 nghìn nhân khẩu, sinh sống tập trung ở 42 bản, thuộc 9 xã của 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, trong đó có 13 bản giáp biên giới với tỉnh Hủa Phăn (Lào). Do xuất phát điểm thấp và đặc điểm đồng bào dân tộc Mông chủ yếu sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, nơi hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào còn hạn chế; nhiều phong tục, tập quán còn lạc hậu; một bộ phận đồng bào dân tộc Mông vẫn còn thuộc diện đói nghèo, đời sống khó khăn. Lợi dụng tình hình này, các đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài cũng tích cực tìm chọn, móc nối, tạo dựng “ngọn cờ”, chỉ đạo thực hiện các hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, lôi kéo quần chúng tham gia lập “Nhà nước Mông”, đồng thời kích động, lôi kéo người Mông sang Lào tham gia hoạt động vũ trang chống phá, gây bạo loạn, lập “Vương quốc Mông” ở Lào.
Qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an Thanh Hoá phát hiện một số đối tượng trên địa bàn huyện Mường Lát có hoạt động liên lạc, móc nối, xin ý kiến chỉ đạo của các đối tượng phản động người Mông lưu vong ở nước ngoài. Thông qua hình thức rỉ tai, truyền miệng, tán phát clip, nhắn tin qua điện thoại di động, nghe đài phát thanh tiếng Mông, rao giảng các luận điệu viễn tưởng về “Nhà nước Mông”, lúc cao điểm đã gây ảnh hưởng trên 30/42 bản người Mông, gây bất ổn an ninh, trật tự, ảnh hưởng tới đời sống của đồng bào, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định trên tuyến biên giới.
Đáng chú ý, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều tin quan trọng về kế hoạch nhận tiền, thuốc nổ từ các đối tượng bên ngoài để đánh phá hệ thống cầu, cống thuộc tuyến đường huyết mạch Thanh Hóa - Hủa Phăn (Lào) với ý đồ tạo tiếng vang để các thế lực phản động quốc tế can thiệp, hỗ trợ. Thậm chí, khi lực lượng chức năng phát hiện, giám sát chặt chẽ, làm mất các điều kiện hoạt động của chúng, các đối tượng còn nảy sinh ý đồ đầu độc, thủ tiêu cán bộ, chiến sĩ trong Tổ công tác liên ngành. Tuy âm mưu, ý đồ của chúng đã bị ngăn chặn và không thể thực hiện được, song có thể thấy vấn đề “Nhà nước Mông” luôn tiềm ẩn diễn biến hết sức phức tạp, có thể gây hậu quả khó lường nếu chúng ta chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Trường hợp của ông Va Chống Sự, ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát là một ví dụ điển hình. Vốn là một công dân tốt, được Đảng, Nhà nước rèn luyện, đào tạo và làm Trạm trưởng Trạm y tế xã Pù Nhi, huyện Mường Lát. Nhưng vì tin và theo những luận điệu tuyên truyền, lôi kéo của các đối tượng xấu từ bên ngoài, Va Chống Sự đã bỏ bê công việc, lôi kéo thêm nhiều người, bỏ nhà sang Lào tìm kiếm “vua Mông”, “Nhà nước Mông”. Nhưng khi sang đến nơi thì không thấy có “Nhà nước Mông” hay “vua Mông” nào, sung sướng chưa thấy đâu, thay vào đó Va Chống Sự và một số đối tượng khác bị Công an nước bạn Lào bắt giữ, cầm tù suốt 5 tháng trời. Chính vì việc làm mù quáng của mình, bao nhiêu năm phấn đấu của Va Chống Sự đã tan thành mây khói, mất việc làm và mất luôn cơ hội thăng tiến, uổng phí công sức học hành của bản thân, tiền của, công sức đào tào của Đảng, Nhà nước. Đến nay, Va Chống Sự đã mất do bệnh tật, nhưng những hậu quả của đối tượng này để lại vẫn còn ảnh hưởng đến nhiều người trong cộng đồng dân tộc Mông, nơi mà Va Chống Sự sinh sống.
Hay như trường hợp của Mùa A Sử, ở bản Xì Lô, xã Mường Lý, huyện Mường Lát cũng vì tin theo lời rủ rê, lôi kéo, năm 2007, A Sử cũng trốn sang Lào đi tìm kiếm “vua Mông”, “Nhà nước Mông” nhưng cũng vỡ mộng khi không có ai đón, phải trốn trui, trốn lủi trong rừng. Mùa A Sử kể lại: “Em cùng với 4 người xã Mường Lý vượt biên trái phép sang Lào đợt tháng 7-2007, vì nghe nói bên kia họ đã lập một đất nước Mông mới, ai đi theo sẽ được làm cán bộ và được thưởng tiền lớn lo cho cuộc sống của mình và cả gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, khi sang đến Lào thì không có chuyện đó, mà còn bị Công an bên Lào bắt giam. Khi bị giam em mới nghe mấy anh người Mông bên Lào nói là “mấy anh ở Việt Nam không biết thì mới sang đây còn mình ở bên này thì mình biết rõ là không có cái chuyện đó, cái đó là bị kẻ xấu lừa thôi. Sau này được Công an Lào trả về Việt Nam, được tuyên truyền, giải thích thì em mới thấy việc đó đã làm khổ gia đình, khổ vợ con. Từ nay sẽ rút kinh nghiệm, không nghe theo những lời xấu nữa, sẽ chăm lo làm ăn, chăm sóc gia đình”.
Với những người chứng kiến thực tế và trải qua những ngày tháng khó khăn, vất vả như Va Chống Sự, Mùa A Sử mới thấy rằng, tất cả những viễn cảnh về “Nhà nước Mông” đều là những thứ viễn vông không có thật, đấy là bọn chúng vẽ ra để lừa bịp đồng bào Mông.
Ông Lầu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát, người có uy tín trong đồng bào Mông, cho biết: "Thời gian gần đây, tôi có nắm và biết một số đồng bào Mông nghe tin đồn nhảm, tuyên truyền xấu về chủ trương của Đảng, Nhà nước, tin rằng có “Nhà nước Mông”, sẽ có “vua Mông”, có đất riêng thành một nước riêng của người Mông. Một số thanh niên còn xem trên mạng in-tơ-nét và truyền tay nhau tìm hiểu về “Nhà nước Mông”. Là người già, là một công dân Việt Nam tôi tin không bao giờ có chuyện đó, cho nên tôi đề nghị tất cả người Mông không nên nghe, không nên tin các tin đồn nhảm đó, các thông tin sai lệch của kẻ xấu ở bên ngoài làm cho chúng ta không yên tâm học tập, lao động, sản xuất, làm mất đoàn kết trong nội bộ Nhân dân chúng ta".
|
Ông Lầu Minh Pó sát cánh cùng đồng bào Mông đẩy lùi hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới (Ảnh: cand.vn).
|
Đề phòng trước nhiều phương thức, thủ đoạn
Để thực hiện âm mưu, ý đồ, mục đích của mình, hiện nay các đối tượng vẫn đang ráo riết thực hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn để tuyên truyền, lôi kéo đồng bào Mông vào hoạt động vi phạm pháp luật.
Thượng tá Lê Duy Dũng, Trưởng phòng An ninh đối nội Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, ngoài việc sử dụng các phương thức truyền thống như tuyên truyền lôi kéo theo kiểu rỉ tai, truyền miệng, kể cho nhau nghe; sử dụng các đài phát thanh đặt ở nước ngoài phát các nội dung tuyên truyền các luận điệu để nói xấu Đảng, Nhà nước, phát tán các loại tài liệu bằng tiếng dân tộc Mông với nội dung chống phá chế độ, xuyên tạc sự thật về lịch sử, tuyên truyền, phát triển tôn giáo trái pháp luật, di cư tự do, xuất cảnh đi lao động trái phép trong đồng bào Mông…, các đối tượng phản động ở nước ngoài, nhất là số đối tượng thuộc tổ chức phản động trong dân tộc Mông ở Mỹ, Thái Lan luôn triệt để lợi dụng mạng xã hội, nhất là các ứng dụng trên điện thoại di động như Facebook, Zalo, Youtube để đăng tải, tán phát video clip, bài viết có nội dung tuyên truyền về hoạt động lập “Nhà nước Mông” nhằm tác động, lôi kéo người Mông trên thế giới, trong đó có người Mông Việt Nam ủng hộ, tham gia vào các hoạt động của tổ chức với mưu đồ quốc tế hóa vấn đề “người Mông”, “Nhà nước Mông”; công khai hóa các hoạt động của tổ chức “Hmoob Teb Chaws” (tức “Nhà nước Mông”), gia tăng các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo công khai trên không gian mạng, đặc biệt là trên mạng xã hội Youtube. Đây là kênh thông tin truyền tải, tán phát thông tin, tình hình đến đồng bào Mông một cách nhanh và rộng rãi nhất, nếu người dân không tỉnh táo nhận biết, không sàng lọc, tiếp nhận thông tin một cánh cẩn thận thì rất dễ bị lợi dụng tán phát những thông tin xấu, độc, những thông tin dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật.
Thủ đoạn của chúng là triệt để lợi dụng sự hạn chế về trình độ nhận thức, hiểu biết còn hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn của một bộ phận đồng bào dân tộc Mông để tuyên truyền, khơi gợi về lịch sử, đất đai của người Mông; kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai, tự trị; đồng thời tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước với các luận điệu như: Đảng, Nhà nước Việt Nam không quan tâm đến người Mông, phân biệt đối xử người Mông, vu cáo Việt Nam đàn áp dân tộc Mông, vi phạm nhân quyền… Từ đó, kêu gọi người Mông nếu muốn có một cuộc sống sung sướng, thoát khỏi kiếp nô lệ, sự đàn áp bởi dân tộc khác thì người Mông phải đoàn kết đấu tranh, thành lập nhà nước riêng, có chính phủ riêng để quản lý, lãnh đạo và bảo vệ dân tộc Mông. Những luận điệu đó là hết sức nguy hiểm nếu đồng bào Mông nghe mà không biết sàng lọc cái nào đúng, cái nào sai…
|
Một buổi tuyên truyền, PBGDPL của Đồn Biên phòng Tam Chung cho bà con người Mông tại bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Báo Thanh Hóa
|
Bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng đặc điểm tâm lý, phong tục tập quán của đồng bào Mông để lôi kéo, kích động đồng bào vượt biên trái phép di cư tự do sang Lào tham gia hoạt động phỉ, lập “Nhà nước Mông” tại Lào. Hoạt động của các đối tượng này đã khiến nhiều người không tỉnh táo, không hiểu biết mắc bẫy để rồi tin theo vượt biên trái phép sang Lào gây phức tạp về an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của các gia đình đồng bào dân tộc Mông.
Trong các bản Hiến pháp của nước ta đều khẳng định “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, vì vậy đối với mọi hành vi chia rẽ, gây mất đoàn kết giữa các dân tộc đều trái pháp luật và đều bị nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh”.