Chiến lược ứng phó mới để bảo vệ con người giữa đại dịch COVID-19


Chúng ta cần phải có chiến lược mới để ứng phó với diễn biến vô cùng phức tạp của đại dịch COVID-19.

Vắc-xin là điều kiện cần và đủ?

Hơn một năm rưỡi đã trôi qua, rõ ràng việc ngăn chặn loại vi-rút này là một cuộc chạy đua nước rút. Thế giới cần tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt, càng nhanh càng tốt để làm chậm sự lây lan của vi-rút. Nhưng ngay cả khi dân số thế giới được tiêm phòng hết thì SARS-CoV-2 vẫn sẽ tồn tại ở nhiều loại động vật khác như khỉ, mèo, hươu... Mặc dù chưa có bằng chứng nhưng việc phát hiện vi-rút này ở nhiều loài động vật đã chứng tỏ khả năng về sự lây truyền từ người sang động vật và ngược lại rất có thể xảy ra.

Các biến thể vi-rút cũng là sản phẩm phụ không thể tránh khỏi của sự phát triển theo cấp số nhân của dịch bệnh này. Mỗi ngày có hơn nửa triệu ca nhiễm COVID-19 mới. Mỗi người bị nhiễm bệnh chứa hàng trăm tỷ vi-rút không ngừng sinh sôi. Mỗi đợt nhân lên của mỗi hạt vi-rút tạo ra trung bình 30 đột biến. Phần lớn các đột biến không làm vi-rút dễ lây lan hoặc gây chết người, tuy nhiên, với một số lượng lớn các đột biến xảy ra hàng ngày trên toàn cầu sẽ làm gia tăng nguy cơ một trong số chúng trở thành loại vi-rút nguy hiểm hơn, loại mà các nhà dịch tễ học gọi là “các biến thể đáng quan ngại”.

Một số biến thể đã xuất hiện dễ lây lan hơn, gây bệnh nặng hơn hoặc giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị hoặc vắc-xin, ví dụ như biến thể B.1.1.7 (Anh), B.1351 (Nam Phi), B.1429 (California), P.1 (Brazil), B.1.617.2 (Ấn Độ). Mỗi biến thể mới xuất hiện có khả năng kháng vắc-xin cao hơn hoặc có khả năng lây lan cao hơn, có thể cần tới các mũi tiêm nhắc lại, hoặc cần một vắc-xin mới hoàn toàn. Điều này dẫn tới thách thức trong việc tiêm chủng cho hàng tỷ người ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số biến thể thậm chí có thể không bị phát hiện bởi các xét nghiệm hiện tại, dẫn tới việc khó theo dõi và ngăn chặn hơn. Đại dịch vì thế vẫn chưa thể đi đến hồi kết.

Thay vì biến mất, loại vi-rút này có thể sẽ trở lại trên toàn cầu trong nhiều năm tới. Một số nơi từng là điển hình của việc kiểm soát thành công dịch bệnh giờ đây lại dễ bị tổn thương trước sự bùng phát nghiêm trọng. Nhiều nơi đã từng thành công trong việc kiểm soát dịch ở vùng biên giới, xét nghiệm, truy vết, cách ly như Việt Nam và Đài Loan, đã từng có số ca tử vong rất ít cho tới tháng 5-2021, nhưng lại chưa có nguồn vắc-xin tốt. Thậm chí ngay cả ở những quốc gia đã tiêm chủng cho phần lớn dân số thì dịch bệnh vẫn dễ bùng phát do một số biến thể nhất định gây ra, như ở Mỹ, Chi-lê, Mông Cổ, Anh... 

Chinh phục đại dịch không chỉ cần tới tiền bạc và nguồn lực mà còn cần các ý tưởng và chiến lược. Năm 1854, vào thời điểm mà lý thuyết về vi trùng học còn chưa ra đời, bác sĩ John Snow đã ngăn chặn dịch tả ở Luân Đôn (Anh) bằng cách truy tìm nguồn gốc của nó từ một cái giếng nhiễm bệnh. Sau khi ông thuyết phục các nhà lãnh đạo địa phương tháo bỏ bộ phận tay cầm khỏi máy bơm của giếng, dịch bệnh đã chấm dứt. Vào những năm 1970, bệnh đậu mùa tràn lan ở châu Phi và Ấn Độ. Nhà dịch tễ học William Foege, làm việc tại một bệnh viện ở Ni-giê-ri-a, đã nhận ra rằng lượng nhỏ vắc-xin mà ông được cấp không đủ để tiêm chủng cho tất cả mọi người. Vì vậy, ông đã tiên phong một con đường mới trong việc sử dụng vắc-xin: không tập trung vào nhóm các tình nguyện viên hoặc những người có “quan hệ tốt” mà hướng tới những người có nguy cơ mắc bệnh tiếp theo nhất. Vào cuối thập niên này, nhờ có chiến lược được đặt tên lần đầu là “giám sát và ngăn chặn”, sau đó được gọi là “tiêm chủng vòng”, bệnh đậu mùa đã được loại bỏ.

Phiên bản thế kỷ XXI của chiến lược này đang được áp dụng với việc tiêm chủng hàng loạt, đặc biệt đối với việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Đối với đại dịch này, dịch tễ học có các công cụ để đưa thế giới trở lại trạng thái bình thường tương đối, cho phép chúng ta chung sống với SARS-CoV-2 giống như cách đối phó với những căn bệnh khác như cúm và sởi. Chìa khóa nằm ở việc coi vắc-xin là nguồn lực có thể chuyển giao và được triển khai nhanh chóng ở những nơi cần thiết, nhất là ở những điểm nóng có tỷ lệ lây nhiễm cao và nguồn cung vắc-xin thấp.

Sự hợp tác và sẻ chia toàn cầu

Với một đại dịch do vi-rút gây ra thì yếu tố nhanh chóng, kịp thời gần như là tất cả trong công tác y tế toàn cầu. Trong trường hợp dịch COVID-19, việc phát hiện sớm và nhanh chóng sẽ giúp các nhà hoạch định trên toàn cầu xác định được nơi nào cần tăng cường vắc-xin thích hợp, biến thể nào đang lưu hành và phân loại nguồn lực hợp lý. May mắn thay, với sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, các tổ chức y tế công trên thế giới đang phát triển nhanh hơn bao giờ hết. Các nhà khoa học tại CDC và Mạng lưới ứng phó và cảnh báo bùng phát dịch toàn cầu của WHO - GOARN đã đạt được những bước tiến lớn trong việc tập hợp lượng lớn dữ liệu để nhanh chóng tìm hiểu về các đợt bùng phát mới. Nếu 20 năm trước cần đến 6 tháng để phát hiện ra một loại vi-rút mới có khả năng gây đại dịch thì ngày nay chúng ta chỉ cần tới một vài tuần.

Do đó, khoa học - kỹ thuật cần được nghiên cứu, phát triển hơn nữa, sáng chế ra những công nghệ mới để xác định và ngăn chặn tốt hơn các cuộc bùng phát, trong đó có hệ thống thông báo phơi nhiễm để cảnh báo người dân về khả năng lây nhiễm của họ. Điều đó có nghĩa là cần tăng cường khả năng giải mã trình tự gen của vi-rút để xác định nhanh chóng biến thể vi-rút nào, ở đâu và loại vắc-xin nào có công hiệu tốt nhất. Những điều này phải được diễn ra càng nhanh càng tốt bởi các quốc gia càng chậm tiêm chủng cho người có nguy cơ lây bệnh cao thì càng có nhiều biến thể xuất hiện.

Hệ thống toàn cầu về giám sát dịch bệnh cần cải thiện nhiều hơn. Các công nghệ giám sát mới nhất - phát hiện bệnh qua kỹ thuật số, hệ thống giám sát dựa trên cộng đồng và hệ thống thông báo phơi nhiễm - nên có ở mọi nơi, không chỉ ở các quốc gia giàu có nhất. Công nghệ giải mã trình tự gen cũng nên như vậy. Đã đến lúc vượt khỏi mô hình y tế cũ kỹ là các nước nghèo gửi mẫu bệnh đến nước giàu để được giải mã hay giữa các nước xảy ra tình trạng ít chia sẻ bộ xét nghiệm, vắc-xin và phương pháp điều trị. Đây không chỉ là vấn đề công bằng mà còn cần thiết về mặt dịch tễ học, vì càng tiệm cận tới nguồn gốc của một dịch bệnh thì thế giới càng có khả năng phản ứng nhanh chóng hơn.

Ngay cả khi có một mầm bệnh vượt khỏi biên giới quốc gia vẫn còn có thời gian để kiềm tỏa nó trong khu vực. Các chính phủ nên khuyến khích chia sẻ dữ liệu về loại bệnh mới giữa các nước láng giềng. Để đạt được điều đó, các nước cần hỗ trợ các Tổ chức kết nối Giám sát dịch bệnh khu vực (CORDS), một nhóm gồm 30 quốc gia, một số cơ quan của Liên hiệp quốc (kể cả WHO) và một số tổ chức khác nhằm nỗ lực chia sẻ cảnh báo sớm về các bệnh truyền nhiễm và phối hợp để ứng phó với chúng. Với tinh thần tương tự, WHO nên làm việc với các chính phủ và tổ chức phi chính phủ để đưa các dữ liệu về nhân khẩu học, dịch tễ học, giải mã gen vào một cơ sở dữ liệu duy nhất. Mục tiêu cuối cùng là một mạng lưới tình báo y tế toàn cầu, nơi các nhà khoa học có thể tập hợp, phân tích, chia sẻ dữ liệu để cung cấp thông tin cần thiết cho việc xét nghiệm chẩn đoán, chỉ định thuốc điều trị, vắc-xin cũng như đưa ra quyết định về khu vực sẽ được tăng cường vắc-xin để kiểm soát các đợt bùng phát.

COVID-19 vẫn chưa phải đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, một năm rưỡi qua đã cho thấy, toàn cầu hóa, hiện đại hóa đã khiến nhân loại dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn. Do đó, để duy trì sự sống của chúng ta, cần có những thay đổi sâu sắc trong cách chúng ta tương tác với thế giới tự nhiên, cách chúng ta tư duy về việc phòng ngừa, ứng phó với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Điều này cũng đòi hỏi các nhà lãnh đạo cần tư duy theo hướng toàn cầu hóa. Lợi ích cá biệt và chủ nghĩa dân tộc không có tác dụng gì đối với một căn bệnh truyền nhiễm có thể gây chết người, di chuyển với tốc độ của máy bay phản lực và lây lan theo cấp số nhân. Trong một đại dịch như vậy, các nước cần tăng cường sự hợp tác, chia sẻ về mọi mặt.

Nhiều nơi trên hành tinh của chúng ta vẫn đang thương tiếc cho những mất mát mà đại dịch gây ra. Ít nhất đã có hơn 4 triệu người tử vong vì COVID-19. Rất nhiều người khác đang phải chịu đựng những ảnh hưởng lâu dài từ căn bệnh này. Đại dịch đã gây thiệt hại ước tính khoảng 20 nghìn tỷ đô-la Mỹ. Ở một số nơi, người dân đang sẵn sàng cho hồi kết của cơn ác mộng này, nhưng ở hầu hết những nơi khác vẫn chưa được như vậy. Sự chênh lệch quá lớn đã dẫn tới việc như đang tồn tại hai thế giới, trong đó, một số quốc gia đang tạm được nghỉ ngơi trong dịch bệnh trong khi nhiều quốc gia khác vẫn đang trong tình trạng “dầu sôi lửa bỏng”.

Rất nổi tiếng và cũng gây nhiều tranh cãi, nhà tâm thần học Elisabeth Kubler-Ross đã chỉ ra 5 giai đoạn đau buồn mà con người phải trải qua khi học cách sống với những gì đã mất là: phủ nhận, giận dữ, mặc cả, trầm cảm và chấp nhận. Hầu như ai cũng từng trải qua ít nhất một trong những giai đoạn này trong thời đại dịch; mặc dù về nhiều mặt, thế giới vẫn đang kẹt trong giai đoạn đầu là phủ nhận, không chấp nhận rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc. Trong 5 giai đoạn này, nhà đạo đức sinh học David Kessler đã bổ sung thêm một giai đoạn quan trọng khác là: tìm kiếm ý nghĩa. Từ sự tàn phá của COVID-19, thế giới phải cùng nhau xây dựng một hệ thống kiên cường để kiềm chế đại dịch này và ngăn chặn đại dịch tiếp theo. Và đó cũng có thể chính là thử thách có ý nghĩa lớn nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất