Cạm bẫy đối với lao động bất hợp pháp
Khát vọng đổi thay cuộc sống là ước mơ của biết bao người dân quê đã và đang thiếu việc làm trong những năm gần đây. Ở hầu hết các vùng nông thôn và ngay cả thành phố, người dân đang chịu một áp lực lớn về thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp. Chính vì vậy, nhu cầu xuất khẩu lao động ngày càng tăng cao. Từ chủ trương đưa người Việt đi lao động tại các nước có nhu cầu, nhiều công ty môi giới xuất khẩu lao động đi các nước như Li-bi, Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... được mọc lên để đáp ứng nhu cầu "xuất ngoại" của người dân ở khắp các vùng trong cả nước
Những năm gần đây, mặc dù người Việt xuất khẩu lao động sang Nhật phải đối diện với rất nhiều áp lực, nhưng không thể phủ nhận rằng các công ty, xí nghiệp Nhật Bản trả lương rất sòng phẳng. Luật Lao động ở Nhật cũng khá rõ ràng, mỗi giờ làm thêm lương bằng 130% giờ làm bình thường, làm đêm và các ngày nghỉ, lễ tết có nhiều sự thay đổi, lên tới 200%. Do vậy, dù khó khăn, khắc nghiệt nhưng thị trường này luôn hấp dẫn lao động nước khác, đặc biệt là Việt Nam. Nhưng điều đặc biệt là, những quyền lợi trên chỉ dành cho lao động hợp pháp, trường hợp lao động “chui” sẽ không được đảm bảo bất cứ một quyền lợi nào. Không những thế, lao động bất hợp pháp sẽ rất dễ gặp phải những nguy hiểm khôn lường, bị bóc lột sức lực, không có cơ sở được bảo vệ quyền lợi. Cũng từ những sự khó khăn đó, tình hình phạm tội của người Việt Nam tại Nhật Bản đang ngày càng gia tăng về số lượng và tính chất nghiêm trọng. Đặc biệt, những loại tội phạm như: ăn cắp có tổ chức, cư trú bất hợp pháp, sử dụng giấy tờ giả mạo, bắt cóc, tống tiền, ma túy, cờ bạc,.. đang ngày càng nổi cộm trong cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Theo số liệu của Bộ Tư pháp và Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, tính đến tháng 6-2017, có 232.562 người Việt Nam đang học tập, sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Sự gia tăng nhanh chóng của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản kéo theo tình trạng số người Việt Nam phạm tội gần đây ngày càng tăng. Số vụ vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam là 3.177 vụ (trong 6 tháng đầu năm 2017); số người Việt Nam bị bắt giữ do phạm tội tại Nhật Bản là 1.220 người trên tổng số 5.193 người nước ngoài bị bắt giữ, đứng thứ hai sau Trung Quốc (tính đến ngày 1-7-2017). Tội phạm chủ yếu liên quan đến trộm cắp, vi phạm luật cư trú, cướp tài sản, gây rối trật tự công cộng. Trong khi đó, theo số liệu của Đại sứ quán Nhật Bản và các cơ quan chức năng Việt Nam, tính đến ngày 1-10-2017, tại Việt Nam có 17.266 người Nhật Bản đang sinh sống và làm việc; 3 phạm nhân quốc tịch Nhật Bản, phạm các tội liên quan đến buôn lậu và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Những điều cần lưu ý
Với mục đích nhân đạo và để thực hiện các cam kết quốc tế nhằm tăng cường cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác phòng, chống tội phạm, thực thi pháp luật giữa hai nước nói chung và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nói riêng, được sự cho phép của Chủ tịch nước và sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiến hành các thủ tục đàm phán, ký, phê chuẩn Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản (trải qua 2 vòng đàm phán, Hiệp định được ký ngày 1-7-2019 và chính thức có hiệu lực ngày 19-8-2020). Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản bao gồm 17 điều. Việc ký kết Hiệp định sẽ góp phần củng cố hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á đi vào thực chất, đặc biệt trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao thông qua việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu quả áp dụng và hợp tác giữa các cơ quan tư pháp của hai nước trong chuyển giao người bị kết án phạt tù, vừa cụ thể hóa chính sách nhân đạo, trách nhiệm của hai nhà nước trong bảo hộ công dân nước mình; qua đó, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại mỗi nước.
Trong triển khai hiệu quả Hiệp định, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Công an, Tòa án, Viện kiểm sát…) cần chú ý một số vấn đề sau:
Một là, việc triển khai thực hiện Hiệp định vừa phải căn cứ vào các quy định của Hiệp định, vừa phải căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động chuyển giao người bị kết án phạt tù như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Luật Thi án hình sự năm 2019, Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC ngày 22-2-2013 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành án phạt tù, Thông tư số 43/2019/TT-BCA ngày 1-10-2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về các loại mẫu giấy tờ trong công tác dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù thuộc thẩm quyền của Công an nhân dân;... đồng thời, trong từng trường hợp cụ thể cũng cần tính đến nguyên tắc hợp tác “có đi có lại” theo pháp luật quốc tế và quan hệ đặc thù Việt Nam - Nhật Bản.
Hai là, theo quy định của Hiệp định và pháp luật Việt Nam, Bộ Công an là Cơ quan Trung ương của Việt Nam thực hiện Hiệp định trong đó giao Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp thực hiện chức năng cơ quan đầu mối của Bộ Công an về công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và dẫn độ và phía Nhật Bản là Bộ Ngoại giao, trừ trường hợp khẩn cấp và các trường hợp đặc biệt có thể liên hệ với Bộ Tư pháp (Điều 4).
Ba là, các cơ sở giam giữ cần tuyên truyền, phổ biến đến công dân Nhật Bản đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam về quyền được chuyển giao về Nhật Bản để tiếp tục chấp hành án phạt tù theo quy định của Hiệp định. Cùng với đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cần phối hợp với cơ quan chức năng Nhật Bản nắm bắt số lượng, tâm tư, nguyện vọng của công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù tại Nhật Bản cũng như tuyên truyền, phổ biến quyền được chuyển giao về Việt Nam để tiếp tục chấp hành án và hỗ trợ những phạm nhân có nguyện vọng.
Bốn là, Hiệp định này có tính chất nhân đạo. Vì vậy, cần quan triệt điều kiện của việc chuyển giao người bị kết án là phải có sự đồng ý của người bị kết án. Trong trường hợp người bị kết án phạt tù không đủ năng lực đồng ý theo pháp luật của bên chuyển giao thì phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp của người đó (luật sư, người giám hộ…). Trong trường hợp cần thiết, các bên có thể cử cán bộ, sỹ quan liên lạc hoặc đề nghị Đại sứ quán của mình tại nước kia cử cán bộ xác minh sự đồng ý của người bị kết án.
Năm là, yêu cầu chuyển giao chỉ được xem xét khi người bị kết án phạt tù còn phải chấp hành ít nhất một năm của hình phạt tù vào thời điểm nhận được yêu cầu chuyển giao. Trong trường hợp đặc biệt, điều kiện này có thể được miễn theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp đặc biệt ở đây do các bên quyết định, bao gồm việc người bị bệnh hiểm nghèo muốn về điều trị hoặc chết tại quê hương, để đáp ứng yêu cầu đối ngoại… Quy định này nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của người bị kết án.
Sáu là, một trong những điều kiện tiên quyết của việc chuyển giao người bị kết án là bản án đã có hiệu lực pháp luật và không còn bất kỳ thủ tục tố tụng nào đối với người đang chờ được tiến hành trên lãnh thổ của bên chuyển giao. Điều này được hiểu, bản án đã có quyết định thi hành và đã thông qua thủ tục phúc thẩm trên cơ sở kháng cáo, kháng nghị (nếu có).
Bảy là, ngoài quy định của pháp luật, việc chuyển giao người bị kết án phạt tù cần được xem xét trên các phương diện an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, yếu tố nhân đạo, khả năng tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, sức khỏe cộng đồng và thiện chí hợp tác giữa cơ quan có thẩm quyền hai nước.
Tám là, theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, trình tự, thủ tục xem xét và thực hiện yêu cầu chuyển giao người bị kết án phạt tù được thực hiện chủ yếu bởi 3 bộ, ngành: Công an, Tòa án, Kiểm sát; trong đó, Bộ Công an là cơ quan đầu mối tiếp nhận, lập hồ sơ, xem xét hồ sơ bước đầu, chuyển hồ sơ cho Tòa án giải quyết theo thẩm quyền; thực hiện việc tiếp nhận, chuyển giao người bị kết án theo quyết định của Tòa án; Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp tham gia phiên họp, thực hiện việc giám sát thi hành pháp luật theo thẩm quyền.
Chín là, hàng năm Bộ Công an Việt Nam và Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp Nhật Bản cần tiến hành tổng kết các kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hiệp định; qua đó, rút kinh nghiệm và thống nhất giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn này nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Hiệp định. Trong những trường hợp phức tạp, các bên cần tham vấn lẫn nhau.
Mười là, sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng trong công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy chế phối hợp giữa Công an đơn vị, địa phương trong tổ chức tiếp nhận, bàn giao người đang chấp hành án phạt tù.
Việc ký Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản thể hiện thiện chí và trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ, hợp tác đang ngày càng phát triển giữa hai nước, đồng thời thể hiện sự quan tâm, chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và ở Nhật Bản nói riêng.
Theo số liệu của Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản, tính đến cuối tháng 10-2020, tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản là hơn 1,72 triệu người, tăng khoảng 65.000 người (tức 4%) so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này ít hơn nhiều so với mức tăng 13,6% trong năm 2019. Đáng chú ý, số lượng lao động Việt Nam lần đầu tiên ở mức cao nhất khoảng 444.000 người. |
ThS. Nguyễn Cảnh Hạnh