Giáo dục quyền con người trong kỷ nguyên 4.0
Giáo dục về quyền con người là lĩnh vực chịu sự tác động lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác động của khoa học - công nghệ đến bảo đảm quyền con người

Sự phát triển mạnh mẽ của in-tơ-nét giúp mọi người có thể dễ dàng tìm kiếm kho dữ liệu thông tin khổng lồ. Theo đó, thông tin về các vi phạm quyền con người cũng được chia sẻ nhanh chóng hơn, nhờ đó các chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các bên chịu trách nhiệm thực thi quyền con người có thể tiếp nhận và kịp thời đưa ra giải pháp xử lý.

Các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ liên quan đến y tế, giáo dục giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ và cải thiện các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội, thông qua đó nâng cao khả năng hưởng thụ quyền sức khỏe, giáo dục, quyền về lương thực, quyền vui chơi giải trí, quyền được hưởng lợi từ sự phát triển của khoa học - công nghệ.

Công nghệ số, truyền thông và mạng xã hội đang trở thành một kênh quan trọng để người dân thực hiện quyền tự do biểu đạt và tự do ngôn luận. Sự phát triển của công nghệ gen cũng giúp cho việc điều tra tội phạm dễ dàng hơn, đặc biệt là các loại tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em...

Bên cạnh đó, những ứng dụng mới của cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra hàng loạt thách thức mới đối với việc thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên nhiều lĩnh vực. Sự phát triển và phổ biến của in-tơ-nét cũng như các nền tảng truyền thông xã hội đặt ra thách thức mới về tình trạng bạo lực trực tuyến, kích động mang tính gây hấn, kỳ thị và vấn nạn tin giả. Sự dễ dàng tiếp cận thông tin, dữ liệu cá nhân thậm chí đã dẫn tới sự xâm phạm các quyền dân chủ trong hệ thống chính trị, như việc dùng các ứng dụng công nghệ để can thiệp vào cuộc bầu cử ở một số quốc gia.

Sự phát triển của thuật toán và trí tuệ nhân tạo trong nhiều trường hợp đã vượt khỏi năng lực bảo vệ quyền của hệ thống pháp luật, như quyền riêng tư trên mạng, quyền bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân. Chẳng hạn, việc phổ biến và lan tỏa thông tin nhanh chóng trên mạng xã hội có thể dẫn đến sự xâm hại quyền tự do thông tin riêng tư bởi khi đã được chia sẻ thì rất khó đính chính hoặc xóa bỏ. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã buộc phải thông qua luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh phát triển của công nghệ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân. Trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng như là công cụ để điều trị bệnh tật, nhưng cũng làm gia tăng sự cách biệt và bất bình đẳng trong xã hội.

Cuộc CMCN 4.0 đặc biệt tác động đến các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi. Đây là các nhóm cần sự hỗ trợ đặc biệt trong việc tiếp cận và thực thi quyền con người. Sự ra đời của công nghệ số với các nền tảng trực tuyến có thể góp phần thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc hỗ trợ phụ nữ tiếp cận thông tin, giáo dục và kết nối với các cơ hội phát triển, nhưng cũng làm tăng nguy cơ bị tấn công, quấy rối, bạo lực tình dục qua mạng. Công nghệ mới có thể cung cấp cơ hội học tập và thông tin cho trẻ em, đồng thời cũng làm phát sinh nhiều rủi ro mới cho quyền trẻ em, bao gồm sự gia tăng tình trạng nô lệ hiện đại, bóc lột lao động trẻ em, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em qua mạng, buôn bán trẻ em và nhiều vi phạm khác về quyền riêng tư của trẻ em.

Sự thay đổi của phương pháp giáo dục

Xu thế cách mạng công nghệ hiện nay đòi hỏi tính chủ động, tích cực của người học. Giáo viên đóng vai trò người hướng dẫn, định hướng thay vì truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống. Giáo viên chỉ là người định hướng về chất lượng và ý nghĩa của nguồn thông tin, hướng cho người học tự tìm đến những cách hiểu mới. Hiện nay, nhiều phương pháp giáo dục mới đã được đưa vào sử dụng theo hướng phát huy tính tích cực của người học, hoạt động nhóm... Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng con người với những kỹ năng, tư duy đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

Thời gian qua, giáo dục nói chung và giáo dục quyền con người ở nước ta đã có những đổi mới căn bản. Hoạt động giáo dục quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức về giá trị của hoạt động này trong việc hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Việc thực hiện Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5-9-2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” từ bậc mầm non đến đại học đã bước đầu thu được kết quả. Đề án đã triển khai được một số hoạt động quan trọng như: Khảo sát, đánh giá thực trạng giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân; Tổ chức các lớp tập huấn đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, giảng viên ở một số tỉnh, thành phố; Xây dựng một số tài liệu tham khảo, chuyên khảo về quyền con người; tài liệu nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người ở các cấp học phổ thông…

Các nguyên tắc, chuẩn mực quyền con người đã dần dần được đưa vào chương trình giáo dục từ tiểu học, trung học đến đại học, sau đại học. Ở bậc phổ thông, quyền con người đã được lồng ghép vào nội dung một số môn học như đạo đức, giáo dục công dân, ngữ văn. Trong các chương trình đào tạo đại học, quyền con người đã được tích hợp, lồng ghép vào một số môn học như Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Công pháp quốc tế...

Tuy nhiên, cũng có những khó khăn và thách thức không nhỏ đặt ra trong công tác giáo dục - đào tạo. Với xu thế ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 tạo ra sự chênh lệch về trình độ phát triển khoa học - công nghệ, sự cạnh tranh gay gắt về tiềm lực khoa học - công nghệ gây ra sự thua thiệt nếu chúng ta không chuyển đổi các mô hình đào tạo bắt kịp với thế giới.

Phương pháp phải đi cùng với tiềm lực cơ sở vật chất kĩ thuật, trong khi đó việc đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ bị hạn chế khiến cho việc truyền đạt chưa sát thực tế, tính kết nối trực tuyến trao đổi các phương pháp các chuyên gia trên thế giới còn hạn chế. Để có được tiềm lực xây dựng phương pháp đào tạo khoa học trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn đòi hỏi nguồn lực giảng viên phải tự nghiên cứu học hỏi để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nghề nghiệp. Nguồn lực này phải được đào tạo từ môi trường sư phạm có tích hợp công nghệ thì mới thay đổi các phương pháp giáo dục có tích hợp khoa học - công nghệ để nâng cao hoạt động thực hành, hoạt động nhóm, phát triển được tư duy người học ở cấp độ cao hơn, có năng lực ứng dụng kiến thức và kĩ năng phân tích các vấn đề thách thức trong xã hội và khả năng sáng tạo ý tưởng, đưa ra các giải pháp mới.

Giáo dục quyền con người trong bối cảnh mới

Giáo dục quyền con người là quá trình thông tin, giáo dục, đào tạo thông qua nhiều hoạt động: giảng dạy, tập huấn, tuyên truyền phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm… nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, góp phần ngăn ngừa vi phạm, lạm dụng quyền, nâng cao quyền năng cho mọi người để góp phần xây dựng nên một nền văn hoá nhân quyền.

Việc nhận diện đầy đủ các yếu tố tác động đến giáo dục quyền con người góp phần quan trọng thúc đẩy việc tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mọi công dân. Do vậy cần có cách tiếp cận, phạm vi, mức độ, phương pháp và hình thức giáo dục về quyền con người một cách phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Thứ nhất, biên soạn giáo trình, sách và tài liệu giáo dục cho từng nhóm đối tượng. Hiện nay, chúng ta chưa có giáo trình chung, thống nhất; chưa có đầy đủ tài liệu cho việc giáo dục quyền con người, quyền công dân theo từng nhóm đối tượng. Vì thế, rất cần phải xây dựng các tài liệu giáo dục quyền con người, quyền công dân cho từng nhóm chủ thể, đối tượng giáo dục cụ thể.

Thứ hai, xây dựng phương pháp dạy học mới trong giáo dục môn học quyền con người với việc ứng dụng thành tựu công nghệ 4.0, tránh phương pháp dạy truyền thụ kiến thức một chiều, thiên nhiều về lý thuyết, tạo tâm lý nhàm chán cho người học, truyền tải nội dung giáo dục một cách sinh động, phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng ngay vào thực tiễn cuộc sống. Chú trọng cung cấp phương pháp luận nhận thức, giới thiệu các quan điểm khác nhau về nhân quyền trong lịch sử và đương đại; các chuẩn mực nhân quyền quốc tế trong sự đối chiếu, so sánh rất cụ thể với các quy định pháp luật của Nhà nước ta. Trên cơ sở đó, giúp sinh viên nắm được những điểm tiến bộ, sự phù hợp của pháp luật Việt Nam về quyền con người với pháp luật quốc tế.

Thứ ba, đào tạo đội ngũ cốt cán, giáo viên chuyên trách. Đây là điều kiện bắt buộc để có thể đưa nội dung giáo dục về quyền con người vào giảng dạy chính thức trong hệ thống giáo dục. Giáo dục về quyền con người có mối quan hệ mật thiết với giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật, do đó, về chiến lược có thể đào tạo đội ngũ giáo viên chuyên trách từ nguồn sinh viên tốt nghiệp các trường luật, chính trị.

Thứ tư, cần triển khai các hoạt động giáo dục quyền con người cả trong hệ thống giáo dục quốc dân, chính quy và phi chính quy. Trong đó, tổ chức nhiều chương trình giáo dục quyền con người cho các nhóm đối tượng khác nhau theo Chương trình thế giới về giáo dục quyền con người (World Programme for Human Rights Education) của LHQ: công chức, cán bộ thực thi pháp luật, sỹ quan quân đội, nhà báo, người làm truyền thông, thanh niên.

Thứ năm, tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, thông tin về giáo dục quyền con người, quyền công dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhà nước cần có chính sách đầu tư nguồn lực, kỹ thuật thích hợp cho các cơ quan truyền thông báo chí và các cơ quan truyền thông báo chí coi hoạt động tuyên truyền, giáo dục quyền con người là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, từ đó xây dựng các chuyên mục, chương trình thường xuyên, liên tục và rộng khắp cho hoạt động này.

Thứ sáu, bảo đảm các điều kiện kinh phí, vật chất phục vụ hoạt động giáo dục quyền con người, quyền công dân trong thời gian tới. Hằng năm, Nhà nước cần có kế hoạch phân bổ một khoản kinh phí thích ứng cho hoạt động tuyên truyền giáo dục, hội thảo khoa học về quyền con người.

Giáo dục quyền con người ở Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ; đối với sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; là cơ sở để mọi người dân hình thành nhận thức đúng đắn về quyền con người, củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước; chống lại những hoạt động lợi dụng chiêu bài "nhân quyền" của một số nước phương Tây và các thế lực phản động, thù địch chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Nhận diện đầy đủ các yếu tố tác động đến giáo dục quyền con người để có định hướng, quan điểm chỉ đạo trong việc xây dựng và thực hiện một chiến lược tổng thể về giáo dục quyền con người ở Việt Nam hiện nay, sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy việc tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mọi công dân. Do vậy cần có cách tiếp cận, phạm vi, mức độ, phương pháp và hình thức giáo dục về quyền con người một cách phù hợp trong bối cảnh hiện nay. 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất