Hơn một nửa dân số thế giới không được bảo trợ xã hội
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân tại Cô-lôm-bô. Sri Lanka (Ảnh: TTXVN).

Báo cáo của ILO cho thấy, trong năm 2020, chỉ có 46,9% dân số thế giới được nhận ít nhất 1 chế độ bảo trợ xã hội.

Châu Âu và Trung Á là những khu vực có tỷ lệ bao phủ bảo trợ xã hội cao nhất, với 84% dân số được hưởng ít nhất một hình thức bảo trợ xã hội. Tiếp đó là châu Mỹ, với mức bao phủ bảo trợ xã hội 64,3%. Khoảng 44% số người dân sống ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 40% số người dân ở các quốc gia Ả rập được hưởng ít nhất một chế độ bảo trợ xã hội, trong khi tỷ lệ này ở châu Phi chỉ là 17,4%.

Nhìn chung, các quốc gia chi trung bình 12,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho công tác bảo trợ xã hội, không bao gồm khoản chăm sóc y tế. Có sự chênh lệch khá lớn giữa các nước, trong khi các quốc gia giàu có chi ra 16,4% GDP cho công tác bảo trợ xã hội, thì mức chi này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 1,1% GDP. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 có thể dễ dàng làm trầm trọng thêm sự chênh lệch này

Báo cáo của ILO chỉ ra rằng, nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các biện pháp đảm bảo thu nhập trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đã khiến chi phí nhằm đảm bảo những dịch vụ bảo trợ xã hội cơ bản vượt trần đối với những nền kinh tế bị khủng hoảng.

Để đảm bảo ít nhất một mức an sinh xã hội cơ bản, các quốc gia có mức thu nhập trên mức trung bình cần đầu tư thêm 750,8 tỷ đô-la Mỹ/năm - tương đương 3,1% GDP của những nước này. Trong khi đó, các nước thu nhập thấp sẽ cần đầu tư thêm 77,9 tỷ đô-la Mỹ/năm - tương đương 15,9% GDP.

Bảo trợ xã hội bao gồm tiếp cận chăm sóc sức khỏe và đảm bảo thu nhập, các biện pháp hỗ trợ đặc biệt cho tuổi già, thất nghiệp, ốm đau, tàn tật, gặp tai nạn lao động, thai sản hoặc mất đi người trụ cột chính trong gia đình, cũng như hỗ trợ bổ sung cho các gia đình có con nhỏ.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất