|
Sự phát triển của khoa học, công nghệ ít nhiều tác động trực tiếp đến việc bảo đảm quyền việc làm của người lao động ở Việt Nam. Ảnh minh họa.
|
Nhiều văn bản pháp luật được ban hành
Trước những tác động sâu rộng của khoa học, công nghệ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, Đảng đã đưa ra dự báo tầm nhìn và định hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Trong Báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030), Đảng đã xác định chiến lược “phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, kích cầu đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm”.
Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đề ra nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng cho chuyển đổi số như: xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động phát triển, thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số ở Việt Nam; quy định rõ phạm vi không gian và thời gian, để khuyến khích đổi mới, sáng tạo; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trên công nghệ số, in-tơ-nét và không gian mạng; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về công nghệ thông tin và truyền thông (Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông...) tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số; sửa đổi pháp luật dân sự, hình sự và luật chuyên ngành theo hướng tăng nặng hình phạt các hành vi lừa đảo, gian lận, khai thác trái phép thông tin khi giao dịch trên không gian mạng.
Quyết định số 749/QĐ-TTg góp phần củng cố các quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam, khỏa lấp khoảng trống pháp lý về việc bảo vệ quyền riêng tư. Trong các quan hệ dân sự, lao động, trong những năm qua, các nhà làm luật Việt Nam đã bước đầu dự liệu những thay đổi về hình thức giao dịch thông qua phương tiện dữ liệu điện tử: “Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản” (Khoản 1, Điều 119, Bộ luật Dân sự 2015); hay hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử cũng có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản (Điều 16, Bộ luật Lao động 2019). Những thay đổi này nhằm ghi nhận cách thức mà các chủ thể có thể giao dịch, phát sinh các quan hệ pháp luật với nhau, phù hợp với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, giúp cho công tác nhân sự tại các doanh nghiệp nhanh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trước sự bùng nổ của việc tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30-3-2021, trong đó, một mặt phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục, mặt khác góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục hiện đại, tạo điều kiện để người học được học ở mọi nơi, mọi lúc.
Trong hoạt động tố tụng, hệ thống pháp luật Việt Nam bước đầu đã có những quy định liên quan đến việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số như: Điều 94, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 99, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 coi dữ liệu điện tử là một trong những nguồn của chứng cứ. Hay liên quan đến việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đã có quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP do Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp ban hành.
Dù vậy, hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn còn khá nhiều khoảng trống trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan đến tác động của khoa học, công nghệ và nhân quyền. Ví dụ, Bộ luật Lao động và Luật Việc làm hiện hành chưa có quy định đề cập đến việc sử dụng rô-bốt thông minh thay thế người lao động làm các công việc giản đơn. Xét ở góc độ lợi nhuận kinh tế, người sử dụng lao động sẽ lựa chọn cách thức ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, rô-bốt thông minh trong các hoạt động có tính chất dây chuyền thay thế lao động giản đơn, tiết kiệm chi phí đầu vào của quá trình sản xuất. Điều này vô hình chung có thể làm gia tăng thất nghiệp, gián tiếp ảnh hưởng đến chính sách việc làm của Nhà nước.
Một ví dụ khác là trong các quan hệ xã hội mà đối tượng của giao dịch là các loại tài sản ảo như tiền mã hóa, bitcoin, pincoi... ở Việt Nam hiện nay chưa được điều chỉnh bởi một khung pháp luật thống nhất, đồng bộ. Tính đến tháng 8-2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo, theo đó tháng 12-2020, Bộ Tư pháp hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng khung pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có khung pháp lý thực sự đầy đủ, hoàn thiện để quản lý, xử lý tranh chấp liên quan đến loại tài sản ảo này. Điều đó có thể tạo rủi ro về quyền tài sản cho những người tham gia các giao dịch dân sự về tiền ảo.
Bảo đảm quyền con người trước tác động tiêu cực của khoa học, công nghệ
Việt Nam đã nhận thức được tác động hai chiều của khoa học, công nghệ với con người nói chung, với quyền con người nói riêng và đã sớm ban hành các văn bản chính sách, pháp luật để điều chỉnh.
Nhận thức về mức độ nguy hại tiềm ẩn của sinh vật biến đổi gen, năm 2008, Việt Nam đã ban hành Luật Đa dạng sinh học, dành toàn bộ Mục 3 (từ Điều 65 đến Điều 68) của Chương 5 để quy định về Quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học. Việc thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ phải bảo đảm một số nguyên tắc nhất định, trong đó có nguyên tắc “bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ môi trường”. Những hành vi lợi dụng khoa học - công nghệ, bao gồm công nghệ sinh học nhằm xâm phạm đến các quyền con người đều bị nghiêm cấm, gồm có các hành vi lợi dụng hoạt động khoa học và công nghệ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người; trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả khoa học và công nghệ.
Việc sử dụng thực phẩm biến đổi gen cần tuân thủ những điều kiện chung về an toàn thực phẩm như đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ đồng thời quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người và những quy định của Chính phủ về bảo đảm an toàn đối với sức khỏe con người và môi trường. Bên cạnh đó, đối với một số thực phẩm biến đổi gen phải ghi cụm từ “thực phẩm biến đổi gen” trên nhãn sản phẩm. Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định cụ thể về ghi nhãn thực phẩm, thời hạn sử dụng thực phẩm; thực phẩm biến đổi gen phải ghi nhãn, mức tỷ lệ thành phần thực phẩm có gen biến đổi phải ghi nhãn.
Nhằm thực hiện Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học mà Việt Nam là quốc gia thành viên từ 2004, ngoài Luật Đa dạng sinh học 2008, Việt Nam đã ban hành Nghị định số 69/2010/NĐ-CP của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi, Nghị định số 118/2020/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2010/NĐ-CP về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen, bổ sung, sửa đổi thêm một số khái niệm, quy định nhằm phù hợp hơn với bối cảnh mới, bao gồm khái niệm “sự kiện chuyển gen”, “sinh vật biến đổi gen”...
Sự phát triển của công nghệ thông tin đã tác động mạnh mẽ đến quyền giáo dục, trong đó đặc biệt liên quan đến vấn đề dạy học trực tuyến và tiếp cận các tài nguyên giáo dục trên in-tơ-nét. Chính phủ Việt Nam đã thông qua Chương trình chuyển đổi số quốc gia; ban hành các quyết định khác có liên quan tới việc ứng dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở hay học liệu mở, trong đó, đặc biệt quan trọng là: Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25-1-2022 đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo “Phát triển các kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung toàn ngành giáo dục” và Quyết định số 411 QĐ-TTg ngày 31-3-2022 đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì và phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội “Xây dựng mạng lưới thư viện điện tử, các nền tảng tài nguyên giáo dục mở, thí điểm xây dựng và triển khai chương trình sách giáo khoa mở”.
Quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân là một cấu phần của quyền riêng tư, được bảo vệ cả trong luật nhân quyền quốc tế và Hiến pháp Việt Nam. Hiện quyền về dữ liệu cá nhân chưa được điều chỉnh bởi một văn bản pháp luật thống nhất, song đã được bảo vệ bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ in-tơ-nét và thông tin trên mạng...
Trong nỗ lực tăng cường khung pháp lý về quyền về dữ liệu cá nhân, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, đưa ra định nghĩa thông tin cá nhân, các nguyên tắc bảo vệ quyền về sự riêng tư dữ liệu, quy định về thu thập, sử dụng, sửa đổi, xóa thông tin cá nhân cùng với trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo vệ dữ liệu riêng tư.
Luật An ninh mạng năm 2018 lần đầu tiên yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải thông báo trực tiếp cho người dùng nếu dữ liệu của họ bị vi phạm, bị hư hỏng hoặc bị mất. Quy định này tương đồng với các yêu cầu đặt ra trong GDPR của Liên minh châu Âu.
Quyền được lãng quên trên không gian mạng, mặc dù chưa được ghi nhận một cách cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam, song đã được đề cập trong dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Có thể khẳng định, hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về vấn đề này ở Việt Nam đã đề cập một cách khá toàn diện đến sự tác động, cả tích cực và tiêu cực của khoa học, công nghệ đến quyền con người. Dù vậy, tương tự như nhiều quốc gia khác, khuôn khổ pháp luật của Việt Nam về vấn đề này vẫn còn nhiều khoảng trống, đòi hỏi cần tiếp tục củng cố, bổ sung trong thời gian tới.
PGS, TS. Vũ Công Giao
ThS. Đoàn Văn Nhật