Vừa qua, tại Thụy Sĩ, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hiệp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ đã có phát biểu tại Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 111, đề cao chính sách và thành tựu đáng khích lệ của Việt Nam về tăng cường hệ thống an sinh xã hội nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển bao trùm hậu COVID-19.
|
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai. Ảnh tư liệu: TTXVN.
|
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao Báo cáo của Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ông Gilbert F. Houngbo về “Thúc đẩy công bằng xã hội” cũng như các nỗ lực và sáng kiến của ông thúc đẩy việc làm và an sinh xã hội hướng tới việc làm thỏa đáng và chuyển đổi công bằng nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình Nghị sự đến năm 2030 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc và theo đuổi sứ mệnh của ILO về thúc đẩy công bằng xã hội, việc làm thỏa đáng cho mọi người.
Bên cạnh đó, Đại sứ nêu bật những thành tựu quan trọng của Việt Nam về bảo đảm an sinh xã hội thời kỳ hậu COVID-19 như tạo công ăn việc làm, giảm đáng kể số người thiếu việc làm, đặc biệt tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với cuối năm 2022.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng tái khẳng định cam kết của Việt Nam đối với những giá trị chung phổ quát của ILO và tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách và pháp luật có liên quan, chung tay cùng với các quốc gia thành viên khác của ILO để đáp ứng những thách thức của tương lai việc làm, thúc đẩy công bằng xã hội.
Trước đó, Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 111 đã khai mạc với sự tham dự của đại diện ba bên gồm các Chính phủ, giới chủ và giới thợ của 187 nước thành viên. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Hội nghị Lao động quốc tế được tổ chức trở lại hoàn toàn theo hình thức trực tiếp.
Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 111 tập trung thảo luận các nội dung như thiết lập tiêu chuẩn về học nghề chất lượng; xây dựng mục tiêu chiến lược cho bảo trợ xã hội (bảo trợ lao động); chuyển đổi công bằng hướng tới nền kinh tế - xã hội bền vững về môi trường cho tất cả mọi người, bao gồm xem xét các chính sách và công nghệ công nghiệp; xem xét sửa đổi 15 văn kiện quốc tế về lao động sau khi ILO đưa môi trường làm việc an toàn và lành mạnh vào khuôn khổ các nguyên tắc cơ bản và quyền tại nơi làm việc; đảm bảo công bằng giữa nam và nữ tại nơi làm việc.
Nguồn: TTXVN