Cảm ơn bài viết "Để góp ý kiến được tốt hơn"
Hằng tháng, tôi cũng giống như bất kỳ độc giả nào của Tạp chí Xây dựng Đảng cũng mong đến ngày Tạp chí phát hành. Cầm quyển Tạp chí trên tay, tôi đều mở xem hết một lượt tất cả những nội dung. Với Tạp chí sô tháng 8, tôi dừng lại, đọc đến 3 lần bài viết “ĐỂ GÓP Ý KIẾN ĐƯỢC TỐT HƠN” cuả tác giả TRUNG HIẾU đăng trong mục SINH HOẠT ĐẢNG.

Lời đầu tiên, tôi cám ơn tác giả bài viết, tiếp đến là cám ơn Tạp chí đã đăng bài viết này. Nội dung bài viết có lẽ không mới, không lạ, đó là vấn đề rất cũ, rất quen khi nhắc đến một hạn chế chung nhất của rất nhiều tổ chức cơ sở đảng khi tiến hành tự phê bình, đóng góp ý kiến, đặc biệt là đối với cấp lãnh đạo. Tâm lý chung nhất là nể nang, né tránh, không nói đúng, nói thật... Và chính điều đó đã làm cho những biểu hiện tiêu cực trong Đảng cứ tồn tại dai dẳng.

Nhớ lại, sau Lễ Độc lập, ngày 3 tháng 9 năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó Người đề nghị “mở phong trào giáo dục cần, kiệm, liêm, chính” nhằm rèn luyện một đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sau đó, đã có rất nhiều bài nói, bài viết của Bác đề cập đến vấn đề đạo đức lối sống của người cán bộ, đảng viên. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Bác căn dặn Đảng phải thực hiên tự phê bình và phê bình nhằm củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Đó là những cách giúp đảng viên rèn luyện để xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp, của dân tộc. Thế nhưng, những biểu hiện tiêu cực vẫn còn và xảy ra ngày càng nghiêm trọng trong Đảng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X năm 2006 như một hồi chuông báo động: “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn diễn ra nghiêm trọng...” . 5 năm sau, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng nhận định: “... tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức lối sống... chưa được ngăn chặn”.

Trước tình hình đó, ngày 16-1-2012, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Nghị quyết chú trọng nhất là các tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở và mỗi đảng viên, cấp ủy viên phải dũng cảm tự soi xét lại mình, đơn vị mình, tìm ra được những ưu điểm để phát huy, những sai lầm, yếu kém, khuyết điểm để có kế hoạch, biện pháp sửa chữa. Như vậy, trọng tâm của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vấn đề về tự phê bình và phê bình.

Khi nói đến vấn đề tự phê bình và phê bình, thì có người lại thầm nghĩ: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, như vậy để tự phê bình và phê bình sao cho thực chất, có hiệu quả, không qua loa, đại khái, tránh được hiện tượng nể nang, né tránh,... thì cách làm khi tiến hành hoạt động này phải như thế nào, để không dung dưỡng cho những tiêu cực tồn tại làm ảnh hưởng đến Đảng?

Trong bài viết của tác giả TRUNG HIẾU đã đề cập đến cách làm sao cho nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất. Với tôi, cách làm đúng đắn là cần, nhưng nó sẽ chưa đủ khi bản thân những đảng viên không dám nói thẳng, nói thật, mà vị nể, sợ va chạm... Và người được đóng góp sẽ sửa chữa như thế nào trước những ý kiến của tập thể? Khi hội tụ đủ điều kiện cần và đủ, chắc rằng xây dựng Đảng vững mạnh là việc không khó.

Phản hồi (1)

Hoàng Kim 17/08/2012

Đọc 2 bài của 2 tác giả Trung Hiếu và Tô Nài Não, tôi thấy thật băn khoăn: Tác giả Trung Hiếu đưa ra giải pháp để có nhiều ý kiến thì nên dùng hình thức "thùng phiếu", tôi hiểu như là "bỏ phiếu (góp ý) kín". Nhưng tự phê bình và phê bình trong Đảng phải đảm bảo tính công khai, nếu "góp ý kín" như thế, phải chăng sẽ giống "thư nặc danh"? Tác giả Tô Nài Não sao lại đặt ra một số câu hỏi, như "để tự phê bình và phê bình sao cho thực chất, có hiệu quả, không qua loa, đại khái, tránh được hiện tượng nể nang, né tránh,... thì cách làm khi tiến hành hoạt động này phải như thế nào...?", hay "người được đóng góp sẽ sửa chữa như thế nào trước những ý kiến của tập thể?" ? ai sẽ giúp trả lời đây? Tác giả muốn đảng viên phải nói thẳng, nói thật, nhưng không nói thẳng ra giải pháp để tự phê bình và phê bình thẳng, thật và công khai, e là chưa đủ. Tôi biết, trong Đảng ta, không phải ai cũng "cắn bút" vì sợ ..., không phải ai cũng "vị nể, sợ va chạm" mà không phê bình thẳng, thật và công khai. Mỗi con người đều có điểm hay, điều dở, nếu trong phê bình, chúng ta biết ghi nhận, đánh giá đúng điều hay, thì lúc chỉ ra điều dở, sẽ bớt đi nỗi "sợ"! Bạn hãy thử xem!

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất