Tạp chí Xây dựng Đảng in số 4-2022 có nội dung trọng tâm về bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay; 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2022); Giỗ Tổ Hùng Vương; 152 năm Ngày sinh V.I.Lê-nin (22-4-1870 - 22-4-2022)…, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Mở đầu cuốn tạp chí là trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về bảo vệ chính trị nội bộ giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng của Bác Hồ về bảo vệ chính trị nội bộ: Đảng ta là một tập thể lớn, tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí. Mỗi đảng viên phải bảo vệ Đảng và mọi chủ trương, chính sách của Đảng.
Tiếp theo là chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm, mở đầu chuyên mục là bài viết “Xây dựng Đảng về chính trị trong giai đoạn hiện nay” của PGS, TSKH. Phan Xuân Sơn. Trong bài viết, tác giả đã làm rõ khái niệm xây dựng Đảng về chính trị. Đây là căn cứ chủ yếu nhận diện tính chính đáng, bản chất chính trị của Đảng, căn cứ hàng đầu để xác định vai trò của Đảng trong đời sống chính trị. Trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền, vai trò cầm quyền và xây dựng năng lực cầm quyền của Đảng hiện đang trở thành nội dung chính, căn bản của xây dựng Đảng về chính trị.
Cũng trong chuyên mục này, nhân kỷ niệm 152 năm Ngày sinh V.I.Lê-nin (22-4-1870 - 22-4-2022), Tạp chí gửi đến độc giả bài viết “Quyền lực và kiểm soát quyền lực” của tác giả Trần Xuân Đỉnh. Từ việc bàn về vấn đề kiểm soát quyền lực của Đảng và Nhà nước trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, người viết đưa ra 4 giải pháp mà Lê-nin đề xuất, đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, nóng bỏng tính thời sự, giúp Đảng và Nhà nước ta khắc phục khuyết điểm, hạn chế mà Báo cáo công tác xây dựng Đảng của BCH Trung ương khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng đã nêu.
Tiếp theo là bài viết “Những điểm mới trong Quy định những điều đảng viên không được làm” của tác giả Diệp Chi. Tác giả đi phân tích, làm sáng tỏ những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn công tác xây dựng Đảng cùng với tình hình mới trong nước và quốc tế, là cơ sở để Trung ương kịp thời ban hành Quy định số 37-QĐ/TW thay thế Quy định số 47-QĐ/TW. Trong bài viết, tác giả đã làm rõ những điểm mới trong Quy định số 37-QĐ/TW so với Quy định số 47-QĐ/TW.
Cùng chuyên mục có bài viết “Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương với công tác bảo vệ chính trị nội bộ” của tác giả Mai Anh. Tác giả làm rõ những kết quả và hạn chế trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương thời gian qua, từ đó đưa ra các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để khắc phục tồn tại, góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bài viết “Điều động, bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương ở Quảng Ninh” của tác giả Lưu Ly khẳng định Quảng Ninh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước với tỷ lệ 100% bí thư cấp huyện, 85% cấp xã không là người địa phương, tạo được luồng sinh khí mới ở cơ sở, giúp duy trì ổn định, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là trong việc xây dựng và củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Bài viết “Lâm Đồng: 5 giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng” của tác giả Nguyễn Trọng Ánh Đông (Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng) phản ánh việc Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ động đổi mới trong tổ chức thực hiện, giúp cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến rõ nét, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Cũng trong chuyên mục này có bài viết “Công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước ở vùng Đông Nam Bộ” của TS. Nguyễn Thị Trâm - TS. Vũ Trung Kiên (Học viện Chính trị khu vực II). Đông Nam Bộ là khu vực có hoạt động kinh tế sôi động nhất cả nước với 55.850 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước nhưng mới chỉ có 2.886 tổ chức đảng với trên 38 nghìn đảng viên. Từ thực trạng, tác giả đã đi sâu làm rõ những khó khăn, hạn chế, từ đó đưa ra 5 giải pháp để làm tốt công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước ở khu vực này.
Chuyên mục cũng đăng bài viết “Kinh nghiệm xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên ở Đồng Tháp” của tác giả Trần Lê Sơn Tra (Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp). Những năm qua, Tỉnh ủy Đồng Tháp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đẩy mạnh công tác xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đảng viên. Cách làm của Đồng Tháp là tập trung củng cố, kiện toàn các loại hình TCCSĐ; quan tâm xây dựng đội ngũ bí thư cấp ủy, cấp ủy viên và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.
Chuyên mục Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng số này có bài viết “Nâng cao năng lực chủ trì cho đội ngũ chính trị viên đại đội” của Thượng tá, TS. Phùng Mạnh Cường (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng). Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 26-NQ/TW, Quân ủy Trung ương đã có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể hóa xây dựng đội ngũ cán bộ trong Quân đội, trong đó có đội ngũ chính trị viên đại đội về phẩm chất, trí tuệ và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Từ thực trạng, hạn chế, tác giả đã đưa ra 4 giải pháp để nâng cao năng lực chủ trì về chính trị cho đội ngũ chính trị viên đại đội ở đơn vị cơ sở.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi số này đăng kỳ 1: “Hồ Chí Minh đặt nền móng xây dựng nhà nước dân chủ và pháp quyền của Việt Nam” trong loạt bài “Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân trong sạch, vững mạnh” của PGS. Trần Đình Huỳnh và TS. Nguyễn Thị Tố Uyên. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Trong kỳ 1 này, các tác giả đi sâu làm rõ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xây dựng theo 3 quy chuẩn sau: Nhà nước quản lý bằng pháp luật; tổng tuyển cử để có một nhà nước theo hình thức chính thể dân chủ cộng hòa phù hợp với thông lệ quốc tế; giải quyết rõ ràng, minh bạch các vấn đề cơ bản và quan trọng nhất của nhà nước.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này có bài viết “Vai trò của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp” của tác giả Nguyễn Đức Hòa (Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Công thương tại TP. Hồ Chí Minh). Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, vai trò của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp rất quan trọng, giúp định hướng tư tưởng chính trị cho doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển. Những năm qua, Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Công thương tại TP. Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố, phát huy vai trò của TCCSĐ trong doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và đóng góp vào thành tựu chung của Thành phố bằng cách đổi mới phương thức lãnh đạo phù hợp với tình hình thực tiễn; chú trọng công tác phát triển đảng viên và duy trì nghiêm túc chế độ sinh hoạt.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống kỳ này có bài viết “Quân đoàn 3: Tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên” của đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 3. Tiền thân là các đơn vị chủ lực của mặt trận Tây Nguyên, trải qua 47 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nhiệm vụ trung tâm của Quân đoàn 3 lúc này là xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng. Binh đoàn đã viết tiếp trang sử mới, xây chắc thế trận lòng dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh kỳ này đăng bài viết “Những người dệt gấm, thêu hoa cho đất nước” của tác giả Bảo Yến viết về Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với vai trò là cầu nối đã tập hợp, đoàn kết phụ nữ trên khắp mọi miền đất nước, cùng nhau nỗ lực luyện rèn, học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy xây dựng gia đình hạnh phúc, đóng góp cho xã hội và công cuộc phát triển đất nước hôm nay.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức kỳ này có bài viết “Trọng trách của cơ quan tổ chức cấp ủy trong công tác luân chuyển cán bộ” của tác giả Bùi Văn Tiếng (nguyên Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Từ những ví dụ thực tế của công tác luân chuyển cán bộ của Đà Nẵng, tác giả đã đi sâu phân tích làm rõ hai khái niệm luân chuyển và điều động cũng như những thao tác trong “kịch bản” luân chuyển, trong đó cơ quan tổ chức cấp ủy cần phải tính đến việc trả lời rõ 3 câu hỏi: Luân chuyển ở đâu, vào lúc nào và trong bao lâu?
Chuyên mục Ý kiến đảng viên số này có bài “Danh dự đảng viên” của tác giả Tuấn Minh luận bàn chung quanh việc Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương tổ chức Kỳ họp thứ 7 để xem xét thi hành kỷ luật đối với BTV Đảng ủy Học viện Quân y và 12 quân nhân vi phạm liên quan đến vụ Công ty Việt Á “thổi” giá bộ kit xét nghiệm COVID-19.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt kỳ này có bài “Nữ đảng viên 8x với hành trình chinh phục “vàng mềm” made in Việt Nam” của tác giả Ngô Khiêm kể về nữ đảng viên Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc, một trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021”, một trong số không nhiều người nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo được ví như “vàng mềm” ở nước ta.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng kỳ này có bài “Nếu chúng ta không cháy lên” của nhà văn Ma Văn Kháng. Từ việc trốn vé xe buýt của một cá nhân nhưng toàn bộ hành khách trên chuyến xe không hề lên tiếng vạch mặt, chỉ tên kẻ trốn vé, sâu xa hơn, nhà văn bàn đến cái thói tật thấy sai không dám đấu tranh, thấy đúng không dám bảo vệ trong sinh hoạt đảng cũng như đời sống hằng ngày của con người. Đây là một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), là hiện tượng khá phổ biến trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cần phải đấu tranh, ngăn chặn, loại bỏ.
Thông tin công tác xây dựng Đảng kỳ này cung cấp cho bạn đọc 2 thông tin: “Quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 58-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” và Quy định số 57-QĐ/TW của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị”; “Hội nghị lần thứ hai Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế” (P.V).
Chuyên mục Quốc tế kỳ này gửi tới bạn đọc bài viết “Chiến lược bảo đảm an ninh thông tin quốc gia của một số nước” của tác giả Ngọc Anh. Trong kỷ nguyên số, vấn đề an ninh thông tin đang trở thành một bộ phận quan trọng của an ninh quốc gia. Hiện nay những thách thức đến từ an ninh phi truyền thống đang là mối đe dọa lớn và ngày càng gia tăng đối với sự ổn định, phát triển, tồn vong của mỗi quốc gia, dân tộc. Để đối phó với vấn đề này, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng chiến lược dài hạn nhằm bảo đảm an ninh thông tin, đặc biệt đối với các vấn đề liên quan đến dữ liệu quốc gia và ngăn chặn sự tấn công của các thế lực bên ngoài. Bài viết đã nghiên cứu vấn đề này ở các quốc gia như Trung Quốc, Xin-ga-po, I-xra-en, Hoa Kỳ, Nga, từ đó rút ra những kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi của bạn đọc về tổ chức bộ máy, biên chế, cơ sở đảng, đảng viên, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và chính sách cán bộ…
Đọc tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 4-2022, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng Đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tòa soạn qua số điện thoại: 080.45356.
Xây dựng Đảng