Mục tiêu thay đổi cách người Việt dùng tiền
Cuộc trao đổi với CEO Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh diễn ra ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm các lãi suất điều hành lần đầu tiên kể từ tháng 7-2017. Bên ngoài, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đã giảm lãi suất, cùng các chính sách nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế…
Giảm lãi suất là chưa đủ, cần giảm chi phí để cộng hưởng hai chiềuThưa ông, ông đón nhận quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước như thế nào?
Có thể hiểu nôm na về vòng quay kinh tế thế này: Để phát triển nền kinh tế chúng ta phải đầu tư, và để đầu tư được, lãi suất phải thấp đủ để có khả năng sinh lời cho kinh doanh, từ đó mới phát triển lên.
Hiện giờ, mọi người thấy, lãi suất huy động vẫn cao. Phải làm thế nào để giảm lãi suất huy động thì lúc đó lãi suất đầu ra mới giảm. Vòng quay này hiện vẫn chưa tích cực cho lắm, nên quyết định của Ngân hàng Nhà nước là để đẩy vòng quay nhanh hơn. Có nghĩa, ngân hàng cần hỗ trợ ở cả hai chiều, vừa giảm lãi suất cho vay cùng với giảm thiểu chi phí tài chính hoạt động mà người dân và doanh nghiệp dùng thường ngày.
Còn cụ thể ở Techcombank, chúng tôi đang tập trung vào việc giảm lãi suất đầu ra cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là những ngành ưu tiên của Chính phủ để giúp những doanh nghiệp này chạy tốt hơn. Khi mình giảm lãi suất như vậy cũng có nghĩa mình phải chuyển tiền lời từ ngân hàng, chia sẻ dòng tiền đó. Đó là một góc cạnh, và góc cạnh khác là chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Techcombank đã chủ động thực hiện chính sách miễn phí giao dịch chuyển khoản điện tử (E-Banking 0 đồng) trong ba năm qua, bắt đầu từ tháng 9-2016. Ước tính đến cuối quý 1-2019, Techcombank đã “miễn” hơn 600 tỷ đồng tiền phí chuyển khoản giao dịch điện tử cho khách hàng.
Và hiện tại, rất tự hào, là nhiều ngân hàng khác cũng đang thực hiện tương tự. Như vậy, các ngân hàng đang cùng đẩy vòng quay tích cực giảm chi phí hoạt động cho khách hàng, cho doanh nghiệp khi giao dịch điện tử. Mà khi có nhiều ngân hàng khác đã làm theo, đây là một nguồn chi phí được chia sẻ rất lớn.
Giảm lãi suất đầu ra và miễn phí nhiều loại phí giao dịch, như ông nói, là cách để ngân hàng chia sẻ lợi nhuận. Cách làm đó, với Techcombank, có chịu áp lực lớn không khi mà bối cảnh thế giới nhiều biến động như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, và hàng loạt ngân hàng trung ương phải giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế…?
Thật ra riêng về Techcombank thôi thì không bị ảnh hưởng nhiều, bởi những chuyện đó chúng tôi đều đã hoạch định trước trong kế hoạch.
Còn nhìn ra bên ngoài, như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bây giờ, đâu đó, nó có gây ảnh hưởng khá lớn ở Mỹ, cũng như ảnh hưởng khá lớn ở Trung Quốc. Hai bên “cùng chiến” thì ít nhiều cả hai cũng đều bị thương, cho nên nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc theo tôi đang suy giảm.
Vậy nên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mới bắt đầu giảm lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng giảm, và đâu đó lãi suất bắt đầu xuống Zero và xuống âm rồi. Bản chất là giảm lãi suất cho ngân hàng để ngân hàng giảm lãi suất cho doanh nghiệp, mục đích vẫn là để thúc đẩy nền kinh tế. Đó như là một liều thuốc kích thích “tiêm” vào nền kinh tế, có thêm lực để chạy.
Bây giờ trong bối cảnh đó, Techcombank có bị ảnh hưởng gì hay không? Techcombank và riêng các ngành giao dịch xuất khẩu nhập khẩu ra nước ngoài của Việt Nam hiện giờ không bị ảnh hưởng lắm. Có chăng, là tỷ giá đang nằm trong tầm chú ý thôi. So với biến động tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ với đồng USD, hay đồng Euro với đồng USD, thì tiền Việt Nam từ đầu năm đến giờ vẫn đang giữ mức độ quân bình không giảm hay tăng, không dao động lớn. Techcombank cũng đã làm việc với doanh nghiệp xuất nhập khẩu để bảo đảm tỷ giá an toàn, giảm thiểu rủi ro. Đó là chuyện ngân hàng làm khá tốt.
Với Techcombank, chúng tôi tập trung nhiều vào người tiêu dùng trong nước, vào sáu lĩnh vực kinh tế trọng tâm nhằm tập trung giải quyết những nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế trong nước vẫn ở mức ấn tượng, do đó Techcombank không bị ảnh hưởng nhiều lắm về những biến động của nền kinh tế bên ngoài.
Nếu không có giai đoạn chùng xuống 2011-2015, không có thành công chuyển đổi từ 2016 đến nay. Có nên dự đoán Techcombank sẽ tiếp tục nối dài chuỗi kỷ lục các quý tăng trưởng liên tiếp trong kết quả kinh doanh các quý cuối năm, thưa ông?
Thường nói trước thì bước không qua (cười). Nhưng tôi có thể khẳng định rằng so với kế hoạch đã trình xin ý kiến và được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 4-2019, thì những kết quả đến nay đều khả quan hơn.
Techcombank đã có giai đoạn chuyển đổi từ 2016 đến nay rất ấn tượng, nhưng có lẽ vẫn cần phải nhìn lại quãng thời gian chùng xuống của những năm 2012 – 2015.
Nếu nhìn lại giai đoạn 2012 - 2015, cần lưu ý khi đó ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, khủng hoảng tài chính thế giới rất là mạnh. Thậm chí, có thể ví von sự tác động của nó như sóng thần, san bằng nhiều trung tâm kinh tế thế giới. Rất nhiều ngân hàng quốc tế lớn gần đây vẫn chật vật chưa thoát khỏi “bóng ma” đó.
Và Việt Nam cũng chịu sức tàn phá khá mạnh của khủng hoảng này, khiến nhiều định chế tài chính trong nước, trong đó có Techcombank, bị dao động rất lớn, nhất là chịu nợ xấu trong nền kinh tế. Dù đã rất nỗ lực, song một vài món nợ xấu từ giai đoạn này hiện chúng tôi vẫn đang phải xử lý. Như thế để thấy, âm vang ảnh hưởng đó vẫn còn dội đâu đó trong căn phòng cũ, lâu lâu mở cửa ra vẫn bị vọng về.
Trải qua giai đoạn đó, rồi cổ đông chiến lược HSBC vì lý do chủ quan của họ phải thoái vốn, Techcombank bắt đầu làm việc với McKinsey, tiếp tục thay đổi cơ cấu tổ chức bên trong để tiến lên và thực hiện chuyển đổi 2016 - 2020.
Nói chung, để thành công được như ngày hôm nay, Techcombank phải sửa rất nhiều các vấn đề phát sinh từ 2011 đến 2015. Nếu Techcombank không chùng xuống để điều chỉnh trong khoảng thời gian đó, chúng tôi sẽ không đạt được những thành công từ 2016 đến hôm nay. Nền tảng chuyển đổi đã được đặt từ lúc đó.
Hay nói một cách khác, nếu Techcombank không chỉnh sửa văn hóa tổ chức, không chỉnh sửa những quy trình quy định bên trong, không hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa công việc, thì thành công của chuyển đổi 2016 đến 2020 không xảy ra.
Bài học rất lớn từ giai đoạn này đó là: khi có khủng hoảng thì đó cũng là thời cơ tốt nhất để thay đổi. Bởi tâm lý là hiếm ai chùng xuống, hay dừng chân nhìn lại để thay đổi khi mọi sự đang tốt đẹp.
Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh.
Những giá trị tự hào và mục tiêu thay đổi cách người Việt dùng tiền?Nhìn lại quá trình chuyển đổi và giai đoạn phải “sửa nhiều thứ” cho đến nay, đâu là những điều ông tự hào nhất?Điểm khẳng định và tự hào đầu tiên là Techcombank đã định vị thương hiệu tốt trên thị trường. Chúng tôi đã khởi xướng tinh thần cùng nhau vượt trội hơn mỗi ngày đến cộng đồng, lan tỏa phong trào dẫn dắt lối sống lành mạnh như giải Marathon quốc tế TP. Hồ Chí Minh Techcombank mà năm 2020 sẽ được mở rộng tại Hà Nội; giải thể thao Ironman… Tôi rất tự hào khi giờ đây, gần như tuần nào cũng có một giải chạy được ngân hàng hoặc doanh nghiệp nào đó phát động để mang lại lợi ích rèn luyện sức khỏe cho người dân.
Với khách hàng, trong rất nhiều sản phẩm và dịch vụ, nhiều chính sách đồng hành, Techcombank tự hào đem lại hành trình trải nghiệm và những giá trị lớn cho khách hàng. Sau các chương trình hỗ trợ, gắn chặt với lợi ích của khách hàng, số lượng giao dịch tại Techcombank, chỉ tính riêng khách hàng cá nhân, đã tăng tới 20 lần sau hơn 3 năm qua, tức khách hàng đã thay đổi rất lớn cách thức dùng tiền. Và chính những thành công của Techcombank với E-Banking 0 đồng đã thu hút nhiều ngân hàng khác đi theo, tạo hiệu ứng giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Để đáp ứng và xử lý tốt nhu cầu và lượng giao dịch tăng đến như vậy, tất nhiên Techcombank phải mạnh về nền tảng, đi đầu về công nghệ và tiện ích. Đó cũng là điểm làm được của Techcombank. Đến nay nhìn lại, điều mà Techcombank tự hào nhất là những chính sách và chiến lược của mình đã góp phần thay đổi được giải pháp tài chính, chi phí tài chính của khách hàng, qua đó góp phần thay đổi cách người Việt dùng tiền.
Techcombank đứng ở vị trí thứ 7 về tổng tài sản; thứ 6 về tổng doanh thu, song về lợi nhuận đứng ở vị trí thứ 2 chỉ sau Vietcombank.
Và nói gì thì nói, thành công phải dựa trên kết quả kinh doanh. Techcombank tự hào về hiệu quả hoạt động. Hiện, Techcombank đứng ở vị trí thứ 7 về tổng tài sản; thứ 6 về tổng doanh thu, song về lợi nhuận đứng ở vị trí thứ 2 chỉ sau Vietcombank, và đứng đầu trong hệ thống ngân hàng về hiệu quả trên tổng tài sản (ROA). Như vậy, mục tiêu đứng số 1 về hiệu quả đã về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch đề ra cho giai đoạn chuyển đổi 2016 - 2020.
Còn với riêng ngân hàng, tôi tự hào khi Techcombank được nhìn nhận như “trung tâm đào tạo nhân lực cao” cho ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam. Tôi biết, các công ty rất thích tuyển người từ Techcombank sang và sẵn sàng trả lương rất cao, vì đây là những nhân lực không chỉ có tố chất vượt trội, mà còn có năng lực nền tảng xuất sắc. Rất nhiều người cũ của Techcombank hiện nắm giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp khác.
Nhưng chẳng phải đó là hiện tượng “chảy máu chất xám” sao, thưa ông?
Thực ra, với tôi, điều đó lại mang ý nghĩa tích cực vì chúng tôi đang tiếp tục dẫn dắt và lan tỏa những giá trị của Techcombank đến với các doanh nghiệp khác, và mở rộng danh sách đối tác. Về nguồn lực nhân sự, Techcombank chưa bao giờ thiếu người tài giỏi, vì ngân hàng luôn chú trọng xây dựng và phát triển nhân sự để đào tạo lực lượng “măng mọc” kế tiếp. Song song, Techcombank luôn chủ động tìm kiếm và mời nhân sự giỏi khắp nơi trên thế giới về làm việc với mình để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.
Và chính những nhân sự này sẽ giúp Techcombank đạt được chiến lược phía trước là kết nối và mở rộng hơn nữa tương tác hiệu quả với khách hàng, khi mà vẫn còn đâu đó tới 2/3 người dân chưa dùng sản phẩm ngân hàng. Có nghĩa, mục tiêu sắp tới của chúng tôi là làm sao đem ngân hàng đến với 2/3 dân số này, chứ không phải bắt họ đến với mình.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
PV