Năm 2013 khép lại với những dấu ấn quan trọng của ngoại giao nước nhà, mở ra nhiều cơ hội mới trong muôn vàn thách thức giữa một thế giới biến động nhanh, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo nhưng tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, bất ngờ. Xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, khủng bố, lật đổ, ly khai vẫn còn tiếp diễn. Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ nét. Các nước lớn vừa hợp tác vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau, trọng điểm là khu vực châu á - Thái Bình Dương. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, khủng hoảng tài chính, nợ công lớn, cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn tại khu vực, tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội nước ta.
Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập quốc tế, kiên trì nguyên tắc dĩ bất biến, ứng vạn biến - lợi ích dân tộc là cao nhất - vừa hợp tác vừa đấu tranh, ngoại giao nước ta là điểm sáng góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định thuận lợi cho phát triển đất nước. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Đảng và Nhà nước.
Điểm sáng thể hiện ở công tác đối ngoại của Đảng cùng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân kết hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trên mặt trận ngoại giao.
Tăng cường quan hệ đối ngoại của Đảng trong tình hình mới, công tác đối ngoại được thúc đẩy vừa đi vào chiều sâu, vừa phát triển mở rộng, củng cố nền tảng chính trị cho quan hệ nhà nước, quan hệ nhân dân, vừa tạo thế chủ động trong quan hệ quốc tế, phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới. Đảng ta hiện có quan hệ ngoại giao với hơn 200 chính đảng ở 114 nước. Trong đó, hơn 100 đảng cộng sản (ĐCS), công nhân, gần 50 đảng cầm quyền và gần 80 đảng đang tham gia quốc hội hoặc nghị viện. Cùng với củng cố, tăng cường chiều sâu trong quan hệ với các đối tác truyền thống là các ĐCS, công nhân, các đảng cánh tả, Đảng ta tích cực chủ động thiết lập quan hệ với các đảng cầm quyền, các đảng tham chính tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Quan hệ quốc tế của Đảng ta đã và đang được mở rộng và làm sâu sắc trên cả bình diện song phương và đa phương. Trong quan hệ song phương, Đảng ta chú trọng chiều sâu và tính thiết thực. Theo đó, tăng cường trao đổi lý luận, kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo, quản lý, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mở rộng hợp tác với nhiều đảng. Thường xuyên nhất là với ĐCS Trung Quốc, Đảng NDCM Lào, ĐCS Cu-ba, Đảng Nhân dân Căm-pu-chia, ĐCS Nhật Bản. Đảng ta tiến hành các cuộc trao đổi lý luận, đối thoại chính trị với ĐCS Pháp, Đảng Xã hội Dân chủ Đức... Đồng thời, thực hiện chương trình hợp tác với các đảng cầm quyền ở những nước có nền kinh tế, hành chính phát triển như Đức, Xin-ga-po, ấn Độ về trao đổi kinh nghiệm, đào tạo cán bộ. Trên bình diện đa phương, Đảng ta chủ động, tích cực hoạt động, có những đóng góp thiết thực về lý luận và kinh nghiệm thực tiễn tại các diễn đàn của các ĐCS, công nhân, cánh tả và các đảng ở khu vực: Cuộc gặp quốc tế các ĐCS và công nhân (IMCWP), Hội thảo quốc tế các ĐCS (ICS), Diễn đàn Sao Paulo (SPF), Hội thảo quốc tế “Các đảng chính trị và một xã hội mới”, Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu á (ICAPP)... Tháng 4-2013, Đảng ta lần đầu tiên đăng cai và tổ chức thành công hội nghị ICAPP. Chủ động tham gia và có những đóng góp quan trọng, được các các đảng trong khu vực châu á tín nhiệm, đánh giá cao, Đảng ta liên tục được bầu là thành viên ủy ban thường trực ICAPP. Việc tích cực, chủ động tham gia các diễn đàn đa phương đã tạo điều kiện để Đảng ta trực tiếp góp phần vào việc giải quyết những vấn đề của quốc tế và khu vực, nhận thức sâu sắc hơn về tình hình và các vấn đề quốc tế, đồng thời qua đó nâng cao uy tín của Đảng.
Điểm sáng thể hiện ở hoạt động đối ngoại của Đảng đã tạo nền tảng chính trị vững chắc để thúc đẩy quan hệ về mặt nhà nước, mở rộng quan hệ đối ngoại nhân dân, tranh thủ hiệu quả sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc đổi mới của nước ta.
Hoạt động đối ngoại của Đảng đóng góp rất quan trọng vào thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao của Nhà nước. Ngoại giao nước ta đã được triển khai tích cực, đưa quan hệ với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, ổn định và lần đầu tiên xác lập khuôn khổ quan hệ với toàn bộ các đối tác quan trọng. Chỉ riêng trong năm 2013, Việt Nam thiết lập thêm 5 quan hệ đối tác chiến lược và 2 quan hệ đối tác toàn diện. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập được 13 quan hệ đối tác chiến lược và 11 quan hệ đối tác toàn diện, trong đó có 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, những đối tác quan trọng trên thế giới như Nhật Bản, ấn Độ, Đức, Hàn Quốc, những nước nòng cốt trong ASEAN như In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan. Quan hệ với các nước bạn bè truyền thống ở khu vực châu Phi, Mỹ - La tinh tiếp tục được củng cố và mở rộng. Năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam đưa ra khái niệm “lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng” được thế giới đồng tình, ủng hộ. Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác, là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành.
Điểm sáng thể hiện ở việc triển khai mạnh mẽ chủ trương hội nhập quốc tế, chuyển từ tham gia sang chủ động, tích cực đề xuất sáng kiến và đóng góp thực chất với trách nhiệm cao trong các vấn đề an ninh, phát triển chung của khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Là một thành viên có trách nhiệm, Việt Nam góp phần đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN, tích cực củng cố đoàn kết và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực, thúc đẩy thực hiện DOC và tham vấn giữa ASEAN - Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC). Việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc với số phiếu cao nhất, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), lần đầu tiên được bầu vào ủy ban liên chính phủ của Công ước 1972 về di sản thế giới của Tổ chức UNESCO, đại diện nước ta giữ cương vị quan trọng tại một số tổ chức đa phương như Tổng thư ký ASEAN đã nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên thế giới. Việt Nam đang từng bước xây dựng kế hoạch tổng thể cho việc đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017, ứng cử vào ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Điểm sáng thể hiện khi kinh tế trong nước đối mặt với nhiều thách thức thì kinh tế đối ngoại vẫn duy trì được chiều hướng đi lên, hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.
Kim ngạch xuất khẩu nước ta trong năm qua luôn gia tăng với 2 con số, nhập siêu giảm, thu hút FDI tiếp tục tăng trưởng, tranh thủ ODA được duy trì... Sau khi gia nhập WTO, nước ta tiếp tục đi sâu vào quá trình hội nhập với việc đàm phán nhằm hình thành các Hiệp định thương mại tự do mới, nổi lên là Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); FTA với EU, Hàn Quốc; Liên minh thuế quan Nga - Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan... Chủ động nghiên cứu, dự báo các xu hướng phát triển lớn và kinh nghiệm của các nước để góp phần tham mưu cho Chính phủ trong điều hành và ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế. Việt Nam đẩy mạnh công tác vận động chính trị - ngoại giao, tạo thuận lợi cho quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) then chốt và công nhận quy chế kinh tế thị trường. Trong hai năm qua, Việt Nam đã vận động thêm được 14 quốc gia, nâng tổng số nước công nhận quy chế kinh tế thị trường nước ta lên 43, trong đó có 8 nước G-20. Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán 6 hiệp định khu vực mậu dịch tự do với các đối tác quan trọng trong các khuôn khổ đa phương và song phương, trong đó có các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)... Hợp tác kinh tế sâu giúp tạo sức ép bên ngoài cần thiết cho quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình phát triển, mô hình tăng trưởng kinh tế mà Đảng và Nhà nước ta theo đuổi. Bên cạnh hợp tác, Việt Nam kịp thời đấu tranh với các hành vi bảo hộ, phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại, góp phần bảo vệ nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta trong các vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp xuất khẩu. Ngoại giao văn hóa góp phần tích cực tuyên truyền, quảng bá, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên thế giới, vận động UNESCO công nhận nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam là di sản văn hóa thế giới.
Kiên định lập trường nguyên tắc, đồng thời mềm dẻo, linh hoạt về sách lược, ngoại giao Việt Nam tranh thủ được thời cơ, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiếp tục đưa các mối quan hệ Việt Nam với thế giới đi vào chiều sâu, góp phần chủ động bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Giữ vững môi trường hoà bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi, sự đồng tình, ủng hộ và hậu thuẫn chính trị thế giới rộng rãi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Song song với việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam chủ động ngăn ngừa, giảm thiểu các tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập. Đồng thời, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực và quốc tế.