Ngày 21-9-2013 tròn 40 năm Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, 40 năm là khoảng thời gian ngắn ngủi trong lịch sử quan hệ hữu nghị hai nước vì từ hơn 400 năm trước, tại bến cảng Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam hiện nay của Việt Nam, các thương gia Nhật Bản đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên khu phố Nhật Bản đánh dấu sự giao thương phát đạt giữa hai dân tộc. Ngày nay, những dấu tích lịch sử vẫn luôn được trân trọng gìn giữ ở Việt Nam và Nhật Bản.
Theo dòng chảy lịch sử, 40 năm qua, tình hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản đã được củng cố, có bước phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Từ thời điểm ký kết thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (21-9-1973) đến Tuyên bố chung về "Quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á" (2009) là một bước tiến dài, thể hiện mức độ tin tưởng, gắn kết và tầm quan trọng của hai nước, hai dân tộc. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã có nhiều chuyến thăm với nhiều ký kết quan trọng. Tháng 1 năm 2013, sau khi đắc cử, Thủ tướng S. A-bê chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên và cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức khởi động Năm Hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản.
Hợp tác giữ hai nước đã phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, ngày càng thiết thực, hiệu quả. Trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Tháng 10-2011, Nhật Bản là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Ðến nay, Nhật Bản là nhà đầu tư số một tại Việt Nam (cả về tổng vốn đầu tư và vốn đã giải ngân), là đối tác thương mại lớn thứ ba của nước ta. Hai nước phấn đấu tăng gấp hai lần kim ngạch thương mại song phương vào năm 2020, từ mức 21,181 tỷ USD năm 2011. Mặc dù có nhiều khó khăn của kinh tế trong nước, Nhật Bản vẫn là nhà cung cấp ODA lớn nhất giúp Việt Nam. ODA của Nhật Bản chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cả quốc tế đối với Việt Nam. Từ năm 1992 đến năm 2011, Nhật Bản đã cam kết gần 20 tỷ USD vốn vay ODA giúp Việt Nam. Mặc dù phải tập trung giải quyết những khó khăn kinh tế trong nước, giải quyết hậu quả trận động đất, sóng thần, Nhật Bản vẫn dành cho Việt Nam khoản ODA vốn vay tương đương 2,8 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay. Tính từ đầu năm 2013 đến 28-8, Nhật Bản là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 4,35 tỷ USD. Trong đó, số dự án cấp mới là 190 dự án. Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác như đầu tư, khoa học, công nghệ, lao động, du lịch, giáo dục - đào tạo, văn hóa thông tin... ngày càng thu được những thành quả thiết thực.
Trong những năm qua, Việt Nam và Nhật Bản hợp tác tốt tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, WTO, APEC, ASEM, hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS), ASEAN+3...; tích cực tham gia nỗ lực chung đối phó những thách thức và các mối đe dọa mới, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Đồng thời, Việt Nam-Nhật Bản luôn khẳng định hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, hoan nghênh việc thông qua Quy tắc Hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các Bên tại Biển Đông (DOC), thực hiện đầy đủ DOC và sớm xây dựng một Bộ quy tắc Ứng xử (COC), phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành. Việt Nam-Nhật Bản cho rằng tự do hàng hải, giao thương không bị cản trở, và tuân thủ luật pháp quốc tế hiện hành bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình là phù hợp với lợi ích của các nước trong toàn khu vực.
Không chỉ hợp tác ở tầm vĩ mô cấp trung ương, hợp tác giữa các địa phương hai nước những năm gần đây cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Hai bên tích cực hỗ trợ nhau trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi.
Trên cơ sở tin tưởng về chính trị, với quyết tâm và nỗ lực của hai nước, hai dân tộc, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Nhật Bản đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển toàn diện, sâu rộng trong mọi lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.
Nguyễn Thanh Sơn