Trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi bên nhau. Nhân dân Việt Nam có câu “Láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau” tương tự như cách nhân dân Lào gọi nhân dân Việt Nam là “Bản cạy hươn khiêng” (bản kề, nhà cạnh). Quan hệ Việt Nam - Lào là mối quan hệ nhân hòa, nảy sinh từ cộng đồng dân cư hai nước có nhiều lợi ích tương đồng, vận mệnh hai dân tộc gắn bó với nhau rất khăng khít và được phát triển thành quan hệ đặc biệt chưa từng có trong lịch sử quan hệ quốc tế.
Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào hình thành bắt nguồn từ vị trí địa - chiến lược của hai nước, từ bản chất nhân văn, nương tựa lẫn nhau của hai dân tộc có cùng lợi ích cơ bản về độc lập, tự chủ và nguyện vọng chính đáng thiết tha về hòa bình và phát triển. Quan hệ truyền thống hữu nghị Việt Nam - Lào được nâng lên thành quan hệ đặc biệt kể từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930 và sau đó (tháng 10 năm 1930), đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào sau này.
Bản chất của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, tình đoàn kết thủy chung và niềm tin về lòng chân thành mà hai dân tộc dành cho nhau; sự giúp đỡ đến mức cao nhất nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển tương lai của hai dân tộc. Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào không giống bất cứ mối quan hệ nào trong lịch sử thế giới đương đại, được xây đắp, nuôi dưỡng bằng công sức, của cải, xương máu của nhiều thế hệ cách mạng của hai dân tộc. Trải qua rất nhiều gian nan, thử thách khắc nghiệt, quan hệ đó vẫn vẹn nguyên, không hề bị rạn nứt và phá vỡ dù cho bất kỳ thế lực nào mạnh đến đâu cố tình chia rẽ.
Tính đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Lào được tạo dựng trên nền tảng quan điểm, nguyên tắc, phương pháp và cơ chế phù hợp với điều kiện cụ thể của hai Đảng, hai dân tộc Việt Nam - Lào. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được nuôi dưỡng, phát triển bằng quan điểm “Giúp bạn là tự giúp mình” do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn. Đây là quan điểm giàu ý nghĩa chính trị, nhân văn, xác định phương hướng xử lý hài hòa lợi ích của hai dân tộc, là vũ khí sắc bén chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi. Dựa trên luận điểm về quyền dân tộc tự quyết, các cơ quan lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Lào đã nhất trí tiến hành liên minh, hợp tác theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, tự chủ của Lào. Xuất phát từ sự tôn trọng quyền độc lập, tự chủ và tình nghĩa anh em, nhiệm vụ giúp đỡ nhau giữa hai dân tộc đã được tiến hành theo phương pháp giúp Bạn nâng cao năng lực để tự giải quyết các nhiệm vụ cách mạng của dân tộc mình, không áp đặt, rập khuôn. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào có sự nhanh nhạy, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chiến lược và cả những tình huống bất ngờ, do hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào áp dụng cơ chế điều hành linh hoạt các hoạt động liên minh, hợp tác trong đấu tranh chống xâm lược và hòa bình xây dựng đất nước.
Ngày nay, sau 25 năm đổi mới nhân dân Lào giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kiên trì đường lối đổi mới toàn diện và có nguyên tắc Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đang thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ 7 (2011-2015) trên tinh thần bốn “đột phá”: (1) tư duy (2) phát triển nguồn nhân lực (3) giải quyết hệ thống cơ chế, chế độ, cải cách thủ tục hành chính Nhà nước (4) xóa nghèo cho nhân dân và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để làm cho đời sống của nhân dân ngày càng tốt hơn, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nước chậm phát triển vào năm 2020. Trên tinh thần đột phá, nhân dân Lào thực hiện 7 phương hướng và nhiệm vụ chủ yếu, trong đó coi phát triển kinh tế là trung tâm, tập trung giải quyết xóa nghèo, đảm bảo an ninh về lương thực gắn liền với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, thực hiện chiến lược công nghiệp hóa và hiện đại hóa, bảo đảm ổn định chính trị và giữ vững trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác vì sự phát triển, tích cực hội nhập quốc tế. Củng cố xây dựng Đảng Nhân dân Cách mạng Lào vững mạnh và trong sạch, tăng cường năng lực cầm quyền của Đảng, coi đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định. Trong củng cố, xây dựng Đảng, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đặc biệt coi trọng công tác cán bộ. Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh giúp đỡ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho cách mạng Lào với một số lượng rất lớn, cả ngắn hạn và dài hạn, bằng nhiều hình thức với nhiều đối tượng và trình độ khác nhau: cao cấp, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ; sau khi tốt nghiệp trở về nước, các đồng chí đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong số đó có rất nhiều đồng chí trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ chủ chốt của Lào trên tất cả các lĩnh vực ở Trung ương và địa phương.
Việt Nam và Lào cùng nhau nỗ lực phấn đấu mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả của sự hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó đặc biệt coi trọng hợp tác về giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; phối hợp chặt chẽ trong việc phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các sản phẩm của Công trình "Lịch sử quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào" làm cho các tầng lớp nhân dân của hai nước và bạn bè quốc tế hiểu rõ về mối quan hệ đặc biệt, thủy chung, trong sáng Lào - Việt Nam. Tiếp tục hợp tác toàn diện, bền vững, xây dựng một số dự án kinh tế có vai trò kết nối nền kinh tế của hai nước với nền kinh tế của khu vực và quốc tế, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại của hai nước đến năm 2015 đạt 2 tỷ USD.
Mỗi cán bộ, đảng viên hai Đảng, mỗi người dân hai dân tộc nguyện làm hết sức mình để củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp, bền vững, lâu dài giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định:
“Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua
Việt-Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà,Cửu Long” .
Nguyễn Thanh Sơn