Ngày 1-8-1973 Việt Nam và Xin-ga-po chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. 40 năm qua, mối quan hệ hai nước ngày càng được củng cố và phát triển.
Dẫn dắt Xin-ga-po từ một xứ sở nghèo khổ - một quốc đảo nhỏ bé diện tích 714 km2, chỉ có khoảng 5 triệu dân, hầu như không có tài nguyên, thiếu cả nước sinh hoạt, phải nhập khẩu toàn bộ lương thực, thực phẩm-trở thành một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới là Đảng Hành động Nhân dân (People Action Party-PAP) với lãnh tụ Lý Quang Diệu. Đảng Hành động Nhân dân thành lập ngày 21-11-1954. Năm 1959, trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau khi Singapore được thực dân Anh cho hưởng chế độ bang tự trị, Đảng Hành động Nhân dân thắng lớn, được quyền tổ chức Chính phủ, Tổng Bí thư Đảng Lý Quang Diệu được Đảng cử làm Thủ tướng liên tục cho tới khi từ chức (tháng 11-1990). Tháng 8-1965, Xin-ga-po buộc tách ra khỏi Liên bang Ma-lai-xi-a thành một nước độc lập, suốt từ đó tới nay Đảng Hành động Nhân dân đều thắng tuyệt đối trong các kỳ tổng tuyển cử và do đó độc quyền lãnh đạo đất nước cho dù Xin-ga-po theo chế độ dân chủ đa đảng.
Mặc dù chịu tác động của suy thoái kinh tế thế giới, năm 2011, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Xin-ga-po vẫn đạt 314,2 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm 2010. Xin-ga-po coi trọng và cân bằng quan hệ với các nước, trong đó chú trọng hợp tác an ninh quốc phòng và đầu tư với Mỹ, tăng cường quan hệ đầu tư, thương mại với Trung Quốc và Nhật Bản, đồng thời ưu tiên quan hệ với các nước ASEAN. Xin-ga-po có tiếng nói và vai trò quan trọng tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Đời sống xã hội hài hòa ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp, chênh lệch giàu nghèo không lớn. Mức sống cao, toàn dân được hưởng những dịch vụ tốt hàng đầu về nhà ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, môi trường. Xin-ga-po đã có 80% hộ gia đình đều có nhà ở mua bằng tiền của mình. Các thành tựu về khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế, bảo vệ môi sinh vào hàng tiên tiến nhất châu Á. Xã hội Xin-ga-po có trình độ văn minh hàng đầu thế giới, sánh ngang các nước Bắc Âu đi trước cả thế kỷ: đứng thứ nhất thế giới về chỉ tiêu quốc gia liêm khiết (9,3 điểm), thứ nhì về chỉ tiêu năng lực cạnh tranh toàn cầu, thứ 26 về chỉ tiêu phát triển con người HDI (0,866 điểm thuộc nhóm HDI cao)… Lực lượng quân sự của Xin-ga-po mạnh, nhất là hải quân, toàn bộ đào tạo ở phương Tây.
Việt Nam và Xin-ga-po có quan hệ gần gũi, tin cậy. Cách đây hai năm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chọn Xin-ga-po là nước đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức. Tổng Bí thư Đỗ Mười và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Xin-ga-po. Trong khuôn khổ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước,trong chuyến thăm Xin-ga-po và dự Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều cuộc gặp làm việc rất thiết thực với các lãnh đạo của Xin-ga-po. Năm ngoái, Tổng thống Xin-ga-po Tony Tan Keng Yam đến thăm Việt Nam - nước đầu tiên sau khi nhậm chức Tổng thống. Lãnh đạo cao cấp của Xin-ga-po nhiều lần đến thăm Việt Nam.
Xin-ga-po là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Các dự án đầu tư của Xin-ga-po tại Việt Nam hoạt động có kết quả, trong đó Khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po (VSIP) là một biểu tượng về đầu tư của Xin-ga-po tại Việt Nam. Ngoài bốn khu VSIP tại Bình Dương, Bắc Ninh và Hải Phòng, hai bên thành lập khu VSIP thứ năm tại Quảng Ngãi. Kim ngạch thương mại giữa hai nước không ngừng tăng trong những năm gần đây. Năm 2011, kim ngạch thương mại song phương đạt 8,7 tỷ USD. Ðến nay, Xin-ga-po có hơn một nghìn dự án đầu tư tại nước ta, với tổng vốn khoảng 28 tỷ USD, đứng thứ năm trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, vốn đăng ký đầu tư từ Xin-ga-po vào Việt Nam đạt 3,4 tỷ USD. Hai nước triển khai hiệu quả Hiệp định khung về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Xin-ga-po ký tháng 12-2005 trên sáu lĩnh vực hợp tác, gồm tài chính, đầu tư, thương mại - dịch vụ, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông - công nghệ thông tin và giáo dục - đào tạo; nhất trí xem xét khả năng mở rộng sang các lĩnh vực khác. Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục - đào tạo, tư pháp, du lịch... đều được tăng cường. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long dự kiến tới Việt Nam vào tháng 9-2013, văn kiện về quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Xin-ga-po dự kiến được ký kết sẽ là cơ sở pháp lý và khuôn khổ hợp tác toàn diện nhất, định hướng cho các bộ ngành và địa phương hai nước mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Nguyễn Thanh Sơn